Hiệu quả của lệnh cấm đầu tư vào ngành công nghệ Trung Quốc của Tổng thống Biden bị đặt dấu hỏi
Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Joe Biden nhằm cấm một số khoản đầu tư vào ngành công nghệ của Trung Quốc đang thu hút nhiều phản ứng trái chiều từ các chuyên gia và nhà lập pháp.
Một số người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc tin rằng sắc lệnh này không giải quyết được các lỗ hổng nghiêm trọng trong quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trong khi những người khác ca ngợi sắc lệnh này như một hành động mang tính bước ngoặt trong việc chống lại một chế độ thù địch.
Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), Chủ tịch Ủy ban Đặc trách của Hạ viện về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nằm trong số những người có quan điểm cứng rắn.
Theo ông Gallagher, việc chính phủ Biden nhắm mục tiêu một cách hạn hẹp vào các lĩnh vực công nghệ then chốt sẽ không đủ để hạn chế khả năng của ĐCSTQ trong việc mở rộng hơn nữa tham vọng toàn trị của mình đối với trật tự toàn cầu bằng cái giá phải trả của Hoa Kỳ.
“Sắc lệnh hành pháp được chờ đợi từ lâu của Tổng thống Biden là một bước nhỏ đi đúng hướng, nhưng các kẽ hở đủ rộng để đưa hạm đội Hải quân [của ĐCSTQ] đi qua, và sắc lệnh này không giải quyết được dòng tiền thụ động của Hoa Kỳ chảy vào các công ty có liên kết với ĐCSTQ,” ông Gallagher nói trong một tuyên bố đã được chuẩn bị trước.
“Quốc hội cần phải đẩy mạnh hành động ngay bây giờ và bảo đảm rằng chúng ta ngừng tài trợ cho việc xây dựng quân đội, nhà nước giám sát kỹ trị toàn trị, và các hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ, bao gồm cả nạn diệt chủng đang diễn ra ở Tân Cương.”
Các CEO cho là quá cứng rắn, Quốc hội cho là quá mềm mỏng
Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Biden, được ký hôm 09/08, tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến “mối đe dọa bất thường và đặc biệt” gây ra bởi “các quốc gia đáng lo ngại” đang sử dụng các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các công nghệ quan trọng để nâng cao năng lực tình báo và quân sự trong chính quốc gia của họ.”
Sắc lệnh này cũng cho phép Bộ trưởng Ngân khố có quyền ra lệnh cấm đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thông tin lượng tử, sản xuất chất bán dẫn và vi điện tử nếu khoản đầu tư đó được coi là có lợi cho việc hiện đại hóa quân sự của một quốc gia như vậy.
Bộ Ngân khố đồng thời cũng công bố các đề xướng về quy tắc và mong muốn nhận được ý kiến công chúng liên quan đến việc thực hiện sắc lệnh này. Sắc lệnh sẽ bắt đầu một giai đoạn lấy ý kiến trong thời gian dài trước khi Bộ Ngân khố chính thức áp dụng các quy tắc mới vào một thời điểm nào đó trong năm tới.
Bà Emily Kilcrease, một thành viên cao cấp của Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), nói rằng sắc lệnh được soạn thảo kỹ lưỡng của Tổng thống Biden sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tạo ra các quy tắc có ý nghĩa và khả thi để làm chậm quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.
“Chính phủ đang cố gắng ghi điểm, và với sắc lệnh này, họ đã thành công phần lớn,” bà Kilcrease cho biết trong một tuyên bố với giới báo chí. “Phạm vi [sắc lệnh] đánh vào những giao dịch có rủi ro an ninh quốc gia cao, mà không gây gánh nặng cho các cơ quan bằng một chương trình quá lớn để thực thi đúng cách.”
Tuy nhiên, bà Kilcrease nói thêm rằng sắc lệnh này có hạn chế, cách tiếp cận trung dung có thể sẽ thu hút sự phản đối từ cả hai phía trong cuộc tranh luận về Trung Quốc khi những người theo phe cứng rắn trong Quốc hội tìm cách tách rời hơn ra khỏi nền kinh tế Trung Quốc còn các nhà lãnh đạo ngành thì tìm kiếm sự hợp tác nhiều hơn.
“Sắc lệnh sẽ khiến nhiều bên không hài lòng,” bà Kilcrease nói. “Những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, cả trong Quốc hội và các cựu quan chức chính phủ Trump, muốn tách rời các mối quan hệ đầu tư một cách toàn diện hơn. Ngành công nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản hơn để đầu tư vào một thị trường ngày càng khó khăn.”
Xem xét kỹ lưỡng vai trò của Bộ Ngân khố
Trong khi đó, các nhà phân tích khác đang bày tỏ lo ngại với quyết định của chính phủ Hoa Kỳ khi cho phép Bộ Ngân khố kiểm soát các điều khoản cạnh tranh với Trung Quốc.
Ông Bradley Thayer, giám đốc chính sách về Trung Quốc tại Trung tâm Chính sách An ninh nói rằng hành động này có thể dễ dàng dẫn đến các quy tắc lỏng lẻo nhằm giảm bớt chi phí tiềm tàng cho các nhà đầu tư.
“Ở một số khía cạnh, quý vị đang giao trứng cho ác khi quý vị trao quyền cho Bộ Thương mại hoặc Bộ Ngân khố, những người có lợi ích nhất định trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ và thương mại Mỹ [làm công việc này],” ông Thayer nói với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.
“Sẽ tốt hơn nhiều nếu có sự giám sát trực tiếp từ phía an ninh quốc gia, thay vì những người mà trách nhiệm chính của họ là tạo thuận tiện cho thương mại.”
Do đó, Thư ký Báo chí Bộ Quốc phòng, Tướng Pat Ryder, cho biết trong cuộc họp báo hôm 10/08 rằng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã đóng một “vai trò quan trọng” trong quy trình liên cơ quan để đề nghị bộ quy tắc ban đầu do chính phủ Hoa Kỳ đề xướng.
Tuy nhiên, ông Thayer cho biết, mặc dù sắc lệnh của Tổng thống Biden cho thấy tiến bộ thực sự về cách chính phủ của ông giải quyết việc cạnh tranh với ĐCSTQ, nhưng phạm vi của sắc lệnh này sẽ cần được mở rộng để thực sự mang lại hiệu quả.
“Đó là một bước đi tích cực,” ông Thayer nói. “Tuy sắc lệnh này có hạn chế, nhưng đó là một bước tích cực để duy trì những đỉnh cao vượt trội của công nghệ.”
“Tôi rất đồng ý với nhận xét của Dân biểu Gallagher rằng việc này phải được thực hiện một cách cứng rắn. Và việc này cũng phải được mở rộng sang các lĩnh vực khác nữa.”
Ông John Hughes, một thành viên cao cấp tại CNAS, nói rằng việc mở rộng như vậy chắc chắn là có khả năng xảy ra và trong thời gian lấy ý kiến lâu dài của Bộ Ngân khố, thì các quy tắc đầu tư được đề nghị có thể sẽ thay đổi đáng kể khi phát sinh các vấn đề mới.
Ông Hughes cho biết trong một thông cáo báo chí: “Cách tiếp cận này phản ánh hành động cân bằng giữa việc muốn tạo ra tác động trong khi không hạn chế một cách không cần thiết các khoản đầu tư rộng lớn hơn.”
“Chúng ta có thể thấy những thay đổi về phạm vi và trọng tâm khi chính phủ nhận được dữ liệu và phản hồi về các tác động của sắc lệnh, với các lĩnh vực trọng tâm hiện tại được mở rộng, điều chỉnh, hoặc thậm chí có khả năng bị loại bỏ để phù hợp với các ưu tiên và mối quan tâm.”
Một đòn giáng khẽ vào quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc
Nhìn chung, nỗ lực mới của chính phủ Biden nhằm hạn chế sự phát triển quân sự của Trung Quốc mới chỉ ở giai đoạn đầu, nhưng nỗ lực này vẫn có thể chứng tỏ hiệu quả trong việc củng cố an ninh quốc gia của Hoa Kỳ trước ĐCSTQ.
Ông Anders Corr, chủ báo Tạp chí Rủi ro Chính trị, tin rằng việc tập trung vào chất bán dẫn nói riêng có thể có lợi về mặt này.
Trong cuộc phỏng vấn với NTD hôm 10/08, ông Corr cho biết, “Tất cả các thiết bị quân sự hiện nay, ngay cả những thiết bị phi quân sự như máy nướng bánh mì, máy điện toán, mọi thứ đều phụ thuộc vào vi mạch máy điện toán đưa ra quyết định dựa trên các cảm biến mà máy móc có quyền truy cập.”
“Khi không có quyền truy cập vào những vi mạch máy điện toán đó, thì quân đội Trung Quốc sẽ gặp bất lợi, nền kinh tế của họ sẽ gặp bất lợi, [và] lĩnh vực sản xuất của họ sẽ gặp bất lợi.”
Tuy nhiên, trong khi ông Corr tin rằng sắc lệnh của Tổng thống Biden sẽ “phần nào là một đòn giáng” đối với ĐCSTQ, thì ông cho biết vẫn còn những lo ngại về sự thiếu minh bạch của chính quyền ĐCSTQ về vai trò của chính quyền này đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Ông nói, có rất ít khả năng ngăn chặn được việc chính quyền này chuyển hướng các công ty được cho là phi quân sự ở Trung Quốc sang đóng góp cho chương trình quốc phòng của họ. Bằng cách này, ĐCSTQ có thể tiếp tục thu hút các khoản đầu tư lớn vào thị trường chứng khoán Trung Quốc từ các nhà đầu tư Mỹ, vốn không hề biết rằng tiền của họ đang được sử dụng cho lợi ích quân sự.
Bản tin có sự đóng góp của Steve Lance và Tiffany Meier
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times