Quý vị biết bao nhiêu về hiện tượng ‘nhật thực’?
Trong tất cả các hiện tượng thiên văn, nhật thực là hiện tượng thu hút nhiều sự chú ý nhất, bởi vì hiện tượng của nó xuất hiện rất rõ ràng. Trong lịch sử, sự xuất hiện của nhật thực có mối liên hệ đối ứng rất lớn với những thăng trầm trong các sự kiện lớn của nhân loại. [1]
Nhật thực xảy ra như thế nào?
Nhật thực xảy ra khi Mặt Trăng đi qua giữa Mặt Trời và Trái Đất, trong khoảng thời gian Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất nằm thẳng hàng, toàn bộ hoặc một phần ánh sáng của Mặt Trời sẽ bị che khuất. Nhật thực chỉ xảy ra khi trăng non, lúc này Mặt Trăng nằm giữa Mặt Trời và Trái Đất. Vì Mặt Trăng nhỏ hơn Mặt trời khoảng 400 lần, và khoảng cách từ Mặt Trăng đến Trái Đất cũng gần hơn 400 lần so với khoảng cách từ Mặt Trời đến Trái đất nên đã tạo ra “sự trùng hợp đẹp đẽ” này. Tuy nhiên, so với Mặt Trời và Trái Đất, bóng của Mặt Trăng quá nhỏ để bao phủ toàn bộ Trái Đất nên các hiện tượng như nhật thực toàn phần, nhật thực một phần hay nhật thực hình khuyên chỉ có thể được nhìn thấy ở khu vực được bao phủ bởi bóng của Mặt Trăng. [2]
Tại sao không có nhật thực hàng tháng?
Không phải mọi kỳ trăng non đều gây ra nhật thực vì quỹ đạo của Mặt Trăng hơi nghiêng so với quỹ đạo của Trái Đất quay quanh Mặt Trời. Vì vậy, Mặt Trăng không phải lúc nào cũng nằm trên một đường thẳng giữa Trái Đất và Mặt Trời.
Nhật thực kéo dài bao lâu?
Thời gian xảy ra nhật thực dao động từ vài giây đến tối đa khoảng 7,5 phút. Thời gian chính xác phụ thuộc vào các yếu tố như vị trí của người quan sát trên Trái Đất và đường đi của bóng Mặt Trăng trên bề mặt Trái Đất.
Bao lâu mới xuất hiện nhật thực?
Trên phạm vi rộng khắp thế giới, nói chung, có hai, ba hoặc bốn lần nhật thực trong một năm, thậm chí là năm lần. Lần cuối cùng thế giới có năm lần nhật thực trong cùng một năm là vào năm 1935. Lần tiếp theo, hiện tượng này sẽ xảy ra vào năm 2206.
Xác suất xảy ra nhật thực hình khuyên hoặc toàn phần là bao nhiêu?
Trung bình cứ hai năm lại có nhật thực hình khuyên và nhật thực toàn phần một lần trên toàn cầu. Ở Trung Quốc, cổ nhân luôn coi trọng hiện tượng nhật thực, và chúng đã được ghi chép rõ ràng trong sử sách. “Minh sử, Chí đệ thất lịch nhất” ghi rằng “từ thời nhà Hán đến thời nhà Tùy có 293 lần nhật thực”, và “từ thời nhà Đường đến thời Ngũ đại có 110 lần”. Con số này bao gồm cả các ghi chép về nhật thực một phần. Từ thời nhà Hán đến khi nhà Tùy sụp đổ, tổng cộng là 820 năm (năm 202 TCN đến năm 618), trung bình khoảng hai năm 09 tháng 18 ngày xảy ra một lần nhật thực. Từ đầu thời nhà Đường đến cuối thời Ngũ Đại kéo dài 342 năm (618-960), trung bình ba năm 01 tháng 10 ngày xảy ra nhật thực một lần.
Tại sao nhật thực toàn phần hoặc hình khuyên lại được xem là chuyện kỳ lạ?
Trung bình trên khắp thế giới, nhật thực hình khuyên hoặc nhật thực toàn phần xảy ra hai năm một lần. Tuy nhiên, đối với một địa điểm cụ thể, chẳng hạn như một quận, thành phố hoặc thậm chí thủ đô, trung bình vài trăm năm mới nhìn thấy được một lần hiện tượng nhật thực toàn phần hoặc nhật thực hình khuyên. Vì vậy, nếu không rời khỏi nơi ở của mình để đuổi theo Mặt Trời, có người cả đời cũng không thể nhìn thấy được hiện tượng nhật thực.
Lấy Bắc Kinh làm ví dụ, nhật thực toàn phần xảy ra gần đây nhất vào ngày 28/10/1277, lần tiếp theo sẽ vào ngày 02/09/2035, cách nhau hơn 700 năm. Còn nhật thực hình khuyên xảy ra gần đây nhất vào ngày 28/08/1802, trong tương lai sẽ xảy ra vào ngày 22/03/2118, cách nhau hơn 300 năm.
Đối với Đài Loan, nhật thực hình khuyên gần đây nhất xảy ra vào năm 2020, và lần tiếp theo sẽ xảy ra vào ngày 11/04/2215; nhật thực toàn phần gần đây nhất xảy ra vào ngày 21/09/1941, và lần tiếp theo sẽ xảy ra vào ngày 11/04/2070.
Hiệu ứng chuỗi hạt Bailey và nhẫn kim cương khi nhật thực xảy ra như thế nào?
Có thể quan sát được những hiệu ứng thiên văn đặc biệt khi nhật thực – Hiệu ứng chuỗi hạt Baily và nhẫn kim cương. Điều này là do Mặt Trăng có các miệng núi lửa và các cạnh của bề mặt Mặt Trăng không bằng phẳng. Khi Mặt Trăng che phía trước Mặt Trời, ánh sáng Mặt Trời cuối cùng chiếu qua Mặt Trăng tạo thành một hàng đốm giống như một chuỗi hạt. Do đó, nó có tên là chuỗi hạt Bailey, để vinh danh nhà thiên văn học người Anh Francis Bailey, người đã giải thích hiện tượng này. Hiệu ứng nhẫn kim cương là khi còn lại một “hạt” trông giống như một chiếc nhẫn kim cương lấp lánh.
Nhật thực có phải là hiện tượng thiên văn phổ biến không?
Về tổng thể, dù là nhật thực toàn phần hay nhật thực hình khuyên, giữa hai lần xảy ra hiện tượng này ở cùng một nơi đều cách nhau hàng trăm hoặc vài trăm năm. Vì vậy, có thể nói, sự giao nhau của nhật thực hình khuyên và nhật thực toàn phần với những khu vực cụ thể là sự kiện trọng đại giữa trời và người.
Trước thời nhà Hán, trong “Sử ký” cũng có ghi chép về nhật thực. Ví dụ: “Sử ký-Tần bản kỷ” ghi “Năm thứ 34 xảy ra nhật thực. Lại Công Công mất”. Trong cuốn “Sử ký-Lý Cảnh bản kỷ” của nhà Hán ghi lại “Vào tháng Bảy Tân Hợi, xảy ra nhật thực. Vào tháng Tám, Hung Nô tiến vào Thượng Quận.” Có thể thấy rằng thời Trung Quốc cổ đại rất chú ý đến sự xuất hiện của nhật thực, và coi chúng là hiện tượng xảy ra do thiên nhân cảm ứng.
Văn hóa Trung Quốc nhìn nhận mối quan hệ giữa nhật thực và thiên nhân cảm ứng như thế nào?
Nhật thực không chỉ là giai thoại về việc “thiên cẩu ăn Mặt trời”. Các nhà sử học, các vị quân vương và lịch sử Trung Quốc nhìn nhận nhật thực như thế nào? Sử sách chính thống của tất cả các triều đại ở Trung Quốc đều ghi chép chi tiết, kỹ lưỡng hiện tượng nhật thực, nhằm mục đích làm bằng chứng lịch sử về ‘thiên nhân cảm ứng’, cung cấp cơ sở để các vị quân chủ thi hành nền chính trị.
Trong “Hán thư-Thiên văn chí” nói rằng hiện tượng nhật thực “ban đầu là đất, sau đó do trời gây ra. Nếu nền chính trị mất ở đây, ắt sẽ có biến đổi ở nơi khác.” Văn hóa truyền thống Trung Quốc coi nhật thực là một loại thiên tượng phản ánh sự thất đức trong thi hành nền chính trị. Trong sách “Ất Tỵ chiêm” do nhà chiêm bốc, và là nhà thiên văn học thời Đường Lý Thuần Phong biên soạn có viết: “Mặt trời” tượng trưng cho người lãnh đạo một đất nước và nền chính trị hữu đức. Khi quân vương vô đức hoặc thất đức sẽ phát sinh sự biến đổi của Mặt trời, tức là hiện tượng nhật thực sẽ xảy ra. (Nguyên văn trong “Ất Tỵ chiêm”: “Mặt trời tượng trưng cho người đứng đầu, nên nếu bậc đế vương không thi bày đạo đức thì ắt Mặt trời sẽ biến đổi.”) Một cuốn sách khác của Lý Thuần Phong và Viên Thiên Cang là “Thôi bối đồ”. Cuốn sách này là một lời tiên tri lớn về sự hưng vong của các triều đại trong lịch sử Trung Quốc hơn một ngàn năm. Nội dung của lời tiên tri đã được các thế hệ sau kiểm chứng. Có lẽ quan sát và suy luận của ông Lý Thuần Phong về nhật thực hẳn là không hề phiếm định.
Việc thiếu ánh sáng khi nhật thực là ẩn dụ cho sự vô đức của quân chủ. Khi nhật thực xảy ra là thời điểm quan trọng để nhắc nhở những người nắm quyền hãy phản tỉnh, sửa chữa lỗi lầm và trau dồi đức hạnh. “Hán thư-Thiên văn chí” nói: “Bậc minh quân nhìn thấy nó sẽ tỉnh ngộ, hết lòng dốc sức lo chính sự, nghĩ về lỗi lầm của bản thân (hối lỗi, chuộc tội), sau đó tai họa được tiêu trừ và phúc sẽ đến. Đây là dấu hiệu của tự nhiên.” Các nhà cầm quyền, khi nhìn thấy nhật thực xảy ra, tất phải liễu ngộ rõ ràng, phản tỉnh nội tâm về tội lỗi của bản thân, đồng thời cẩn thận sửa lỗi trở nên ngay chính, chuộc tội. Làm được như vậy thì họa sẽ tiêu trừ và phúc sẽ đến.
Nhật thực là một hiện tượng thiên văn khiến người ta cảm động. Tuy nhiên, nhật thực tuyệt không phải là một thiên tượng vật lý đơn thuần, mà là biểu hiện rõ ràng của hiện tượng tâm linh thiên nhân hợp nhất.
Một số người có thể nghi ngờ, vì nhật thực là hiện tượng có thể dự đoán được và xảy ra có quy luật, vậy tại sao chúng trở thành biểu tượng cho việc cảm ứng giữa thiên tượng và nhân sự? Chúng ta hãy suy nghĩ xem: Đấng Sáng Thế Chủ có thể an bài thiên thể và sự vận hành của thiên tượng, lẽ nào Ngài không thể an bài việc của thế nhân sao? Sự vận động của vật chất có phải là có quy luật không? Sự hưng vong của nhân gian có phải cũng là một kiểu an bài như vậy? Nếu không thì làm sao có thể có những lời tiên đoán chính xác kéo dài hàng ngàn năm trong lịch sử?! Cảnh báo về nhật thực mang đến cho nhân gian một cơ hội và cho nhân gian thấy một thiên lý: chỉ có trọng đức, tu đức, mới có thể cải biến quỹ đạo vận mệnh đã được định sẵn.
Chú thích:
[1] Tham khảo các bài viết liên quan:
Sự trỗi dậy và sụp đổ của chế độ cộng sản trong lời dự ngôn “xảy ra nhật thực” của Marx (Phần 1)
https://www.epochtimes.com/gb/20/10/15/n12478426.htm
Sự trỗi dậy và sụp đổ của chế độ cộng sản trong lời dự ngôn “xảy ra nhật thực” của Marx (Phần 2)
https://www.epochtimes.com/gb/20/11/4/n12523962.htm
Bằng chứng thiên tượng nhật thực: Lincoln và cuộc nội chiến Nam Bắc, bí ẩn về chu kỳ bánh xe
https://www.epochtimes.com/gb/21/5/31/n12987657.htm
[2] Các loại nhật thực: có ba loại nhật thực là nhật thực một phần, nhật thực hình khuyên và nhật thực toàn phần. Khi vị trí của Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất thẳng hàng, sẽ quan sát được ba loại nhật thực khác nhau tùy thuộc vào khoảng cách của Mặt Trăng với Trái Đất và vị trí của người quan sát.
Nhật thực toàn phần xảy ra ở vùng bóng tối của Mặt Trăng. Nếu nhìn từ Trái Đất, khi Mặt Trăng che khuất hoàn toàn Mặt Trời thì sẽ xảy ra nhật thực toàn phần. Khi nhật thực toàn phần, bầu trời trở nên tối như ban đêm, và có thể nhìn thấy vầng mặt trời (bầu khí quyển bên ngoài của Mặt trời). Nhật thực một phần có thể được nhìn thấy ở vùng nửa bóng tối gần đường đi của nhật thực toàn phần (vì vùng nửa bóng tối luôn bao quanh vùng bóng tối).