Bí ẩn vụ mất tích MH370: Cựu điều tra viên NTSB đề xuất giả thuyết mới
Chuyến bay MH370 đã biến mất một cách bí ẩn cách đây 10 năm, dẫn đến nỗ lực tìm kiếm tốn kém, và đến nay nó vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải. Mới đây, một cựu điều tra viên của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) đã đưa ra giả thuyết mới về nguyên nhân và nơi xảy ra vụ tai nạn phi cơ.
Theo báo cáo của Fox News Digital vào hôm thứ Sáu (08/03), ông Alan Diehl, người có hơn 30 năm kinh nghiệm điều tra các vụ tai nạn phi cơ, tin rằng chiếc Boeing 777 mất tích đã rơi xuống biển Andaman ở phía tây bắc Malaysia. Nếu tuyên bố của ông Diehl là đúng thì nó sẽ triệt để thay đổi nỗ lực tìm kiếm trước đây, vốn chủ yếu tập trung vào phía nam Ấn Độ Dương, ngoài khơi bờ biển phía tây nam Australia.
Ông Diehl tin rằng phi công Zaharie Ahmad Shah muốn đưa ra tuyên bố chính trị phản đối chính quyền hiện tại bằng cách cướp phi cơ.
Ông cho biết, phi công vốn có ý định “phát đi tuyên bố của mình trên đường đi, để phi cơ hạ cánh và phóng thích hành khách.”
Vào ngày 08/03/2014, chuyến bay thường lệ MH370 từ Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia tới Bắc Kinh, Trung Quốc đã chệch đường bay sau một loạt vòng quay gấp kỳ lạ, mất liên lạc với radar rồi sau đó biến mất, để lại bí ẩn đến nay vẫn chưa được giải đáp.
Cho đến nay, bí ẩn về sự biến mất của chuyến bay MH370 đã làm dấy lên vô số suy đoán và giả thuyết.
Mười năm sau, điều duy nhất mà người thân và bạn bè của 239 nạn nhân, chủ yếu là người Trung Quốc, có thể dựa vào là những giả thuyết, bất kể một số giả thuyết có kỳ quái đến đâu. Bởi vì thực tế là các chính phủ liên quan không có câu trả lời rõ ràng.
“Tuyên bố chính trị”
Ông Diehl là nhà tâm lý học nghiên cứu, đã dành cả cuộc đời mình để tái hiện những hành động mà phi công và phi hành đoàn có thể đã thực hiện bằng cách phân tích trạng thái tâm lý của họ. Ông tin rằng việc quay gấp và độ mờ của thiết bị điện tử trên phi cơ là có chủ ý.
“Phi cơ bay ngang qua Thái Lan và Malaysia, lúc bay vào, bay ra khỏi không phận, anh ta (phi công) có thể đã tắt đèn.” Ông Diehl nói, điều này đối với nhân viên điều hành radar bất quá chỉ là “một đốm sáng nhỏ.”
Vào lúc 01 giờ 19 phút sáng giờ địa phương, phi công đã gửi tin nhắn cuối cùng tới cơ quan không lưu Malaysia rằng: “Chúc ngủ ngon. Malaysia 370.” [Tiếp đó], hệ thống đã bị cắt.
Sau đó là sự hỗn loạn ở cách thức phi hành. Mặc dù cơ quan kiểm soát không lưu đã mất dấu chiếc phi cơ, nhưng radar quân sự Malaysia vẫn có thể theo dõi được nó. Radar cho thấy phi cơ đã chuyển hướng đột ngột ngoài kế hoạch.
Một số người tin rằng phi công đã có ý định tự sát, và lên kế hoạch khiến phi cơ biến mất tại một địa điểm xa xôi ngoài khơi bờ biển phía tây nam Australia, nơi được cho là chiếc phi cơ đã bị rơi.
Theo giả thuyết này, phi công đã nhốt cơ phó Fariq Abdul Hamid ở bên ngoài buồng lái, cắt đứt mọi liên lạc và giảm áp suất phi cơ cho đến khi hành khách tử vong vì thiếu dưỡng khí. Sau đó [phi cơ] rơi xuống biển.
Nhưng ông Diehl cho biết, thông tin công khai không cho thấy phi công có bất kỳ động cơ tự sát nào, hơn nữa cơ phó có thể quay trở lại buồng lái thông qua cabin điện tử.
Ông Diehl tin rằng nếu phi công muốn “biến mất”, anh ta sẽ bay theo hướng ngược lại về phía rãnh Mariana. Rãnh này nằm ở Thái Bình Dương, dài khoảng 1,580 dặm và cao hơn 40 dặm. Độ sâu của nó là hơn một dặm, sâu hơn [chiều cao] đỉnh núi Everest.
“Điều này cho tôi biết rằng anh ta không muốn biến mất.” Ông Diehl cho biết mục tiêu đó vốn ở trên đường đi nên anh ta không cần phải rẽ trái gấp như vậy.
“Điều này dẫn tôi đến giả thuyết rằng anh ta muốn đưa ra một tuyên bố chính trị, và chỉ có vậy thôi, nhưng phi cơ đã xảy ra tai nạn.”
“Phiến đá Rosetta”
Ông Diehl nói với Fox News Digital, ông đã đề xuất một giả thuyết hư cấu nhưng có vẻ hợp lý rằng, phi công muốn đưa ra một tuyên bố chính trị, nên đã cố ý nhốt cơ phó ở bên ngoài buồng lái. Nhưng cơ phó biết anh ta có thể mở buồng lái thông qua một cánh cửa sập ẩn.
Cánh cửa này dẫn vào khoang cơ điện. Theo miêu tả của ông Diehl ở trong cuốn sách “Best Laid Plans” của mình, đó là một khu vực chứa “các giá đỡ thiết bị điện tử và hộp đen, khắp nơi đều là những bó dây giống như sợi mì spaghetti.”
Tại thời điểm này, phi công có thể đã tiến hành rẽ gấp. “Vì trong đó có điện cao áp nên nếu anh ta (cơ phó) va phải thứ gì đó, anh ta có thể sẽ vô tình bắt lửa và tự thiêu cháy bản thân, gây ra tai nạn lớn,” ông Diehl cho hay.
“Phi cơ sẽ tràn ngập khói, trên thân phi cơ có thể sẽ bị cháy tạo ra một lỗ hổng… Ở độ cao 35,000 feet, điều này sẽ gây ra tình trạng giảm áp suất đột ngột.” Ông nói: “Phần còn lại, như người ta thường nói, đã trở thành lịch sử.”
Ông Diehl đã nghiên cứu lịch sử của chiếc Boeing 777, ông đánh giá chiếc phi cơ này là “rất an toàn”, nhưng nó cũng từng phát sinh các vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến cháy khoang điện.
Kể từ vụ tai nạn năm 2014, các mảnh vỡ phi cơ đã được tìm thấy ngoài khơi Nam Phi và trên các đảo Madagascar, Mauritius, Reunion và Rodrigues.
Ông Diehl cho biết, các mảnh vỡ là “bằng chứng quan trọng nhất”, và là “Phiến đá Rosetta” để hỗ trợ cho giả thuyết của ông. Nếu không có mảnh vỡ, một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không có thể sẽ không bao giờ được giải đáp.
Ông Diehl nói rằng nếu giả thuyết của ông là đúng, tức chiếc phi cơ đang trên đường bay tới căn cứ quân sự Mỹ ở Diego Garcia, thì cuộc tìm kiếm có lẽ nên tập trung vào Biển Andaman gần Malaysia.
Trước đây, chính phủ Australia, Malaysia và chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành tìm kiếm trên phạm vi gần 50,000 dặm vuông dưới đáy biển Ấn Độ Dương với chi phí khoảng 150 triệu USD. Cuộc tìm kiếm dưới nước đã chính thức bị đình chỉ vào tháng 01/2017.