Kim loại ngoài Trái đất được tìm thấy trong bộ sưu tập quý bằng vàng có niên đại khoảng 3,000 năm tuổi của Tây Ban Nha
Trong quá trình giám định và phân tích các văn vật cổ, người ta phát hiện ra một số cổ vật có chứa “kim loại ngoài Trái đất”. Gần đây, các nhà khảo cổ học đã kiểm tra “Kho báu của Villena” thời đại đồ đồng ở Tây Ban Nha, và phát hiện ra rằng hai trong số những món bảo vật đó có chứa thành phần kim loại ngoài Trái đất.
Kim loại chủ yếu là một số thiên thạch từ ngoài vũ trụ. Những kim loại này về cơ bản được cấu tạo từ hợp kim sắt-niken, trong đó hàm lượng niken thông thường vượt quá 5% (hàm lượng niken trong quặng sắt trên Trái đất cực kỳ thấp). Ngoài ra, nó còn chứa các nguyên tố hóa học vi lượng khác, trong đó có nguyên tố quan trọng coban (Co). Do đó, một vật thể được tạo thành từ thiên thạch hay quặng sắt trên Trái đất hầu hết có thể được xác định thông qua phân tích hàm lượng nguyên tố.
Kho báu của Villena (Treasure of Villena) được phát hiện khi nhà khảo cổ học José M. Soler khai quật một lòng sông khô cạn có tên là Rambla del Panadero vào tháng 12/1963, cách Villena khoảng 7 dặm Anh.
Kho báu này chứa tổng cộng 59 cổ vật, trong đó có 11 chiếc bát, 3 chiếc bình và 28 chiếc vòng tay. Bề mặt của chúng đều được mạ vàng, nhưng một số cổ vật trong số chúng đã bị oxy hóa và có vẻ ngoài giống như rỉ sét. Kho báu này vẫn đang được cất giữ trong Bảo tàng Villena ở Tây Ban Nha. Các nhà khoa học vào thời điểm đó suy đoán rằng kho báu có thể thuộc về một cộng đồng hoặc địa phương, chứ không phải trực tiếp đến từ một gia đình hoàng gia.
Sau khi giám định cho thấy, những bảo vật này xuất hiện từ thời đại đồ đồng của bán đảo Iberia, và là một trong số những cổ vật bằng vàng quan trọng. Vào năm đó, các nhà khoa học cũng phát hiện một số cổ vật bằng kim loại liên quan đến kho báu Villena ở thị trấn Tesorillo de Cabezo Redondo, nơi tiếp giáp với Panadero. Vì vậy, họ suy đoán rằng những cổ vật này có thể thuộc thời kỳ đồ đồng muộn (năm 1400 ~ năm 1200 trước công nguyên).
Thông qua việc trắc định niên đại bằng carbon-14, các nhà khoa học phát hiện ra rằng thị trấn Tesorillo de Cabezo Redondo đã bị bỏ hoang vào năm 1200 trước công nguyên, và bị chiếm đóng cho đến giữa năm 200 trước công nguyên, nhưng không có tài liệu tham khảo nào về thời kỳ này. Vì vậy, họ đã tiến hành nghiên cứu kho báu của Villena để tìm ra niên đại và trình tự thực sự của các cổ vật.
Trong quá trình kiểm tra, họ đã giám định lại hai cổ vật bằng sắt trong kho báu để xác nhận niên đại của chúng. Bởi vì hầu hết các vật phẩm làm bằng đồng đều được sử dụng từ thời đồ đồng, và việc sử dụng đồ sắt là rất hiếm. Năm 2007, với sự cho phép của giám đốc Bảo tàng Villena Laura Hernández Alcaraz, các nhà khoa học đã trích xuất một mẫu nhỏ bề mặt bị oxy hóa của bộ sưu tập.
Trong hai vật thể bằng sắt này, một vật trông giống như một chiếc vương miện hoặc một chiếc mũ sắt, được thể hiện bằng một miếng sắt hình bán cầu rỗng. Tấm sắt được phủ một tấm vàng mỏng và rỗng, cao 2cm, đường kính 4.5cm, dày 2.5cm và nặng 50.5 gram.
Cái còn lại giống như một chiếc vòng tay mở, bề mặt được phủ một lớp oxit kim loại màu đen. Hiện vật này phần lớn bị nứt, nhưng một số chỗ vẫn có thể nhìn thấy lớp mạ vàng lấp lánh. Nó cao 01cm, đường kính 8.5cm và nặng 31.86 gram.
Các nhà khoa học đã sử dụng một lưỡi dao chuyên dụng mới để loại bỏ khoảng 01 miligam oxit khỏi bề mặt của hai hiện vật. Sau đó cho chúng vào ống nghiệm bằng polypropylene, và sử dụng máy quang phổ của Phòng thí nghiệm Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia Tây Ban Nha (XRF) để tiến hành hóa nghiệm.
Thông qua thiết bị, các nhà khoa học thấy rõ sự tồn tại của sắt và niken, đồng thời cũng phát hiện ra kim loại coban. Khi so sánh kim loại coban với nồng độ sắt, một phần của đỉnh sẽ bị che đi.
Tuy nhiên, điều này chưa đủ để khẳng định hai hiện vật này có nguồn gốc từ kim loại ngoài Trái đất. Năm 2010, các nhà khoa học đã gửi mẫu đến Đức để tiến hành phân tích và nghiên cứu bằng các thiết bị đo khối phổ nhạy bén và tiên tiến hơn (LA-ICP-MS). Kết quả cho thấy, hàm lượng niken trong hiện vật giống mũ sắt là 5,5% nên được xác định là vật phẩm có nguồn gốc từ kim loại ngoài vũ trụ. Tuy nhiên, hàm lượng niken trong vòng tay mở chỉ 2,8% nên không thể xác định chính xác liệu chiếc vòng tay có chứa kim loại ngoài vũ trụ hay không.
Vì lý do này, các nhà khoa học đã thử nghiệm lại vào năm 2013 nhưng kết quả vẫn không thể phân biệt được. Mọi thứ chuyển biến tốt hơn vào năm 2017, khi họ sử dụng quang phổ huỳnh quang tia X (ED-XRF), chụp X quang ở mức micromet, chụp cắt lớp vi tính và các phương pháp khác để phân tích thiên thạch và vòng tay mở có chứa thành phần sắt và niken, đồng thời quan sát tỷ lệ sắt-niken và niken-coban. Cuối cùng, các nhà khoa học đi đến kết luận rằng chiếc vòng tay được làm bằng sắt ngoài Trái đất.
Báo cáo nghiên cứu này được công bố trên tập san “Công trình nghiên cứu thời tiền sử” (Trabajos de Prehistoria) vào cuối năm 2023. Tuy các nhà nghiên cứu vẫn không xác định được nơi chế tác và nguồn gốc của các vật thể này, nhưng họ xác định rằng hai vật thể này là những vật thể bằng sắt nằm ngoài Trái đất có niên đại lâu đời nhất được biết đến ở bán đảo Iberia.
Ông Ignacio Montero Ruiz, tác giả chính của nghiên cứu, và là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Lịch sử Tây Ban Nha, nói với tờ “Khoa học thường thức” trong thư điện tử rằng: “Mối liên hệ giữa vàng và sắt rất quan trọng, vì cả hai nguyên tố đều có giá trị xã hội và có biểu tượng to lớn. Trong trường hợp này, (những hiện vật này) có thể là những kho báu ẩn giấu có thể thuộc về cả một cộng đồng chứ không phải của một cá nhân nào. Trong thời kì lịch sử này, vốn không có vương quốc trên bán đảo Iberia.”
Về nguồn gốc của thiên thể sắt, giới khoa học hiện nay nhìn chung đều tin rằng lõi của hành tinh cổ đại đã bị phá hủy thành vô số mảnh vỡ sau một cú va chạm mạnh mẽ, và bị hút bởi lực hấp dẫn của Trái đất. Phần lớn bề mặt các mảnh vỡ bị đốt cháy khi đi qua bầu khí quyển, cuối cùng rơi xuống Trái đất.
Vũ khí và vật phẩm bằng thiên thể sắt khác
Con người vào thời đại đồ đồng chủ yếu sử dụng các đồ vật làm bằng đồng. Nhưng các nhà khảo cổ và các nhà khoa học vẫn phát hiện một số dụng cụ hoặc vũ khí bằng sắt trong những hiện vật có niên đại thời đồ đồng của các nền văn minh cổ ở Châu Âu, Châu Á và Châu Phi. Việc phát hiện ra những hiện vật này cung cấp những hiểu biết mới về hoạt động luyện kim trong thời kỳ đồ đồng muộn.
Năm 2016, các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật tương tự cùng với các nhà nghiên cứu từ Bảo tàng Ai Cập ở Cairo, Học viện Bách khoa Milan và Đại học Pisa để kiểm tra một con dao găm tinh xảo được khai quật từ lăng mộ Tutankhamun (khoảng năm 1341 trước công nguyên) ở Ai Cập. Các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lưỡi của con dao găm này cũng được làm bằng sắt thiên thể. Thành phần của nó khớp với thành phần của một thiên thạch tên là Kharga được phát hiện trên cao nguyên Maras Matrouh ở Ai Cập 2,000 năm trước.
Ngoài ra, con dao găm có phù điêu bằng vàng ròng trên tay cầm và có chuôi bằng pha lê, trong khi vỏ được trang trí bằng đồ án hoa cỏ, lông vũ và trang trí đầu chó sói.
Cô Daniela Comelli, nhà nghiên cứu tại Học viện Bách khoa Milan, Ý và nhóm của cô trình bày trên tập san “Thiên thạch học và khoa học hành tinh” rằng: Nghiên cứu đã chứng thực được con dao găm tinh xảo do người Ai Cập cổ đại chế tạo có chất lượng rất cao so với những hiện vật thiên thạch có hình dạng đơn giản khác. Điều này cho thấy trình độ tinh thông trong việc chế tác đồ sắt vào thời đại Tutankhamun.
Ngoài ra, các nhà khoa học đã phát hiện được hàng loạt đầu mũi tên bằng đồng trong một hồ nước ở Mörigen, Thụy Sĩ, vào thời kỳ đồ đồng muộn (năm 900 đến năm 800 trước công nguyên). Trong số đó, có một đầu mũi tên bằng sắt đặc biệt nhô ra. Mũi tên dài gần 4cm, rộng 2.5cm, phần chân cầm 1,3 cm và nặng 2.9 gram.