Quan chức nhân quyền của ĐCSTQ Đổng Vân Hổ bị điều tra
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của ĐCSTQ đưa tin, ông Đổng Vân Hổ (Dong Yunhu), một nhân vật chính trị quan trọng trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong việc phát triển tuyên truyền nhân quyền, đang bị điều tra vì cáo buộc “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và luật pháp Trung Quốc”.
Hôm 12/07, cơ quan chống tham nhũng này đã công bố cuộc điều tra đối với ông Đổng, 60 tuổi, lãnh đạo cơ quan lập pháp trên danh nghĩa của ĐCSTQ tại Thượng Hải.
Hai ngày trước đó, ông Đổng đã tham gia một diễn đàn tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải.
Ông Đổng tốt nghiệp chuyên ngành triết học và đảm nhiệm một số chức vụ trong Trường Đảng Trung ương của ĐCSTQ từ năm 1986, như chức vụ giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Nhân quyền của Viện Mác-Lênin, và phó viện trưởng Viện Mác-Lênin.
Theo một báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, sau vụ thảm sát đẫm máu cuộc biểu tình của sinh viên vào ngày 04/06/1989, ĐCSTQ “đã tăng cường và thể chế hóa sự đàn áp đối với phong trào dân chủ vào năm 1990,” “hàng ngàn người vẫn bị giam giữ trong tù dưới các điều kiện khắc nghiệt và thường xuyên bị tra tấn mà không thông qua xét xử.”
Trước sự chỉ trích của thế giới về tình hình nhân quyền tệ hại của ĐCSTQ, ông Đổng là một trong những học giả ĐCSTQ đầu tiên được giao nhiệm vụ thực hiện việc quảng bá về nhân quyền Trung Quốc và soạn thảo tuyên truyền tẩy não của ĐCSTQ.
Tháng 11/1991, ĐCSTQ ban hành bạch thư đầu tiên về nhân quyền.
Cùng với việc ký kết nhiều hiệp ước và làm việc với các tổ chức nhân quyền quốc tế khác nhau, ĐCSTQ đã cố gắng thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng lập trường nhân quyền của Trung Quốc tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn được quốc tế chấp nhận từ năm 2009.
Đến năm 2011, ĐCSTQ tuyên bố đã thành lập gần 50 viện nghiên cứu nhân quyền ở Trung Quốc, kể từ khi viện nghiên cứu đầu tiên được thành lập vào đầu những năm 1990. Vào thời điểm đó, ông Đổng là phó Ban Tuyên Truyền của ĐCSTQ thuộc Quốc vụ viện, và ông đã khẳng định rằng bảo vệ nhân quyền là một phần quan trọng của “các giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa”.
Theo định nghĩa về nhân quyền của ĐCSTQ do Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước ban hành vào năm 2021, nhân quyền của Trung Quốc được bảo đảm thông qua “hệ thống đa đảng chính trị dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ”, “quyền tự trị dân tộc khu vực chịu sự lãnh đạo thống nhất của nhà cầm quyền,” và “các thể chế dân chủ cơ sở” dưới sự hướng dẫn của các chi bộ ĐCSTQ địa phương.
Nói cách khác, quyền con người được bảo vệ theo quyết định của chế độ cầm quyền lấy ĐCSTQ làm trung tâm.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, bằng chứng và các lời khai đã nhiều lần chứng minh sự coi thường nhân quyền của ĐCSTQ và hệ thống độc tài toàn trị đàn áp “tước đoạt các quyền của công dân trên quy mô lớn và cắt giảm một cách có hệ thống các quyền tự do như một cách để duy trì quyền lực.”
Tấn công nhân quyền phương Tây
Ông Đổng cũng từng là tổng biên tập của Niên giám Nhân quyền Trung Quốc, ca ngợi những thành tựu về luật pháp và quy định của ĐCSTQ, cũng như nghiên cứu lý thuyết trong việc thúc đẩy nhân quyền Trung Quốc.
Dưới bút danh “Nhâm Ngạn Thời” (Ren Yanshi), ông cũng xuất bản nhiều bài báo nghiên cứu chỉ trích vấn đề nhân quyền ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như “So sánh Nhân quyền giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ,” hay “Hồ sơ Nhân quyền Hoa Kỳ”, v.v..
Từ năm 2011 đến 2015, ông Đổng lãnh đạo ban tuyên truyền Tây Tạng.
Hãng tin Reuters đưa tin, hồi năm 2014, với tư cách là người đứng đầu bộ phận tuyên truyền của Tây Tạng, ông Đổng đã tuyên bố sẽ “niêm phong internet”, “để ngăn chặn tuyên truyền của những người ly khai Tây Tạng xâm nhập, và phá hủy mọi hình thức liên lạc.”
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ông Đổng nói trong một cuộc họp vào tháng 02/2015 rằng: “Những kẻ phạm tội phải bị trừng phạt nghiêm khắc và nhanh chóng, công an và các cơ quan quản lý thị trường văn hóa phải điều tra và truy tố họ với quyền lực khiến họ phải khiếp sợ.”
Tháng 08/2015, ông được chuyển đến Thượng Hải và giữ chức vụ trưởng ban tuyên truyền.