‘Hãy bảo vệ nền tự do của Mỹ quốc’: Người Hoa bị bức hại cảnh báo về sự lây lan thầm lặng của chủ nghĩa cộng sản
Ông Bốc Đông Vĩ luôn khắc ghi giá trị cốt lõi của Mỹ về tự do trong tận đáy lòng. Hồi năm 2008, ông đã đào thoát khỏi cuộc đàn áp ở Trung Quốc và tự mình hiểu được khi một chế độ toàn trị nhận ra mối đe dọa về ý thức hệ đối với sự nắm quyền của họ, thì họ sẽ làm ra những chuyện gì.
Trong thời gian tuyên bố thiết quân luật vào tháng 05/1989 và cũng là lúc các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đang lên đến đỉnh điểm ở Bắc Kinh, ông đã đến thủ đô để xem tình hình ở Quảng trường Thiên An Môn ra sao, sau đó ông quay về trước vụ thảm sát đẫm máu hôm 04/06 chỉ năm ngày. Mười năm nữa trôi qua, và rốt cuộc chính bản thân ông đã trở thành mục tiêu bạo lực của chính quyền Trung Quốc: giống như vô số người khác, ông cũng bị bôi nhọ thành kẻ thù của quốc gia và là mối đe dọa đối với trật tự xã hội.
Ông Bốc đã bị giam giữ và bức hại tùy tiện vì một lý do duy nhất: Ông không chịu từ bỏ đức tin của mình. Ông cũng viết một bức thư cho các quan chức cộng sản yêu cầu họ xét lại cuộc đàn áp tàn bạo đối với phương pháp tu luyện tự thân Pháp Luân Công. Vào cuối năm 1999, hàng trăm ngàn học viên Pháp Luân Công đã thỉnh nguyện lên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng nhà cầm quyền đã ra quyết định xóa sổ tín ngưỡng này — trớ trêu thay lại là một tín ngưỡng bắt nguồn từ văn hóa truyền thống Trung Hoa cổ xưa — đồng thời phát động một chiến dịch đàn áp nhắm vào khoảng 100 triệu công dân tuân thủ luật pháp. Cuộc bức hại này đã động chạm đến một số lượng người vô cùng lớn.
Từ khi đến Hoa Kỳ, ông đã đặt ra cho mình mục tiêu: ủng hộ nền tự do và báo cho người Mỹ biết về các mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản.
“Người Mỹ nên hết sức cảnh giác với ĐCSTQ … không chỉ vì hoạt động gián điệp mà còn vì họ đang tuyên truyền khắp nơi. Chính quyền Trung Quốc đang cố gắng xâm nhập vào Hoa Kỳ theo nhiều hình thức khác nhau. Họ cử rất nhiều gián điệp hoạt động ở đây để phá hoại nền tảng của đất nước này. Ngoài ra, họ đang cố gắng đánh cắp công nghệ và những thứ khác của Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ hoàn toàn không nên dung thứ cho ĐCSTQ.”
Khi đề cập đến loạt bài độc quyền “Ma quỷ đang Thống trị Thế giới Chúng ta” của The Epoch Times, ông Bốc nghĩ mọi người Mỹ đều nên đọc cuốn sách này.
“Ở trường trung học Mỹ, học sinh không được dạy rằng chủ nghĩa cộng sản xấu ác đến mức nào. Các em không biết về lịch sử của chủ nghĩa cộng sản,” ông nói. “Người Mỹ, đặc biệt là thế hệ trẻ, nên đọc nhiều hơn về chủ nghĩa cộng sản — sự thật lịch sử về các nước cộng sản, không chỉ về Trung Quốc mà còn về Bắc Hàn và các nước khác.”
Ông nói thêm rằng dưới sự cai trị của cộng sản, Hoa lục đã đánh mất di sản văn hóa đích thực của mình sau khi trải qua Đại Cách mạng Văn hóa. Ông cho hay, “Ngày càng có nhiều người dân ở Hoa lục đang nhận ra những điều khủng khiếp mà chủ nghĩa cộng sản đã gây ra cho đất nước họ, vốn có một lịch sử huy hoàng. Họ đang mong muốn rũ bỏ chủ nghĩa cộng sản để có được tinh thần tự do như các quốc gia khác.”
Những ngày đầu tu luyện ở Trung Quốc
Ông Bốc và vợ, bà Hoằng Vĩ, người đã lấy bằng Thạc sĩ Luật tại Đại học Bắc Kinh và Thạc sĩ Tài chính Địa ốc tại Đại học Cambridge của Vương quốc Anh, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996. Ông luôn yêu thích võ thuật và Thái cực quyền và cảm thấy rất có duyên khi được tu luyện cả thân lẫn tâm theo Pháp Luân Công cũng như theo triết lý đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
Ông chia sẻ rằng thuở đầu, hàng ngàn người đã tập luyện các bài công pháp tĩnh tại của Pháp Luân Công một cách công khai và tự do tại các công viên ở Trung Quốc. Không ai đứng ra tổ chức; họ tự nguyện đến, luyện các bài công pháp, và rời đi một cách bình hòa, thậm chí một số học viên còn giúp dọn sạch từng mẩu rác ở các công viên trước khi đến luyện công.
Tuy nhiên, ông kể lại rằng môi trường tu luyện đã thay đổi đột ngột sau sự kiện lịch sử ngày 25/04/1999 — ngày mà khoảng 10,000 học viên từ khắp Trung Quốc tập trung tại Trung Nam Hải, khu phức hợp của chính quyền trung ương Trung Quốc ở Bắc Kinh, để lặng lẽ thỉnh nguyện cho vụ đánh đập và bắt giữ 45 học viên Pháp Luân Công.
Sau khi từ Trung Nam Hải trở về nhà, ông Bốc đã xem bản tin trên CNN.
“Lúc đó chúng tôi vẫn có thể xem CNN tại nhà,” ông kể lại. “Sau đó, CNN đã bị cấm với những người dân thường, bạn biết đấy, trong các khu dân cư, và chỉ có thể xem ở các khách sạn bốn hoặc năm sao. Tôi đã xem bản tin đó và thấy rằng rồi cũng sẽ có chuyện. Nhưng vào đầu tháng 05/1999, tôi không nhớ rõ ngày nào, Nhân dân Nhật báo [tờ báo chính thức của ĐCSTQ] đưa tin rằng những người đến Trung Nam Hải sẽ không gặp rắc rối. Đó là những điều bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ đã nói. Mặc dù vậy, tôi vẫn còn chút hoài nghi, bởi vì chúng tôi có thể thấy mọi thứ xung quanh thay đổi sau ngày 25/04.”
Ông nhớ lại rằng sau ngày 25/04, dù họ vẫn có thể luyện công trong các công viên, nhưng họ để ý rằng sẽ một hoặc hai “công an mặc thường phục hoặc một số người trong chính quyền” giám sát họ. Ông cho biết, “Họ chỉ đứng đó, cách chúng tôi khoảng 10 đến 20 mét [32 đến 65 feet] và không nói gì — chỉ luôn nhìn chúng tôi. Bầu không khí đã thay đổi, đã khác đi.”
Vào ngày 20/07/1999, ĐCSTQ đã chính thức thể hiện rõ lập trường của mình và phát động một chiến dịch tàn bạo trên toàn quốc nhằm xóa sổ môn tu luyện tinh thần này; cuộc đàn áp này vẫn tiếp diễn đến ngày nay.
“Sáng ngày 21/07, tôi đã hay tin về lệnh cấm này,” ông nói. “Sau đó, hai vợ chồng tôi đi đến trung tâm thỉnh nguyện một lần nữa. Ở đó có rất nhiều học viên. Chúng tôi được đưa lên một chiếc xe buýt để đến một sân vận động lớn, nơi đó đã có sẵn hàng ngàn học viên khác. Hầu như ai cũng bị ghi tên. Tôi không nhớ làm thế nào mà vợ chồng tôi có thể thoát khỏi nơi đó.”
Ông Bốc kể rằng sau ngày 20/07, hoàn cảnh đã trở nên vô cùng bất lợi. Các công viên hầu như không còn bóng dáng một học viên nào vì họ “không được phép” đến đó để luyện các bài công pháp.
Cuộc đàn áp
Sau khi ông Bốc viết thư cho các quan chức Trung Quốc để yêu cầu họ ngừng bức hại Pháp Luân Công, vào năm 2000, vợ chồng ông Bốc bị bắt giữ lần đầu tiên và bị kết án một năm trong các trại lao động biệt lập ở Bắc Kinh
Vẫn còn gặp nhiều sức ép và sách nhiễu sau khi được trả tự do nên ông Bốc đã đến Hồng Kông để học lên cao. Đến năm 2004, ông làm việc cho Quỹ Á Châu và đã trở lại Bắc Kinh để điều phối “dự án hợp tác đầu tiên” giữa Bộ Lao động Hoa Kỳ và cơ quan đồng cấp tại Trung Quốc là Bộ Lao động và An sinh Xã hội. Sau hai năm, khi nhóm của ông vừa hoàn thành đợt đánh giá giữa kỳ, và “các quan chức hai bên đều hài lòng,” thì ông Bốc bị bắt vào một đêm nọ và bị kết án hai năm rưỡi tại Trại Lao động cưỡng bức Đoàn Hà ở Bắc Kinh.
Ông kể lại: “Hôm đó là thứ Sáu, ngày 19/05/2006. Tôi trở về nhà vào khoảng 9 giờ tối. Có người gõ cửa nhà tôi … Bảy đến tám viên công an xông vào và hỏi: ‘Ông có Chuyển Pháp Luân [cuốn sách chính của Pháp Luân Công] không? Ông đã đọc chưa?’ Họ lục soát khắp nhà. Họ đã tìm thấy những cuốn sách đó và bắt tôi đến trại tạm giam.”
“Vào thời điểm đó, việc sở hữu bất kỳ tài liệu nào về Pháp Luân Công chẳng khác gì phạm pháp ở Trung Quốc.”
Lúc đó, bà Hoằng Vĩ đang theo học tại Đại học Cambridge. Bà đã bay sang Hoa Kỳ để kêu gọi Quỹ Á Châu giúp đỡ và để nói cho mọi người hiểu rõ vụ án của chồng mình.
Vào tháng 03/2006, hai tháng trước khi ông Bốc bị bắt, bà Hoằng Vĩ đã tình cờ xem tin tức về các nhân chứng từ Trung Quốc tiết lộ nạn thu hoạch nội tạng sống của các học viên Pháp Luân Công do nhà nước hậu thuẫn của ĐCSTQ. Bà đã báo tin này cho chồng mình.
“Tôi chắc chắn ở đâu đó đã có chuyện rồi,” ông Bốc cho hay. “Khi tôi ở trong trại lao động, chỉ có các học viên Pháp Luân Công được đưa đến một bệnh viện để ‘xét nghiệm máu’ ba tháng một lần, nhưng không ai thông báo kết quả xét nghiệm cho chúng tôi. Tôi tin rằng họ thực hiện các cuộc xét nghiệm để có thể lấy mẫu, để xác định nhóm máu có sẵn cho họ.”
“Sau khi đến Hoa Kỳ, tôi đã đọc cuốn sách ‘Bloody Harvest’ (Thu Hoạch Đẫm Máu), một báo cáo của ông David Kilgour và ông David Matas. Họ có các dữ kiện rất thuyết phục, bạn biết đấy … ở Trung Quốc, một số người thậm chí có thể được cấy ghép nội tạng trong vòng một hoặc hai tuần — thực tế này đã trở thành ngành du lịch ghép tạng. Điều đó có nghĩa là phải có một lượng lớn nội tạng sống ở Trung Quốc. Nhiều người đang nằm trong danh sách sắp bị sát hại với tư cách người hiến tạng. Chuyện này thật kinh hoàng.”
Vào khoảng thời gian này, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã giúp giải cứu ông Bốc và tuyên bố ông là một “tù nhân lương tâm.” Họ cũng khởi xướng một chiến dịch viết thư trên phạm vi toàn cầu nhằm làm nổi bật trường hợp của ông Bốc. Hàng trăm người đã viết thư gửi đến Bắc Kinh để yêu cầu trả tự do cho ông. Ông nói rằng những bức thư này đã giải vây phần nào cho ông trong hoàn cảnh khắc nghiệt của trại lao động. Khi những người cai ngục và lính canh biết rằng thế giới bên ngoài đã chú ý đến cảnh ngộ của ông, thì họ thay đổi thái độ và không còn đối xử tệ với ông như trước.
“Tôi không biết gì về Tổ chức Ân xá Quốc tế vì tôi không nhận được dù chỉ một bức thư. Chỉ sau khi đến Hoa Kỳ, tôi mới biết về họ,” ông nói. “[Nhưng] các viên chức trại lao động biết tôi đã được cộng đồng quốc tế chú ý, nên họ không tra tấn tôi như lần đầu trong trại lao động hồi năm 2000. Vì vậy, nếu người dân khắp thế giới quan tâm chú ý đến các tù nhân tôn giáo, thì họ đã giúp những tù nhân được yên ổn hơn trong các trại giam đó.”
Trong trại lao động, ông Bốc vẫn bị bắt ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ để làm việc nhiều giờ trong điều kiện mất vệ sinh để làm ra “những chiếc đũa vệ sinh” — tiếng lóng mà các tù nhân này đặt cho những chiếc đũa đầy chất bẩn thường được làm ra tại sàn nhà dơ bẩn ở trại lao động và chọc thủng đây đó trong quá trình đóng gói. Ông đã từng bị cưỡng bức lao động cho một “công ty xuất nhập cảng lớn” và sau đó, phát hiện ra những chiếc đũa tương tự trong căng tin của Quốc hội ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
“Khi tôi đến Hoa Kỳ, tôi đã đến Quốc hội để thăm một số nghị sĩ từng giúp đỡ tôi. Tôi đã dùng bữa trưa tại căng tin. Tôi đã kể cho họ nghe về [những chiếc đũa đó] … họ thấy rất sửng sốt. Mỗi ngày chúng tôi phải làm việc trong hơn 10 giờ để hoàn thành chỉ tiêu. Đó là khoảng 5,000 chiếc đũa,” ông kể lại.
Nhờ câu chuyện của mình được cộng đồng quốc tế đưa tin mà ông Bốc đã thoát khỏi sự tra tấn tàn bạo thường được áp dụng đối với nhiều học viên Pháp Luân Công. Ông được trả tự do khỏi trại lao động vào tháng 07/2008, và đến ngày 24/11 cùng năm, với sự giúp đỡ của vợ, ông đã đến được Hoa Kỳ; bà đã bảo lãnh tị nạn cho ông.
Cuộc chiến vì tự do vẫn tiếp diễn
Sau khi đã tìm lại được tự do cho bản thân, giờ đây ông Bốc đang góp phần giúp mọi người nâng cao nhận thức về các vấn đề nhân quyền của Trung Quốc và mối đe dọa mà chế độ cộng sản này gây ra cho toàn cầu.
Ông hy vọng thân phận một người tị nạn gốc Hoa bị bức hại của mình sẽ khuyến khích người Mỹ trân quý và tôn trọng nền tự do mà khó khăn lắm họ mới có thể giành lấy. Ông nói rằng “hầu hết người Mỹ xem tự do là điều hiển nhiên,” và có thể họ không nhận ra rằng trên thế giới còn có nhiều người không thể có được sự tự do như họ.
Ông trích dẫn bài diễn văn năm 1967 của thống đốc lúc đương thời Ronald Reagan, người sau này đã trở thành tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ. Khi đó, ông Reagan nói rằng tự do “không bao giờ cách sự diệt vong quá một thế hệ” và “tự do phải được tranh đấu và bảo vệ liên tục qua mỗi thế hệ.”
Ông Bốc chia sẻ: “Các giá trị cốt lõi của Mỹ về tự do cũng bao gồm tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, và tự do khỏi nỗi sợ hãi. Những điều này rất quan trọng vì với quyền tự do ngôn luận, chúng ta có thể lên tiếng mà không e ngại rằng cảnh sát sẽ đến gõ cửa vào nửa đêm. Và chúng ta có thể thực hành tôn giáo của mình, bất kể chúng ta theo tín ngưỡng nào.”
Bản tin có sự đóng góp của Daksha Devnani.
Nhóm biên dịch Văn hóa-Đời sống Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times