Phó Thủ tướng Đức: Việc ĐCSTQ trợ giúp Nga gây tổn hại cho mối quan hệ giữa Berlin và Bắc Kinh
Ông Robert Habeck là quan chức cấp cao đầu tiên của châu u tới Trung Quốc kể từ khi Brussels tăng thuế đối với xe điện nhập cảng từ Trung Quốc.
Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck nói rằng sự trợ giúp của chế độ cộng sản Trung Quốc dành cho Nga giữa cuộc chiến tranh với Ukraine đã gây thiệt hại cho mối quan hệ kinh tế giữa Berlin và Bắc Kinh.
Thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga đã tăng hơn 40% trong năm 2023, và theo ông Habeck, gần một nửa mức tăng này là đến từ hàng hóa phục vụ cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự.
Hôm 22/06, ông Habeck, đồng thời là Bộ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế và khí hậu của Đức, nói với các phóng viên ở Thượng Hải, rằng: “Việc lờ đi các biện pháp trừng phạt áp đặt cho Nga là không thể chấp nhận được.”
Ông Habeck đang có chuyến công du Trung Quốc ba ngày. Chuyến đi của ông diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Liên minh Âu Châu leo thang về các vấn đề gồm có thương mại, nhân quyền, và chiến tranh ở Ukraine.
Hôm 21/06, sau khi đến Bắc Kinh, ông Habeck đã gặp Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao) và Bộ trưởng Công nghiệp Kim Tráng Long (Jin Zhuanglong). Trước khi đến trung tâm tài chính hôm 22/06, ông cũng đã ngồi lại với ông Trịnh Sách Khiết (Zheng Shanjie), người đứng đầu Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, nhà hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc.
Ông Habeck cho rằng việc Bắc Kinh trợ giúp Moscow đã và đang “gây thiệt hại” cho mối quan hệ của nước này với khối Âu Châu gồm 27 quốc gia.
Ông nói: “Hiện giờ, chúng tôi cố gắng đa dạng hóa các chuỗi cung ứng của mình vì chúng tôi không thể mạo hiểm phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu thô, hàng hóa kỹ thuật thuộc bất kỳ loại nào có thể được sử dụng để chống lại lợi ích của chính mình.”
Theo dữ liệu chính thức của Đức, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong nhiều năm, với tổng kim ngạch xuất nhập cảng lên tới 254 tỷ (271 tỷ USD) trong năm 2023.
Nhưng Đức đang cố gắng tránh phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động thương mại với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán, và đã đa dạng hóa nguồn cung cấp hàng hóa quan trọng của mình theo cách tiếp cận mà nước này gọi là “giảm thiểu rủi ro,” được nêu trong chiến lược lần đầu tiên về Trung Quốc ban hành hồi tháng Bảy năm ngoái.
Trong quý đầu tiên của năm nay, Hoa Kỳ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Đức, với 63 tỷ EUR (68 tỷ USD) hàng hóa và dịch vụ trao đổi giữa hai nước. Theo văn phòng thống kê của Đức, con số đó của Trung Quốc chưa đến 60 tỷ EUR (64 tỷ USD).
Chuyến đi của ông Habeck tới Trung Quốc diễn ra hai tháng sau chuyến công du tương tự của Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Trong một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình, ông Scholz đã kêu gọi ông Tập thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin “từ bỏ chiến dịch quân sự điên rồ của mình,” theo một thông cáo do văn phòng của ông đưa ra vào thời điểm đó.
‘Không phải là những mức thuế khắc nghiệt’
Ông Habeck là quan chức cấp cao đầu tiên của châu Âu tới Trung Quốc kể từ hồi đầu tháng này khi Brussels công bố mức tăng thuế lên tới 38.1% đối với xe điện (EV) nhập cảng từ Trung Quốc. Sau một cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng, ủy ban điều hành của Liên minh Âu Châu kết luận rằng các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp nhà nước không công bằng, điều này gây tổn hại cho hoạt động kinh doanh xe hơi sản xuất trong nước của khối này.
Đáp lại, Bộ thương mại Trung Quốc đã khởi xướng cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt heo nhập cảng từ EU. Chỉ vài giờ trước khi phó thủ tướng Đức đến Bắc Kinh, bộ này đã đưa ra một tuyên bố cáo buộc Brussels làm leo thang những xích mích về thương mại mà họ cho rằng có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại.
Trong cuộc họp với các quan chức Trung Quốc, ông Habeck đã bảo vệ mức thuế mà EU đề xướng.
“Những mức thuế này không phải là những mức thuế khắc nghiệt,” ông nói với các phóng viên ở Thượng Hải, đồng thời lưu ý rằng Liên minh Âu Châu sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc.
“Có thể tranh luận hoặc thảo luận về chúng, và đó là điều mà hôm nay tôi đã đề xướng với các đối tác Trung Quốc của mình rằng cánh cửa để thảo luận luôn rộng mở,” ông nói. “Và tôi hy vọng thông điệp này đã được lắng nghe.”
Các mức thuế ban đầu này có thể được áp dụng đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất vào tháng tới, và chính thức áp dụng từ tháng Mười Một.
Các nhà lãnh đạo thương mại của EU và Trung Quốc đã đồng ý bắt đầu đàm phán về kế hoạch thuế quan. Trong một tuyên bố đưa ra sau đó trong hôm 22/06, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết ông Vương đã có cuộc gọi video với ông Valdis Dombrovskis, ủy viên thương mại của Ủy ban Âu Châu.
“Hai bên đã đồng ý bắt đầu hội đàm về cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với xe điện của Trung Quốc,” tuyên bố nói thêm.
Brussels cho biết họ sẽ hợp tác với Bắc Kinh trên cơ sở “sự thật và hoàn toàn tôn trọng các quy định của WTO.”
Phát ngôn viên thương mại của Ủy ban Âu Châu Olof Gill cho biết trong một tuyên bố, rằng: “Phía EU nhấn mạnh rằng bất kỳ kết quả thương lượng nào từ cuộc điều tra của họ phải có hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề trợ cấp có hại.”
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press và Reuters
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times