PHÂN TÍCH: Liệu Zimbabwe sẽ mở đường cho tiền kỹ thuật số được bảo đảm bằng vàng?
Liệu vàng sẽ giải cứu được Zimbabwe khỏi đống tro tàn của sự tuyệt vọng kinh tế và mở ra một kỷ nguyên kinh tế mới không?
Kể từ khi Zimbabwe tuyên bố độc lập khỏi Cộng hòa Rhodesia cũ hồi năm 1980, quốc gia Nam Phi này đã bị lạm phát và bất ổn kinh tế nói chung tàn phá. Trong 40 năm qua, tỷ lệ lạm phát hàng năm chỉ chạm ngưỡng một chữ số hai lần: 1980 (7%) và 1988 (7%).
In tiền quá mức, quản lý tài khóa yếu kém, các lệnh trừng phạt kinh tế, và bất ổn tiền tệ đã là nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài của họ, dẫn đến biến động chính trị và xã hội.
Năm 2008, Zimbabwe nhận kỷ lục đáng tiếc là quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới, chạm mức 250 triệu phần trăm. Điều này đã buộc Tổng thống đương thời Robert Mugabe và chính phủ của ông phải từ bỏ đồng dollar Zimbabwe và bắt đầu dựa vào chín loại ngoại tệ, đặc biệt là đồng dollar Hoa Kỳ và đồng rand của Nam Phi. Năm 2019, Harare đã giới thiệu một loại tiền tệ mới của Zimbabwe, nhưng tình trạng siêu lạm phát đã không mất nhiều thời gian để quay trở lại, với tỷ lệ lạm phát vượt quá 600% hồi tháng 03/2020.
Sau nhiều thử nghiệm và sai sót trong chính sách tiền tệ này, Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe (RBZ) đã thử nghiệm một thứ cũ và mới: một loại tiền kỹ thuật số được bảo đảm bằng vàng.
Thống đốc RBZ John Mangudya cho biết trong một tuyên bố: “Căn cứ theo nghị quyết của Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) hôm 28/03/2023 để bổ sung cho việc phát hành tiền vàng vật chất với các sản phẩm kỹ thuật số được bảo đảm bằng vàng, Ngân hàng RBZ muốn thông báo rằng chúng tôi sẽ phát hành các mã thông báo kỹ thuật số được bảo đảm bằng vàng có hiệu lực từ ngày 08/05/2023. Những mã thông báo được bảo đảm bằng vàng này sẽ được trợ giúp hoàn toàn bằng vàng vật chất do Ngân hàng nắm giữ.”
Các quan chức ngân hàng trung ương cho biết số tiền này sẽ được trợ giúp bằng 140 kg (4,900 ounce) vàng.
Việc khai triển theo hai giai đoạn bắt đầu với việc RBNZ bán mã thông báo kỹ thuật số cho các nhà đầu tư với mức giá tối thiểu là 10 USD cho cá nhân và 5,000 USD cho doanh nghiệp và các tổ chức khác. Quá trình chuyển đổi này sau đó sẽ cho phép người tiêu dùng mua tiền kỹ thuật số từ các ngân hàng và sử dụng mã thông báo để thực hiện “các giao dịch và thanh toán giữa cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với doanh nghiệp” bằng cách sử dụng “ví vàng điện toán hoặc thẻ vàng điện tử” do các tổ chức tài chính này nắm giữ. Người tiêu dùng cũng có thể dựa vào mã thông báo điện toán để tiết kiệm tiền của họ.
Thông báo này được đưa ra vài tháng sau khi chính phủ cho phép sử dụng đồng tiền vàng làm tiền đấu thầu hợp pháp, nhưng quyết định này không phù hợp với các gia đình đang gặp khó khăn vì tiền vàng quá đắt.
Thiếu niềm tin
Nhưng trong khi việc theo đuổi chính sách này nghe có vẻ hấp dẫn đối với những người ủng hộ loại tiền lành mạnh, thì một loạt những người chỉ trích lại cho rằng điều này sẽ không đạt được kết quả mong muốn là ổn định tiền tệ.
Một số nhà kinh tế đã bày tỏ sự nghi ngờ về tính hiệu quả của dự án này, khẳng định rằng đây không phải là một tiêu chuẩn vàng truyền thống vì các mã thông báo không thể chuyển đổi thành vàng miếng và tiền xu.
Ông Aaron Rafferty, Giám đốc điều hành của công ty công nghệ tài chính Standard DAO, cho biết một nhược điểm đáng chú ý là sự thiếu tin tưởng vào các tổ chức và quan chức quản lý kim loại quý này.
Ông Rafferty nói với The Epoch Times: “Yếu tố quan trọng ở đây không phải là bản thân vàng, mà là cần một tổ chức đáng tin cậy, xác thực để duy trì dự trữ vàng và giải quyết các yêu cầu mua lại. Bất kỳ quốc gia nào xem xét một chính sách như vậy sẽ cần các hệ thống mạnh mẽ để quản lý được những yêu cầu này.”
Ông Richard Gardner, Giám đốc điều hành của công ty công nghệ tài chính Modulus, cho biết lựa chọn tốt hơn là áp dụng lại đồng giấy bạc xanh USD.
Ông nói với The Epoch Times: “Có một giải pháp dễ dàng ở đây và nó không liên quan đến tiền kỹ thuật số. Thay vào đó, quốc gia này chỉ nên dùng thuốc của mình: sử dụng lại đồng dollar Hoa Kỳ. Hành động dùng tiền kỹ thuật số không những sẽ không phải là khởi đầu cho hiệu ứng tuyết lở của những nỗ lực toàn cầu tương tự, mà nó gần như chắc chắn sẽ là một thất bại.”
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã lên tiếng báo động đối với chiến dịch này, cảnh báo về sự ổn định tài chính, quản trị, vận hành, và rủi ro pháp lý.
Các thử nghiệm tiền tệ
Trên khắp nền kinh tế toàn cầu, ngày càng có nhiều quốc gia đang thử nghiệm các loại tiền kỹ thuật số do các ngân hàng trung ương trợ giúp. Một số quốc gia đã tung ra các loại tiền kỹ thuật số này, trong khi một số khác đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Năm ngoái (2022), Nigeria đã phát hành đồng eNaira, đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) của quốc gia này. Tuy nhiên, gần một năm sau, tỷ lệ chấp nhận rất thấp, với khoảng 99% ví tiền kỹ thuật số không được sử dụng.
IMF cho biết trong một báo cáo đánh giá về eNaira gần đây: “Việc sử dụng eNaira của các gia đình và thương nhân diễn ra chậm chạp. Như thể hiện bởi mức độ tải xuống và giao dịch của ví, việc áp dụng công khai eNaira cho đến nay vẫn thấp một cách đáng thất vọng.”
Bahamas và Jamaica đã phát hành tiền kỹ thuật số. Trung Quốc, Nhật Bản, và Nga đang thử nghiệm các nỗ lực số hóa tiền tệ. Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, và Liên minh Âu Châu vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu CBDC của họ.
Tuy nhiên, nỗ lực của Zimbabwe là độc nhất vô nhị bởi vì nỗ lực này được thứ kim loại màu vàng trợ giúp, nghĩa là đó không phải là một phiên bản kỹ thuật số của tiền vật lý được cho phép. Vào thời điểm nhiều ngân hàng trung ương đang dự trữ vàng, các chuyên gia đã suy đoán rằng nhiều quốc gia có thể tích hợp hàng hóa này với tiền tệ của họ.
Vàng: Tiền Mới
Liệu Zimbabwe có thể tạo điều kiện cho một kỷ nguyên mới của tiền được bảo đảm bằng vàng?
Ít nhất, sự phát triển của một loại tiền kỹ thuật số được bảo đảm bằng vàng diễn ra vào thời điểm nhu cầu về kim loại này tăng lên đáng kể.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), trong quý đầu tiên, nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương đạt 228.4 tấn, tăng 176% so với cùng thời kỳ năm trước. Con số này cũng đã cao hơn so với kỷ lục quý đầu tiên trước đó được thiết lập vào năm 2013.
Singapore (69 tấn), Trung Quốc (58 tấn), Thổ Nhĩ Kỳ (30 tấn), và Ấn Độ (7 tấn) là những nơi mua mặt hàng kim loại này lớn nhất. Lượng bán ra là khiêm tốn, dẫn đầu là Kazakhstan (-20 tấn), Uzbekistan (-15 tấn), và Campuchia (-10 tấn).
“Cho đến nay, dự đoán chung của chúng tôi về nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương vào năm 2023 đã thành hiện thực,” WGC cho biết trong báo cáo của mình trong tháng này. “Việc mua của ngân hàng trung ương vẫn mạnh mẽ, có rất ít dấu hiệu cho thấy điều này sẽ thay đổi trong ngắn hạn. Do đó, chúng tôi duy trì niềm tin rằng số lượng mua vàng sẽ tiếp tục vượt xa doanh số bán khi chúng ta sang tới Quý 2.”
Dữ liệu của WGC cũng xác nhận hồi tháng Một rằng năm 2022 là năm kỷ lục đối với nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương, tăng hơn 1,100 tấn trị giá khoảng 70 tỷ USD.
Hơn nữa, In Gold We Trust đã lưu ý rằng các quốc gia là thị trường mới nổi sẵn sàng vượt qua các đối tác thị trường đã phát triển của họ về dự trữ vàng vào năm 2050 “nếu họ duy trì tốc độ mua hiện tại.”
Các ngân hàng trung ương mua vàng vì nhiều lý do, như đa dạng hóa dự trữ, phòng ngừa rủi ro lạm phát và tiền tệ, đồng thời củng cố uy tín và niềm tin của các tổ chức này. Nhưng trong thời kỳ hỗn loạn địa chính trị và một khối các quốc gia đang thay đổi trật tự thế giới, thì một số quan chức đã phát tín hiệu rằng vàng có thể đóng một vai trò không thể thiếu, đặc biệt là khi họ giảm mức độ rủi ro liên quan đến các đồng ngoại tệ, chẳng hạn như đồng bạc xanh (USD).
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh BRICS hàng năm vào tháng Tám tới tại Nam Phi, các quan chức đã ám chỉ rằng cuộc họp thường niên này sẽ tập trung vào việc tạo ra một loại tiền tệ mới có thể cạnh tranh với đồng USD hoặc đồng euro, thúc đẩy hiệu quả chiến dịch phi USD hóa toàn cầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với những người tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS năm ngoái rằng khối (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi) đang xem xét việc tạo ra một loại tiền dự trữ quốc tế mới dựa trên rổ tiền tệ của các quốc gia chúng ta.”
Hồi tháng Ba, Phó chủ tịch Duma Quốc gia (hội đồng lập pháp Nga) Alexander Babakov đã đưa ra ý định tại sự kiện Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg ở New Delhi, Ấn Độ, rằng một loại tiền tệ có thể được xác định giá trị theo vàng hoặc “các nhóm sản phẩm khác, các nguyên tố đất hiếm, hoặc đất.”
Mặc dù một loại tiền tệ được trợ giúp bởi hàng hóa không được mọi người ủng hộ, nhưng nó đã được một số nhân vật kinh tế hàng đầu tán thành.
Ông Stephen Moore, tác giả có sách bán chạy nhất và cố vấn kinh tế cho chiến dịch tranh cử năm 2016 của cựu Tổng thống Donald Trump, tin rằng chính sách tiền tệ có thể dựa trên giá cả hàng hóa chung, chẳng hạn như bông, đồng, dầu thô, và lúa mì.
“Tuy nhiên, tôi không ủng hộ việc quay trở lại chế độ bản vị vàng ngày hôm nay,” cựu ứng cử viên của Fed đã viết trong một bài bình luận năm 2019.
Trong một bài báo vào tháng 06/2018 cho Tạp chí Cato, nhà kinh tế học Judy Shelton, người đã được ông Trump đề cử vào Fed, đã viết, “Chúng ta làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại bằng cách làm cho đồng tiền của Mỹ trở nên tuyệt vời trở lại.”
Bà đề nghị liên kết đồng bạc xanh với vàng hoặc một loại hàng hóa khác thay vì chỉ tin tưởng vào Hoa Thịnh Đốn.
Bà Shelton viết: “Khi đề nghị một hệ thống tiền tệ quốc tế mới được liên kết theo một cách nào đó với vàng, thì Mỹ có cơ hội bảo đảm họ sẽ tiếp tục nổi bật trong các vấn đề tiền tệ toàn cầu đồng thời thúc đẩy thương mại tự do thực sự dựa trên nền tảng tiền tệ vững chắc. Vàng trong lịch sử đã cung cấp một mẫu số chung để đo lường giá trị; được chấp nhận rộng rãi ở tất cả các mức thu nhập của xã hội, nó được thừa nhận rộng rãi như một phương tiện thay thế tiền tệ với giá trị nội tại.”
Vào thời điểm mà chính phủ Hoa Kỳ đang phải đối mặt với mức nợ rất lớn — khoản nợ quốc gia trị giá 32 ngàn tỷ USD và thâm hụt ngân sách hàng ngàn tỷ USD — những người ủng hộ tiền tệ cho rằng vàng có thể giúp khôi phục lại được kỷ luật tài khóa.
Theo cựu Chủ tịch Fed Alan Greenspan, vàng giới hạn số tiền mà chính phủ có thể vay vì vàng không thể in ra được.
Ông Greenspan đã viết trong một bài luận năm 1966 có nhan đề “Vàng và Tự do Kinh tế.”: “Nhưng các công khố phiếu không được trợ giúp bằng tài sản hữu hình, mà chỉ bằng lời hứa của chính phủ là sẽ trả từ nguồn thu thuế tương lai.”
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng tiền tệ được bảo đảm bằng hàng hóa sẽ gây rắc rối cho các chính phủ vì chúng sẽ ngăn cản các quan chức phản ứng với những thay đổi trong các điều kiện kinh tế và khiến tiền tệ dễ bị tổn thương trước biến động giá cả hàng hóa. Một sự thay đổi mạnh mẽ cũng có thể làm sai lệch việc phân bổ nguồn lực và gây ra những khó khăn trong giao dịch mua bán hàng ngày.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times