IMF thúc đẩy nền tảng tiền CBDC toàn cầu khi xu hướng không dùng tiền mặt đạt được động lực
Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành IMF, nói với những người tham gia một hội nghị rằng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang phát triển một nền tảng cho các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) khác nhau hoạt động trên quy mô toàn cầu.
Bà Georgieva cho biết tại Rabat, Maroc, hôm 19/06: “Các loại CBDC không nên là các đề xướng rời rạc giữa các quốc gia … Để có các giao dịch hiệu quả hơn và công bằng hơn, chúng ta cần những hệ thống kết nối các quốc gia với nhau — chúng ta cần khả năng tương giao.”
Bà nói thêm, “Vì lý do này tại IMF, chúng tôi đang phát triển khái niệm về một nền tảng CBDC toàn cầu.”
Bà Georgieva cho biết IMF muốn các ngân hàng trung ương đạt được một sự đồng thuận về khuôn khổ pháp lý chung toàn cầu đối với các loại tiền kỹ thuật số nào sẽ mang lại một sự thúc đẩy lớn cho việc áp dụng toàn cầu.
IMF tin rằng nếu không có một nền tảng toàn cầu để các CBDC của các quốc gia khác nhau có thể giao thương thì khả năng sử dụng các loại tiền này sẽ kém hiệu quả và các loại mã kim sẽ tiến vào thay thế.
Các CBDC chịu sự kiểm soát của các ngân hàng trung ương, còn mã kim nói chung là phi tập trung.
Bà Georgieva nói, “Nếu các quốc gia phát triển các loại CBDC chỉ để sử dụng trong nước, thì chúng ta đang chưa sử dụng đúng mức năng lực của loại tiền này,” đồng thời cho biết thêm rằng “điều cuối cùng chúng tôi muốn” là sự xuất hiện của “các khối thanh toán,” nơi các giao dịch CBDC được thanh toán trong các khuôn khổ hàng rào khoanh vùng tách riêng tài sản của khu vực.
Bà nói rằng trong số 114 ngân hàng trung ương trên thế giới đang khai thác việc phát hành CBDC quốc gia, thì có khoảng 10 ngân hàng đã vượt qua vạch về đích này, và “chúng ta sẽ cùng nhau theo đuổi không ngừng” sự phát triển của các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.
Bà Georgieva cho biết, một lợi ích cốt lõi của các CBDC là giúp thúc đẩy tài chính toàn diện và việc chuyển tiền rẻ hơn.
Nhận xét của người đứng đầu IMF tại hội nghị ở Morocco là dựa trên các tuyên bố trước đó cho thấy rõ ràng rằng tổ chức này của Liên Hiệp Quốc xem việc áp dụng rộng rãi tiền CBDC là điều gần như chắc chắn.
Bà Georgieva đã nói tại một hội nghị hôm 01/05 rằng xu hướng tiến đến sử dụng tiền CBDC là “sẽ không bị đảo ngược” và vì vậy IMF đã nhanh chóng tăng cường nhân viên xử lý tiền kỹ thuật số.
CBDC tại Hoa Kỳ
Việc áp dụng CBDC tại Hoa Kỳ đã dần thu hút được sự chú ý, với việc chính phủ ông Biden đã công bố một thông báo hồi tháng 09/2022 trong đó xem xét các khả năng sẽ giới thiệu một khuôn khổ kỹ thuật cho đồng USD kỹ thuật số của Hoa Kỳ.
Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Tòa Bạch Ốc cho biết, và nêu chi tiết các khả năng khung kỹ thuật cho một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ: “Nếu Hoa Kỳ từng theo đuổi một loại tiền CBDC, thì có khi đã có nhiều lợi ích khả thi, chẳng hạn như tạo thuận lợi cho các giao dịch hiệu quả và chi phí thấp, thúc đẩy khả năng tiếp cận lớn hơn với hệ thống tài chính này, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và trợ giúp cho vai trò luôn là trung tâm của Hoa Kỳ trong hệ thống tài chính quốc tế.”
Mặc dù chưa công bố bất kỳ kế hoạch dứt khoát nào để giới thiệu tiền CBDC, nhưng Cục Dự trữ Liên bang đang xem xét vấn đề này và đã thông báo về việc sắp ra mắt dịch vụ FedNow, một nền tảng “thanh toán tức thì” mà một số người cho rằng sẽ đặt nền tảng cho việc áp dụng một loại tiền CBDC trong tương lai.
Ông Jordan Schachtel, nhà chủ bút của “The Dossier” trên Substack, cho biết trong một tweet: “FedNow dường như là một CBDC nguyên mẫu.”
Ông viết, “Mặc dù thanh toán ngay lập tức, phạm vi 24/7 có vẻ tốt, nhưng có những tác động đối với việc dựa trên hệ thống tín dụng. FedNow có thể nhanh chóng chuyển đổi thành một hệ thống giám sát.”
Fed đã phủ nhận rằng FedNow có liên quan đến việc áp dụng CBDC, nhấn mạnh rằng đó là một hệ thống thanh toán cho phép các doanh nghiệp và cá nhân nhận các khoản thanh toán tức thì.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội hồi đầu tháng Ba, một nhà lập pháp hỏi Chủ tịch Fed Jerome Powell liệu hệ thống thanh toán FedNow có lợi thế hơn CBDC hay các loại mã kim neo giá vốn cũng chào mời các dịch vụ thanh toán nhanh hơn hay không.
“Sẽ mất nhiều năm để đánh giá một CBDC,” ông Powell nói. “Và tôi nghĩ rằng chúng ta có thể nhanh chóng đưa CBDC đến tay công chúng, và chúng ta sẽ rất rất sớm có các khoản thanh toán theo thời gian thực ở đất nước này.”
FedNow “sẽ cho phép tất cả các ngân hàng — bất kỳ ngân hàng nào ở Hoa Kỳ, không chỉ các ngân hàng lớn — cung cấp các khoản tiền có sẵn ngay lập tức và các khoản thanh toán theo thời gian thực cho khách hàng của họ,” ông Powell nói trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện hôm 08/03. “Đó là một điều tuyệt vời.”
Một hệ thống thanh toán tương tự của khu vực tư nhân cũng cung cấp các tính năng thanh toán tức thì như FedNow đã có từ năm 2017.
Ứng cử viên tổng thống thuộc Đảng Dân Chủ Robert F. Kennedy Jr. đã cảnh báo, chính phủ Hoa Kỳ sẽ sử dụng cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện tại để thúc đẩy CBDC. Ứng cử viên này nói rằng việc Hoa Kỳ áp dụng CBDC tại Hoa Kỳ sẽ tăng cường giám sát tài chính và đe dọa những sự tự do cơ bản.
Ông Kennedy đã viết trong một tweet hôm 05/04, “CBDC sẽ dễ dàng dẫn đến chế độ nô lệ tài chính và chế độ chuyên chế chính trị. Trong khi các giao dịch tiền mặt thì không công khai danh tính, còn CBDC sẽ cho phép chính phủ giám sát tất cả các giao dịch tài chính cá nhân của chúng ta.”
“Ngân hàng trung ương sẽ có quyền thực thi giới hạn tiền đối với các giao dịch của chúng ta, hạn chế nơi quý vị có thể gửi tiền, nơi quý vị có thể chi tiêu, và khi nào thì tiền hết hạn.”
Một số quan chức Fed đã cảnh báo rằng CBDC có thể gây rủi ro cho đất nước. Chẳng hạn, trong một bài diễn văn hôm 18/04, Thống đốc Fed Michelle W. Bowman đã tuyên bố rằng bảo vệ quyền riêng tư là “mối quan tâm hàng đầu” khi nói đến CBDC.
Bà Bowman cho biết vào thời điểm đó: “Khi nghĩ về ý nghĩa của CBDC và quyền riêng tư, chúng ta cũng phải xem xét vai trò trung tâm của tiền trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, và nguy cơ mà CBDC không chỉ cung cấp một cửa sổ, mà còn có khả năng cản trở sự tự do mà người Mỹ được hưởng trong việc lựa chọn cách sử dụng và đầu tư tiền của và tài nguyên.”
Đe dọa đối với ‘những sự tự do cốt lõi’
Trái ngược với quan điểm của IMF và những người khác cho rằng tiền kỹ thuật số chịu sự kiểm soát của ngân hàng trung ương có mặt tích cực, một phân tích mới đây từ Viện Cato cho thấy CBDC gây ra một rủi ro căn bản cho các hệ thống kinh tế của Mỹ trong khi mang lại rất ít lợi ích.
Tổ chức tư vấn này đã nêu rõ trong một phân tích hồi tháng Tư: “Mặc dù những người đề xướng CBDC đưa ra nhiều lợi ích tiềm năng, nhưng những lợi ích đó khi xem xét kỹ lưỡng là có khiếm khuyết.”
Những người ủng hộ CBDC thường trích dẫn việc thúc đẩy tài chính toàn diện, thanh toán nhanh hơn, giúp thực hiện các chính sách tài khóa dễ dàng hơn, và đối với tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, CBDC sẽ giúp duy trì tư thế của đồng USD như một loại tiền dự trữ thế giới.
Tuy nhiên, phân tích của Cato cho biết cả bốn lợi ích tiềm năng này khi xem xét kỹ lưỡng là có khiếm khuyết.
Về mặt tài chính toàn diện, tổ chức tư vấn này nói rằng việc thúc đẩy CBDC không tính đến việc các đổi mới của khu vực tư nhân đang diễn ra và đó là một giải pháp, thì CBDC không giải quyết được nhu cầu của những người không có trương mục ngân hàng.
Về khả năng thanh toán nhanh hơn, các nhà phân tích của Cato thừa nhận rằng việc tăng tốc độ các giao dịch là một “nỗ lực cao cả,” nhưng “một CBDC sẽ không mang lại lợi ích độc đáo, hoặc thậm chí là nhiều thêm, so với những phát triển hiện có trong khu vực tư nhân.”
Nhóm phân tích này cũng đã bác bỏ lập luận rằng CBDC của Hoa Kỳ sẽ giúp duy trì tư thế của đồng bạc xanh với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới. Họ khẳng định rằng sức hấp dẫn của đồng USD không dựa trên một nền tảng công nghệ tài chính cụ thể này hay nền tảng khác mà là dựa trên các yếu tố như quyền sở hữu và một nền kinh tế vững mạnh.
Các nhà phân tích viết: “Tư thế nổi tiếng của đồng USD là nhờ vào sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và các biện pháp bảo vệ pháp lý của Mỹ đối với các công dân tư nhân so với hầu hết các quốc gia khác, chứ không phải công nghệ cụ thể cho phép chuyển tiền điện tử.”
Theo Cato, lập luận cuối cùng — rằng CBDC sẽ giúp thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa — cũng không đạt được kết quả. Lập luận này gọi ý tưởng rằng một đồng dollar kỹ thuật số sẽ để cho các nhà hoạch định chính sách điều chỉnh được nền kinh tế về cả tính “lạc quan” và tính “liên quan.”
Đồng thời, tổ chức tư vấn này cảnh báo, mặc dù CBDC sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích độc đáo nào so với các công nghệ hiện có, nhưng CBDC sẽ gây ra “những rủi ro nghiêm trọng.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times