Chủ tịch Fed: Sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất hơn khi áp lực lạm phát vẫn ‘tăng cao’
Hôm thứ Tư (21/06), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell khẳng định rằng sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất hơn diễn ra do lạm phát ở Hoa Kỳ vẫn còn quá cao so với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Ông Powell cho biết trong báo cáo chính sách tiền tệ bán niên của mình trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, “Gần như tất cả” các thành viên hoạch định chính sách thuộc Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đều “kỳ vọng rằng việc tăng lãi suất thêm một chút nữa vào cuối năm nay là phù hợp.”
Kể từ hồi tháng 03/2022, Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất ngắn hạn trong 10 cuộc họp chính sách liên tiếp thêm tổng cộng 5%. Lãi suất mục tiêu của ngân hàng hiện được đặt ở mức 5.0–5.25%, cao nhất kể từ năm 2007.
Theo ông Powell, trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh liên tục, lạm phát “đã giảm bớt phần nào kể từ giữa năm ngoái.” Kể từ khi đạt mức đỉnh điểm 9.1% hồi tháng 06/2022, lạm phát đã giảm xuống, với Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) tăng lên mức 4% hàng năm hồi tháng Năm. Khi loại trừ giá lương thực và năng lượng dễ biến động, thì lạm phát “lõi” là 5.3% trong 12 tháng kết thúc hồi tháng Năm.
Cả hai con số này vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% của Fed.
Ông Powell đã nói với các nhà lập pháp Quốc hội, “Tuy nhiên, áp lực lạm phát tiếp tục tăng cao, và quá trình đưa lạm phát trở lại mức 2% còn một chặng đường dài phía trước.”
Khi đề cập đến tình hình kinh tế hiện tại, ông Powell cho biết nền kinh tế Mỹ “đã chậm lại đáng kể” vào năm ngoái (2022), với các dấu hiệu cho thấy cung và cầu trên thị trường lao động đang “trở lại trạng thái cân bằng tốt hơn”, mặc dù vẫn “rất chặt chẽ.”
“Nền kinh tế đang phải đối diện với những khó khăn từ các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn đối với các gia đình và doanh nghiệp, những điều có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, tuyển dụng, và lạm phát,” ông nói thêm. “Mức độ của những tác động này vẫn chưa chắc chắn.”
Sau cuộc họp của FOMC hồi tuần trước (12-18/06), các quan chức ấn định lãi suất cho biết họ đã đồng thuận để tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều thập niên và giữ lãi suất ổn định ở mức 5.0–5.25%.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau cuộc họp, hai thành viên của FOMC đã kêu gọi thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa để đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%.
Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Christopher Waller cho biết hôm 16/06 trong một diễn đàn do Ngân hàng Trung ương Na Uy (Norges Bank) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tổ chức tại Oslo, Na Uy, “Chúng tôi đang thấy lãi suất chính sách có một số tác động đến các bộ phận của nền kinh tế. Thị trường lao động vẫn mạnh, nhưng loại lạm phát cốt lõi đúng là đang không thay đổi và điều đó có lẽ sẽ đòi hỏi một số biện pháp thắt chặt hơn nữa để cố gắng làm lạm phát đi xuống.”
Ông Thomas Barkin, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Richmond, cũng nhắc lại quan điểm của ông Waller khi nói vào cùng ngày rằng ông cảm thấy “thoải mái” khi đưa lãi suất lên cao hơn nữa.
“Tôi vẫn đang chờ xem liệu câu chuyện hợp lý rằng nhu cầu chậm lại sẽ đưa được lạm phát trở lại mức mục tiêu đó tương đối nhanh chóng có là thuyết phục không,” ông Barkin cho biết trong khi nói tại Hiệp hội Nhân viên Tài chính Chính phủ Maryland. “Nếu dữ liệu sắp tới không ủng hộ cho câu chuyện đó, thì tôi cảm thấy thoải mái khi tăng lãi suất nhiều hơn nữa.”
Một số thành viên Đảng Dân Chủ đang đẩy lùi việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang, cảnh báo rằng điều này có thể gây hại cho nền kinh tế và khiến hàng triệu người Mỹ thất nghiệp.
Trong một bức thư ngày 02/05 gửi cho ông Powell, một nhóm gồm 10 thành viên của Quốc hội, do Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (Dân Chủ-Massachuset) cùng các Dân biểu Pramila Jayapal (Dân Chủ-Washington) và Brendan Boyle (Dân Chủ-Pennsylvania) dẫn đầu, đã lập luận rằng Fed nên tạm dừng tăng lãi suất để tránh “tạo ra một cuộc suy thoái làm mất việc làm và làm làm đổ vỡ các doanh nghiệp nhỏ.”
Họ viết, “Trong khi Fed nên tiếp tục linh hoạt với dữ liệu sắp tới khi họ đánh giá tiến độ của nền kinh tế trong việc đạt được lạm phát thấp hơn, thì bằng chứng cho đến nay cho thấy rằng có thể tiếp tục tiến độ tăng lãi suất mà không phanh lại nền kinh tế và khiến hàng triệu người Mỹ mất việc làm.”
Trong khi đó, Đảng Cộng Hòa lập luận rằng việc thắt chặt mạnh mẽ chính sách tiền tệ chỉ là một “triệu chứng kinh niên” của việc đánh thuế và chi tiêu quá mức của Đảng Dân Chủ.
Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện Jason Smith (Cộng Hòa-Missouri) cho biết hồi tháng Năm sau lần tăng lãi suất gần đây nhất: “Chi tiêu khinh suất của các thành viên Đảng Dân Chủ đã buộc Cục Dự trữ Liên bang phải tăng lãi suất để chống lại cuộc khủng hoảng lạm phát của Tổng thống Biden.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times