Phân tích: Căng thẳng leo thang ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dưới ảnh hưởng của Trung Quốc
Căng thẳng đã leo thang giữa Trung Quốc và Philippines ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và các tranh chấp ở Eo biển Đài Loan và biên giới Ấn-Trung cũng vậy. Trong khi đó, có những dấu hiệu cho thấy một liên minh mới đang hình thành giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Philippines, trong đó Ấn Độ ủng hộ đồng minh Philippines của Hoa Kỳ. Các chuyên gia đang có những ý kiến khác nhau về việc liệu khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có sắp trở thành một điểm nóng mới hay không.
Xung đột ở Biển Đông
Hôm 23/03, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã dùng vòi rồng tấn công một tàu tiếp tế của Philippines trong cuộc trạm chán mới nhất gần một bãi cạn đang tranh chấp ở Biển Đông, khiến các thủy thủ bị thương cũng như khiến con tàu gỗ này bị hư hại nặng.
Hoa Kỳ và Nhật Bản đã ngay lập tức bày tỏ sự ủng hộ đối với Philippines, đồng thời cảnh báo về việc các lực lượng Trung Quốc đang liên tục gây hấn ngoài khơi Bãi cạn Thomas thứ Hai.
Hôm 28/03, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết Philippines sẽ thực hiện các biện pháp đối phó với “các cuộc tấn công bất hợp pháp, cưỡng ép, hung hãn, và nguy hiểm” của lực lượng hải cảnh Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng Biển Đông và nhấn mạnh yêu sách này trên các tấm bản đồ sử dụng đường chín đoạn lấn chiếm vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Indonesia.
Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye đã bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông trong một phán quyết mang tính bước ngoặt vào ngày 12/7/2016.
Tuy nhiên, Trung Quốc từ chối thừa nhận phán quyết này và vẫn tiếp tục các hoạt động của họ ở Biển Đông, bao gồm khai triển phi đạn trên các đảo nhân tạo và xây dựng các đường băng quân sự, khiến căng thẳng gia tăng trong khu vực.
Nói chuyện với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, ông Thẩm Minh Thất (Ming-Shih Shen), giám đốc nghiên cứu an ninh quốc gia tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Bắc, cho rằng cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã áp dụng chính sách thân Trung Quốc, nhưng lời hứa của Trung Quốc đối với Philippines về việc giúp nước này phát triển kinh tế đã không tiến triển hoặc không thành hiện thực. Thay vào đó, xung đột liên tục nảy sinh giữa hai quốc gia tại các khu vực trong đường chín đoạn.
Ông Thẩm cho biết Philippines phải tăng cường hợp tác giữa các quốc gia tuân thủ các nguyên tắc dân chủ để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông dự đoán rằng sau khi Philippines mua phi đạn hành trình siêu thanh BrahMos từ Ấn Độ, các cuộc tuần tra chung của các lực lượng tuần duyên đến từ Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, và Philippines sẽ sớm bắt đầu.
Biện pháp phòng vệ trước của Nhật Bản
Eo biển Đài Loan là một khu vực khác có nhiều nguy cơ, khiến Nhật Bản phải tăng cường năng lực phòng thủ trên các hòn đảo phía tây nam của mình.
Đảo Yonaguni, nằm cách Tokyo khoảng 2,000 km (1,242 dặm) và cách Đài Loan chỉ 110 km (68 dặm), đóng vai trò là tuyến đầu trong sáng kiến của Nhật Bản.
Theo bản tin hôm 31/3 của Nikkei Asia, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Eo biển Đài Loan, Nhật Bản được cho là đang khai triển các đơn vị quân sự mới trên quần đảo này và mở rộng các căn cứ tại đó.
Nhằm tăng cường năng lực phản công, hồi tháng Một, Nhật Bản đã ký một hợp đồng trị giá 1.7 tỷ USD với Hoa Kỳ để mua 400 phi đạn hành trình tấn công mặt đất Tomahawk để trang bị cho bốn lớp khu trục hạm trang bị hệ thống chiến đấu Aegis của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF).
Ông Thẩm tin rằng những nỗ lực của Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trên các hòn đảo xa xôi phía tây nam nước này và tăng cường khai triển phi đạn chống hạm rõ ràng là nhằm phòng ngừa Trung Quốc, chủ yếu như một chiến lược đáp trả.
Ông Mã Chuẩn Uy (Ma Chun-Wei), một giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế Sau đại học tại Đại học Đạm Giang, cũng đồng ý rằng thực chất đây là một biện pháp phòng thủ phủ đầu.
Ông cho rằng Nhật Bản đang cảm thấy áp lực vì các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Như một biện pháp phòng ngừa, Nhật Bản đang tăng cường chuẩn bị cho những xung đột tiềm ẩn trong tương lai. Trong bối cảnh liên minh an ninh Hoa Kỳ-Nhật Bản, Nhật Bản có thể sẽ tìm kiếm sự bảo đảm ngày càng tăng từ phía Hoa Kỳ trong các cuộc gặp thượng đỉnh song phương. Ông Mã lưu ý rằng, “Các lĩnh vực như huấn luyện thực tế, chia sẻ thông tin tình báo, và phối hợp chỉ huy có thể trở thành trọng tâm trong các cuộc thảo luận.”
Theo một tuyên bố từ Tòa Bạch Ốc hôm 18/3, vào ngày 11/4 Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp đón Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. của Philippines và Thủ tướng Kishida Fumio của Nhật Bản tại Tòa Bạch Ốc để tiến hành hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ-Nhật Bản-Philippines. Cuộc gặp mở đầu này giữa ba nhà lãnh đạo có thể báo hiệu sự xuất hiện của một liên minh ba bên mới nhằm ứng phó với sự xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Để đối phó và chống lại sự bành trướng của Trung Quốc, chiến lược của Hoa Kỳ đã mở rộng ra ngoài Hawaii và Guam để bao gồm khu vực phía bắc Đài Loan, các đảo phía tây nam Nhật Bản, cũng như khu vực phía nam Đài Loan và Philippines. Chiến lược này có một bộ kế hoạch hoạt động và dự phòng toàn diện,” ông Thẩm cho biết.
Ông tin rằng sẽ có những sắp xếp cho các cuộc tập trận quân sự song phương hoặc đa phương sau hội nghị thượng đỉnh kể trên, nhằm tăng cường các kế hoạch dự phòng trong tương lai.
Ông Mã xem sự bành trướng của Trung Quốc là một sản phẩm phụ của sức mạnh kinh tế được củng cố trong những năm gần đây, một biểu hiện của sự mở rộng tầm ảnh hưởng của nước này. Chỉ dựa vào các chiến lược phòng thủ dựa trên các liên minh có thể tỏ ra khuyết thiếu trong việc kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc. Ông Mã cho biết, “Việc giải quyết các vấn đề căn bản phía sau, chẳng hạn như thông qua các khía cạnh của cuộc chiến thương mại hoặc cạnh tranh công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, có thể sẽ cung cấp một phương tiện hữu hiệu hơn để hạn chế sự bành trướng của Trung Quốc.”
Xung đột dọc biên giới Ấn-Trung
Ấn Độ đã thể hiện lập trường rõ ràng khi ủng hộ đồng minh Philippines của Hoa Kỳ, trong bối cảnh hàng loạt xung đột xảy ra do Bắc Kinh gây hấn khơi mào ở Biển Đông.
Tại một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Philippines hôm 26/3, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc nước này bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) đã đáp lại rằng, “Các tranh chấp hàng hải là vấn đề giữa các quốc gia liên quan. Các bên thứ ba không có quyền can thiệp vào bất kỳ việc gì.”
Khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc là nơi thường xuyên xảy ra tranh chấp, với một cuộc xung đột lớn xảy ra vào năm 1962.
Năm 2020, các cuộc đụng độ nghiêm trọng đã nổ ra giữa lực lượng quân sự hai nước tại Thung lũng Galwan thuộc biên giới phía đông Ladakh, dẫn đến thương vong cho cả hai bên. Tuy nhiên, quân đội của cả hai nước đã triệu tập nhiều cuộc đàm phán và đồng thuận duy trì đối thoại thông qua các con đường quân sự và ngoại giao.
Theo báo cáo hồi tháng Ba trên truyền thông Ấn Độ, Ấn Độ đang tái khai triển 10,000 quân từ các lực lượng đồn trú ở khu vực biên giới phía tây đến khu vực biên giới tranh chấp phía Đông với Trung Quốc.
Hôm 09/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chủ trì lễ khánh thành Đường hầm Sela ở tiểu bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Arunachal Pradesh được Bắc Kinh gọi là Nam Tây Tạng.
Ông Thẩm cho rằng đường hầm này có ý nghĩa rất lớn vì đường hầm sẽ tạo thuận tiện cho việc đưa quân đến nhanh chóng trong một xung đột.
Tuy nhiên, theo ông Thẩm, mặc dù có thể xảy ra xung đột biên giới trong tương lai nhưng vấn đề biên giới không phải là ưu tiên hàng đầu của cả Trung Quốc và Ấn Độ.
“Ấn Độ nhận thức được rằng nước này không thể đơn độc đối đầu với Trung Quốc trong cuộc xung đột biên giới này. Bất chấp mối quan hệ song phương truyền thống giữa Nga và Ấn Độ, Nga khó có thể ủng hộ đầy đủ cho Ấn Độ và Ấn Độ vẫn cần sự giúp đỡ từ các nước khác trong khu vực,” ông cho biết.
Ông Thẩm tin rằng xét đến chủ nghĩa bành trướng của ĐCSTQ và thái độ kiêu ngạo của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi ông có được nhiệm kỳ thứ ba, thì một cuộc xung đột ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là điều có khả năng xảy ra.
Mặt khác, ông Mã nêu lên rằng mặc dù căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang leo thang nhưng dường như chưa có nguy cơ xảy ra chiến tranh ngay lập tức. Mà nói đúng hơn, hiểm họa xung đột đang gia tăng.
Ông nói: “Đối thoại quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã được nối lại trong năm nay. Chỉ cần có các kênh trao đổi thông tin, thì rủi ro sẽ giảm thiểu đáng kể. Nói cách khác, một cuộc chiến tranh toàn diện khó có khả năng xảy ra. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có tranh chấp dọc biên giới nhưng họ vẫn kiềm chế.”
Ông tin rằng việc Trung Quốc mở rộng lực lượng hải quân ở Ấn Độ Dương sẽ gây áp lực lên Ấn Độ, khiến Ấn Độ phải hợp tác với Hoa Kỳ về an ninh.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Dịch Như
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times