Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng Nhật Bản sẽ gặp các đối tác Philippines trong lúc Trung Quốc ngày càng gây hấn
Bốn quan chức này sẽ ‘thảo luận các vấn đề song phương, quốc phòng, và an ninh ảnh hưởng đến khu vực, đồng thời trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế.’
Tuần tới (08-14/07), Nhật Bản và Philippines sẽ thảo luận các vấn đề an ninh tại Manila trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng gây hấn ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara sẽ gặp những người đồng cấp Philippines, ông Enrique Manalo và ông Gilberto Teodoro, vào ngày 08/07.
Trong cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng, còn được gọi là cuộc họp 2+2, bốn quan chức này dự kiến sẽ thảo luận về “các vấn đề song phương, quốc phòng, và an ninh ảnh hưởng đến khu vực, đồng thời trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế,” Bộ Ngoại giao Philippines cho biết trong một tuyên bố hôm 28/06. Hai nước cũng dự định thảo luận về các lĩnh vực cùng quan tâm.
Đây là cuộc gặp 2+2 thứ hai giữa Tokyo và Manila. Cuộc gặp đầu tiên được tổ chức tại Tokyo năm 2022.
Cuộc gặp lần này diễn ra trong bối cảnh Philippines và Nhật Bản đàm phán một thỏa thuận tiếp cận tương hỗ (RAA) vốn sẽ gia tăng hợp tác quốc phòng giữa hai đồng minh chủ chốt này của Hoa Kỳ ở châu Á. Thỏa thuận này sẽ cho phép các lực lượng quân sự của họ đến thăm lãnh thổ của nhau.
Nhà lập pháp Nhật Bản và là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera, người đã đến thăm Manila hồi tuần trước, cho biết ông hy vọng hiệp ước RAA sẽ “nhanh chóng tiến triển” trong các cuộc đàm phán cấp cao.
Philippines đã đang tăng cường mối bang giao với các nước láng giềng và những nước khác để chống lại sự gây hấn ngày càng tăng của chính quyền cộng sản Trung Quốc trong khu vực.
Giống như Manila, Tokyo từ lâu cũng có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.
Tháng trước (06/2024), Nhật Bản đã lên tiếng phản đối Bắc Kinh sau khi 4 tàu hải cảnh có vũ trang của Trung Quốc tiến vào lãnh hải của Nhật Bản gần các đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông.
Tokyo kiểm soát quần đảo tranh chấp, mà nước này gọi là Quần đảo Senkaku, nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này và gọi là Quần đảo Điếu Ngư. Căng thẳng leo thang vào năm 2012 khi chính phủ Nhật Bản mua lại một số hòn đảo từ một chủ sở hữu tư nhân người Nhật Bản.
Hồi tháng Năm, Nhật Bản cho biết lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã tiến vào vùng biển gần các đảo tranh chấp do Nhật Bản kiểm soát ở Biển Hoa Đông trong kỷ lục 158 ngày liên tục, vượt qua kỷ lục 157 ngày trước đó được thiết lập năm 2021.
Hồi tháng Tư, các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Philippines, và Hoa Kỳ đã gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh ba bên ở Hoa Thịnh Đốn. Những nhà lãnh đạo này cho biết họ phản đối các hành động gây hấn và yêu sách phi pháp của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Ba nhà lãnh đạo này cũng kêu gọi Trung Quốc tuân theo phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực, trong đó tuyên bố rằng các yêu sách trên biển của Trung Quốc thiếu cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Ba nhà lãnh đạo thông báo rằng lực lượng bảo vệ bờ biển của họ có kế hoạch tiến hành một cuộc tập trận ba bên ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong năm tới và thiết lập một cuộc đối thoại để thúc đẩy hợp tác trong tương lai.