Peru mời Hoa Kỳ đầu tư vào cảng mới để tạo thế cân bằng với ảnh hưởng của ĐCSTQ
Trước thực tế Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục tiến hành thâm nhập thông qua các dự án cơ sở hạ tầng, Peru đang chào mời các nhà đầu tư Hoa Kỳ vào một dự án cảng mới nhằm tạo thế cân bằng đối với ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh tại quốc gia Nam Mỹ này qua thương mại hàng hải.
Tập đoàn COSCO Shipping, một công ty quốc doanh của ĐCSTQ, sẽ bắt đầu sử dụng cảng Chancay của Peru vào cuối năm nay. Điều này có thể giúp cho việc mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Nam Mỹ qua thương mại hàng hải thuận tiện hơn rất nhiều nhưng cũng gây ra những lo ngại về an ninh cho Hoa Kỳ. Hiện tại, khi cân nhắc đến địa chính trị, giới chức trách Peru đang cố gắng sử dụng cảng Chancay làm ví dụ để mời gọi Hoa Kỳ đầu tư vào “sân sau” giàu tài nguyên của họ.
Đại sứ Peru tại Hoa Kỳ Alfredo Ferrero nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn sau khi phát biểu trước các giám đốc điều hành ở New York rằng: “Đây sẽ là một cảng biển có thể cân bằng với kế hoạch Chancay của Trung Quốc.”
Cảng Chancay trị giá 3.5 tỷ USD, được khoản vay từ ngân hàng Trung Quốc tài trợ, nằm cách thủ đô Lima của Peru 50 dặm (khoảng 80.5 km) về phía bắc. Với độ sâu gần 60 feet (khoảng 18.3 mét), đây sẽ là cảng đầu tiên trên bờ biển Thái Bình Dương của Nam Mỹ có khả năng tiếp nhận các tàu cỡ lớn. Điều này sẽ cho phép các công ty sử dụng tàu cỡ lớn để vận chuyển hàng hóa trực tiếp giữa Peru và Trung Quốc, không cần phải sử dụng các tàu nhỏ hơn để đi vòng sang Mexico hoặc California.
Do tầm quan trọng của cảng nước sâu Chancay đối với Bắc Kinh nên dự kiến lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình sẽ đến tham gia khánh thành cảng biển này trong chuyến công du Peru để dự cuộc họp Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào tháng Mười Một tới. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Tập ở lục địa Nam Mỹ kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, cảng biển Chancay đã khiến các quan chức Hoa Kỳ dấy lên những mối lo ngại. Họ công khai chỉ trích các khoản đầu tư của ĐCSTQ vào châu Mỹ Latinh khiến các công ty Hoa Kỳ bị thất thế. Cảng Chancay hiện đang thu hút sự chú ý nhưng đây chỉ là ví dụ mới nhất về các khoản đầu tư của ĐCSTQ vào Peru.
“100% điện năng của Lima là thuộc sở hữu của Trung Quốc (ĐCSTQ), rất nhiều kế hoạch khai thác đồng cũng thuộc sở hữu của ĐCSTQ. ĐCSTQ sẽ sở hữu cảng lớn nhất ở Nam Mỹ,” ông Ferrero cho biết. “Khách quan mà nói, tình huống chính là như vậy, Hoa Kỳ cũng đã nhận thấy điều này. Tuy nhiên, chỉ nhận thấy điều này thôi là chưa đủ mà còn cần phải thực hiện hành động.”
Dự án cảng Corio
Ông Ferrero là cựu Bộ trưởng Thương mại Peru, người đã đàm phán thành công một hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ có hiệu lực cho đến ngày nay. Hồi đầu năm nay, ông được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Hoa Kỳ và đã bắt đầu thu hút các khoản đầu tư mới.
Dự án cảng mới mà ông đề xướng có tên là Corio, nằm cách cảng Chancay gần 700 dặm (khoảng 1,127 km) về phía nam. Cảng Corio cũng nằm ở phía nam Callao, nơi có công ty DP World (Dubai Ports World của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất) và công ty APM Terminals (của Đan Mạch) chuyên vận hành các dịch vụ bến cảng. Khu vực Corio cũng gần cảng Matarani, nơi đang là trung tâm xuất cảng đồng quan trọng.
Ý tưởng về cảng Corio vẫn đang ở giai đoạn đầu, nhưng ông Ferrero cho biết dự án này rất có tiềm năng vì nó nằm gần ba nước Chile, Argentina, và Bolivia, những nơi đang nỗ lực tăng cường sản xuất Lithium cho nhu cầu về xe điện.
Ông Ferrero đang nỗ lực nâng cao nhận thức của Hoa Kỳ về dự án cảng Corio nhằm thu hút các nhà đầu tư tư nhân. Ông nói: “Ý tưởng của chúng tôi là chính phủ Hoa Kỳ kêu gọi các bên có khả năng để họ quan tâm tiến hành đầu tư.”
ĐCSTQ thâm nhập vào Nam Mỹ
Theo The Wall Street Journal, đã có nhiều người bày tỏ sự lo ngại và dấy lên hồi chuông cảnh báo khi làn sóng hàng hóa giá rẻ mới của Trung Quốc tràn vào các quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, cảng Chancay, nằm ở thị trấn nhỏ của Peru, ven bờ biển Thái Bình Dương thuộc Nam Mỹ, có thể mở ra một thị trường mới cho xe điện và các mặt hàng xuất cảng khác của Trung Quốc tiến vào. Quốc gia Á Châu này lâu nay vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của phần lớn khu vực Nam Mỹ.
Hai tổ chức chỉ trích Bắc Kinh là Doublethink Lab và China in the World Network đã đưa ra các chỉ số, cho thấy rằng Peru là nước đứng thứ năm trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ ĐCSTQ. Xe hơi sản xuất tại Trung Quốc xuất hiện phổ biến ở quốc gia này.
Peru là nơi có triển vọng sẽ trở thành trung tâm thương mại toàn cầu thực sự đầu tiên của Nam Mỹ. Vậy nên, Hoa Kỳ lo ngại việc ĐCSTQ kiểm soát Peru sẽ làm gia tăng hơn nữa quyền kiểm soát đối với các nguồn tài nguyên trong khu vực của Bắc Kinh, tăng thêm ảnh hưởng đối với các nước láng giềng sân sau của Hoa Kỳ, và cuối cùng ĐCSTQ có thể sẽ khai triển quân đội ở gần đó.
Brazil, nền kinh tế lớn nhất châu Mỹ Latinh, sau khi từ chối yêu cầu của Hoa Kỳ loại bỏ công nghệ của Huawei khỏi mạng 5G, đã hy vọng hợp tác với Trung Quốc để phát triển chất bán dẫn. Các công ty Trung Quốc đang xây dựng hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Bogotá của Colombia. Cộng hòa Honduras đã cắt đứt mối bang giao với Đài Loan để hy vọng nhận được nhiều khoản đầu tư từ Bắc Kinh. Ở Argentina, Trung Quốc đang mua lại các mỏ lithium, một thành phần quan trọng trong sản xuất xe điện.
Các cựu quan chức Hoa Kỳ cho biết, dự án cảng Chancay cho thấy khoảng trống ngoại giao mà Hoa Kỳ để lại ở Mỹ Latinh khi nước này tập trung nguồn lực vào các nơi khác, gần đây nhất là ở Ukraine và Trung Đông.
Ngoại trưởng Peru Javier González-Olaechea cho biết nếu Hoa Kỳ lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của ĐCSTQ ở Peru thì Hoa Kỳ nên tăng cường đầu tư vào nước này, đồng thời nói thêm rằng Lima “hoan nghênh tất cả mọi người” đến đầu tư.
“Hoa Kỳ đã thực hiện rất nhiều biện pháp ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, nhưng ở châu Mỹ Latinh thì không nhiều như vậy,” ông González-Olaechea nói trong một cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal. “Giống như một người bạn rất quan trọng, nhưng lại rất ít khi ở bên chúng tôi.”
Trong khi đó, Peru cũng hoan nghênh các khoản đầu tư của Bắc Kinh vào mọi lĩnh vực, từ cảng biển đến khai thác đồng và điện lực … Điều này sẽ giúp các công ty Trung Quốc kiểm soát gần như toàn bộ hệ thống phân phối điện ở Lima.
Ông Leland Lazarus, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc-Mỹ Latinh tại Đại học Quốc tế Florida, cho biết: “Peru đang ngày càng phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, khiến quốc gia này dễ bị tổn hại trước sức ép kinh tế tiềm tàng của Trung Quốc (ĐCSTQ).”
‘Bỗng nhiên họ bừng tỉnh giấc’
Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ (CFR) cho biết cảng Chancay có tiềm năng quân sự, hơn nữa Trung Quốc hiện đang nắm giữ 60% cổ phần.
Tập đoàn COSCO cho biết cảng Chancay hoàn toàn có mục đích thúc đẩy phát triển thương mại. Ngay sau khi dự án cảng này được phê chuẩn vào năm 2019, các cơ quan truyền thông của chính quyền ĐCSTQ đã tuyên truyền rầm rộ rằng Peru sẽ trở thành trung tâm thương mại giữa Trung Quốc và Nam Mỹ trong tương lai, có thể giúp Bắc Kinh giải quyết các mục tiêu ưu tiên khác, chẳng hạn như kết nối cáp ngầm dưới biển.
Cảng Chancay cũng có vai trò giống như cảng mà Tập đoàn COSCO xây dựng ở Hy Lạp vào năm 2016; chính cảng này đã giúp ĐCSTQ đứng vững ở miền nam châu Âu. Hiện tại, các công ty Trung Quốc đã kiểm soát hoặc vận hành các bến cảng ở khoảng 100 cảng biển ngoại quốc. Chiến hạm hải quân ĐCSTQ đã cập cảng đến hơn 1/3 số cảng này.
Những hậu quả trực tiếp hơn từ các cảng do Trung Quốc đầu tư đã ngày càng lộ rõ. Mozambique đang phải chịu gánh nặng nợ nần không thể trả nổi, môi trường của Kenya bị tàn phá nghiêm trọng, ở châu Âu cũng có những dấu hiệu cho thấy ĐCSTQ chỉ xem lợi ích địa phương là thứ yếu.
Việc xây dựng cảng Chancay đã gây ra tiếng ồn và chấn động to lớn cho cộng đồng ngư dân xưa nay đang yên bình. Người dân địa phương cho biết tường nhà của họ bị nứt, đường xá sụt lở, và ngành ngư nghiệp trong khu vực cũng bị sa sút. Tập đoàn COSCO nói rằng họ đã sửa chữa nhà cửa, đường sá, và đang nỗ lực giảm thiểu tác động đối với ngư dân.
Một cựu chức Hoa Kỳ và một cựu chức Peru thạo tin về các cuộc đàm phán nói với The Wall Street Journal rằng, Hoa Kỳ đã thảo luận với giới chức trách Peru về mối lo ngại rằng ĐCSTQ kiểm soát các cơ sở hạ tầng quan trọng như cảng biển Chancay. Điều khiến Hoa Kỳ lo lắng là công ty thương mại Trung Quốc hợp tác Bắc Kinh (đặc biệt là quân đội). Các cảng biển và thiết bị bên trong đó có thể có công năng về thương mại lẫn quân sự.