DARIEN GAP, Panama — Tiếng ken két của máy móc hạng nặng phá vỡ sự tĩnh lặng của rừng rậm Darién, nơi Xa lộ xuyên châu Mỹ (Pan American Highway) kết thúc ở Yaviza, Panama.
Các công nhân xây dựng đã dọn sạch những cái cây cao chót vót để nhường chỗ cho một cây cầu thép và bê tông đủ vững chắc để chống chọi với lũ lụt từ sông Chucunaque.
Một công nhân công trường của công ty xây dựng Cusa nói với The Epoch Times rằng dự án xây dựng này sẽ lấn 4 dặm (6.43km) vào rừng Darién với chi phí 42 triệu USD và gồm cả một cây cầu thứ hai bắc qua sông Tuira.
Như vậy sẽ còn lại khoảng 55 dặm (88.51km) để hoàn thành Xa lộ xuyên châu Mỹ, còn được gọi là Xa lộ số 1, xuyên qua khu rừng nhiệt đới bạc ngàn này để kết nối với Turbo, Colombia.
Nếu hoàn thành, Xa lộ xuyên châu Mỹ sẽ trải dài khoảng 18,000 dặm (28.96km) từ Alaska đến Argentina, mở ra một hành lang đất liền dọc theo châu Mỹ.
Xa lộ này đã bị bỏ dở trong nhiều thập niên do những lo ngại từ phía Mỹ và phía Panama về môi trường, tội phạm, và bệnh tật — và gần đây hơn là tình trạng di cư ồ ạt. Địa hình nguy hiểm, hiểm trở đóng vai trò như một rào cản tự nhiên cho việc di chuyển từ Nam Mỹ đến Trung Mỹ.
Việc xây cầu và mở rộng con đường này sẽ kết thúc gần thị trấn Bocas de Cupe, ở Darién Gap. Tuy nhiên, việc bắc cầu qua các con sông được xem là một trong những trở ngại lớn cản trở việc hoàn thành xa lộ này.
Dự án mới này khiến một số người lo ngại rằng việc hoàn thành con đường dẫn vào Darién Gap sẽ là một thắng lợi cho Trung Quốc và là một tổn thất cho Mỹ.
Ông Michael Yon, một cựu phóng viên chiến trường, đã đưa tin về tình trạng di cư ồ ạt qua Panama trong nhiều năm và đã sử dụng mạng xã hội để thu hút sự chú ý đến việc xây dựng cây cầu cũng như những tác động của việc này.
Ông nói với Epoch Times rằng Trung Quốc sẽ được hưởng lợi thông qua một tuyến đường thương mại thay thế quanh Kênh đào Panama, một con kênh rất cần thiết cho thương mại toàn cầu. Nhưng đối với Hoa Kỳ, tuyến đường này có thể mở ra những cánh cửa xả lũ (floodgate) cho những người di cư từ Nam Mỹ [tràn vào.]
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ ngày càng cảnh giác với những tác động quân sự gắn liền với các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đang được xây dựng ở sân sau của Mỹ như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), đặc biệt là xung quanh Kênh đào Panama.
Năm 2018, Panama đã ký kết tham gia dự án BRI đầy tham vọng của Trung Quốc, được mệnh danh là một Con đường Tơ lụa hiện đại, sau khi nước này công khai công nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc trước sự ngạc nhiên xen lẫn lo ngại của Hoa Kỳ.
Mục đích của ĐCSTQ là sử dụng BRI “để tích lũy quyền lực và ảnh hưởng gây bất lợi cho các nền dân chủ trên thế giới,” Tướng Laura Richardson, Chỉ huy Lục quân của Bộ tư lệnh miền Nam Hoa Kỳ, đã cảnh báo hồi tháng Ba.
Trong những năm gần đây, bà và các chỉ huy khác đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự xâm nhập của Trung Quốc vào Tây Bán cầu.
Tướng Richardson lưu ý trong một tuyên bố bằng văn bản gửi tới Ủy ban Quân vụ Hạ viện rằng Trung Quốc “đang tìm cách hất cẳng Hoa Kỳ để trở thành cường quốc kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới.”
Thu hẹp khoảng cách
Các tài liệu cho thấy chỉ tính riêng năm ngoái (2023), một số lượng kỷ lục 500,000 người di cư đã đi qua Darién Gap trên đường đến biên giới phía nam Hoa Kỳ.
Ông Mike Howell, giám đốc Dự án Giám sát của Quỹ Di sản, tin rằng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong khu vực này đe dọa đế tầm ảnh hưởng và an ninh của Mỹ.
“Nếu Trung Quốc thay thế Hoa Kỳ ở Tây bán cầu với tư cách là cường quốc kinh tế có ảnh hưởng lớn, thì chúng ta sẽ mất đi lợi thế của mình,” ông Howell, người từng là một luật sư của Bộ An ninh Nội địa, nói với The Epoch Times.
Ông Howell cho rằng Trung Quốc đang bao vây Hoa Kỳ bằng cơ sở hạ tầng ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribe.
“Việc đó giống như một con trăn đang ngày càng siết chặt hơn quanh Hoa Kỳ,” ông nói.
Trong cuốn sách được xuất bản hồi năm 2019, “China’s Belt and Road and Panama: A Strategic and Prospective Scenario between the Americas and China” (“Vành đai và Con đường của Trung Quốc và Panama: Một Kịch bản Chiến lược và Triển vọng giữa châu Mỹ và Trung Quốc”), tác giả Eddie Tapiero đã ca ngợi sự trỗi dậy của BRI của Trung Quốc bằng những thuật ngữ không tưởng.
Ông Tapiero, một giáo sư người Panama và cũng là nhà kinh tế quốc tế đã viết cuốn sách này của mình sau cuộc họp BRI ở Trung Quốc, gọi sáng kiến này là chất xúc tác cho “lợi ích công cộng toàn cầu,” hình dung ra một thế giới nơi mà “biên giới không còn tồn tại, và các quốc gia cũng vậy.”
Cuốn sách còn đưa ra một kịch bản về chiến lược BRI cùng với một bản đồ có tiêu đề “Globalized Belt and Road” (“Toàn cầu hóa Vành đai và Con đường”), cho thấy Panama và kênh đào của quốc gia này được kết nối với Colombia bằng đường sắt qua Darién Gap.
Về phía Darién Gap của Colombia, các công ty Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng các xa lộ và bến cảng.
Công trường làm đường gần Xa lộ xuyên châu Mỹ ở Turbo là một phần của dự án xa lộ “Autopistas al Mar 2.”
Dự án này sẽ kết nối thành phố Medellín lớn thứ hai của Colombia với các cảng ở Urabá, gồm cả Turbo, nơi kết thúc của Xa lộ xuyên châu Mỹ.
Theo trang web bất vụ lợi Colombia Reports, công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc (CHEC) thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc, cùng với 4 công ty địa phương đã thắng thầu năm 2015 để xây dựng Autopistas al Mar 2.
Dự án bị trì hoãn cho đến cuối năm 2019, khi một tập đoàn do nhà nước Trung Quốc đứng đầu nhận được các khoản vay cần thiết từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.
Ông Tapiero xem Panama, quốc gia nằm giữa Colombia và Costa Rica, là một trung tâm ở Mỹ Latinh cho BRI. Ông gợi ý rằng Hoa Kỳ có thể “giảm bớt sự bất ổn về địa chính trị” nếu nước này cũng tham gia BRI.
Bản đồ BRI toàn cầu hóa của ông cũng cho thấy các tuyến đường sắt cắt ngang Hoa Kỳ đến các thị trường quan trọng ở bờ biển phía đông và phía tây Mỹ quốc.
“Kết nối” cơ sở hạ tầng thông qua đường hàng không, đường bộ, và đường biển là chủ đề trọng tâm của cuốn sách, vốn là những điều đang diễn ra ở Panama.
Những cây cầu dẫn vào Darién là một phần của hợp đồng phục hồi, cải thiện, và bảo trì Xa lộ xuyên châu Mỹ ở phía Đông.
Theo tài liệu của chính phủ, hợp đồng này đã được trao cho công ty Intervial Chile, S.A. theo quan hệ đối tác chính phủ và tư nhân với chính phủ Panama.
Khoản đầu tư cho dự án này lên đến hơn 262 triệu USD như một phần của Chương trình Duy trì Tiêu chuẩn Hoạt động của Panama, nhằm mục đích thúc đẩy phát triển nông nghiệp, thương mại, và du lịch.
Dự án này được tài trợ thông qua Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới. Trung Quốc có mối liên hệ với cả hai tổ chức ngân hàng này. Năm 2009, Trung Quốc cam kết cấp 1.5 tỷ USD cho IFC để thúc đẩy thương mại toàn cầu và gần đây hơn là đã tăng cường hợp tác với IFC bằng trái phiếu thân thiện với khí hậu.
Vị trí án ngữ toàn cầu
Một xa lộ xuyên qua Darién Gap sẽ làm giảm tầm quan trọng của Kênh đào Panama mà Hoa Kỳ vẫn bảo vệ theo một hiệp ước trung lập.
Kênh đào này được trả lại cho Panama vào năm 1999 theo một hiệp ước vào những năm 1970 với sự trung gian của Tổng thống Jimmy Carter.
Darién Gap trên đất liền cũng tương tự như Kênh đào Panama trên biển như một vị trí án ngữ, vốn có giá trị quân sự và kinh tế.
Ông Andrés Martínez-Fernández, nhà phân tích chính sách cấp cao của Quỹ Di sản cho Mỹ Latinh, cho biết nỗ lực của Trung Quốc nhằm giảm thiểu hoặc kiểm soát tầm quan trọng chiến lược của kênh đào này đối với Hoa Kỳ có thể rất đáng kể, xét về khả năng sẽ đóng cửa các tuyến đường biển của Trung Quốc, nếu xung đột nổ ra ở Đài Loan.
“Đó là một vấn đề đặc biệt rất đáng lo ngại,” ông nói với The Epoch Times.
Ông Martinez-Fernandez cho biết rằng các công ty Trung Quốc đang bận rộn xây dựng cơ sở hạ tầng ở hai đầu Kênh đào Panama vốn do Hoa Kỳ xây dựng.
Kênh đào đã trở thành điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Hoa Kỳ vốn vẫn giữ quyền thực thi tính trung lập trong hoạt động trên Kênh đào Panama.
Cơ quan quản lý kênh đào Panama kiểm soát việc quản lý, duy trì tài nguyên và an ninh đường thủy, độc lập với chính phủ Panama.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào khu vực kênh đào này dưới thời cựu Tổng thống Panama Juan Carlos Varela, nhưng các dự án đã bị loại bỏ hoặc bị hạn chế dưới thời chính phủ hiện tại của Tổng thống Laurentino Cortizo.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, hai trong số năm cảng chính của Panama do Trung Quốc kiểm soát thông qua Hutchison có trụ sở tại Hồng Kông, với một cảng ở Balboa ở phía Thái Bình Dương và một cảng khác ở Cristobal ở phía Đại Tây Dương.
Công việc do các công ty Trung Quốc thực hiện tại bến du thuyền rộng lớn Amador Pacific Coast sắp hoàn thành.
Các dự án này diễn ra sau khi Landbridge có trụ sở tại Trung Quốc đạt được thỏa thuận trị giá 900 triệu USD vào năm 2016 để kiểm soát Đảo Margarita, cảng lớn nhất của Panama ở phía Đại Tây Dương, để xây dựng một cảng nước sâu.
Công ty Kiến thiết Giao thông Trung Quốc (CCCC) thuộc sở hữu nhà nước đang xây dựng cảng cho các tàu có kích cỡ rất lớn. CCCC từng tham gia xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông vốn đang có tranh chấp và là một phần của Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc (CHEC).
Năm 2018, một tập đoàn Trung Quốc do CHEC và CCCC đứng đầu đã được trao hợp đồng trị giá 1.4 tỷ USD cho cây cầu thứ tư của kênh đào này.
Năm 2019, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã cảnh báo Tổng thống Varela về các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tham gia vào “hoạt động kinh tế săn mồi.”
Ngày càng có nhiều lời chỉ trích cho rằng BRI của Trung Quốc là một cái bẫy nợ bởi gánh nặng từ các chiến thuật trả nợ lãng phí và đáng ngờ. Những người gièm pha cho rằng sáng kiến này cho phép Trung Quốc kiểm soát hoặc sở hữu các dự án khi chính phủ không thể trả được các khoản vay của họ.
Ông Martinez-Fernandez cho biết không nên đánh giá thấp ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Mỹ Latinh.
Ông nói: “Vì vậy, tôi cho rằng, những gì xảy ra ở Tây bán cầu có tác động trực tiếp đến Hoa Kỳ nhiều hơn ở hầu hết các nơi trên thế giới vì những mối quan hệ trực tiếp đó trên con đường di cư, kinh tế, và an ninh.”
Trong số 31 quốc gia ở Trung và Nam Mỹ, Panama là quốc gia đầu tiên trong số 22 quốc gia đã chính thức ký kết tham gia chương trình BRI của Trung Quốc, với Honduras là quốc gia mới nhất tham gia.
Vành đai và Con đường
Ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu) là giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại Viện Hudson và là cựu cố vấn chính sách về Trung Quốc cho ông Pompeo.
“Kênh đào Panama — Trung Quốc luôn muốn kiểm soát nơi đó,” ông Dư nói với The Epoch Times.
Ông Dư, một giáo sư về Đông Á và lịch sử quân sự và hải quân tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ ở Annapolis, Maryland, giải thích rằng đó là bởi vì các kênh đào đều đóng vai trò quan trọng cả về quân sự lẫn thương mại.
Ông cho biết Bắc Kinh cũng có ý định kiểm soát Kênh đào Suez và Eo biển Malacca giữa Indonesia và Singapore.
Ông nói rằng kiểm soát các tuyến đường biển luôn là một nỗi ám ảnh đối với Trung Quốc vì giá trị kép của chúng.
Trong thập niên qua, một doanh nhân Trung Quốc đã nghiên cứu ý tưởng đào một con kênh xuyên qua Nicaragua để tránh phải đi qua con kênh ở Panama, một ý tưởng mà Hoa Kỳ đã từ bỏ vào đầu những năm 1900.
Hoa Kỳ ưu tiên đào kênh ở Panama vì tuyến đường này ngắn hơn và tránh được một chuỗi núi lửa đang hoạt động cản trở tuyến đường ở Nicaragua.
Các cảng nước sâu cũng là một phần không thể thiếu của BRI.
Hiện tại, Trung Quốc đang hậu thuẫn xây dựng một cảng vận chuyển rộng lớn ở Peru mà các chuyên gia quân sự lo ngại rằng nơi đây có thể được dùng làm căn cứ cho các chiến hạm.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến tới thăm Peru vào nửa cuối năm 2024 để đánh dấu việc hoàn thành một cảng trị giá 3.6 tỷ USD gần Chancay, do Trung Quốc hoặc các công ty do Trung Quốc hậu thuẫn tài trợ, xây dựng, và sở hữu.
“Cảng này sẽ được sử dụng để vận chuyển đồng, lithium, và các vật liệu quan trọng khác của Nam Mỹ đến Trung Quốc nhằm thúc đẩy hiện đại hóa quân đội của họ,” Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mike Rogers (Cộng Hòa-Alabama) cho biết trong phiên điều trần hôm 12/03 về thách thức an ninh quốc gia ở Tây bán cầu.
Cận kề hơn nữa là các công ty Trung Quốc có mối liên hệ với ĐCSTQ đang hoạt động ngay trước cửa nhà nước Mỹ — tại các quốc gia như Canada, Mexico, Jamaica, Cuba, và Bahamas.
Ngay phía trên biên giới Hoa Kỳ-Canada, Trung Quốc và cựu Thủ hiến Vancouver Christy Clark đã ký một bản ghi nhớ để xây dựng Khu Tiếp vận Vancouver, ban đầu được gọi là “Trung tâm Thương mại Hàng hóa Thế giới.”
Giai đoạn một của khu phức hợp rộng 470,000 foot vuông (43,664 m2) trị giá 190 triệu USD này, được quảng cáo là một dự án thuộc BRI, đã được hoàn thành.
Theo ấn phẩm thương mại Business Intelligence của British Columbia, thỏa thuận này là một liên doanh giữa một công ty do nhà nước Trung Quốc tài trợ và một công ty phát triển địa phương.
Theo ấn phẩm thương mại này, các công ty con ở Canada là North America Commerce Valley Development Ltd. và Shing Kee Godown Holdings Ltd. đang hợp tác với công ty phát triển địa phương Pollyco Group.
Tại Mexico, các công ty Trung Quốc quản lý mỏ và cung cấp 80% thiết bị viễn thông cho Mexico. CCCC của Trung Quốc cũng đang xây dựng một phần hệ thống đường sắt Maya Train xuyên suốt 5 tiểu bang ở Mexico.
Ông Andrés Manuel López Obrador, tổng thống thiên tả của Mexico, đã thúc đẩy dự án đường sắt này phù hợp với mục tiêu năm 2030 của Liên Hiệp Quốc như một cách để cải thiện công bằng xã hội cho các khu vực nghèo khó.
Tại Caribe, Trung Quốc đã xây dựng một đại sứ quán đồ sộ ở Bahamas, nơi mà lần gần đây nhất Hoa Kỳ có một đại sứ thường trực là vào năm 2011. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc đã rót hàng tỷ dollar vào các cảng và đường sá trên quần đảo này, chỉ cách bờ biển Hoa Kỳ 50 dặm (80.46km).
Theo ước tính từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hoạt động thương mại và đầu tư trong lĩnh vực biển, không gian, viễn thông, khoáng sản, và năng lượng giữa Trung Quốc và các nước Mỹ Latinh sẽ sánh ngang với Hoa Kỳ vào năm 2035.
Đáng lo ngại hơn, các chiến hạm của Trung Quốc hiện đang thực hiện các chuyến thăm cảng tới Venezuela, Cuba, Peru, và Chile, những nơi mà dự kiến sẽ trở thành các thỏa thuận cơ sở sau 10 năm.
Các chuyên gia cho rằng Hoa Kỳ cần phải bắt kịp thách thức về ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2023, Hoa Kỳ và các đối tác đã tiết lộ một hành lang kinh tế nối Ấn Độ, Trung Đông, và châu Âu.
Tháng Mười Một năm ngoái, Tổng thống Joe Biden đã tiếp đón 11 nhà lãnh đạo từ Tây bán cầu tại Hội nghị thượng đỉnh Đối tác Châu Mỹ vì sự Thịnh vượng Kinh tế đầu tiên để thảo luận về việc củng cố các chuỗi cung ứng quan trọng tập trung vào năng lượng sạch, các chất bán dẫn, và nguồn cung cấp y tế.
Nguyên thủ các nước Canada, Barbados, Chile, Colombia, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, Ecuador, Peru, Uruguay, Mexico, và Panama đã tham dự sự kiện này tại Tòa Bạch Ốc.
Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ Châu sẽ thiết lập một nền tảng đầu tư chung sáng tạo để tập trung hàng tỷ dollar tài trợ cho cơ sở hạ tầng bền vững và các ngành kinh tế quan trọng ở châu Mỹ.
Theo Tòa Bạch Ốc, các khoản đầu tư của Nền tảng Đối tác châu Mỹ sẽ giúp xây dựng các cảng hiện đại, lưới năng lượng sạch, và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Ông Martinez-Fernandez cho rằng mặc dù chương trình mới ở giai đoạn khởi đầu, nhưng vẫn thiếu các cam kết thương mại và đầu tư đáng tin cậy từ phía Hoa Kỳ.
Ông nói: “Đó là điều mà các nhà lãnh đạo và đối tác trong khu vực đang tìm kiếm.”