DARIEN GAP, Panama—Tuần trước (01-07/07), hàng ngàn người di cư đã tràn vào Panama qua khu rừng nguy hiểm Darién Gap, vì nhiều người lo ngại tuyến đường này sẽ bị đóng cửa, từ đó làm tiêu tan hy vọng đến được Hoa Kỳ của họ.
Dòng người di cư này có ý định vượt biên giới trái phép tới Tây Nam Hoa Kỳ vì tân tổng thống Panama, ông Raúl Mulino, đã thực hiện các bước để ngăn chặn dòng người đi qua Darién Gap.
Hôm 01/07, cũng là ngày ông Mulino nhập chức, ông đã thiết lập một thỏa thuận với Hoa Kỳ để chi trả cho các chuyến bay hồi hương những người di cư trên đường đến Hoa Kỳ đã đi vào Panama.
Những người di cư đã thể hiện sự tuyệt vọng và đôi khi là thất vọng trước ý nghĩ Panama sẽ đóng lại lối đi nguy hiểm từ Colombia này.
Hồi tháng Hai, The Epoch Times đã đến thăm bốn trại di cư ở Panama, tại đây, những người di cư vừa mới rời khỏi Darién Gap đã mô tả các băng đảng vô luật pháp. Các thành viên băng đảng đã cướp bóc, cưỡng gian, và sát hại dọc theo tuyến đường này.
Tuần trước, vài người di cư được phỏng vấn tại chỗ cho biết Panama nên bắt đầu thu nhận những người di cư bay vào nước này hoặc tạo một con đường khác để tạo thuận tiện cho hành trình đến Hoa Kỳ của họ.
Trong tuần trước (01-07/10), trung bình mỗi ngày ít nhất 1,000 người di cư đã tới các trại này.
Lượng người giảm xuống khoảng một nửa so với hôm 05/07 khi SENAFRONT, lực lượng tuần tra biên giới quốc gia của Panama, bắt đầu chặn các lối đi trong rừng bằng dây concertina, còn được gọi là dây thép gai.
Các đoạn video được một phóng viên tự do của Epoch Times đăng trên mạng xã hội nói về việc khu rừng Darién Gap bị chặn, làm dấy lên hàng loạt các câu hỏi và yêu cầu trợ giúp bằng tiếng Tây Ban Nha.
Một người dùng mạng xã hội có bốn người con đã hỏi khi nào tuyến đường này sẽ đóng cửa vì anh muốn đi qua vào cuối tháng Bảy nhưng lại chưa có sẵn tiền.
Nhiều người dùng đã đăng lời thỉnh cầu hãy giúp hướng dẫn họ đi qua Darién Gap hoặc vào Mexico.
Một số người bày tỏ hoài nghi về việc lối đi ở phía bắc đang bị đóng lại, trong khi những người khác chỉ trích tin tức này.
Trong số những người di cư thoát khỏi Darién Gap trong khoảng thời gian bốn ngày hồi tuần trước, ít nhất 700 người là công dân Trung Quốc đã tìm đường vào trại Canaán Membrillo ở Panama.
Những người Trung Quốc di cư có nhiều tiền của hơn thì sử dụng tuyến đường Carreto để đến Canaán Membrillo.
Tuyến đường Carreto được các tổ chức buôn lậu sử dụng để đưa người di cư vào lãnh thổ Panama bằng đường biển, sau đó cập bến và đi bộ theo một con đường rừng ngắn hơn.
Một vài người di cư nói chuyện với The Epoch Times cho biết họ đang trên hành trình đến nước Mỹ vì họ lo ngại nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden sắp kết thúc.
“Ông ấy sắp mãn nhiệm, [vậy nên] tôi đang đến,” một người Trung Quốc di cư nói.
Hai người Trung Quốc di cư nói trước camera nhưng không muốn tiết lộ danh tính, đã chửi rủa lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hai người này cho biết họ muốn đến Hoa Kỳ vì quyền tự do mà công dân nước này được hưởng, nói rằng ở Trung Quốc không có nhân quyền.
Một số người di cư cho biết thân nhân đã nói với họ rằng họ có thể bầu cử ở Hoa Kỳ.
Nhiều người cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho Tổng thống Biden nếu được trao cơ hội này. Một trong những người Trung Quốc di cư cho biết anh sẽ bỏ phiếu cho cựu Tổng thống Donald Trump nếu có thể được “vì ông Trump cứng rắn hơn” đối với chính quyền Trung Quốc.
Anh cho biết anh tin rằng một số công dân Trung Quốc vượt biên để vào Hoa Kỳ là gián điệp của Bắc Kinh.
Tại trại người di cư Bajo Chiquito của Panama, một công dân Ấn Độ tên Monish cho biết anh lo ngại rằng mình có thể bị trục xuất nếu cựu Tổng thống Trump tái đắc cử.
Anh Monish tin rằng việc đi bộ vào Hoa Kỳ là hợp pháp vì những người bạn của anh đã làm như vậy nói với anh rằng Hiến pháp Hoa Kỳ nói “không có người nào là bất hợp pháp.”
“Ông Joe Biden là một người rất tốt. Ông ấy giúp đỡ người nhập cư rất nhiều,” anh Monish nói.
Panama bắt đầu đặt dây thép gai bên trong khu rừng để chặn đứng một số tuyến đường mà những kẻ đưa lậu người sử dụng.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas đã tham dự lễ nhậm chức của ông Mulino. Ông Mayorkas cũng đã ký một biên bản ghi nhớ để tài trợ cho Panama các chuyến bay hồi hương đưa những người di cư bất hợp pháp ra khỏi nước này.
Trong một tuyên bố về thỏa thuận này, ông Mayorkas cho biết, “Vì Hoa Kỳ tiếp tục bảo vệ biên giới của mình và loại bỏ những cá nhân không có cơ sở pháp lý ở lại, nên chúng tôi thấy biết ơn về sự hợp tác của chúng ta với Panama để kiềm chế các mức di cư lịch sử trên khắp Tây bán cầu.”
Theo một tuyên bố từ phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Adrienne Watson, thỏa thuận này “được thiết lập để cùng giảm số lượng người di cư bị đưa lậu một cách tàn nhẫn qua Darién, thường là trên đường đến Hoa Kỳ.”
Việc đưa những người di cư trở về quê hương “sẽ giúp ngăn chặn tình trạng di cư bất thường trong khu vực và ở biên giới phía nam của chúng ta, đồng thời ngăn chặn sự phát triển của các mạng lưới buôn lậu hiểm ác nhắm vào những người di cư yếu thế,” bà nói.
Hoa Kỳ đã đồng ý cung cấp cho Panama thiết bị, phương tiện vận chuyển, và dịch vụ tiếp vận để gửi những người di cư bất hợp pháp vào Panama trở về đất nước của họ.
Trong những năm gần đây, Panama đã báo cáo các con số kỷ lục về các vụ vượt biên dọc theo con đường rừng Darién, chỉ riêng năm 2023 đã có hơn 520,000 vụ.
Ông Mulino, cựu bộ trưởng an ninh 65 tuổi và là tân tổng thống của đất nước này, hứa sẽ đóng cửa tuyến đường di cư do các tổ chức tội phạm kiểm soát.
Ông nói trong bài diễn văn nhậm chức: “Tôi sẽ không cho phép Panama trở thành con đường rộng mở cho hàng ngàn người nhập cảnh trái phép vào đất nước chúng ta, được trợ giúp bởi một tổ chức quốc tế liên quan đến buôn bán ma túy và buôn người.”
Tuy nhiên, Panama sẽ không nhận được sự giúp đỡ từ nước láng giềng Colombia.
Văn phòng Thanh tra Colombia đã đưa ra một tuyên bố cảnh báo Panama không nên vi phạm “các quyền di chuyển” của người di cư.
Thông cáo của Colombia đã cảnh báo nước láng giềng của mình không nên vi phạm luật pháp quốc tế, vốn cấm các nước trả người xin tị nạn về lại những nơi mà họ có thể gặp nguy hiểm.
Các tổ chức phi chính phủ (NGO)—nhiều tổ chức trong số đó đã nhận được hàng triệu dollar tiền thuế của Hoa Kỳ—đã mở trụ sở tại Panama để giúp đỡ người di cư về thực phẩm, chỗ ở, viện trợ y tế, và bản đồ tại các trại di cư.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, một tổ chức phi chính phủ, đã đặt ra nghi ngờ về khả năng Panama sẽ đóng cửa hoàn toàn Darién Gap, lo ngại rằng việc đóng cửa sẽ buộc người di cư phải tìm ra những tuyến đường nguy hiểm hơn.