Các trạm vũ trụ, bến cảng, và sự can dự quân sự của Trung Quốc ở Mỹ Latinh đe dọa lợi ích của Hoa Kỳ
Từ thương mại và các khoản cho vay cho đến các bến cảng và trạm không gian vũ trụ ở Mỹ Latinh, Trung Quốc đều đang bao quanh Hoa Kỳ.
Trong những năm gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tích cực lôi kéo châu Mỹ Latinh và vùng Caribe (LAC), sử dụng nhiều công cụ khác nhau để mở rộng ảnh hưởng của mình. Chiến lược chính của Bắc Kinh là kinh tế, nhưng sự can dự kinh tế này đi đôi với can dự ngoại giao.
Động cơ của ĐCSTQ trong việc đàm phán với LAC bao gồm hai mặt: thứ nhất, để có được tài nguyên thiên nhiên, và thứ hai, làm suy yếu Hoa Kỳ. Điều này bao gồm việc giúp đỡ các quốc gia có quan hệ căng thẳng với Hoa Kỳ và khuyến khích quan điểm “thế giới đa cực” nhằm hạ thấp địa vị thống trị của Mỹ. Bắc Kinh cũng khuyến khích các nước Mỹ Latinh chuyển từ công nhận Đài Loan sang công nhận Trung Quốc.
Trung Quốc giữ tư cách quan sát viên trong Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ, và đã đề nghị hợp tác với các thành viên thông qua Sáng kiến An ninh Toàn cầu. Bắc Kinh cũng là thành viên của cả Ngân hàng Phát triển Liên châu Mỹ và Ngân hàng Phát triển Caribe. Ngoài ra, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Argentina, Brazil, Chile, Ecuador, Mexico, Peru, và Venezuela. Trong 9 năm qua, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã tham gia ba hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo và các ngoại trưởng từ Cộng đồng các Quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), ngoại trừ Hoa Kỳ và Canada.
Không dưới 21 quốc gia LAC là thành viên của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), và nhiều quốc gia đang ngày càng mắc nợ Trung Quốc. Tuyên truyền của Trung Quốc trong khu vực nhấn mạnh vào mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi” và “tôn trọng chủ quyền,” những khái niệm mà theo cách giải thích của Trung Quốc là không can thiệp vào các vấn đề nhân quyền và dân chủ của các quốc gia đi vay.
Bắc Kinh và Caracas đã ký một thỏa thuận để các hỏa tiễn Trung Quốc chở các nhà khoa học Venezuela lên Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS) mà Trung Quốc dự định thành lập trên mặt trăng. Sự hợp tác này nằm trong chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm đảm bảo an ninh cho các trạm mặt đất và các địa điểm liên lạc không gian trên toàn cầu, từ đó củng cố các khả năng mở rộng lĩnh vực không gian của nước này. Với công nghệ vũ trụ được dự đoán sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc chiến trong tương lai, ĐCSTQ đặt mục tiêu bảo đảm Trung Quốc duy trì lợi thế cạnh tranh [về công nghệ này] trước Hoa Kỳ.
Thông qua Tổ chức Hợp tác Không gian Châu Á-Thái Bình Dương (APSCO) do Trung Quốc đứng đầu, Bắc Kinh đã cung cấp vệ tinh cho một số quốc gia LAC, bao gồm Venezuela, Bolivia, và Brazil. Bắc Kinh cũng đã xây dựng các trạm mặt đất ở Argentina, Bolivia, Chile, và Venezuela. Trạm ở Argentina khiến Hoa Kỳ đặc biệt lo ngại vì trạm này là do cơ quan Kiểm soát Theo dõi Chung và Phóng Vệ tinh Trung Quốc (CLTC) điều hành, mà CLTC lại là một bộ phận của Lực lượng Trợ giúp Chiến lược của Quân Giải phóng Nhân dân, và nhân viên của trạm chủ yếu là các quân nhân Trung Quốc.
Bên cạnh không gian vũ trụ, kế hoạch hành động chung Trung Quốc-CELAC giai đoạn 2022-2024 vạch ra sự hợp tác trong một số lĩnh vực, bao gồm chính trị, an ninh, kinh tế, nông nghiệp và thực phẩm, công nghiệp và công nghệ thông tin, cũng như cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Khía cạnh cơ sở hạ tầng này giúp ích cho năng lực của Trung Quốc trong việc mua thực phẩm, kim loại, và tài nguyên thiên nhiên từ các nước LAC. Một bước phát triển gần đây trong hợp tác cơ sở hạ tầng, là việc công ty Cosco Shipping do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đã xây dựng một cảng trị giá 3.5 tỷ USD ở Peru, nơi Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Mặc dù cảng này sẽ nâng cao tính hiệu quả của Bắc Kinh trong việc xử lý và khai thác kim loại, khoáng sản, và các tài nguyên thiên nhiên khác để vận chuyển trở lại Trung Quốc, nhưng cảng cũng gây ra mối lo ngại về an ninh quốc gia cho Hoa Kỳ.
Sự can dự an ninh của Trung Quốc tại khu vực LAC đang tiến triển, bao gồm cả việc bán vũ khí cho các quốc gia chống đối Mỹ. Venezuela, Bolivia, và Ecuador là những khách hàng chính ở Mỹ Latinh mua thiết bị và vũ khí quân sự của Trung Quốc, bao gồm phi cơ và xe thiết giáp. Ngoài ra, Trung Quốc đã cung cấp miễn phí một số loại vũ khí, phương tiện quân sự, cũng như đào tạo miễn phí cho các quốc gia Mỹ Latinh, nhằm mục đích củng cố các liên minh an ninh.
Binh lính PLA ngày càng hiện diện nhiều ở LAC. PLA có một trạm nghe lén điện tử ở Cuba, duy trì sự hiện diện quân sự ở Mỹ Latinh, mở rộng các hoạt động của các công ty an ninh tư nhân Trung Quốc trong khu vực, và tăng cường các sáng kiến đào tạo nhân viên an ninh Mỹ Latinh ở Trung Quốc. Các chính phủ LAC đang đón tiếp các chuyến thăm từ các phái đoàn cấp cao của PLA với tần suất ngày càng tăng.
Ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Bắc Kinh tại LAC đang làm suy giảm đặc tính của nền dân chủ. ĐCSTQ phổ biến mô hình quản trị độc tài của mình thông qua các phương pháp quyền lực mềm như truyền thông, giáo dục, và trao đổi văn hóa. Hơn nữa, Bắc Kinh còn mở rộng viện trợ an ninh, xuất cảng các công nghệ giám sát hàng loạt và hạn chế các quyền tự do dân sự. Ngoài ra, ĐCSTQ còn giúp đỡ về kinh tế và ngoại giao cho các chế độ đang xuống dốc về các tiêu chuẩn dân chủ. Trong bối cảnh các chế độ như Venezuela hay Cuba phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ phương Tây, họ ngày càng trở nên cô lập với cộng đồng quốc tế thì ngày càng bị thu hút vào phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trung Quốc đang tăng cường mối quan hệ với các nước LAC thông qua thương mại, đầu tư, cũng như cung cấp công nghệ và huấn luyện trong các lĩnh vực quân sự và không gian. Sự liên kết chiến lược này cho phép ĐCSTQ tăng cường năng lực giám sát của mình và, nếu cần thiết, năng lực phát động các cuộc tấn công chống lại Hoa Kỳ.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times