‘Ông trùm nhôm’ châu Á sụp đổ sau 3 thập niên
Hôm 14/04, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung Vượng (China Zhongwang Holdings Ltd.), do ông Lưu Trung Điền (Liu Zhongtian) thành lập, đã bị buộc phải hủy niêm yết khỏi Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (HKEX).
Ông Lưu từng là một cậu học sinh 14 tuổi ở vùng nông thôn Trung Quốc, người bỏ học mà đi vay 200 nhân dân tệ (khoảng 29 USD) để bắt đầu một công việc kinh doanh và cuối cùng được biết đến với danh hiệu “ông trùm nhôm” của châu Á. Ông từng là người giàu nhất vùng Đông Bắc Trung Quốc.
Trong quỹ đạo sự nghiệp của mình, ông Lưu đã trải qua đủ loại thăng trầm do sự thay đổi liên tục của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong hơn ba thập niên qua.
Vào đầu những năm 1980, khi nền kinh tế kế hoạch hóa của Trung Quốc đi vào ngõ cụt, ĐCSTQ bắt đầu cải tổ hướng tới kinh tế thị trường bằng cách thực hiện hệ thống giá kép. Nhiều doanh nhân biết cách phối hợp với các quan chức có thể mua hàng hóa với một mức giá thấp cố định và bán theo giá thị trường, điều này dẫn đến việc giới tài phiệt Trung Quốc trở nên giàu có chỉ sau một đêm. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc đã trở nên hỗn loạn, và thời đại đó được đánh dấu bằng sự thông đồng giữa các quan chức chính phủ và các khu vực kinh doanh.
Thành công sớm của ông Lưu
Hồi cuối những năm 1980, ông Lưu chuyển sang kinh doanh công nghiệp. Năm 1989, ông thành lập một nhà máy hóa chất ở thành phố Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh, ở tuổi 25. Năm 1993, ông thành lập một công ty liên doanh Trung Quốc-Hồng Kông, tên là Liêu Ninh Trung Vượng, chuyên sản xuất nhôm định hình trong xây dựng, với một nhà đầu tư Hồng Kông đóng vai trò như một công ty vỏ bọc mà ông sở hữu 100%. Vào thời điểm đó, liên doanh này được hưởng thêm các lợi ích về thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc niêm yết công ty nhôm Trung Vượng trong tương lai trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông.
Năm 1994, các mẫu nhôm định hình xây dựng của Trung Vượng được chính thức ra mắt trên thị trường. Dựa theo sự mở rộng nhanh chóng của ngành địa ốc Trung Quốc, hoạt động kinh doanh nhôm định hình của ông Lưu đã phát triển nhanh chóng, và năng lực sản xuất của công ty đã tăng từ 0 lên hơn 100,000 tấn chỉ sau ba năm. Ông Lưu lúc bấy giờ là một doanh nhân thành đạt.
Năm 2001, ông Lưu từ chối kế hoạch mua lại công ty Trung Vượng của công ty nhôm Alcoa Inc. có trụ sở tại Hoa Kỳ. Ông bắt đầu đưa ra thị trường các sản phẩm nhôm đùn công nghiệp. Đến năm 2008, năng lực sản xuất của Trung Vượng vượt quá 530,000 tấn, đứng thứ ba thế giới và đứng đầu châu Á. Công ty đã hợp tác với nhiều đại công ty sản xuất xe hơi quốc tế và là một nhà cung cấp chính vật liệu nhôm đùn cho toàn bộ thân đầu máy toa xe lửa tốc độ cao ở Trung Quốc. Các sản phẩm của công ty được sử dụng rộng rãi trong xây dựng, giao thông vận tải, máy móc thiết bị, và kỹ thuật điện.
Hồi tháng 05/2009, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung Vượng đã niêm yết thành công trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông, đánh dấu đợt IPO lớn nhất trên thị trường vốn toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn ở Hoa Kỳ, huy động được tổng cộng 1.3 tỷ USD. Nhờ đó, giá trị tài sản ròng của ông Lưu tăng vọt lên 24 tỷ nhân dân tệ (khoảng 3.5 tỷ USD) vào thời điểm đó, đưa ông trở thành người giàu nhất Trung Quốc.
Sự suy thoái của công ty Trung Vượng
Trong khi ông Lưu đang tìm cách niêm yết công khai công ty của mình, thì ông cũng tham gia câu lạc bộ chính trị tinh hoa của ĐCSTQ, đảm nhận chức vụ là một đại biểu Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của ĐCSTQ trong mười năm liên tiếp từ tháng 03/2003 đến tháng 03/2013. Đó là vinh dự cao nhất mà ĐCSTQ trao cho cho các doanh nhân tư nhân.
Ông Lưu đã tham gia vào lĩnh vực tài chính chủ yếu thông qua các cổ phần của mình kể từ năm 2011. Tính đến năm 2018, ông đã trực tiếp hoặc gián tiếp kiểm soát 9 tổ chức tài chính thông qua các công ty khác của mình, bao gồm ngân hàng, công ty bảo hiểm, và công ty cho thuê tài chính. Ông Lưu sau đó tài trợ cho các doanh nghiệp của mình thông qua các tổ chức tài chính này.
Tuy nhiên, hồi năm 2013, sự nghiệp của ông Lưu bắt đầu đi xuống, và kể từ đó, ông không được gia nhập Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, vốn là nơi quy tụ giới tinh hoa chính trị của ĐCSTQ.
Hồi tháng 03/2013, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã tiếp quản toàn bộ Đảng Cộng sản, chính phủ, và quân đội Trung Quốc. Chính quyền Hồ Cẩm Đào trước đây đã kết thúc cùng với ảnh hưởng của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Các lĩnh vực chính trị và kinh doanh bước vào một thời kỳ hỗn loạn của các cuộc đấu tranh giữa phe cũ và phe mới trong ĐCSTQ.
Dưới thời ông Tập, kỷ nguyên thông đồng giữa chính quyền và khu vực kinh doanh đã kết thúc, và khu vực kinh doanh bị cuốn nhiều hơn vào một cuộc thanh trừng chính trị vốn đã ảnh hưởng đến nhiều ông trùm kinh doanh.
Sau khi công ty Trung Vượng được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông, ông Lưu đã chú ý đến thị trường quốc tế. Vào thời điểm đó, chính quyền Trung Quốc đã thúc đẩy chiến lược “vươn ra toàn cầu” đối với các doanh nghiệp nội địa và cung cấp sự giúp đỡ về chính sách cũng như các ưu đãi về thuế.
Kể từ năm 2009, nhôm công nghiệp do Trung Vượng sản xuất, với sự trợ giúp của chính quyền, đã bắt đầu một cuộc chiến giá cả trên toàn thế giới và nhanh chóng mở rộng thị phần. Trong nửa cuối năm 2010, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã mở một cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với nhôm nhập cảng. Tháng Ba năm sau (2010), DOC đã áp đặt các mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp cao đối với nhôm định hình từ Trung Quốc, với tỷ lệ chống trợ cấp đối với Trung Vượng lên tới 374.15%. Kể từ đó, tổng khối lượng xuất cảng nhôm từ Trung Quốc đã giảm đáng kể.
Đối mặt với sự thay đổi đột ngột này, ông Lưu đã đưa ra một quyết định khiến công ty của ông gặp nguy hiểm về mặt pháp lý tại Hoa Kỳ. Đầu tiên, ông Lưu thành lập một nhà máy chế biến nhôm ở Mexico để tránh mức thuế cao do Hoa Kỳ áp đặt, sau đó vận chuyển nhôm công nghiệp từ Trung Quốc đến Mexico. Số lượng nhôm này được sản xuất thành các pallet nhôm và gửi đến một nhà kho ở California để chế tạo lại thành nhôm công nghiệp có thể bán được.
Tháng 09/2016, tờ Wall Street Journal đưa tin, một giám đốc điều hành của công ty Alcoa đã thuê một phi công chụp ảnh từ trên không tận sâu trong sa mạc Mexico và thật choáng váng: họ đã phát hiện khoảng 1 triệu tấn nhôm được xếp ngay ngắn trong một nhà máy có hàng rào thép gai bao quanh. Số nhôm này trị giá khoảng 2 tỷ USD, tương đương khoảng 6% tổng lượng nhôm trên thế giới, đủ để sản xuất 2.2 triệu xe bán tải Ford F-150 hoặc 77 tỷ lon bia.
Sau nhiều năm điều tra, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã truy tố ông Lưu hồi tháng 05/2019, với cáo buộc rằng ông cùng các đối tác của mình đã cung cấp tiền cho các công ty vỏ bọc để mua nhôm từ Trung Vượng Trung Quốc và sau đó bán cho các bên mua của Hoa Kỳ, che giấu nguồn gốc của hàng hóa trong quá trình giao dịch, và do đó tránh được thuế quan của Hoa Kỳ trong mười năm.
Hồi tháng 04/2022, Tòa án Địa hạt của Hoa Kỳ đã ra một phán quyết yêu cầu các công ty liên kết với ông Lưu phải trả 1.83 tỷ USD tiền phạt cho các hoạt động gian lận của họ và kết án ông Lưu 5 năm quản chế.
Khi DOC mở một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với nhôm nhập cảng, thì công ty nhôm Trung Vượng đã rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính, với lượng hàng tồn kho giảm mạnh. Công ty này sau đó đã bị yêu cầu tạm ngừng giao dịch hồi tháng 08/2021 do không công bố các báo cáo lợi nhuận trong nửa đầu năm 2021.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times