Ông Putin đến Bắc Kinh; Nga-Trung tái khẳng định mối quan hệ đối tác ‘không giới hạn’
Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh Hoa Thịnh Đốn và Brussels ngày càng lo ngại về vai trò của Trung Quốc trong việc trợ giúp Nga xây dựng lại cơ sở công nghiệp quốc phòng.
Hôm 16/05, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình, tái khẳng định mối quan hệ đối tác “không giới hạn” giữa hai nước trong bối cảnh Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu (EU) ngày càng gia tăng sức ép.
Sáng 16/05, ông Putin đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm cấp quốc gia kéo dài 2 ngày theo lời mời của nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Đây là chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông Putin kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống mới kéo dài 6 năm hồi đầu tháng này. Nhiệm kỳ này đã kéo dài 24 năm cầm quyền của ông Putin và đưa ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của Nga.
Khởi đầu cuộc gặp, ông Putin nhận định sự hợp tác của Moscow với Bắc Kinh trong các vấn đề toàn cầu là một trong những “yếu tố ổn định chính trên vũ đài quốc tế.”
Theo một tuyên bố của Điện Kremlin, Nga và Trung Quốc đang hợp tác với nhau để tạo ra cái mà ông Putin nhận định là một “trật tự thế giới dân chủ” và công bằng hơn “phản ánh những hiện thực đa cực.”
Theo một bản tóm tắt cuộc gặp gỡ do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố, đáp lại, ông Tập cam kết tiếp tục phát triển mối bang giao với Nga, mối quan hệ mà nhà lãnh đạo ĐCSTQ xác định là một “nước láng giềng tốt, người bạn tốt, đối tác tốt.”
Để thể hiện sự thân cận giữa hai nước trước áp lực do Hoa Kỳ dẫn đầu, sau cuộc gặp kéo dài giữa hai bên trước đó hôm 16/05, hai nhà lãnh đạo chuyên quyền này đã đưa ra một tuyên bố chung làm sâu sắc thêm “mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” của họ trong “một kỷ nguyên mới,” theo hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã.
Cuộc gặp mới nhất của họ tại Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh Hoa Thịnh Đốn và Brussels ngày càng lo ngại về vai trò của ĐCSTQ trong việc giúp Nga xây dựng lại căn cứ công nghiệp quốc phòng.
Khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đến thăm Trung Quốc hồi tháng Tư, ông nói với các phóng viên rằng chính phủ Tổng thống Biden sẵn sàng thực hiện các biện pháp thích hợp nếu ĐCSTQ vẫn còn trợ giúp các nỗ lực chiến tranh của Nga, chẳng hạn như gửi các công cụ máy móc, thiết bị vi điện tử, và các thiết bị khác có “tác dụng quan trọng” chống lại Ukraine.
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen bày tỏ những lo ngại tương tự trong cuộc đàm luận với nhà lãnh đạo ĐCSTQ và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi đầu tháng này. Nhận định cuộc chiến tranh ở Ukraine là một mối đe dọa hiện hữu đối với châu Âu, bà von der Leyen kêu gọi Bắc Kinh giảm bớt việc cung cấp các vật liệu phục vụ mục đích dân sự và quân sự cho Moscow.
Tại một cuộc họp báo diễn ra sau đó hôm 16/05, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo rằng ĐCSTQ phải quyết định giữa việc tiếp tục trợ giúp Nga hoặc là duy trì mối quan hệ với phương Tây.
Trung Quốc “không thể có được cả hai,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Vedant Patel cho biết khi trả lời câu hỏi của NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.
Đề cập đến những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm xây dựng lại ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, ông Patel nói rằng Bắc Kinh không thể “có cả hai — vừa muốn có mối quan hệ tốt hơn, tiến xa hơn, mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn với châu Âu và các nước khác vừa đồng thời tiếp tục khơi dậy mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của Âu Châu trong một thời gian dài.”
Ông Patel nhắc lại rằng Hoa Thịnh Đốn sẽ giám sát chặt chẽ hành động của Bắc Kinh trên mặt trận đó, đồng thời nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ “thực hiện các hành động thích đáng một cách độc lập thông qua các diễn đàn đa phương khác.”
‘ĐCSTQ sẽ không ngừng trợ giúp cho Nga’
Ông Cheng Chin-mo, một chuyên gia về Nga và các mối quan hệ quốc tế tại Đại học Tamkang của Đài Loan, cho rằng trái ngược với bối cảnh này, ông Putin có thể sẽ tận dụng các cuộc gặp với ông Tập và các quan chức cấp cao của ĐCSTQ để bảo đảm có được sự trợ giúp liên tục từ phía Trung Quốc.
Trung Quốc đã xuất hiện như một huyết mạch quan trọng cho nền kinh tế thời chiến của Nga. Theo dữ liệu quan thuế Trung Quốc được công bố hồi tháng Một, thương mại song phương giữa hai nước láng giềng này đạt kỷ lục mới với 240.1 tỷ USD trong năm 2023, tăng 25% so với một năm trước đó.
“Ông Putin sẽ tiếp tục phụ thuộc vào ĐCSTQ,” ông Cheng nói với The Epoch Times trước cuộc họp hôm 16/05. “Ông ấy lo ngại rằng Trung Quốc, vốn đang đối mặt với nền kinh tế đang suy thoái, sẽ ưu tiên mối quan hệ với châu Âu hơn là trợ giúp Nga.”
Tuy nhiên, “ĐCSTQ sẽ không ngừng trợ giúp cho Nga,” ông Cheng nhận định, và lưu ý rằng ông Tập đã biện hộ mối quan hệ kinh tế bền chặt của Trung Quốc với Nga là một phần trong thương mại thông thường.
Kể từ khi ông Tập nhậm chức hồi năm 2012, nhà lãnh đạo ĐCSTQ này và ông Putin đã gặp nhau hơn 40 lần. Ông Tập đã chọn Moscow là điểm đến đầu tiên ở hải ngoại kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba phá vỡ kỷ lục của mình hồi tháng 03/2023.
Khi hai chính quyền này tăng cường mối quan hệ, thì hôm 03/05, giới chức trách Nga đã đột kích vào nhà của các học viên Pháp Luân Công.
Các nhà quan sát bên ngoài cho rằng mối quan hệ Trung-Nga là đơn phương, chỉ có lợi cho ĐCSTQ.
Ông Chung Chih-tung, một chuyên gia về an ninh Âu Châu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh do nhà nước Đài Loan tài trợ, nói với The Epoch Times hôm 14/05: “Trung Quốc có vẻ là bên hưởng lợi lớn nhất trong cuộc chiến này ở châu Âu.”
“Trung Quốc đã chớp lấy cơ hội này và mua dầu, khí đốt tự nhiên, và các nguyên liệu thô liên quan của Nga với giá thấp, sau đó sản xuất và xuất cảng.
“Mặt khác, khi Nga phải đối mặt với các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu áp đặt, thì Trung Quốc đã tận dụng thị trường của họ bằng cách xuất cảng một số lượng lớn sản phẩm do Trung Quốc sản xuất sang Nga.”
Lấy xe chở khách làm ví dụ, ông Chung cho biết “sau khi nguồn cung cấp từ các nhà sản xuất của Hoa Kỳ và EU bị cắt, thì xe Trung Quốc trở thành lựa chọn duy nhất của Nga.”
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất Xe hơi Trung Quốc, Nga đã trở thành nước nhập cảng hàng đầu xe hơi Trung Quốc, với hơn 840,000 xe Trung Quốc xuất cảng sang Nga trong 11 tháng đầu năm 2023.
Bản tin có sự đóng góp của Jackson Richman và Lạc Á
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times