Cựu phân tích gia NSA cảnh báo về các liên minh độc tài và chiến lược chống phương Tây của nhà lãnh đạo Trung Quốc
Một báo cáo gần đây của một cựu phân tích gia tình báo của Cơ quan An Ninh Quốc gia (NSA) cho rằng ông Tập đã mất 12 năm hủy hoại hình ảnh và danh tiếng của Trung Quốc, đồng thời cáo buộc ông Tập là kẻ thù của các quốc gia và giá trị phương Tây.
Hôm 17/05, ông John R. Schindler, cựu phân tích gia tình báo và phản gián cấp cao của Cơ quan An ninh Quốc gia, đã đăng một bài viết trên tờ Washington Examiner với tiêu đề “Ông Tập cởi bỏ mặt nạ: Bạo chúa Bắc Kinh đã mất 12 năm để phá hoại hình ảnh của Trung Quốc.” Bài viết này cho rằng nhà lãnh đạo ĐCSTQ này đang đi thụt lùi và làm tổn hại đến hình ảnh của Trung Quốc trong 12 năm qua.
Ông Schindler nhận định ông Tập là một thành viên ĐCSTQ chính thống, là lãnh đạo đảng, tập trung vào việc củng cố quyền lực của mình. Dưới sự lãnh đạo của ông Tập, sự cai trị của ĐCSTQ trở nên hà khắc hơn, ít khoan dung hơn đối với những người bất đồng chính kiến trong nội bộ, thậm chí còn hơn cả cựu lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông.
Bài viết cho rằng ông Tập thường so sánh mình với ông Mao và, cũng giống như ông Mao, khuyến khích sùng bái cá nhân trong đảng. Theo tuyên truyền của ĐCSTQ, thành tựu của ông Mao là lập quốc, còn ông Tập thì đang củng cố đất nước.
Ông Schindler viết: “Lời nói và việc làm của ông Tập cho thấy rõ rằng mục tiêu của ông ấy là bá quyền toàn cầu, với việc Trung Quốc thay thế Hoa Kỳ trong việc thiết lập trật tự quốc tế.”
Ông nêu ra rằng vào năm 2020, Giám đốc FBI Christopher Wray đã tuyên bố rằng mối đe dọa gián điệp từ Trung Quốc là “mối đe dọa lâu dài lớn nhất” đối với tương lai của Hoa Kỳ.
Ông Schindler tóm tắt trong bài viết của mình: “Trong mười hai năm kiểm soát gần như hoàn toàn Trung Quốc, ông Tập đã dập tan mọi ảo tưởng rằng quốc gia đông dân nhất trên Trái đất và nền kinh tế lớn thứ hai này có thể được xem là bất kỳ kiểu đối tác nào trong tương lai. Ông đã liên minh với những quốc gia bị ruồng bỏ trên thế giới, bao gồm Nga, Iran, và Bắc Hàn, cùng một số quốc gia gây phiền toái nhỏ hơn và đã tách khỏi các nền dân chủ tự do pháp quyền, điều mà hiện nay Trung Quốc đang phải đối mặt. Trung Quốc đã nổi lên như một mối đe dọa tương đương hoặc lớn hơn so với mối đe dọa mà Liên Xô đặt ra trong Chiến tranh Lạnh. Quốc gia này là một kẻ thù và các giá trị của chúng ta, và họ ngày càng được trang bị vũ khí tốt hơn.”
Liên minh của ông Tập với Nga
Hôm 16/05, một ngày trước khi bài viết được phát hành, ông Tập đã gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Putin chọn Bắc Kinh là điểm đến đầu tiên sau khi đạt được nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 5.
Kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine, ông Tập đã liên tục từ chối lên án hành động của Nga. Trong giai đoạn này, sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga đã đạt đến mức độ chưa từng có.
Sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, phương Tây ban hành các lệnh trừng phạt, nền kinh tế Nga đã tách khỏi phương Tây, và ĐCSTQ đóng vai trò quan trọng trong việc trợ giúp cho nền kinh tế Nga, từ tăng cường thương mại đến mua dầu và khí đốt tự nhiên của Nga.
Sau khi ông Putin trò chuyện với ông Tập, cả hai bên đã đưa ra một tuyên bố chung nhằm làm thắt chặt thêm “mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, năng lượng, và công nghệ. Nga tuyên bố rằng Trung Quốc có lập trường khách quan và công bằng trong vấn đề Ukraine cũng như bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các biện pháp của ĐCSTQ nhằm đạt được sự thống nhất đất nước, kể cả phản đối bất kỳ hình thức độc lập nào của Đài Loan.
Tuyên bố chung đề cập đến Hoa Kỳ 13 lần, cáo buộc nước này có “những hành động bá quyền” trong việc duy trì ổn định và hòa bình toàn cầu. Để đáp lại việc Hoa Kỳ khai triển các hệ thống hỏa tiễn trên mặt đất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc và Nga tuyên bố rằng họ sẽ tăng cường phối hợp và đáp trả.
Theo ông Schindler, sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Hoa Kỳ đã trở thành lực lượng thống trị trong việc duy trì trật tự thế giới, mà đây cũng là mục tiêu mà ông Tập đặt ra nhằm thay thế Hoa Kỳ như một phần trong chiến lược toàn cầu của ông ấy.
Bài viết cho rằng kể từ khi trở thành lãnh đạo ĐCSTQ vào năm 2012, ông Tập đã dẫn dắt Trung Quốc đi theo con đường đối đầu thay vì hợp tác với phương Tây, đặc biệt là chống lại Hoa Kỳ. Mặc dù ĐCSTQ cho đến nay vẫn tránh gây chiến công khai với phương Tây, nhưng nước này lại thích hoạt động gián điệp, tấn công mạng trên diện rộng, và các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị, mà những hoạt động này dễ chối bỏ hơn.