Ông Putin ca ngợi liên kết bền chặt với Trung Quốc khi ông Tập đưa ra tầm nhìn về trật tự thế giới mới
Các nhà phân tích nói rằng những thông điệp mà hai nhà lãnh đạo này truyền tải cho thấy sự hiện diện rõ nét của một ‘trục ma quỷ’ mới.
Hôm 18/10, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp người đồng cấp Nga, Tổng thống Vladimir Putin, tại Bắc Kinh, trao cho nhau những lời chào hỏi thân tình, xem nhau là những người bạn “cũ” và “thân thiết,” đồng thời ca ngợi “sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị” ngày càng sâu sắc của họ.
Nhà lãnh đạo Nga cũng tán dương Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, còn được gọi là Một vành đai, Một con đường) của ông Tập vì cái được cho là sự đóng góp của sáng kiến này trong việc thúc đẩy một “thế giới đa cực, công bằng hơn” — một trật tự thế giới mới.
Vào cuối cuộc hội đàm diễn ra trong bối cảnh xung đột ở Ukraine và Trung Đông, ông Putin cho biết trong một cuộc họp báo rằng cuộc họp kéo dài ba giờ này đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau, từ hợp tác kinh tế đến hợp tác chính trị.
Ông Putin nói với các phóng viên ở Bắc Kinh rằng cuộc thảo luận này bao gồm cả “tình hình về lâu dài ở Trung Đông. Tôi đã thông báo chi tiết cho [ông Tập Cận Bình] về tình hình ở Ukraine.”
Nhà lãnh đạo Nga này cho biết các cuộc xung đột trên thế giới chung quy là “mối đe dọa chung” giúp củng cố mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh.
Đáng chú ý, ông Putin cho biết họ đã dành ra “khoảng một tiếng rưỡi, hoặc có thể là hai giờ đồng hồ” để bàn luận về những vấn đề “rất cơ mật.” Ông không cung cấp thêm nhiều chi tiết về những gì họ đã thảo luận nhưng gọi đây là phần “rất hiệu quả và quan trọng” của cuộc họp.
Ngày 24/02/2022, ông Putin phát lệnh tấn công Ukraine, chưa đầy ba tuần sau khi ông và ông Tập tuyên bố liên kết hợp tác “không giới hạn” vào ngày khai mạc Thế vận hội Mùa Đông ở Bắc Kinh. Kể từ đó, ông Tập né tránh lên án vụ tấn công và từ chối mô tả các hành động của Moscow là một cuộc xâm lược.
Thay vào đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho rằng Hoa Kỳ đã châm ngòi cho cuộc chiến này, thế nên họ mở rộng thương mại với Nga, cung cấp cho Moscow một huyết mạch quan trọng khi nước này bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Kim ngạch thương mại giữa hai nước láng giềng này đã vượt mốc 200 tỷ USD, ông Putin nói với ông Tập khi bắt đầu cuộc họp. Ông cho biết phối hợp chính sách ngoại giao chặt chẽ là “đặc biệt cần thiết” do điều mà ông gọi là “điều kiện khó khăn hiện nay.”
Gọi ông Putin là “người bạn cũ,” ông Tập lưu ý rằng họ đã gặp nhau 42 lần trong thập niên qua và đã phát triển “một mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và một tình bạn sâu sắc,” theo các video clip được truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố.
Ông Tập cho biết “sự tin cậy lẫn nhau về mặt chính trị” của hai nước này đang ngày càng sâu sắc, mô tả sự phối hợp chiến lược giữa họ là “chặt chẽ và hiệu quả.”
Theo tường thuật của truyền thông nhà nước Trung Quốc về cuộc hội đàm, ông Tập tái khẳng định sự ủng hộ mà chính quyền của ông dành cho Nga trong việc bảo vệ các lợi ích về chủ quyền quốc gia, an ninh, và sự phát triển của Nga. Đổi lại, ông Putin ủng hộ các yêu sách lãnh thổ của ĐCSTQ đối với Đài Loan tự trị.
Cuộc trao đổi mới nhất giữa hai nhà lãnh đạo này diễn ra trong bối cảnh chiến tranh Israel–Hamas. Để đối phó với các cuộc tấn công hôm 07/10 của Hamas — khiến ít nhất 1,400 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương ở nhà nước Do Thái này, cũng như ít nhất 199 người bị bắt làm con tin — Israel đã tiến hành các cuộc không kích ở Gaza.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đến Tel Aviv hôm 18/10 để thể hiện sự ủng hộ của ông đối với Israel.
Moscow đã đổ lỗi cho các chính sách của Hoa Thịnh Đốn về cuộc chiến hiện tại giữa Israel và Hamas. Mặc dù Bắc Kinh lên án bạo lực nhắm vào dân thường, nhưng họ vẫn không chọn bên, nói rằng Trung Quốc là bạn của Israel và người Palestine. Hôm 14/10, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Vương Nghị, đã kêu gọi Israel chấm dứt các hành động quân sự, tuyên bố rằng nước này đã “vượt quá phạm vi tự vệ” khi đáp trả cuộc tấn công xuyên biên giới của những kẻ khủng bố Hamas hơn một tuần trước đó.
‘Trục ma quỷ’ mới
Trước đó hôm 18/10, ông Tập đã ngầm chỉ trích Hoa Kỳ trong bài diễn văn khai mạc tại diễn đàn kỷ niệm 10 năm dự án chủ lực của ông, BRI.
Không đề cập đích danh quốc gia nào, nhà lãnh đạo Trung Quốc lên tiếng phản đối “các biện pháp trừng phạt đơn phương, cưỡng bách kinh tế, tách rời và làm gián đoạn chuỗi cung ứng,” ám chỉ đến những nỗ lực của Hoa Thịnh Đốn nhằm chống lại các hoạt động thương mại không công bằng và hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ của ĐCSTQ trong những năm gần đây.
Trong khi đó, ông Tập mô tả dự án cơ sở hạ tầng giá trị nghìn tỷ dollar của mình như một nền tảng toàn cầu cho sự hợp tác và thịnh vượng. Lên tiếng sau ông Tập, nhà lãnh đạo Nga ca ngợi BRI vì vai trò được khẳng định của sáng kiến này trong việc tạo ra “một thế giới đa cực, công bằng hơn.”
Những thông điệp do hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đưa ra đang không gây ngạc nhiên cho nhà quan sát bên ngoài.
Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), một nhà phân tích cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia do chính phủ Đài Loan tài trợ, nói với The Epoch Times: “Ông Putin hiện dựa vào viện trợ kinh tế từ Trung Quốc.”
Ngoài ra, những tuyên bố của cả hai nhà lãnh đạo gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng một “trục ma quỷ” mới đã hình thành, theo ông Trịnh Khâm Mô (Cheng Chin-mo), một chuyên gia về Nga và quan hệ quốc tế tại Đại học Đạm Giang của Đài Loan.
Ông Trịnh nói với The Epoch Times rằng trục mới bao gồm Điện Kremlin, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Hàn, và Tehran này đang tìm cách thách thức liên minh được hình thành bởi các nền dân chủ phương Tây.
“Nói cách khác, một cuộc chiến tranh lạnh mới trên thực tế đã xuất hiện.”
‘Xương sống của trật tự thế giới mới’
Các chuyên gia từ lâu đã cảnh báo mục tiêu của Trung Quốc về một trật tự thế giới mới.
Hồi năm 2020, Bà Nadège Rolland, một thành viên ưu tú tại Cục Nghiên cứu Châu Á Quốc gia, viết trong một bài báo rằng BRI là “xương sống của trật tự thế giới mới mà giới lãnh đạo Trung Quốc muốn thấy xuất hiện.”
Bà viết: “Các thành phần khác nhau của dự án này được sử dụng để khắc sâu ảnh hưởng về lâu dài của Trung Quốc trong một thế giới đang phát triển và mới nổi. Việc giành được ảnh hưởng từng bước một này, được thúc đẩy bởi chủ nghĩa cơ hội, cũng được hướng dẫn bởi một thứ logic chiến lược hướng tới việc tối đa hóa quyền lực.”
Bà Rolland kêu gọi Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc ngay tại sân sau của mình. Bà nói: “Nếu bị kiểm soát ở Đông Á, Bắc Kinh sẽ ít có khả năng mở rộng sang các khu vực địa lý khác hoặc thiết lập phạm vi ảnh hưởng rộng rãi theo hướng dĩ Hoa vi Trung (lấy Trung Quốc làm trung tâm).”
Bà Rolland nhắc lại lập luận của mình trong một bài báo năm 2021.
Bà viết, “BRI không chỉ vẽ ra bản đồ khái niệm về phạm vi ảnh hưởng mong muốn của Trung Quốc mà còn đóng vai trò là nơi thử nghiệm cho tiểu hệ thống mà giới lãnh đạo Trung Quốc đã dự kiến, trong đó Trung Quốc là trung tâm của một trật tự kinh tế và chính trị mới và sử dụng ảnh hưởng ngày càng tăng đối với các quốc gia phụ thuộc.”
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, năm 2014, Trung Quốc và Nga bắt đầu hợp tác theo BRI.
Một bài báo trong báo cáo năm 2019 của Diễn đàn An ninh Quốc tế Bonn cho rằng Điện Kremlin có thể xem BRI của Trung Quốc như một phương tiện để tiếp tục tham vọng của mình. Bài báo này, viết bởi Tiến sĩ Vladislav Belov-một phó giám đốc tại Viện Khoa học Nga, nói rằng BRI “có thể được xem là một cách tiếp cận thay thế để định dạng lại trật tự thế giới ‘từ bên dưới.’”
Ông Belov lập luận rằng BRI “hợp” với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) do Nga thống trị, một liên minh của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Ông viết: “Việc kết hợp các dự án này cho thấy Moscow và Bắc Kinh đang xây dựng các hình thức trật tự thế giới mới, hiệu quả hơn các cách tiếp cận tương tự ở phương Tây.”
Hôm 17/10, ông Rabbi Aryeh Lightstone, cựu cố vấn cao cấp của Đại sứ Hoa Kỳ tại Israel David Friedman, nói với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times, rằng thế giới đang trải qua một cuộc cải tổ hệ thống quyền lực toàn cầu.
“Chúng ta đang thấy một Mỹ quốc vô cùng yếu ớt trên vũ đài thế giới. Và chúng ta đang chứng kiến những quốc gia khác tận dụng điều đó,” ông Lightstone nói, trước thềm cuộc hội đàm Putin-Tập. “Mới ba năm về trước thôi, Iran còn trong tình trạng khốn đốn, không có khả năng tài chính để quản lý các vấn đề của đất nước họ và chắc chắn không can thiệp đáng kể vào các vấn đề của quốc gia khác.”