Chủ tịch Tập: Nga, Trung Quốc cần dẫn dắt ‘việc cải tổ quản trị toàn cầu’
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với một phái đoàn Nga đến thăm rằng Bắc Kinh và Moscow cần “dẫn dắt việc cải tổ quản trị toàn cầu theo đúng hướng.”
Theo hãng truyền thông nhà nước của Nga và Trung Quốc, ông Tập đã đưa ra nhận xét này hôm 10/07 khi gặp bà Valentina Matviyenko, chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Nga) của Điện Kremlin.
Ông Tập nói, “Cả hai bên cần tăng cường liên lạc và hợp tác trong các cơ chế đa phương như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và các quốc gia thuộc khối BRICS, dẫn dắt việc cải tổ quản trị toàn cầu theo đúng hướng, đồng thời bảo vệ lợi ích chung của các quốc gia thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển.” BRICS là từ viết tắt của một khối kinh tế mới nổi lớn bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi.
Những nhận xét mới nhất của ông Tập có thể sẽ thúc đẩy các cảnh báo ngày càng tăng từ các chuyên gia và chính trị gia rằng nhà cầm quyền Trung Quốc đang muốn định hình lại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện tại. Hồi tháng Ba, các nhà phân tích địa chính trị cảnh báo rằng ông Tập và Tổng thống Nga Vladimir Putin đang thúc đẩy việc tạo ra một trật tự toàn cầu mới do Trung Quốc dẫn dắt sau khi lãnh đạo Trung Quốc nói với người đồng cấp Nga rằng hai quốc gia lân bang này “đang thúc đẩy” những thay đổi chưa từng thấy “trong 100 năm qua.”
Lãnh đạo Trung Quốc cũng nói với bà Matviyenko rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Nga để phát triển “một liên kết đối tác chiến lược toàn diện trợ giúp lẫn nhau, hội nhập sâu rộng, đổi mới, và hợp tác toàn diện trong kỷ nguyên mới.”
Đáp lại, bà Matviyenko nói với ông Tập rằng liên kết đối tác chiến lược đã đạt đến “mức cao nhất trong lịch sử và tiếp tục phát triển ổn định.”
Tháng 02/2021, Điện Kremlin và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nâng cấp mối quan hệ của họ lên thành liên kết đối tác “không giới hạn” — chỉ vài tuần trước khi Nga xâm chiếm Ukraine. Kể từ đó, nhà cầm quyền cộng sản này đã không công khai lên án cuộc xâm lược của Nga, đồng thời một số tổ chức Trung Quốc đã bị chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt vì góp phần vào cuộc xâm lược của Nga.
Sau cuộc hội đàm với ông Tập, bà Matviyenko cho biết Nga cũng có thể “trông cậy vào một bờ vai thân thiện vững chắc và đáng tin cậy ở Trung Quốc.”
Bà nói thêm: “Điều quan trọng nhất mà tôi học được từ tất cả các cuộc gặp và đối thoại là Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với Nga một cách nhất quán và bền bỉ, [cũng như] duy trì tình hữu nghị hiện có giữa hai quốc gia và dân tộc của chúng tôi.”
Hồi tháng Hai, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo (pdf) cảnh báo rằng Trung Quốc đang sử dụng các chương trình và sáng kiến — bao gồm Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và Sáng kiến An ninh Toàn cầu — để “thúc đẩy một giải pháp thay thế do Trung Quốc lãnh đạo” đối với trật tự quốc tế hiện nay, một trật tự ủng hộ “chủ quyền quốc gia và ổn định chính trị hơn là quyền cá nhân.”
‘Sự yếu kém trong cách giải quyết của Hoa Kỳ’
Một trật tự thế giới do Trung Quốc thống trị có thể đồng nghĩa với việc mất chủ quyền đối với Đài Loan — một hòn đảo tự trị với các quan chức được bầu cử dân chủ, có quân đội, và tiền tệ của riêng mình. Nhiều người xem Đài Loan là một quốc gia độc lập trên thực tế, bác bỏ “nguyên tắc một Trung Quốc” của nhà cầm quyền cộng sản, vốn đang tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo này.
Việc Nga xâm lược Ukraine đã làm dấy lên đồn đoán rằng ông Tập sẽ nối gót ông Putin bằng cách quyết định xâm lược Đài Loan. Hồi tháng Một, Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) đã cảnh báo rằng Trung Quốc “có nhiều khả năng” sẽ thực hiện một hành động quân sự nhắm vào hòn đảo này trong năm 2027.
Vài ngày trước khi gặp phái đoàn Nga, ông Tập đã thị sát Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ của quân đội Trung Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động ở các khu vực bao gồm Eo biển Đài Loan, đồng thời thúc giục quân đội “tăng cường lập kế hoạch tác chiến và kế hoạch chiến tranh” để tăng cơ hội giành được thắng lợi trong thực chiến.
Hôm 10/07, Dân biểu Greg Murphy (Cộng Hòa-North Carolina), người đang làm việc trong Ủy ban Cách thức và Phương tiện của Hạ viện, đã đáp lại lời kêu gọi tập hợp quân đội của nhà lãnh đạo Trung Quốc bằng cách cảnh báo rằng “Trung Quốc đang chuẩn bị cho chiến tranh.”
Ông Murphy viết trên Twitter: “Chúng ta đã thấy trong cuộc chiến Ukraine rằng Nga là một con hổ giấy. Đó hoàn toàn không phải là trường hợp của Trung Quốc. Từ việc xây dựng các hòn đảo mới ở Nam Thái Bình Dương đến việc thả khinh khí cầu do thám khắp nước Mỹ, không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đang chuẩn bị cho chiến tranh.”
Nghị sĩ này nói thêm, “Họ xem quốc gia Đài Loan độc lập là của họ và đã nói rằng họ sẵn sàng chiếm lấy hòn đảo này bằng vũ lực nếu cần thiết. Một số người đã lập luận một cách ngây thơ về giải pháp ‘củ cà rốt’ đối với Trung Quốc, thậm chí cả Ngoại trưởng Blinken của chính phủ ông Biden gần đây đã bác bỏ nền độc lập của Đài Loan.”
“Đừng mắc sai lầm ở đó. Trung Quốc cảm nhận được sự yếu kém trong cách giải quyết của Hoa Kỳ và sẽ tận dụng triệt để lợi thế đó.”
Tháng trước (06/2023), ông Blinken đã đến thăm Trung Quốc và hội đàm với các quan chức cao cấp của ĐCSTQ, bao gồm cả ông Tập. Trước khi rời đất nước này, ông Blinken nói với các phóng viên rằng “chúng tôi không ủng hộ Đài Loan độc lập.”
Ông Blinken nói thêm: “Điều rất quan trọng là chúng ta phải giữ nguyên hiện trạng đã giúp duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển này trong nhiều thập niên qua.”
Đáp lại tuyên bố của ông Blinken về Đài Loan, ông Michael Sekora, nhà sáng lập Dự án Socrates nói với NTD rằng chính phủ ông Biden “đã từ bỏ lập trường mạnh mẽ trong việc bảo vệ Đài Loan.”
Trong suốt chuyến thăm bốn ngày gần đây của Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen tới Trung Quốc, ĐCSTQ đã tiếp tục chiến dịch đe dọa Đài Loan bằng cách điều động các tiêm kích cơ và chiến hạm đến các khu vực gần hòn đảo này mỗi ngày từ ngày 06/07 đến ngày 09/07.