Nhà phân tích: Đừng hiểu nhầm cuộc gặp của bà Yellen với ông Lưu Hạc là lập trường thân Hoa Kỳ của Bắc Kinh
Trong chuyến công du bốn ngày tới Bắc Kinh của Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen, bà đã gặp cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc hôm 07/07. Cuộc gặp này được xem là một điểm nhấn chính trong chuyến thăm Trung Quốc của bà Yellen, vì nhiều người xem ông Lưu đã về hưu là một quan chức có lập trường ủng hộ Hoa Kỳ. Họ diễn giải cuộc gặp này là Bắc Kinh có nguyện vọng muốn thay đổi hướng đi và thiết lập lại mối bang giao hữu hảo với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, một nhà phân tích chính trị chuyên về các vấn đề Trung Quốc tin rằng đó không phải là lý do mà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sắp xếp ông Lưu gặp bà Yellen.
Chuyến thăm Trung Quốc của bà Yellen diễn ra trong bối cảnh bang giao giữa hai nước đang căng thẳng. Với tư cách là Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ, mục tiêu chính của bà là thúc đẩy đối thoại và tìm kiếm các cơ hội để việc hợp tác được cải thiện, tập trung cụ thể vào các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, và ổn định tài chính. Ngoài ra, bà cố gắng tìm kiếm các cơ hội hợp tác để giải quyết những thách thức chung, trong đó có biến đổi khí hậu và phục hồi kinh tế toàn cầu.
Ông Lưu từ lâu đã đóng vai trò là chuyên gia cố vấn kinh tế hàng đầu của ĐCSTQ, cũng là cố vấn kinh tế đáng tin cậy nhất và thâm niên nhất của ông Tập. Sau khi trở thành phó thủ tướng đảm trách vấn đề tài chính, công nghệ và công nghiệp của Trung Quốc vào tháng 03/2018, ông Lưu đã nhiều lần đại diện cho Trung Quốc tham dự các cuộc đàm phán thương mại với Hoa Kỳ.
Tháng 01/2020, ông Lưu đã đến Hoa Kỳ và ký kết giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận thương mại với Tổng thống Hoa Kỳ đương thời Donald Trump. Mặc dù thỏa thuận này không được thực thi toàn diện nhưng giao kèo đó đã mang lại cho Trung Quốc một khoảng thời gian ngắn thoát khỏi cuộc chiến thương mại. Đây là thỏa thuận kinh tế duy nhất được ký kết giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong ba năm qua.
Tháng Mười năm ngoái, ông Lưu, 71 tuổi, thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị tại Đại hội Toàn quốc lần thứ 20, và tháng Ba năm nay, thôi giữ chức Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện.
Nhà phân tích: Hai lý do chính khiến ông Tập đưa ông Lưu Hạc trở lại chính trường
Theo ông Lục Viễn Hành (Lu Yuanxing), một nhà phân tích chính trị và kinh tế ở Hoa Kỳ từng làm giám đốc tiếp thị cho một công ty Trung Quốc, có hai yếu tố đằng sau việc ông Tập tái bổ nhiệm ông Lưu Hạc đã về hưu.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 07/07 với The Epoch Times, ông Lục cho biết có một lý do đó là ông Tập không còn lựa chọn nào khác.
Ông nói: “Trong số các quan chức hàng đầu hiện nay của ĐCSTQ, ông Lưu Hạc tương đối am hiểu về kinh tế hoặc có một số kinh nghiệm trong lĩnh vực này, vì vậy ông Tập Cận Bình đã chọn ông ấy khi không có người nào khác đủ tiêu chuẩn.”
Ông tiếp tục giải thích rằng có nhiều điều trong tình huống này hơn là lý do này.
“Để xác định rõ thì, công việc liên quan đến kinh tế của Trung Quốc thực sự là trách nhiệm của Thủ tướng Lý Cường. Nhưng bây giờ ông Tập Cận Bình muốn trở thành nhân vật quyền lực duy nhất và không muốn ai kể cả thủ tướng chiếm mất ánh đèn sân khấu của mình. Chẳng hạn, ông Lý Cường đã không sử dụng phi cơ chuyên dụng trong chuyến thăm chính thức, mà sử dụng chuyến bay thuê bao, cố tình hạ thấp tiêu chuẩn đi lại xuống một bậc. Trên thực tế, đó là dấu hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình chế ngự ông Lý để thể hiện quyền lực của mình, vì ông Tập không thích cái cảm giác rằng thủ tướng gần như ngang bằng với ông ấy về quyền lực.”
Trong hoàn cảnh như vậy, kết hợp với yếu tố ông Tập không có ai khác để lựa chọn, nên ông chỉ có thể tìm kiếm những ứng cử viên đã về hưu, ông Lục cho biết.
Ông cho biết thêm rằng các quan chức đã về hưu khó có thể có tác động hoặc đe dọa gì lớn đối với quyền lực của ông Tập. Ngược lại, theo quan điểm của ông Tập thì việc kiểm soát những người này sẽ dễ dàng hơn. Do đó, ông Tập cảm thấy yên tâm hơn với một quan chức đã về hưu, đó là lý do thứ hai khiến ông Tập chọn dùng ông Lưu.
Một số người cho rằng ông Lưu có lập trường ủng hộ Hoa Kỳ và đã đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc trước đây. Cho dù ông Lưu đã từ giã chính trường, nhưng ông Tập vẫn cần một người như ông để giao tiếp và đàm phán với Hoa Kỳ. Họ giải thích việc ông Tập đưa ông Lưu trở lại chính trường như một hành động nhằm khôi phục mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc.
Ông Lục không đồng tình với quan điểm này.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times