Ông Lý Khắc Cường đột ngột qua đời khiến học giả hải ngoại nghi vấn về nguyên nhân tử vong
Tin tức cựu Thủ tướng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Lý Khắc Cường đột ngột qua đời gây chấn động ở hải ngoại. Một số học giả cho rằng bản chất bí ẩn của nền chính trị ĐCSTQ khiến mọi người nghi vấn liệu ông Lý Khắc Cường có thực sự qua đời vì đau tim hay không.
Hôm 27/10, đài truyền hình CCTV của ĐCSTQ đưa tin cho hay, hôm 26/10, ông Lý Khắc Cường, cựu Thủ tướng Quốc vụ viện, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, trong lúc đang nghỉ dưỡng tại Thượng Hải thì đột ngột lên cơn đau tim. Sau nỗ lực cứu chữa không hiệu quả, ông Lý đã qua đời tại Thượng Hải lúc 0 giờ 10 phút ngày 27/10, thọ 68 tuổi.
Bà Vương Á Thu (Wang Yaqiu), nghiên cứu viên phụ trách về vấn đề Trung Quốc của Tổ chức phi chính phủ quốc tế Theo dõi Nhân quyền, đã viết trên mạng xã hội X ở hải ngoại rằng: “Tôi nghe thấy những đồn đoán về sự qua đời của ông Lý Khắc Cường. Bản chất bí ẩn của thể chế chính trị Trung Quốc (ĐCSTQ) khiến người khác ngay lập tức đặt ra câu hỏi liệu “bệnh tim” có phải là nguyên nhân thực sự hay không?” Bà còn nói thêm rằng, điều đơn giản nhất mà ĐCSTQ không thể làm là khiến người khác tin vào những gì họ nói.
Ông Jojje Olsson, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc kiêm ký giả người Thụy Điển, cũng không tin vào thông báo mà chính quyền ĐCSTQ đưa ra. Ông đặt câu hỏi: “Tôi vừa tỉnh dậy liền nghe tin ông Lý Khắc Cường, thủ tướng cuối cùng của Trung Quốc từng có tranh chấp với ông Tập Cận Bình về vấn đề kinh tế, đã qua đời vì đau tim!?”
Bà Victoria Ruan, nhà nghiên cứu của công ty tư vấn McLarty Associates tại Mỹ quốc, viết: “Thật ngạc nhiên khi cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường qua đời vì một cơn đau tim ở tuổi 68, chưa đầy 8 tháng sau ngày về hưu của ông ấy.” Bà nói thêm: “Nếu sống lâu hơn, ông ấy có thể sẽ viết gì đó cho lịch sử.”
Ngoài ra, còn có các chuyên gia về Trung Quốc đang phân tích các tác động và nguyên nhân đằng sau sự qua đời đột ngột của ông Lý Khắc Cường đối với Trung Quốc.
Ông Joseph Torigian (tên Trung Quốc là Đường Chí Học, Tang Zhixue), giáo sư phụ tá và là nhà sử học tại American University, đã viết trên Twitter: “Dù ông ấy có xứng đáng hay không … thì ở Trung Quốc, phần lớn những người có trình độ đánh giá ông Lý Khắc Cường là nhân vật ‘ủng hộ cải cách, ít hình thái ý thức hơn’ ông Tập Cận Bình, hoặc ít nhất ông ấy có thể là một nhà lãnh đạo ôn hòa hơn và suýt chút nữa đã trở thành nhân vật lãnh đạo đó? Chính quyền có lo lắng về điều đó không?”
Chủ đề nghiên cứu của ông Đường Chí Học là các chế độ độc tài, đặc biệt là các cuộc đấu tranh chính trị của giới tinh hoa. Ông là tác giả cuốn sách “Prestige, Manipulation, and Coercion: Elite Power Struggles in the Soviet Union and China after Stalin and Mao” (Uy tín, thao túng và ép buộc: Những cuộc đấu tranh quyền lực của giới tinh hoa ở Liên Xô và Trung Quốc sau Stalin và Mao). Cuốn sách này tập trung nghiên cứu các cuộc tranh giành quyền lực ở Liên Xô cũ và Trung Quốc sau khi Stalin và Mao Trạch Đông qua đời.
Ông Jeremiah Jenne, một tác gia người Mỹ và là người dẫn chương trình podcast có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: “Truyền thông nhà nước đưa tin ông Lý Khắc Cường qua đời vì một cơn đau tim. Không có thông tin gì về tang lễ, nhưng để tang một nhà lãnh đạo đã mất, đặc biệt đây lại là một lãnh đạo gần đây đã bị buộc phải từ chức, thì đối với đảng này là một vấn đề khó dàn xếp.”