Cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường được cho là mất liên lạc với thân nhân sau khi xuất hiện ở Đôn Hoàng
Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đột ngột qua đời sau khi rời nhiệm sở 7 tháng, làm dấy lên nhiều nghi vấn. Trên mạng xã hội X (trước đây gọi là Twitter), ông Diêu Thành (Yao Chen), cựu Trung tá và Sĩ quan tham mưu Bộ Tư lệnh Hải quân của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã dẫn thông tin từ người thân và bằng hữu của ông Lý ở quê nhà Hợp Phì cho biết: “Sau khi xuất hiện ở Đôn Hoàng hôm 31/08, ông Lý Khắc Cường đã mất liên lạc [với người thân ở quê nhà],” “Trước Tết Trung thu, thông qua thư ký của ông Lý, người nhà của ông đã gửi lời mời ông đến Hợp Phì dự lễ hội, nhưng họ không nhận được hồi đáp.” Hồi tháng Tám năm nay, ông Lý Khắc Cường đã đến thăm hang động Mạc Cao ở Đôn Hoàng. Đoạn video về sự việc này đã được lan truyền trên Internet, nhưng các hãng thông tấn của ĐCSTQ không hề đưa tin.
Đa số dư luận ở ngoại giới đều cho rằng việc ông Lý Khắc Cường đột ngột qua đời là điều bất thường. Vì vậy, cư dân mạng đưa ra các giả thuyết cho rằng ông Lý đã bị sát hại với hai suy đoán như sau.
Một là trực tiếp mưu sát. Ông Diêu Thành viết rằng ông Lý Khắc Cường lúc còn sống đã bị “song quy” (cô lập tại một thời điểm và địa điểm được chỉ định) hoặc bị quản thúc tại gia. Theo ông Diêu, “về phần ông Lý qua đời như thế nào thì sẽ không để người bên ngoài biết. Người thực hiện [sát nhân] có lẽ đã bị diệt khẩu rồi.” Ông Diêu nói rằng bây giờ chỉ phụ thuộc vào ông Tập Cận Bình có đồng ý cho khám nghiệm tử thi hay không.
Ông Cao Quang Tuấn (Gao Guanjun), một luật sư ở New York và là cựu giảng viên tại Đại học Công an Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, cũng cho rằng ông Lý Khắc Cường đã bị “ám sát.” Hôm 29/10, ông Cao đăng trên mạng xã hội X rằng: “Vào khoảng năm 2018, ông Tập Cận Bình đã thành lập một bộ phận đặc biệt: Cục Hành động! Các thành viên của bộ phận này đều là những người xuất thân từ những gia đình bình thường không có bối cảnh đặc biệt, nhưng đãi ngộ rất cao. Nhiệm vụ của họ là chuyên thực hiện các vụ ám sát và bắt cóc.”
Hai là “gián tiếp mưu sát.” Ông Vương Quân Đào (Wang Juntao), cựu sinh viên Đại học Bắc Kinh và là cựu lãnh đạo phong trào sinh viên ngày 04/06, cho rằng khi ông Tập Cận Bình tiến hành các cuộc thanh trừng chính trị, rất nhiều người đã qua đời ở độ tuổi trẻ hơn so với người bình thường. Chính quyền thường nói với ngoại giới rằng họ “tự tử do trầm cảm,” nhưng ông Vương cho rằng “ít nhiều đều là mưu sát.”
Theo ông Vương, ngay cả khi ông Lý Khắc Cường không bị mưu sát, thì rất có thể chính quyền đã uy hiếp ông, khiến ông rất lo lắng; bởi vì thuộc hạ của ông Lý đã lần lượt bị cầm tù, nên ông Lý lo rằng một ngày nào đó bản thân cũng sẽ bị liên lụy. Áp lực tinh thần như vậy có thể đã dẫn đến sự ra đi của ông Lý Khắc Cường.
Sẽ không tổ chức lễ truy điệu hay lễ cáo biệt
Hôm 31/10, ĐCSTQ chính thức thông báo rằng thi hài của ông Lý Khắc Cường sẽ được hỏa táng tại Bắc Kinh vào ngày 02/11. Tuy nhiên, chính quyền không đề cập đến việc tổ chức lễ truy điệu hay lễ cáo biệt, cũng như không công bố danh sách ban tang lễ. Có tin tức cho biết ĐCSTQ đã đưa ra thông tri nội bộ rằng sẽ không tổ chức lễ truy điệu, không mời các đảng viên cũng như cán bộ của ĐCSTQ bên ngoài Bắc Kinh tham dự hoạt động tang lễ, không mời các đại sứ và người ngoại quốc ở Đại sứ quán tham dự tang lễ. Ngược lại, vào ngày 06/12 năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã tổ chức lễ truy điệu cho ông Giang Trạch Dân một cách long trọng.
Khi ông Lý còn sống, ông Tập được cho là luôn áp chế quyền lực của ông Lý. Ông Tập đã thành lập rất nhiều nhóm hoặc ủy ban lãnh đạo khác nhau trong đảng để làm giảm quyền lực Thủ tướng của ông Lý. Trong nhiệm kỳ Tổng Bí thư đầu tiên, ông Tập đã thành lập tổng cộng 24 nhóm hoặc ủy ban lãnh đạo, bao trùm tất cả các lĩnh vực trong đảng, chính phủ, quân sự, hình thái ý thức, v.v. Trưởng nhóm hoặc Trưởng ban là chính ông Tập hoặc một cộng sự thân cận do ông Tập bổ nhiệm, chuyển mọi công việc thuộc về Quốc vụ viện sang Đảng để thảo luận. Quốc vụ viện đã bị rút gọn thành một đơn vị điều hành dưới sự ràng buộc của nhiều nhóm hoặc ủy ban khác nhau. Vì vậy, ông Lý Khắc Cường được cho là Thủ tướng yếu thế nhất của Quốc vụ viện trong lịch sử Trung Quốc.
Sau khi ông Lý Khắc Cường qua đời, tên của ông dường như cũng mờ nhạt trên các bản tin của truyền thông nhà nước Trung Quốc. Trong cáo phó của ông Lý có nhiều câu mô tả quá trình công tác của ông bị thiếu chủ ngữ, giống như một sự cố ý làm giảm bớt sự xuất hiện của ba chữ “Lý Khắc Cường”.
Ngược lại, ba chữ “Tập Cận Bình” xuất hiện đến năm lần trong cáo phó của ông Lý.
Hôm 27/10, Đài truyền hình trung ương CCTV phát sóng tin tức với nội dung ông Tập Cận Bình chủ trì hội nghị của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương. Đến mục thứ ba mới là tin tức về ông Lý Khắc Cường qua đời.
ĐCSTQ áp chế việc người dân trong nước tưởng niệm ông Lý Khắc Cường
ĐCSTQ đã ra sức ngăn chặn các hoạt động tưởng niệm ông Lý Khắc Cường bên trong Trung Quốc.
Nhiều trường đại học ở Trung Quốc đã cấm sinh viên tụ tập để tưởng niệm ông Lý Khắc Cường. Văn phòng Đảng ủy tại Đại học Giao thông Thượng Hải ra thông báo trong nhóm WeChat, yêu cầu tất cả các đơn vị, phòng ban làm tốt việc duy trì sự ổn định trong khuôn viên trường trong thời gian tới. Thông báo còn yêu cầu sinh viên chú ý về suy nghĩ và quan điểm của mình về sự qua đời của ông Lý Khắc Cường, đồng thời kiên quyết không cho phép bất kỳ “nhận xét không phù hợp” nào dù là trực tuyến hay ngoại tuyến. Nhà trường cũng yêu cầu sinh viên chú ý đến việc di chuyển khi ra ngoài, và lưu ý về bất kỳ hoạt động tưởng niệm nào trong khuôn viên trường.
Học viện Kỹ thuật Công nghiệp Hàng không Quý Dương cũng đưa ra thông báo yêu cầu sinh viên không được bình luận, đăng tải hoặc lan truyền bất kỳ nhận xét nào về tình hình chính trị hoặc quốc gia hiện tại trên bất kỳ nền tảng truyền thông cá nhân nào trong tuần tới; không được phép tham gia vào các cuộc tụ họp khác nhau hoặc tiếp nhận bất kỳ cuộc phỏng vấn nào. Cuối cùng, nhà trường còn cảnh báo sinh viên rằng, nếu phát sinh “ngôn luận không tốt” hoặc lan truyền nội dung với “ngôn luận không tốt” thì sẽ bị chuyển tới cơ quan tư pháp để giải quyết nghiêm khắc.
Ông Cố Vạn Minh (Gu Wanming), cựu phóng viên của Tân Hoa Xã đã viết thư ngỏ gửi Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, “yêu cầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc vụ viện thành lập đội điều tra chung về vụ việc ông Lý Khắc Cường để tìm ra nguyên nhân tử vong của ông ấy ở Thượng Hải, cho toàn đảng và nhân dân cả nước một lời giải thích.”