Truyền thông nhà nước Trung Quốc: Cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường qua đời ở tuổi 68
Theo tin tức trên truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Lý đã qua đời do một cơn đau tim đột ngột.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã qua đời do một cơn đau tim đột ngột.
Ông Lý, 68 tuổi, từng là một nhân vật chính trị có quyền lực thứ hai ở Trung Quốc chỉ sau Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông giữ chức thủ tướng từ tháng 03/2013 cho đến tháng Ba năm nay thì về hưu.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, khi đang đi nghỉ ở Thượng Hải được vài ngày thì ông Lý lên cơn đau tim đột ngột hôm 26/10. Sau 10 phút “nỗ lực hết mình” cấp cứu ông bất thành, ông qua đời vào lúc quá nửa đêm hôm 27/10, theo giờ địa phương.
Ông Lý là thành viên của một phe phái chính trị ở Trung Quốc được gọi là “đoàn phái” (tuanpai), hay còn gọi là Phe Đoàn Thanh niên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Trong Đại hội Đảng lần thứ 20 của nhà cầm quyền Trung Quốc hồi tháng Mười năm ngoái (2022), ông Lý và ông Uông Dương (Wang Yang), một thành viên khác trong “đoàn phái,” đã không có tên trong Ủy ban Trung ương mới của nhà cầm quyền, một cơ quan gồm hơn 200 thành viên trong giới tinh hoa của Đảng, trong một đợt xáo trộn dàn lãnh đạo. Vào thời điểm đó, ông Uông là người đứng đầu Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một cơ quan cố vấn chính trị.
Sau đó, cả ông Lý và ông Uông đều không có tên trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm bảy thành viên – cơ quan ra quyết định quyền lực nhất trong chính quyền Trung Quốc.
Ông Lý Lâm Nhất (Li Linyi), một nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc đang sinh sống tại Hoa Kỳ, từng đã nói với The Epoch Times rằng sự vắng bóng của ông Lý và ông Uông có thể được xem là một chiến thắng chính trị cho ông Tập.
Ông Tập đã bảo toàn được nhiệm kỳ năm năm lần thứ ba chưa từng có tiền lệ hồi tháng Mười năm ngoái, nghĩa là ông sẽ nắm quyền ít nhất cho đến năm 2028.
Ông Lý là một kinh tế gia tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh của Trung Quốc. Khi giữ chức thủ tướng, ông từng lãnh đạo nền kinh tế Trung Quốc, nhưng ông đã bị loại khỏi vị trí đó trong những năm gần đây.
Năm 2020, ông Lý đã có lời nhận định đáng nhớ trong một cuộc họp báo rằng khoảng 600 triệu công dân Trung Quốc chỉ kiếm được 1,000 nhân dân tệ (140 USD) mỗi tháng, một tuyên bố thừa nhận các vấn đề kinh tế gay go ở Trung Quốc.
Sáng kiến Vành đai và Con đường
Năm 2013, ngay sau khi trở thành thủ tướng Trung Quốc, ông Lý đã thực hiện một chuyến công du tới bốn quốc gia — Ấn Độ, Pakistan, Thụy Sĩ, và Đức. Khi ở Pakistan, ông mô tả mối bang giao giữa Bắc Kinh và Islamabad là “những người bạn trong mọi hoàn cảnh.”
Ông Lý cho biết trong một bài diễn văn lúc bấy giờ rằng, “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Pakistan để đẩy nhanh dự án nâng cấp Đường cao tốc Karakoram, tích cực tìm hiểu và phát triển các kế hoạch dài hạn nhằm xây dựng một hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, mở rộng các lợi ích chung của chúng ta.”
Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, một sáng kiến hàng đầu của ông Tập nhằm xây dựng ảnh hưởng địa chính trị của Bắc Kinh trên toàn thế giới bằng cách tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng. Các nhà phê bình cho rằng ĐCSTQ đã đặt các quốc gia tham gia vào các nghĩa vụ nợ không bền vững.
Hồi tháng 03/2023, Trung Quốc, Pakistan, và Taliban đã đồng ý mở rộng BRI tới Afghanistan. Các chuyên gia cho biết thỏa thuận này là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc xem Afghanistan là khu vực ưu tiên cho việc mở rộng kinh tế. Hồi đầu tháng này, Taliban cho biết họ dự định chính thức tham gia BRI.
Cũng trong tháng 03/2023, chỉ vài ngày trước khi về hưu, ông Lý đã gặp gỡ Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại Trung Quốc. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Lukashenko nói với ông Lý rằng Belarus mong muốn thấy hai nước tăng cường hợp tác sâu sắc hơn.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, tại Trung Quốc, ông Lukashenko cũng đã gặp ông Tập, người xem mối bang giao song phương này là một tình bằng hữu “không thể phá vỡ.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times