Ông Eric Hoffer: Người đấu tranh cho tầng lớp lao động
Điều gì làm nên một kẻ cuồng tín? Đối với nhiều người ngày nay, đây không phải là một câu hỏi mà là một sự giả định. “Họ thật điên rồ,” những người với đầu óc thực tế thường nhận xét như vậy — đặc biệt là khi quan sát các hành vi của những địch thủ chính trị của họ.
Tuy nhiên, vào 70 năm trước, một người Đức nhập cư đã tìm cách giải thích chủ nghĩa cuồng tín bằng việc phân tích những đặc điểm chung của những người có xu hướng tham gia các sự nghiệp chính trị cấp tiến. Dù đây chính là điều giúp ông Eric Hoffer được nhớ đến nhiều nhất ngày nay, nhưng tác phẩm sau này, ít nổi tiếng hơn của ông đã mở rộng những mối quan tâm của ông đối với xã hội và trình bày chi tiết những phương thuốc hữu hiệu cho chứng cuồng tín này. Những kiến thức này đã không được tiếp thụ giống như những tư tưởng ban đầu của ông về các phong trào đại chúng, mặc dù điều đó được cho là quan trọng không kém.
Tác phẩm “Tín Đồ Đích Thực”
Thời niên thiếu của ông Hoffer chưa bao giờ được kiểm chứng độc lập. Ông cho biết ông sinh vào năm 1902 tại Thành phố New York nhưng không có giấy khai sinh chứng minh cho điều ấy. Ông nói với một chất giọng đặc sệt của vùng Bavaria (một tiểu bang của Đức) trong suốt cuộc đời mình, mặc dù có thông tin rằng cha mẹ ông đến từ vùng Alsace-Lorraine, nơi mà giọng nói có sự pha trộn giữa giọng Pháp và một chút giọng Đức. Không có ghi chép nào về cha mẹ ông Hoffer. Năm 7 tuổi, ông đã bị mù một cách bí ẩn, và tám năm sau đó thị lực của ông khôi phục lại bình thường. Ông chưa bao giờ đi học nhưng lại thường lui tới các thư viện. Vào năm 1920, ông đến California, làm những công việc lặt vặt trong suốt 20 năm — nhân viên bán cam, rửa chén, công nhân nhập cư, người đào vàng — trước khi ông định cư ở San Francisco sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng năm 1941.
Cuộc đời của ông Hoffler chính thức được ghi lại bắt đầu từ đây. Ông thuê một căn hộ một phòng ngủ trong khu đường sắt và làm công việc bốc vác trên bến tàu. Tài sản ít ỏi của ông không có cả một chiếc tivi, radio, hay điện thoại. Tuy vậy, ông luôn giữ một quyển sổ nhỏ trong túi, và ghi chép những suy nghĩ vào lúc rảnh rỗi.
Ông Hoffer dần định hình những suy nghĩ của mình vào trong một cuốn sách, đó là cuốn “Tín Đồ Đích Thực: Những Suy Nghĩ Về Bản Chất Của Các Phong Trào Đại Chúng.” Trong tác phẩm này, ông giải thích sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản bằng cách mô tả các quá trình của họ trong việc “tôn giáo hóa cuộc sống,” hay còn gọi là “nghệ thuật biến các chủ đề thực tế thành những mục đích cao cả.” Ông cho rằng, những người đi theo các phong trào đại chúng thường là những kẻ lạc lối và thất bại, những người đã mất niềm tin vào chính mình. Để thay thế cho sự tự tin và lòng tự trọng, họ hợp nhất danh tính của mình vào một nhóm để tìm một địch thủ làm con dê gánh tội. Ông Hoffer đưa ra một loạt các ví dụ lịch sử để mô tả vòng đời của các phong trào đại chúng và cách mà những nhà lãnh đạo phong trào này lợi dụng đám đông bằng việc truyền cảm hứng cho niềm hy vọng nhiệt thành và lòng thù hận cháy bỏng.
Xuất bản vào năm 1951, tác phẩm “Tín Đồ Đích Thực” đã trở thành một cuốn sách bán chạy nhất sau khi được Tổng thống Dwight D. Eisenhower trích dẫn trên sóng truyền hình. Kể từ đó, các chính trị gia đã nghiên cứu quyển sách “Tín Đồ Đích Thực” nhiều không kém gì cuốn “Quân Vương” của tác giả Machiavelli — và thường là vì những lý do sai lầm. Mặc dù cuốn sách này được viết để cảnh báo về những mối nguy hiểm đến từ các phong trào đại chúng, nhưng đồng thời, tác phẩm cũng rất phù hợp để trở thành một cuốn cẩm nang hướng dẫn cách khởi phát một phong trào nào đó.
Tác phẩm “Thách Thức của Sự Thay Đổi”
Cuốn sách thứ ba của ông Hoffer, “Thách Thức của Sự Thay Đổi,” thể hiện khía cạnh lạc quan hơn của ông bằng cách phản ánh việc tầng lớp lao động đã định hình nên lịch sử như thế nào. Mặc dù tác phẩm này có ít ảnh hưởng tức thời về mặt chính trị hơn so với tác phẩm “Tín Đồ Đích Thực” — và do đó cũng ít thu hút độc giả hơn — nhưng ông Hoffer vẫn xem đây là tác phẩm hay nhất của mình.
Chương mở đầu, với nhan đề “Sự Thay Đổi Mạnh Mẽ,” bắt đầu bằng một câu chuyện về trải nghiệm của ông Hoffer khi còn là một công nhân nhập cư, khi ông dành phần lớn thời gian trong năm để hái đậu Hà Lan và sau đó lang thang đến một quận khác để thu hoạch đậu que.
Ông viết rằng: “Liệu tôi có thể hái đậu que không? Ngay cả sự thay đổi từ đậu Hà Lan sang đậu que cũng có những yếu tố gây e sợ.”
Mỗi thay đổi trong cuộc sống đều khơi gợi một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn về lòng tự trọng. Những người không thích nghi với hoàn cảnh, vốn không thể tìm thấy các cơ hội để phóng thích năng lượng của mình trong một thời kỳ biến động, sẽ mất cân bằng với tư cách các cá nhân, trở nên dễ bị cấp tiến hóa và dễ bị tác động bởi ý kiến của đám đông. Biện pháp cho sự nhiệt tình không đúng chỗ này chính là “sự tự tin đến từ kinh nghiệm và kỹ năng [mà một người] có được.”
Xuyên suốt tác phẩm này, ông Hoffer thảo luận về hai quá trình quan trọng thúc đẩy sự thay đổi năng động bằng cách ngăn chặn sự trì trệ của xã hội: nhập cư và thương mại. Những nhà buôn lang thang thời kỳ đầu rất quan trọng đối với sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân, thúc đẩy sự giao thoa các nền văn hóa và làm suy yếu giáo điều. Vào thời hiện đại, hàng triệu người nhập cư đến Mỹ từ “các thị trấn và các ngôi làng tiêu điều,” đã dùng truyền thống tự lực cánh sinh để tìm kiếm sự thành công. Trong một số bài viết luận như “Sự Sẵn Lòng Làm Việc,” hay “Ý Thức Thực Tế,” và “Tâm trạng Vui Vẻ,” ông Hoffer đã lần theo quá trình phát triển lịch sử của những nhận thức này và lập luận về tầm quan trọng thiết yếu của chúng trong việc đạt được mục đích sống.
Giới học giả là kẻ thù của thương nhân. Trong bài viết luận “Giới Trí Thức và Đại Chúng,” ông Hoffer lưu ý rằng giới trí thức dường như luôn có “một mối ác cảm” với Mỹ quốc. Tại sao? Trong khi ở hầu hết các nền văn minh khác, giới trí thức hoặc là đồng minh của những người có quyền lực hoặc là đồng minh của các thành viên trong giới thượng lưu, thì ở Hoa Kỳ, họ có một vị thế bất ổn hơn.
Ông Hoffer viết: “Mỹ quốc là ví dụ duy nhất về một nền văn minh được định hình và tô vẽ bởi những thị hiếu và giá trị của những người rất đỗi bình thường.”
Mặc dù giới trí thức đóng một vai trò sáng tạo thiết yếu trong sự thịnh vượng chung, nhưng xã hội lại được hưởng lợi từ sự căng thẳng của họ đối với những doanh nhân thực dụng. Khi những người trí thức trở nên có ảnh hưởng lớn trong việc định hình công luận, thì xã hội sẽ trì trệ. Ông mô tả sự chuyên chế do các bộ máy quan liêu lên kịch bản cho mọi kết quả có thể xảy ra: “Trong quá khứ những ông chủ đã dùng vũ lực để đòi hỏi sự phục tùng và để duy trì mọi thứ theo cách đó. Người trí thức thì không như vậy.” Người biết giữ chữ tín đòi hỏi sự tuân phục không chỉ thông qua hành động, mà còn thông qua hệ tư tưởng.
Người hùng của tầng lớp lao động
Trong cuốn sách “Eric Hoffer: Nhà Triết Học Công Nhân Bốc Vác,” tiểu sử gia Tom Bethell đã viết: “Câu chuyện vắn tắt về cuộc đời của ông Hoffer gần như là giả tạo.” Làm thế nào mà một người đàn ông nghèo khó với quá khứ không rõ ràng và không được học hành bài bản lại có thể viết nên những cuốn sách sâu sắc nhất của thế kỷ 20? Dẫu cho ông ấy khó có khả năng trở nên nổi tiếng, nhưng quá trình tự học của Hoffer đã biến ông trở thành một nhà tư tưởng độc đáo. Tâm trí của ông lang thang tự do, không bị bó buộc bởi hệ tư tưởng thời thượng trong hệ thống giáo dục đại học.
Giới tinh hoa văn học San Francisco không thích ông Hoffer.
Ông nói: “Đó là bởi vì tôi đã quá ca ngợi Mỹ quốc.”
Cho đến tận ngày nay, giới quyền uy trí thức thống trị không quan tâm nhiều đến các ý tưởng của ông Hoffer. Trau dồi ý thức thực tiễn ư? Tầm quan trọng của lao động — thậm chí là lao động chân tay — trong một cuộc sống cân bằng ư? Các doanh nghiệp giống như một lực lượng năng động đối trọng với các hệ tư tưởng độc tài?
Thật trớ trêu thay khi một trong những nhà đấu tranh hùng hồn nhất cho Mỹ quốc có lẽ chưa bao giờ là một công dân nhập tịch. Tác giả Bethell đã đưa ra một ví dụ thuyết phục rằng ông Hoffer có khả năng là một người nhập cư không có giấy tờ đã đào thoát khỏi nước Đức sau khi Hitler lên nắm quyền và bịa ra một quá khứ mơ hồ để tránh bị trục xuất. Những người nhập cư khác cùng thời đó vì muốn thoát khỏi các chế độ toàn trị, như bà Ayn Rand và ông Vladimir Nabokov, cũng mến mộ Mỹ quốc và không bao giờ hiểu nổi những người trí thức bản xứ vô ơn với mảnh đất đã cho họ rất nhiều cơ hội này.
Ông Hoffer đã tiếp tục làm công nhân bốc vác trong gần hai thập niên sau khi trở thành một nhân vật được công chúng biết đến. Vào năm 1983, năm ông qua đời, ông được trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống. Ông vẫn là một nguồn cảm hứng cho những nhà tư tưởng độc lập khát khao phá vỡ sự độc quyền kìm kẹp về mặt ý tưởng mà giới hàn lâm đã áp đặt trong nửa thế kỷ qua.
“Ai đã dựng lập nên đất nước này?”, ông nói với tác giả Bethell. “Không ai khác ngoài những người lang thang.”
Thục Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch times