Nữ tử mệnh hung sẽ khắc chồng?
Thế gian thường có cách nói: Nếu vợ có mệnh hung thì sẽ khắc chồng. Chồng có mệnh hung thì sẽ khắc vợ. Cha có mệnh hung thì sẽ khắc con. Con có mệnh hung thì sẽ khắc cha. Khi tìm tới người toán mệnh, một khi nghe họ nói rằng người này có mệnh khắc chồng, hoặc mệnh khắc vợ thì liền bị dọa cho sợ hãi. Người ấy cả ngày sẽ sống trong sự hoảng sợ, lo lắng, dẫn tới những gánh nặng tinh thần vô cùng to lớn. Cũng có trường hợp giữa vợ chồng hoặc cha con, khi biết đối phương mang mệnh khắc mình sẽ dẫn tới việc cốt nhục oán ghét nhau, thậm chí phải chịu cảnh ly tán. Sự phá hoại đó vô cùng to lớn.
Ý nghĩa ban đầu của mệnh lý ‘khắc chồng’
Thực chất đây là suy luận của người đời do không hiểu rõ về bát tự mệnh lý, từ đó tạo thành cách hiểu sai lầm. Về sau lại nghe thêm những lời đồn đoán lệch lạc, truyền từ đời này qua đời khác, thêm mắm dặm muối, cuối cùng làm mất đi ý nghĩa ban đầu của mệnh lý học.
Vậy chúng ta lý giải những điều này như thế nào? Thực ra, cái gọi là khắc chồng, khắc vợ, khắc cha, khắc con, chính là loại hiện tượng phối hợp được suy ra từ bát tự. Nó xuất phát từ sự phối hợp giữa số mệnh với mối liên kết vận may của bản thân, chứ không chịu tác động từ yếu tố bên ngoài. Không phải do bản thân người này sinh ra đã có công năng đặc dị lợi hại hay năng lực thần bí khiến đối phương khắc mệnh mà qua đời.
Phân tích cụ thể như thế này: Trong bát tự số mệnh làm vợ, nếu nhìn thấy phu tinh (tượng trưng cho người chồng) trong trạng thái ‘tử tuyệt’ [qua đời] thì có thể căn cứ từ trong bát tự suy ra rằng chồng của cô ấy trong tương lai sẽ “bất lộc” (gọi là yểu mệnh). Sau khi cô ấy kết hôn, một khi ứng nghiệm với thời gian người chồng mất, thì hầu hết những người ngoài cuộc không hiểu về bát tự chỉ nhìn thấy hiện tượng có kết cục như vậy, nên họ liền nói nữ tử này khắc chồng. Họ cho rằng trên thân cô ấy có một loại sát khí, có thể khiến người chồng qua đời như vậy. Điều này dọa cho ai nấy đều sợ hãi và tránh xa cô ấy. Nhưng thực ra đây chỉ là sự phối hợp với số mệnh của cô ấy mà chú định như vậy. Điều này không phải do mệnh hung khắc chồng của cô ấy. Cô ấy chỉ là một người bình thường mà thôi.
Tương tự, trong mệnh của người cha, nếu nhìn thấy tử tinh của con bị phá hoại, thì có thể suy đoán người con sẽ gặp điều không may, nhưng điều đó không có nghĩa là người cha có mệnh hung khắc con. Trong mệnh của người con, nếu nhìn thấy phụ tinh của người cha bị suy tuyệt, thì có thể suy đoán về sự ra đi sớm của người cha, nhưng nó không phải do mệnh hung khắc cha của người con. Trong mệnh của người chồng, nếu nhìn thấy thê tinh của người vợ bị tổn hại, thì có thể suy đoán sự ra đi vội vàng của người vợ, nhưng nó không phải do mệnh hung khắc vợ của người chồng.
Vậy, bát tự trong mệnh của người phụ nữ xuất hiện sự phối hợp như thế nào, mà lại có thể xuất hiện hiện tượng khắc chồng hoặc lấn át chồng như người thường vẫn hay nhìn nhận?
Có rất nhiều loại hiện tượng được liệt kê trong sách xem mệnh, và đây chỉ là một số hiện tượng phổ biến. Một trong số đó là “Thân vượng, quan vi, vô tài giả, tất khi phu”.
Bởi vì bát tự dùng ‘nhật can’ (can ngày) của ngày sinh để tượng trưng cho bản thân, nên quan tinh tượng trưng cho người chồng. ‘Thân vượng’ ý chỉ là hầu hết trong bát tự có sự tương đồng với ngũ hành nhật can. Ví dụ: Nếu can ngày sinh là Canh Kim, ngoài ra trong bảy chữ có năm chữ là Kim, vả lại còn chiếm cứ những vị trí quan trọng như ‘địa chi nguyệt trụ’ và ‘địa chi nhật trụ’, thì đây chắc chắn là thân vượng. ‘Quan vi’ ý chỉ tinh (sao) tượng trưng cho người chồng (quan tinh hỏa) chỉ có hai ngôi sao. Ngũ Kim so với Nhị Hỏa thì chính là ‘quan vi’. Lúc này, bát tự đã phân phối xong, tài tinh không còn chỗ đứng nữa, đồng nghĩa với việc không có tài vận. Bởi vì tài tinh có thể sinh ra quan tinh, nên không có tài tinh nghĩa là quan tinh (người chồng) yếu nhược và ít nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào.
Vậy nên ý nghĩa mà bát tự này muốn biểu đạt là: Đời này quý vị là một người “đại sái” (tiếng Quảng Đông nghĩa là xuất chúng, vượt trội), quyền nói và quyền quyết định của quý vị chiếm phần lớn (từ 70%-80% trở lên), chỉ còn lại khoảng 20% dành cho người chồng, bất cứ chuyện gì cũng do quý vị làm chủ. Đồng thời, trong gia đình, những thứ như kinh tế, vật chất, lợi ích đều do quý vị làm ra và do quý vị quản lý. Nguyên do là vì chồng quý vị chỉ có thể đóng góp được 20% mà thôi. Vậy nên, trong mắt người ngoài nhìn nhận, thì chính là quý vị đang lấn át chồng. Thực ra đây chỉ là do trong mệnh của quý vị như vậy. Nhìn từ sự phối hợp dựa trên bát tự có thể thấy rằng quý vị không thể làm gì khác.
Hãy lấy thêm một ví dụ khác về sự phối hợp: “Nhật can cường, quan nhược, vô tài, nhi thương thực trọng giả, tất khắc phu”. (Can nhật mạnh mẽ, quan yếu nhược, không có tài vận, tổn hại nghiêm trọng về lương thực, nhất định sẽ khắc chồng”. Vế trước “Nhật can cường, quan nhược, vô tài” giống như trên, và đã được phân tích qua. Nay nói thêm về làm tổn hại lương thực nghiêm trọng.
‘Thương thực’ ám chỉ làm hại quan tinh và thực thần tinh. Trong chuyên môn, “hại quan tinh” chính là mang nghĩa khắc chế quan tinh (người chồng). Lấy tình huống “vợ kiểm soát quá mức” như câu nói ở trên, kết hợp thêm việc thương tổn quan tinh (người chồng), thì quan tinh (người chồng) không còn nơi nào để ẩn náu. Lúc này, người vợ sẽ bị người ngoài nhận định là có mệnh khắc chồng. Tình huống này cũng chính là nguyên nhân của việc người thường vẫn nói là mệnh ngạnh (cứng rắn) sẽ khắc chồng.
Mệnh ngạnh, còn có nghĩa là mệnh trọng. Một trong những ý nghĩa của nó là chỉ phía đại diện cho ngũ hành của bản thân sẽ chiếm đa số. Vậy thì phía quan tinh đại diện cho người chồng chắc chắn chỉ có thể chiếm một phần nhỏ. Bởi vì tổng cộng có tám chữ, nếu không phải bên tôi chiếm phần nhiều, thì bên anh sẽ chiếm phần nhiều hơn. Đa số trấn áp thiểu số. Nếu không có sự xuất hiện của tài tinh, biểu hiện ra sẽ là, nhẹ thì lấn át chồng, nặng thì chính là khắc chồng. Điều này đã được định sẵn trong bát tự từ khi sinh ra, và không có sự can thiệp nào từ bên ngoài.
Nhưng không phải ai có “nhật can cường vượng” (ý chỉ là mệnh ngạnh) đều sẽ có hiện tượng khắc chồng như thế. Nếu nhật can yếu nhược, phối hợp không tốt, cũng sẽ khắc chồng. Trong một số sách toán mệnh dùng thần là chồng. Ví dụ như mệnh sát chồng quá lớn nhưng thân thể lại yếu đuối, thì lấy ấn làm thần, cũng tức là lấy ấn làm chồng. Nếu trong bát tự, quan vượng, ấn nhẹ, thân thể suy yếu, cũng sẽ khắc chồng. Bởi vì ấn nhẹ, nghĩa là Phu tinh yếu nhược, không thể làm gì. Lúc này, người đời sẽ cho rằng người chồng bị khắc chế.
Nếu độc giả đã đọc qua những đoạn văn trên nhưng vẫn không thể hiểu về mệnh lý thì cũng đừng nóng vội. Quý vị có thể lướt qua mà không cần đọc kỹ. Tôi chủ yếu chỉ muốn giải thích rằng trong bát tự có thể thấy được phu tinh (người chồng) của một người nào đó bị tuyệt tử, hoặc bị tổn hại, hoặc quá yếu đuối, thì những gì xuất hiện ở tương lai, đối với cách nhìn của người ngoài trông giống như đang lấn át và khắc chồng. Nhưng thực ra vận mệnh của cô ấy chính là như vậy, chứ không phải bởi vì cô ấy mang mệnh hung nên mới khắc chế chồng.
Ví dụ về ‘người con xấu số’
Tại sao xuất hiện hiện tượng phu tinh suy tuyệt, hoặc mệnh của tử tinh bị phá hoại? Điều này có căn nguyên và kết quả của nó. Tất cả sự việc trên thế gian không có gì là ngẫu nhiên cả.
Bây giờ tôi lấy một ví dụ về “người con xấu số”. Bởi vì người cha ở kiếp trước đã làm chuyện xấu với ai đó, nên người đó ở kiếp này đã đầu thai làm con trai của ông ấy để đòi nợ. Theo cách này, ta sẽ dễ dàng lý giải được nhân quả sâu xa bên trong.
Có một bài văn tên là “Tử bất ngữ” được viết bởi nhà văn Viên Mai vào giữa thời nhà Thanh. Trong bài viết: Người đứng đầu bộ Lễ tên là Cát Tổ Lương nói với Viên Mai rằng: Có một người hàng xóm tên là Trình mỗ, gia đình rất giàu có, nhưng ông ta lại không có con. Không ngờ khi ông ấy về già lại sinh được một người con trai. Cậu bé vô cùng thông minh, lanh lợi, diện mạo vô cùng khôi ngô, tuấn tú. Trình mỗ yêu thương, nâng niu cậu bé như viên ngọc quý trên tay.
Cậu bé khi lên mười hai tuổi, thân thể sinh ra rất nhiều bệnh tật, chi phí thuốc men nhiều vô kể. Dần dần sau khi trưởng thành cậu bé lại không thích làm việc, kinh doanh, chỉ thích chọi gà và đua chó. Tất cả gia sản đều bị anh ta tiêu sạch.
Trình mỗ cảm thấy vô cùng tức giận đối với người con trai không có tiền đồ như vậy. Một ngày nọ, ông treo bức ảnh của tổ tiên lên, chuẩn bị đánh con trai một trận.
Lúc này, người con trai đột nhiên nói bằng giọng Sơn Đông: “Tôi là Ngô mỗ đây, kiếp trước ông nợ tôi một vạn lượng bạc, nay tôi đã lấy lại được số tiền ấy rồi. Ông nghĩ tôi là con trai của ông sao? Đây là tội lỗi của ông. Hôm qua tôi đã mở sổ ghi chép để kiểm tra lại, ông vẫn còn nợ tôi hơn tám mươi lượng bạc, tôi không thể cho qua như vậy được.” Nói xong, người con trai xắn tay áo bước lên, anh tháo những viên trân châu trên búi tóc của mẫu thân xuống, tiếp đó giẫm nát chúng, rồi qua đời ngay sau đó.
Cuối cùng, Trình mỗ rơi vào cảnh nghèo khó và không có con cháu nối dõi.
Nếu lấy bát tự của Trình mỗ để phân tích, thì sẽ thấy tử tinh trong bát tự của ông ấy bị phá. Vậy nên, ông ấy mới sinh ra người con xấu số như vậy, không phải bởi vì ông có mệnh hung nên khắc con. Sở dĩ Trình mỗ có thể sinh ra bát tự phá vỡ tử tinh là bởi vì kiếp trước Trình mỗ đã nợ một người ở Sơn Đông một ngàn lượng bạc, nên kiếp này Ngô mỗ đầu thai làm con trai của ông ấy để đòi nợ. Nhân quả kiếp trước và kiếp sau chính là như vậy. Những cái gọi là mệnh khắc vợ, khắc chồng, khắc cha, tất cả đều có thể lý giải theo cách này.
Làm thế nào để thay đổi mệnh khắc chồng, khắc vợ, khắc cha, khắc con?
Nếu thật sự có người sinh ra đã có mệnh khắc chồng, khắc vợ, khắc cha, khắc con như vậy, thì chẳng phải không còn cách nào khác để cải biến số mệnh sao? Trong sách toán mệnh cũng hướng dẫn con người cách để cải biến số mệnh. Trước hết phải nhận thức được rằng mọi điều tốt, xấu, họa, phúc đều xuất phát từ chính vận mệnh của bản thân chúng ta tạo nên, không liên quan đến việc người khác khắc mình, hay mình khắc với người khác. Sau đó, hãy tu tâm dưỡng tính, chú ý đến cách hành xử trong cuộc sống thường ngày, tích thiện tạo phúc điền, đừng oán trời, trách người.
Cũng có những người dựa vào bát tự về hôn nhân, hoặc phong thủy, v.v. để cầu may, tránh họa; Cũng có người đi chùa cầu Thần, bái Phật để cầu khấn phúc lộc, tiêu tai giải nạn v.v… Tuy nhiên, đó chỉ là cách thức trên bề mặt. Nó không thể thực sự tiêu trừ căn nguyên tạo ra mọi sự bất hạnh của bản thân, đó chính là “nghiệp lực” của con người, tích lũy từ đời này sang đời khác. Bởi vì con người làm việc xấu nên sinh ra nghiệp lực.