Những vấn đề không lường trước của trường mầm non
Trường mầm non thường được ca ngợi vì mang lại nhiều lợi ích, nhưng một số chuyên gia lại có quan điểm khác.
Chúng ta liên tục có nhiều chương trình mầm non hơn. Trên thực tế, một bài báo gần đây của tờ The New York Times cho biết số trường mầm non mở ra nhiều hơn số trẻ em có thể nhập học, ghi nhận rằng “những người ủng hộ giáo dục sớm cho hay có thể sẽ có nhiều gia đình ghi danh hơn nếu họ biết về những lợi ích của trường mầm non.”
Nhưng những điều-gọi-là lợi ích này là thường không thành hiện thực. Như nhiều nghiên cứu học thuật khác nhau cho thấy, trẻ em theo học mầm non có thể gặp khó khăn trong cuộc sống về sau, tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa không đi học mầm non về cả hành vi và thành tích học tập, và có nguy cơ cao bị giữ lại lớp trong quá trình học tập sau này.
Gần 50 năm trước, chuyên gia giáo dục người Mỹ, cha đẻ của phong trào giáo dục tại gia hiện đại Raymond Moore đã lường trước những vấn đề này. Ông đã ghi lại trong cuốn sách có nhan đề “Better Late Than Early” (Muộn Còn Tốt Hơn Sớm). Việc tự nguyện không đưa bé đến trường trong một khoảng thời gian ngắn khiến nhiều người lo lắng vì họ cho rằng, các bạn đồng trang lứa của con sẽ “vượt lên.” Vì vậy, ông Moore đã cố gắng trấn an các bậc cha mẹ bằng cách giải đáp những lo ngại của họ về việc không cho trẻ em đi học mầm non, đồng thời nêu ra một số khó khăn không lường trước do việc cho trẻ em bắt đầu đi học quá sớm.
Lời khuyên của ông vẫn đúng cho đến ngày nay, và mỗi bậc cha mẹ nên xem xét những điều sau đây trước khi giao phó con mình cho một tổ chức giáo dục.
Trường mầm non khiến trẻ em gặp khó khăn trong học tập
Tất cả các bậc cha mẹ đều muốn các con thành công và vượt trội về hành vi và thành tích học tập. Thật không may, việc gửi con đi học mầm non có thể gây ra tác dụng ngược lại, vì điều đó tách trẻ em khỏi những người lớn mà các em cần nhất: cha mẹ. Việc chia tách [với cha mẹ] ở độ tuổi nhỏ như vậy, theo ông Moore, “thường gây ra sự bất an nhất định cho tất cả trẻ em.” Và sự tách rời này thường “đặt nền móng cho các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến cảm xúc và học tập sau này.”
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng các con của họ thích đi học ở độ tuổi nhỏ như vậy, các em thường biểu lộ vẻ hào hứng và nhiệt tình. Nhưng ông Moore khuyên rằng nên thận trọng, lưu ý rằng bên dưới vẻ hào hứng kia thường là sự lo lắng. Và nỗi lo lắng hay bất an chỉ tăng lên khi trẻ em được đưa vào một trường mầm non có sự biến động hoặc giới hạn về nhân sự, một tình trạng dường như phổ biến trong lực lượng nhân sự hiện nay.
Trường mầm non thường mang lại những ảnh hưởng tiêu cực
Quan điểm cho rằng trẻ em cần được hòa nhập xã hội và tiếp xúc với những ảnh hưởng bên ngoài gia đình thường được thốt lên một cách khinh suất. Đó có thể là lời khuyên đúng đắn một khi đứa bé sắp đến tuổi trưởng thành, nhưng không phải lúc chỉ mới 3 hoặc 4 tuổi.
Ông Moore cho rằng khi gửi con đến trường mầm non, “các bậc cha mẹ chủ động đưa con mình vào tầm ảnh hưởng mà họ không thể kiểm soát được,” bao gồm cả giáo viên và các bạn học. Điều này đặc biệt đúng trong thời đại hiện tại, khi các thuyết như chủ nghĩa chuyển giới ngày càng phổ biến và được khuyến khích trong lớp học.
“Vì trẻ em không thể suy xét một cách nhất quán, các em thường bối rối trước sự đối lập giữa các phong tục và giá trị trong gia đình với những điều ở trường học.” Thực tế này có thể tạo ra sự xung đột không cần thiết, vì trẻ em có xu hướng “xem trọng lời của giáo viên hơn là lời của cha mẹ mình.”
Trường mầm non cũng có thể ảnh hưởng đến trẻ em, khiến các em hình thành thái độ hưởng thụ hơn. Ông Moore nêu ra rằng “việc có quá nhiều đồ chơi và thiết bị và không phải làm việc nhà có thể khiến trẻ em bất mãn với những quy định tại nhà trước khi trẻ có thể nhận thức được nguyên nhân của sự khác biệt này.” Việc cho trẻ em dành thời gian ở nhà trong suốt những năm đầu đời có thể hướng các em đến thái độ phục vụ vì người khác hơn, thay vì thái độ của một đứa trẻ được nuông chiều, mong muốn mọi ý thích bất chợt của bản thân phải được đáp ứng.
Trường mầm non đưa ra quá nhiều thứ, quá sớm [cho các con]
Việc gấp rút đưa trẻ em ra khỏi nhà và gửi các em đến một tổ chức giáo dục làm mất đi giai đoạn tuổi thơ giản dị, vô tư lự của các em và thay thế bằng sự kích thích quá mức, ông Moore giải thích.
Ông Moore viết: “Sự cạnh tranh với rất nhiều bạn đồng trang lứa để có được đồ chơi và không gian, cũng như so bì nhau về khả năng thể chất hoặc tinh thần, thường là một áp lực lớn đối với trẻ nhỏ.” [Sau này,] trẻ em cuối cùng sẽ phải cạnh tranh trong thế giới thực tại ngoài kia. Các em sẽ có nhiều thời gian cho một lịch trình bận rộn, vội vã. Tại sao lại khiến các em từ bỏ sự tự do của mình khỏi lối sống như vậy trước khi cần thiết?
Thay vào đó, ông Moore khích lệ cuộc sống gia đình, ông viết rằng, “Cuộc sống gia đình trong 8 năm đầu đời có xu hướng chuẩn bị cho đứa bé một cách nhẹ nhàng hơn cho sự cạnh tranh mà cuối cùng các con phải đối mặt.”
Vậy nếu trường mầm non có thể gây ra nhiều vấn đề như thế, thì chúng ta làm thế nào để định hướng thành công việc giáo dục sớm cho trẻ nhỏ mà không cần đến trường?
Ông Moore có một câu trả lời đơn giản cho câu hỏi trên: một gia đình hạnh phúc.
“Không có bằng chứng có hệ thống từ các nghiên cứu ủng hộ nhu cầu giáo dục mầm non cho những trẻ em có một gia đình hạnh phúc,” ông viết. Vì vậy, hãy tạo ra một mái ấm tốt lành cho trẻ em. Hãy để các con chơi và sáng tạo. Dạy các con làm việc cùng bạn, giúp con “học hỏi về trách nhiệm, kỷ luật, sự chăm chỉ, trung thực, và các giá trị tương tự.”
Bởi vì nền kinh tế đã biến việc một gia đình có hai thu nhập (có cả ba lẫn mẹ đều đi làm) trở thành điều bình thường, nên cách làm trên khó được thực hiện hơn trước đây. Tuy nhiên, có những gia đình chỉ đơn giản “sử dụng trường mầm non như một nơi gửi gắm — phó mặc cho trường mầm non một số vấn đề nhất định của các con mà họ không thể giải quyết hay hành vi [của con] mà họ không thể lý giải được,” ông Moore viết.
Minh Châu biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times