Khóa học dành cho cha mẹ (P.58): Chuẩn bị tâm lý cho con khi chuyển nhà
Mời quý vị đón đọc Loạt bài viết “Khóa học dành cho cha mẹ.”
(Lời người dẫn chương trình): Còn một câu hỏi nữa trong nhóm các bà mẹ. Đây là một kỹ sư vừa mới chuyển đến Thung lũng Silicon (Bay Area) để làm việc. Người mẹ này nói rằng cuối cùng cô cũng mua được một căn nhà ở một nơi đắt đỏ như vậy ở Bay Area. Cô chia sẻ: “Con gái tôi đang học tiểu học. Cháu đã học ở trường công lập được hai tháng nhưng chưa quen nên cảm thấy hơi choáng ngợp. Con gái tôi sẽ cùng tôi nhớ lại trường cũ và những người bạn tốt ở đó.” Người mẹ cho rằng điều này cũng ổn, nhớ nhung quá khứ cũng chẳng có gì sai. Con gái cô cũng đang rất nỗ lực tìm kiếm những người bạn mới ở ngôi trường mới …
Người mẹ kể tiếp: “Tuy nhiên đến giờ ra chơi, những đứa trẻ sẽ lập tức giải tán và đi chơi cùng các bạn, dường như chúng đều có nhóm bạn riêng. Trước đó, con gái tôi đã có thể chơi cùng với hai cô bạn gái. Tuy nhiên gần đây, hai cô bé này không chia sẻ với con gái tôi về bí mật nào của chúng, và cũng không nói cho con gái tôi biết chơi trò gì. Vốn dĩ hôm nay có một hoạt động ở trường, con gái tôi muốn đi cùng hai bé đó, nhưng lại nghe thấy một bé nói: ‘Tớ thực sự hy vọng bạn ấy không đi cùng chúng ta.’ Con gái tôi kể cho tôi nghe chuyện này. Tôi an ủi con rằng, nếu trong thời gian này hai bạn đó tạm thời không chơi với con, vậy thì chúng ta hãy tìm bạn khác chơi cùng, có lẽ một thời gian sau hai bạn đó sẽ lại muốn chơi với con.
Tính cách con gái tôi không phải kiểu sôi nổi hay hướng ngoại. Nhìn con cố gắng kết bạn nhưng vẫn chưa hòa nhập được với hoàn cảnh của ngôi trường mới. Là một người mẹ, khi nghe điều này thì tôi thực sự rất đau lòng!”
Tinh thần của người mẹ này cũng không mạnh mẽ lắm, không biết các bà mẹ có góp ý gì không?
(Cô Trần nói): Tôi nghĩ có một khía cạnh mà người mẹ này có thể giải quyết chưa tốt. Đó là nỗi nhớ của đứa trẻ. Cô ấy thừa nhận “nhớ nhung” cũng không sai, nhưng cô ấy đã sắp xếp tốt hay chưa? Bởi vì theo những nghiên cứu trước đây, chúng tôi biết rằng trẻ em về cơ bản có mười áp lực tâm lý lớn, một trong số đó chính là việc “chuyển nhà,” “chuyển trường.” Những chuyện này đều rất căng thẳng đối với trẻ. Khi chuyển nhà, các em chịu áp lực vì chúng không biết cách giải quyết, các em thật sự hoảng sợ. Người mẹ kể rằng đứa trẻ thật sự rất nghiêm túc trong việc giao lưu kết bạn, nhưng chúng ta chưa nghe cô ấy mô tả bất cứ hành vi cụ thể nào. Cũng có thể cháu bé có mong muốn giao lưu kết bạn nhưng không biết làm thế nào.
(Người dẫn chương trình): Sau khi nghe nhiều bài giảng của cô Trần, giờ tôi đã có một khái niệm: đó là khi gặp vấn đề, trước tiên bạn đừng quá lo lắng; hãy tự nhủ rằng thật tốt vì bạn đã gặp vấn đề này. Thật may mắn vì con gái mới học lớp hai đã phát hiện ra vấn đề. Vì vậy, bạn nên cảm ơn cơ hội này, cảm ơn con vì đã nói với chúng ta vấn đề này. Đồng thời chúng ta cần biết rằng, vấn đề này phát sinh, là do trước đây trong quá trình phát triển của con, một người làm mẹ như tôi đã bỏ một số điều, đã thiếu logic và thiếu liên kết [trong việc dạy con]. Chính như cô Trần vừa nói, cô ấy chưa chuẩn bị đầy đủ cho việc con mình bước vào ngôi trường mới.
(Cô Trần): Chính là ở khía cạnh này cô ấy làm chưa tốt. Hơn nữa như đã nói ở trên, con gái cô ấy là kiểu hướng nội, không thể nhanh chóng kết bạn với người lạ. Vì vậy, cần phải làm bài tập này trước khi chuyển nhà.
(Người dẫn chương trình): Trước đây cô Trần đã dạy rằng khi chuyển nhà thì sẽ chuyển cả người nữa! Vậy, “người” đã được ghi vào danh sách việc cần làm của bạn chưa?
(Cô Trần): Tôi nghĩ trong trường hợp này, đứa trẻ phải chịu hai loại áp lực. Một là việc phải xa bạn cũ, điều này không được giải quyết tốt cho lắm, nếu không thì cô bé vẫn có thể nhận được sự an ủi từ những người bạn cũ của mình. Sự gắn kết giữa trẻ và bạn bè cũ là điều cần cha mẹ chú ý làm. Đây là bước quan trọng và không thể xem nhẹ để giúp trẻ chuyển sang môi trường mới.
Khi tôi phỏng vấn sinh viên quốc tế, tôi sẽ giúp các em hiểu rằng khi rời đất nước và đến một nơi học tập mới, cần phải rõ ràng tại sao lại làm điều này, tại sao lại phải đi hàng ngàn dặm? Tại sao phải thay đổi môi trường? Các em muốn học cái gì? Sau khi học, làm thế nào mới có thể thành công (giúp được nhiều người hơn) trong tương lai? Sau khi mọi thứ đều đã được xác định, cuối cùng cần chuẩn bị tinh thần như thế nào để rời khỏi nơi mà mình từng sống rất lâu?
Vậy làm thế nào để bù đắp bài học này? Đầu tiên, trẻ sẽ nói cho bạn biết trẻ nhớ ai. Cha mẹ có thể tận dụng ngày cuối tuần để mời các bạn của con đến nhà chơi. Gặp nhau cũng chẳng cần có lý do gì to tát, chỉ đơn giản là vì đứa trẻ nhớ bạn bè của mình mà thôi! Việc quây quần bên nhau và dùng bữa sẽ khiến các bé bớt cô đơn hơn. Đây là việc rất quan trọng và chắc chắn sẽ thành công, vì đây là điều trẻ mong muốn, là điều quen thuộc với trẻ, và cũng không tốn nhiều công sức để thực hiện. Đối với các bậc cha mẹ ở Vùng Bay Area, phạm vi Vùng Bay Area không lớn, không có gì là quá xa.
Thứ hai, trong bữa ăn, chúng ta có thể tạo ra một số hoạt động như chơi rút thăm, chơi Bingo, v.v. Trò chơi rút thăm có thể kết hợp với những khó khăn mà trẻ hiện đang gặp phải, chẳng hạn như: Tôi nên làm gì khi nhớ bạn bè? Mọi người đều có thể trả lời, phụ huynh cũng có thể tham gia. Khi đó, trẻ sẽ cảm thấy câu trả lời có thể giúp ích cho mình. Thông qua sức mạnh của tập thể, hãy để trẻ cảm nhận được rằng hóa ra mình không cô đơn, hóa ra mình có người chăm sóc, hóa ra có người cho mình những phương pháp hữu ích.
Hơn nữa, rõ ràng là ở phương diện trường học cũng làm chưa đủ. Lúc tôi dạy học ở Mỹ quốc, khi những học sinh của chúng tôi có những thay đổi mới, dù là chuyển nhà hay chuyển trường, chuyển trường vào giữa năm học, hay thậm chí là có một cặp kính mới v.v. chúng tôi đều sẽ quan tâm đến những thay đổi mới đó của các em. Nếu chúng ta không quan tâm đầy đủ, một số trẻ chưa trưởng thành có thể sẽ chế giễu, pha trò. Trẻ em có thể cho rằng điều này chẳng là gì, nhưng chúng ta không thể bảo đảm liệu những đứa trẻ có trạng thái tâm lý tương đối yếu có thể chịu đựng được sự chế giễu như vậy hay không.
Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi thường sẽ lấy chính giáo viên làm gương, bản thân giáo viên cũng có những khuyết điểm. Ví dụ như giáo viên có thị lực kém, phải đeo kính để giúp bản thân nhìn rõ hơn. Hồi còn đi học, nhờ có kính mà tôi có thể hiểu rõ bài học. Đây chính là sự hỗ trợ mà ai cũng cần, ngay cả giáo viên cũng cần sự giúp đỡ từ người khác. Vậy nên, tôi rất biết ơn những người trước đây đã giúp tôi giải quyết vấn đề, những người đã cung cấp cho tôi công cụ này, bố mẹ tôi và các bạn cùng lớp của tôi đã biết làm sao để bảo vệ tôi, giúp tôi không bị ngã và bị thương. Sau đó, chúng ta cùng quay đầu lại nhìn, trong lớp mình có ai cần giúp đỡ như vậy không? Rất có thể sẽ có học sinh giơ tay nói: “Thưa cô! Hôm nay bạn đó đã đeo kính mới…”
(Còn tiếp)
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 58
Tùy Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ