Những phản ứng xung quanh việc EU tăng thuế xe điện Trung Quốc
Xe điện Trung Quốc được hưởng lợi từ ‘sự trợ cấp không công bằng,’ gây ra ‘mối đe dọa gây thiệt hại kinh tế cho các nhà sản xuất xe điện chạy pin của EU.’
Hôm thứ Tư (12/04) Liên minh Âu Châu đã công bố các mức thuế bổ sung lên tới 38.1% đối với xe điện (EV) nhập cảng từ Trung Quốc bắt đầu từ tháng tới, để đáp trả điều mà khối này gọi là trợ cấp không công bằng của ĐCSTQ. Trước đợt tăng thuế này, các quốc gia thành viên EU và giới chuyên gia đã đưa ra những phản ứng khác nhau.
Các mức thuế mới là khác nhau tùy theo thương hiệu. Brussels sẽ áp thuế 17.4% đối với nhà sản xuất xe BYD, 20% đối với Geely, và 38.1% đối với SAIC, một nhà sản xuất xe thuộc sở hữu nhà nước, khối này cho biết trong một thông cáo báo chí.
Trong một tuyên bố trực tuyến trên trang web của mình, Bộ Thương mại Trung Quốc cáo buộc phán quyết của EU là thiếu “cơ sở thực tế và pháp lý.” Phát ngôn viên của bộ này cho biết Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến và “thực hiện mọi biện pháp cần thiết” để “kiên quyết” bảo vệ các quyền và lợi ích của họ.
Phản ứng của các thành viên EU
Phản ứng đối với thuế quan là khác nhau giữa các quốc gia thành viên EU.
Bộ trưởng Giao thông và Kỹ thuật số Đức Volker Wissing cho biết thuế quan của Ủy ban Âu Châu đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và sản phẩm của các quốc gia. Ông Wissing cho biết trong một tuyên bố trên nền tảng truyền thông xã hội X: “Các loại xe phải trở nên rẻ hơn thông qua cạnh tranh nhiều hơn, thị trường mở, và điều kiện vị trí tốt hơn đáng kể ở EU, chứ không phải thông qua chiến tranh thương mại và cô lập thị trường.”
Bộ trưởng Công nghiệp Ý Adolfo Urso đón nhận kế hoạch thuế quan sơ bộ của Brussels, cho biết họ hoan nghênh thông báo này.
Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera tỏ ra thận trọng hơn, nói rằng họ phải ủng hộ đề nghị của Ủy ban nếu có bất kỳ hành vi vi phạm quy tắc thương mại quốc tế nào xảy ra.
Tuy nhiên, các nhóm ngành đã lên tiếng phản đối các biện pháp mới.
“Là một quốc gia xuất cảng, điều chúng ta không cần là gia tăng các rào cản thương mại,” ông Sten Ola Kallenius, Giám đốc điều hành của Mercedes-Benz, cho biết trong một tuyên bố. “Chúng ta nên nỗ lực dỡ bỏ các rào cản thương mại theo tinh thần của Tổ chức Thương mại Thế giới.”
Ông Sigrid de Vries, giám đốc Hiệp hội các Nhà sản xuất Xe hơi Âu Châu, một tập đoàn công nghiệp đại diện cho các nhà sản xuất xe hơi lớn ở EU, cho biết: “Điều mà ngành xe hơi Âu Châu cần trên hết để có thể cạnh tranh toàn cầu là một chiến lược công nghiệp mạnh mẽ cho phương tiện di chuyển bằng điện.”
Chiến tranh thương mại EU-Trung Quốc?
Theo báo cáo của nhóm vận động năng lượng sạch Giao thông và Môi trường (T&E) trong một phân tích công bố vào tháng Năm, gần ⅕ số xe điện bán ra ở châu Âu được sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2023. Hơn một nửa là xe điện do các công ty phương Tây như Tesla và BMW sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, báo cáo cho thấy sự tăng trưởng đáng chú ý của các thương hiệu Trung Quốc, chiếm 7.9% doanh số bán hàng tại châu Âu vào năm 2023, tăng từ 0.4% vào năm 2019.
Các nhà sản xuất xe hơi Âu Châu có thể mất 7 tỷ euro (7.51 tỷ USD) lợi nhuận ròng hàng năm vào năm 2030 nếu các đối thủ Trung Quốc tiếp tục tăng thị phần ở châu Âu, các cố vấn kinh tế tại Germna’s Allianz cho biết trong một báo cáo năm 2023.
Trong một báo cáo tháng Tư, các nhà nghiên cứu của Rhodium Group đã cảnh báo rằng, ngay cả khi tăng thuế 15 đến 30%, các nhà sản xuất xe Trung Quốc vẫn có thể duy trì những “mức lợi nhuận biên thoải mái” khi xuất cảng xe sang thị trường châu Âu, nhờ “lợi thế chi phí đáng kể mà họ được hưởng.” Để chống lại điều này, Rhodium, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại New York, cho rằng việc áp thuế từ 40 đến 50% là cần thiết.
Tuy nhiên, ông Tôn Quốc Tường (Sun Kuo-hsiang), chuyên gia về kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Nam Hoa của Đài Loan, nói với The Epoch Times hôm thứ Ba (11/06) rằng, bất kỳ mức tăng thuế nào của EU, bất kể quy mô, sẽ “chắc chắn làm nghiêm trọng thêm những thách thức mà nền kinh tế đang gặp khó khăn của Trung Quốc hiện đang phải đối mặt.”
Ông Tôn cho biết, đó là bởi vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đặc biệt là lĩnh vực xuất cảng, phụ thuộc vào xe điện, tấm quang điện, và các công nghệ xanh khác để thúc đẩy tăng trưởng.
Theo bà Vương Tú Văn (Wang Shiow-wen), một nhà nghiên cứu về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và an ninh chuỗi cung ứng tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia (INDSR) ở Đài Bắc, hy vọng duy nhất cho các nhà sản xuất xe Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trong nước là tăng thị phần trên thị trường xe điện ở ngoại quốc, vì thế việc tăng thuế của EU có thể khiến một số hãng bị phá sản.
Chia sẻ với The Epoch Times hôm thứ Ba, bà Vương cảnh báo rằng hành động này có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa EU và Trung Quốc, “Bắc Kinh sẽ không ngồi nhìn. Rất có khả năng Bắc Kinh sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa gắt gao.” Chính quyền Trung Quốc đã công bố các cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh nhập cảng từ EU, rõ ràng là nhằm đáp trả việc Brussels điều tra xe điện sản xuất tại Trung Quốc.
Bà Vương cho biết, sự trả đũa kinh tế của Bắc Kinh có thể sẽ “chỉ tồn tại trong thời gian ngắn,” đồng thời cho biết thêm rằng nhu cầu tiếp cận các công nghệ Âu Châu cùng các công nghệ khác của nhà cầm quyền này sẽ thúc đẩy Trung Quốc tiếp tục nhập cảng từ châu Âu và hàn gắn quan hệ song phương.
“Tuy nhiên, EU sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược ‘giảm thiểu rủi ro.’ Đây là vấn đề liên quan đến an ninh kinh tế.”
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times