EU sẽ đặt ra các mức thuế chống bán phá giá đối với dầu diesel sinh học Trung Quốc sau khi điều tra
Liên minh Âu Châu (EU) sẵn sàng áp dụng thuế quan tạm thời đối với nhiên liệu sinh học từ Trung Quốc sau khi phát hiện mặt hàng này đang được bán phá giá vào các thị trường của châu Âu với mức giá không công bằng.
Trong một tài liệu tiết lộ trước hôm 19/07, Ủy ban Âu Châu, cơ quan điều hành của EU, thông báo rằng họ sẽ áp dụng các mức thuế chống bán phá giá tạm thời đối với dầu diesel sinh học của Trung Quốc ở mức từ 12.8% đến 36.4%.
Theo tài liệu này, hai công ty Trung Quốc đang hoạt động thuộc Tập đoàn EcoCeres sẽ bị áp thuế chống bán phá giá 12.8% đối với dầu diesel sinh học nhập cảng vào EU, trong khi ba công ty thuộc Tập đoàn Jiaao dự kiến sẽ bị áp mức thuế 36.4%.
The Epoch Times đã liên lạc với EcoCeres và Jiaao để cầu bình luận về các mức thuế mà họ sắp sửa phải chịu, nhưng cả hai tập đoàn này đều không phúc đáp trước thời điểm phát hành bản tin này.
Những mức thuế này, dự kiến được áp dụng vào giữa tháng Tám, xuất phát từ một đơn khiếu nại chống bán phá giá do Ủy ban Dầu diesel sinh học Âu Châu (EBB) gửi lên Ủy ban Âu Châu hồi tháng 11/2023.
Trong đơn khiếu nại, EBB, một hiệp hội gồm các công ty sản xuất dầu diesel sinh học của EU, cáo buộc rằng nguyên nhân một “lượng lớn” dầu diesel sinh học đã có thể nhập cảng từ Trung Quốc vào EU là do “các hoạt động thương mại không công bằng trầm trọng từ các nhà xuất cảng Trung Quốc.”
Hiệp hội này lưu ý rằng lượng dầu diesel sinh học của Trung Quốc nhập cảng vào EU đã tăng gần gấp ba lần từ khoảng 628,000 tấn Mỹ (khoảng 570,000 tấn) trong năm 2019 lên 1.65 triệu tấn Mỹ (khoảng 966,000 tấn) trong năm 2023, khiến nước này trở thành nguồn dầu diesel sinh học hàng đầu nhập cảng vào EU.
EBB viết trong đơn khiếu nại: “Lượng nhập cảng diesel sinh học bán phá giá từ Trung Quốc đã nhanh chóng giành được thị phần đáng kể trong những năm qua và gây thiệt hại hữu hình cho ngành công nghiệp diesel sinh học của Liên minh.”
Ngoài việc cáo buộc tỷ lệ bán phá giá tổng thể là 111%, EBB còn cáo buộc các nhà xuất cảng dầu diesel sinh học của Trung Quốc có hành vi gian lận trong việc dán nhãn sai dầu diesel sinh học Trung Quốc để được hưởng lợi từ một số ưu đãi.
Ủy ban Âu Châu đã mở một cuộc điều tra về việc liệu dầu diesel sinh học nhập cảng có nguồn gốc từ Trung Quốc có đang được bán phá giá vào EU và do đó gây thiệt hại cho ngành công nghiệp của khối này hay không, dẫn đến việc áp dụng những mức thuế chống bán phá giá tạm thời đối với các công ty Trung Quốc.
EBB ca ngợi quyết định này và tuyên bố sẽ yêu cầu ghi danh tự động hàng nhập cảng trong giai đoạn trước khi có kết luận điều tra để giúp ngành dầu diesel sinh học của EU được cứu trợ ngay lập tức trước khi các mức thuế này có hiệu lực.
Hiệp hội này bày tỏ sự thất vọng khi quyết định áp thuế chống bán phá giá của Ủy ban Âu Châu đã loại trừ nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) bị Trung Quốc bán phá giá. Hiệp hội cũng lưu ý rằng họ dự định sẽ nêu vấn đề này với ủy ban để ngăn chặn ngành công nghiệp SAF của châu Âu bị thiệt hại “nghiêm trọng” và để khối này không bị phụ thuộc vào Trung Quốc.
Quyết định của Ủy ban Âu Châu không đề cập đến bất kỳ phát hiện nào liên quan đến các cáo buộc của EBB về gian lận.
Tập đoàn công nghiệp Thương mại và Môi trường (T&E) có trụ sở tại Brussels nhận định quyết định của Ủy ban Âu Châu là một “bước đi đúng hướng” nhưng cảnh báo rằng chỉ thuế quan thì sẽ không ngăn được gian lận dầu cọ.
EU hiện nhập cảng hơn 80% nhiên liệu sinh học dầu ăn đã qua sử dụng, và T&E tuyên bố rằng các mức thuế chống bán phá giá sẽ giúp hạn chế nhập cảng những nhiên liệu sinh học UCO “không đáng tin cậy” từ Trung Quốc.
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times