Những nghệ sĩ theo chủ nghĩa hiện thực có phải là những kẻ nổi loạn thực sự?
Ash Davies là một họa sĩ trẻ người Anh, người không ngần ngại vẽ những gì mình quan sát, cho dù đó là con người, động vật hoang dã hay cảnh vật thiên nhiên, với một phong cách mỹ học dễ nhận biết và có tính chính xác cao. Trong thế giới nghệ thuật ngày nay, những khái niệm này lại trở thành mối nguy hiểm.
“Màu sắc và kỹ pháp chiaroscuro (phủ sáng và tối) là hai yếu tố mà tôi muốn làm nổi bật trong tác phẩm của mình.Tôi muốn làm cho màu sắc rực rỡ hơn vì nó mang lại sức sống và năng lượng cho khung cảnh mà tôi đang vẽ,” anh Davies giải thích trong một video trên trang web của mình.
Đám cưới Ấn Độ
Niềm đam mê theo đuổi chủ nghĩa hiện thực của anh đã khai nở từ một cuộc gặp gỡ lúc anh mới 15 tuổi. Anh đã nhận được lời mời tham dự triển lãm hồi tưởng của nghệ sĩ chuyên vẽ thiên nhiên hoang dã hàng đầu người Anh, David Shepherd và có cơ hội trò chuyện trực tiếp với ông.
“Khi tôi gặp ông và ngắm nhìn những tác phẩm của ông, tôi chợt nhận ra rằng đây là điều mà mình muốn theo đuổi và tôi sẽ không cảm thấy thỏa mãn khi làm bất cứ điều gì khác ngoài nó,” họa sĩ Davies nhớ lại.
Họa sĩ David Shepherd
Giống như thần tượng Shepherd của mình, Davies đã theo đuổi một phong cách không bị ảnh hưởng hoặc cản trở bởi các xu hướng nghệ thuật hoặc phương pháp giảng dạy hiện đại.
Shepherd qua đời vào năm 2017, trong khi các tác phẩm của ông vẫn vô cùng phổ biến với người dân Anh và hơn thế nữa. Cách tiếp cận chủ nghĩa hiện thực của ông đã thu hút sự chế nhạo từ giới nghệ thuật trong suốt cuộc đời mình. Những bức tranh của ông đã được một nhà phê bình nghệ thuật miêu tả là “sến và lỗi thời.” Sau đó, Shepherd đã tâm sự với một người bạn rằng, “Họ đã không triển lãm tranh của tôi trong phòng trưng bày của họ khi tôi đang sống, vì vậy họ sẽ không có được chúng khi tôi qua đời.”
Ai là chủ?
Những họa phẩm của ông thường bị các tổ chức nghệ thuật ủng hộ chủ nghĩa nghệ thuật trừu tượng coi là giống nhiếp ảnh, những người đã không thừa nhận khả năng khắc họa tâm trạng và những biến đổi của khí hậu như sương mù nhiệt, cũng như vẽ chân dung. Davies nhận ra sự thách thức giữa tính chính xác và giữ cảm xúc của người nghệ sĩ.
“Khi tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, mục tiêu của tôi không phải là sao chép hoàn chỉnh như một bức ảnh, mà là mang lại trải nghiệm sống động cho người xem và gợi lên cảm quan về bầu không khí nơi đó.”
“Tôi cũng mong muốn các tác phẩm của mình khích lệ tinh thần cho người thưởng lãm và màu sắc tươi sáng có thể giúp làm được điều đó. Tôi yêu thích họa sĩ thời kỳ Phục hưng Caravaggio và tôi tâm đắc tạo nên sự tương phản màu sắc mạnh mẽ trong các bức tranh của mình để tạo chiều sâu và không gian cho chủ thể. Tôi cũng thích chủ nghĩa hiện thực anh hùng ca của danh họa Caspar David Friedrich.”
Là một sinh viên nghệ thuật năm thứ nhất, anh phải đối mặt với một quyết định khó khăn: hoặc chấp nhận thiên về chủ nghĩa trừu tượng ở trường đại học của mình và trả học phí đắt đỏ hoặc là bỏ học. Khi các lớp học của anh được yêu cầu bịt mắt để vẽ tranh, cũng chính là lúc tâm trí anh đã đưa ra quyết định của mình. Thay vào đó, anh lựa chọn quay trở lại quê hương Cotswolds ở trung tâm nước Anh và trau dồi kỹ năng nghề nghiệp theo con đường của riêng mình.
Mở ra một chương mới và còn nhiều băn khoăn, anh đã đảm nhiệm vẽ tranh phong cảnh cho một bộ phim tài liệu. Điều đó đã tạo cơ hội nhận được lời mời của quý bà người Mỹ Ashcombe, chủ nhân của Lâu đài của Sudeley nguy nga xinh đẹp, cũng như một chuyến thăm của Bộ trưởng Văn hóa Vương quốc Anh, Lord Ashton đến xưởng vẽ của anh vào thời điểm đó.
Davies lo lắng rằng trong khi các học viện nghệ thuật tiếp tục đối xử phân biệt, ưu tiên trường phái trừu tượng, thì sinh viên đang bị tước đi cơ hội phát triển khả năng hội họa quan trọng. Davies đã thành lập Học viện nghệ thuật theo chủ nghĩa hiện thực để mọi người có thể học các khóa vẽ, sáng tác và hội họa của anh.
Những kỹ năng mà anh thể hiện trong khi phác thảo hoặc vẽ ở xưởng của mình nhằm mục đích truyền cảm hứng cho học sinh suy nghĩ như những họa sĩ thực thụ, thay vì hướng dẫn họ các thủ thuật để dễ dàng để gây ấn tượng với bạn bè.
Thật khác lạ khi tìm thấy một họa sĩ có thể xuất sắc trong rất nhiều thể loại, nhưng Davies chưa có kế hoạch chuyên sâu hay định hình bản thân mình.
“Tôi vẫn đang trau dồi lĩnh vực này, vẫn đam mê với những gì tôi thực hiện và vẫn hào hứng khám phá những gì tiếp theo sẽ xảy đến.”
Nổi bật trong kế hoạch đó là chuyến du lịch đến Vườn quốc gia Serengeti để nghiên cứu trực tiếp những sinh vật mà anh yêu thích trong thế giới tự nhiên như những hình mẫu mà anh đã từng vẽ.
Họa sĩ David Shepherd, người đã được trao huân chương của Đế chế Anh, không chỉ là một danh họa tài năng. Ông cũng là một nhà phát ngôn và nhà bảo tồn thiên nhiên hoang dã, ông đã để lại một di sản màu sắc lớn cho những bậc hậu bối kế thừa. Davies hồi tưởng lại người cố vấn của mình. “Ông đã khuyến khích tôi, và tôi biết ông cũng đã làm điều đó cho hàng nghìn người khác.Tôi vĩnh viễn biết ơn ơn vì điều đó.”
Davies cũng đang cố gắng truyền cảm hứng người khác theo cách riêng của mình.
“Thế giới gần đây đang vượt qua những thời kỳ đen tối, và tôi muốn nhắc nhở mọi người về những vẻ đẹp vẫn hiện hữu xung quanh tất cả chúng ta.”
Họa sĩ Ash Davies là con trai của tác giả bài viết, Andrew Davies.
Thảo Mộc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times