Quý vị hiện là hay đã từng là một thành viên của Nhà Nước Ngầm?
Cụm từ nguyên bản trên dĩ nhiên có một chút khác biệt, và trở nên nổi tiếng trong phiên điều trần năm 1954 của Thượng nghị sĩ Joe McCarthy về hoạt động lật đổ chủ nghĩa cộng sản ở Hoa Kỳ. Song, cụm từ này có thể sớm tìm thấy cách sử dụng mới khi Hiến Pháp Hoa Kỳ và nền dân chủ một lần nữa bị tấn công từ trong nội bộ.
Chỉ bốn ngày trước khi xảy ra cuộc đột kích vào Mar-a-Lago hôm 08/08, tôi đã đưa ra dự đoán này: “Với tỷ lệ tín nhiệm dành cho ông Biden đã giảm xuống dưới 30% trong một số cuộc thăm dò, nếu Đảng Dân Chủ nắm giữ cả hai viện của Quốc hội, thì họ sẽ mất rất nhiều thời gian để thuyết phục người dân Mỹ về tính hợp pháp của kết quả bầu cử. Trong cơn quẫn bách, ‘phiên tòa công khai’ về sự kiện ngày 06/01 có thể trở nên quyết liệt và tìm cách cho bắt ông Donald J. Trump trước khi đó.”
Và vài tuần trước đó, tôi đã viết: “Liệu họ sẽ đưa ra các cáo buộc để bắt giữ cựu tổng thống trước các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ không? Mỹ quốc của ông Biden đã có các tù nhân chính trị và các phiên tòa công khai, vậy tại sao không nhốt cả các đối thủ luôn?”
Một số người đã mô tả cuộc đột kích vào tư dinh của ông Trump là một khoảnh khắc mang tính bước ngoặt khi cuối cùng FBI đã vượt qua ranh giới. Hay họ chỉ đang thực thi nhiệm vụ của họ sau khi Thẩm phán Bruce Reinhart phê chuẩn lệnh khám xét như một phần của cuộc điều tra đang diễn ra của chính phủ?
Nhưng đây không phải là một sự cố cá biệt, và rõ ràng là FBI có tai tiếng. Đây là hành động mới nhất trong nhiều hành động mang tính đảng phái mà cơ quan này đã thực hiện kể từ khi ông Donald J. Trump xuất hiện.
Vào năm 2018, ông Sebastian Gorka nói với The Washington Times rằng, khi đang làm phó phụ tá cho tổng thống, một đặc vụ FBI đã thông báo với ông rằng, “Tầng 7 của FBI xem Tòa Bạch Ốc của ông Trump như kẻ thù.”
Họ không đơn độc; những quan điểm như vậy đã và vẫn đang được phổ biến rộng rãi trong chính phủ, giới truyền thông, và thậm chí trong một số bộ phận thuộc nội bộ cơ quan tư pháp và quân đội. Cơ quan này cảm thấy họ được khuyến khích để phá hoại nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, đôi khi vi phạm chính luật lệ mà họ phải tuân thủ, bởi vì họ biết có ai đó đang yểm trợ họ.
Những câu hỏi nghiêm túc phải được đặt ra về tính hợp pháp của việc chính phủ đang điều tra đối thủ chính trị chính của họ chưa đầy ba tháng trước khi diễn ra các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mà dường như họ có vẻ sẵn sàng cư xử trái khoáy. Chẳng phải đó chính xác là những gì mà phương Tây buộc tội Tổng thống Vladimir Putin đang làm nhắm vào đối thủ chính trị Alexey Navalny của ông ấy không?
Các so sánh cũng có thể được đưa ra trước sự náo động từ phía Đảng Dân Chủ khi Tổng thống Trump đương thời bắt đầu đặt câu hỏi về giao dịch của đối thủ Joe Biden của ông ở Ukraine, mà rốt cuộc đã dẫn đến vụ đàn hặc ông đầu tiên.
Gần đây, sự thù hận vẫn còn sâu đậm đối với ông Trump và những người ủng hộ ông đã được tiết lộ trên Twitter khi tướng về hưu Michael Hayden ủng hộ những bình luận thái quá này của ký giả người Anh Edward G. Luce:
“Tôi đã đưa tin về chủ nghĩa cực đoan và ý thức hệ bạo lực trên khắp thế giới trong sự nghiệp của mình. [Tôi] chưa bao giờ bắt gặp một lực lượng chính trị nào mà vô chính phủ, nguy hiểm và đáng khinh bỉ hơn Đảng Cộng Hòa ngày nay. Không có lực lượng nào giống như vậy.”
Ông Hayden đã lựa chọn không bảo vệ chí ít 36 triệu người dân Mỹ của mình, mà lại ủng hộ vụ xâm nhập của Anh bằng cách viết: “Tôi đồng ý. Và tôi từng là Giám đốc CIA.”
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark A. Milley, cũng bày tỏ sự xem thường tương tự đối với những người ủng hộ ông Trump. Giám đốc CIA của ông Barack Obama John Brennan từng mô tả hành vi của ông Trump “không khác gì là mưu phản” và cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper tuyên bố rằng việc ông Trump ‘bắt tay’ Nga “khiến tôi lo sợ cho quốc gia của chúng ta.”
Ngay cả trước khi trở thành tổng thống, ông Trump đã gọi FBI là “ô nhục” sau khi giám đốc đương thời James Comey quyết định xóa mọi hành vi sai trái của bà Hillary Clinton, sau khi các thư điện tử của chính phủ được tìm thấy trên máy chủ riêng của bà.
Ban lãnh đạo của cơ quan tình báo này rõ ràng đã có một rắc rối với ông Trump trước và sau khi ông trở thành tổng thống thứ 45, nhưng có phải hiện nay họ đang hợp tác để ngăn ông trở thành tổng thống thứ 47?
Bất chấp những nỗ lực tiếp diễn nhằm thêu dệt những người ủng hộ ông Trump là những kẻ nổi dậy nguy hiểm sau vụ xâm nhập [Điện Capitol] ngày 06/01 – mà FBI bị cáo buộc là đã nhúng tay vào kích động – đã không có sự kiện nào tương tự xảy ra kể từ đó.
Theo truyền thống, những người theo phái bảo tồn truyền thống vốn dĩ không bạo loạn. Thật vậy, những người ủng hộ ông Trump đã thể hiện sự chế ước đáng kể khi ứng viên tổng thống của họ thua do quy trình bỏ phiếu kiểu thế giới thứ ba. Nhưng nếu ứng viên Đảng Dân Chủ thua, những người ủng hộ họ có nổi loạn và nhiều thành phố sẽ nổi lửa hay không? Có thể lắm.
Đối với nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa, việc quay trở lại phòng bỏ phiếu cho các kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ cảm thấy giống như phải hồi tưởng lại vết thương hồi tháng 11/2020 — giống như trở lại trong một chiếc xe hơi sau khi trải qua một vụ tai nạn xe hơi. Nhưng tôi chắc chắn rằng điều đó thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn đối với giới lãnh đạo của Đảng Dân Chủ, mặc dù vì những lý do khác nhau.
Họ không chỉ đối mặt với viễn cảnh thất bại, mà còn đối mặt với khả năng bị phơi bày.
Ở một đất nước mà pháp quyền được tôn trọng vốn dĩ có thể đồng nghĩa với việc phải ngồi tù đối với một số người, nhưng đây là ‘Nhà Nước Ngầm Hoa Kỳ’ (Deep State America), hoặc họ hy vọng đất nước vẫn như vậy.
Nếu họ mất quyền kiểm soát Quốc hội, họ sẽ mất quyền kiểm soát các ủy ban giám sát điều tra quyền lực, vì vậy mọi thứ từ máy điện toán xách tay của ông Hunter và cáo buộc Trung Quốc trả tiền cho ‘Ông Lớn,’ sự sụp đổ của Afghanistan, ông Fauci và sự can dự của nhà Clinton trong trò lừa bịp về vụ thông đồng với Nga, cuối cùng sẽ nhận được sự chú ý nghiêm túc nào đó.
Một cuộc điều tra mà tôi muốn chứng kiến là bà Kamala Harris và nhóm của bà ấy có trách nhiệm như thế nào đối với cuộc chiến ở Ukraine. Họ có đưa ra cho Tổng thống Volodymyr Zelenskyy những bảo đảm sai lầm về sự ủng hộ của Hoa Kỳ khi khuyến khích ông nói với ông Putin và thế giới tại Hội nghị An ninh Munich, hôm 19/02/2022, rằng quốc gia của ông sẽ gia nhập NATO?
Tháng Mười Một này là tháng đối đầu cuối cùng khi lực lượng bất khả kháng của cuộc phục hưng Trump — một lực lượng vừa gạt thành phần RINO, tức những thành viên Đảng Cộng Hòa chỉ trên danh nghĩa, Liz Cheney sang một bên và đưa bà Sarah Palin tiến đến cuộc bầu cử vào tháng Mười Một ở Alaska — xuất hiện chống lại đối tượng bất di bất dịch là Nhà Nước Ngầm.
Một quan điểm của nghịch lý cổ điển (nghịch lý lực bất khả kháng), đó là một lực lượng vốn dĩ không thể bị ngăn chặn lại không thể không bị ngăn chặn khi ở trong cùng một không gian nơi có một vật thể bất động tồn tại, vì hoàn cảnh đó có lẽ sẽ ngăn chặn được nó.
Vì vậy, điều này có nghĩa là hiện tượng Trump và Nhà Nước Ngầm không thể cùng đồng tại? Hoặc có thể Nhà Nước Ngầm không phải là vật thể bất động đã xuất hiện cách đây hai năm rồi?
Rõ ràng là mọi người đã bị lừa dối quá đủ rồi và họ đang chứng kiến các thể chế, vốn được tạo ra để bảo vệ tất cả người dân Mỹ, hiện đang đứng về các phe phái chính trị.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Andrew Davies là nhà văn và nhà sản xuất video sống tại Anh Quốc. Video từng đạt giải thưởng của ông về lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên đã giúp tổ chức từ thiện Barnardos cho trẻ em thay đổi luật pháp của Anh Quốc, trong khi phim tài liệu “Batons, Bows and Bruises: A History of the Royal Philharmonic Orchestra” (“Batons, Bows and Bruises: Lịch Sử của Dàn Nhạc Giao Hưởng Hoàng Gia”) của ông đã phát trên Sky Arts Channel trong sáu năm.