Năm mới bên những bức tranh phong cảnh phản chiếu của họa sĩ người Nauy Hans Gude
Khám phá nghệ thuật dành cho người trẻ và những người có tâm hồn trẻ trung
Dù bạn đã đón Năm Mới bao nhiêu lần, chúng ta vẫn luôn có nhiều điều để học hỏi bằng cách kiên trì làm việc chăm chỉ và suy xét cẩn trọng.
Hans Fredrik Gude là họa sĩ người Nauy nổi tiếng với tài năng vẽ tranh phong cảnh phản chiếu trên mặt nước. Phong cách sáng tác của ông khá trầm ổn. Nói đúng hơn, phong cách tranh của ông như một đứa trẻ trưởng thành dần dần thành một người tốt, cho đến khi có những đóng góp tích cực cho nhân loại.
Sinh ra tại Christiania (nay là Oslo, Na Uy) vào ngày 13/02/1825 và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ quê hương của mình, Gude đã trở thành một bậc thầy về tranh phong cảnh biển. Ông đã sử dụng tài năng thiên bẩm để khám phá về nước, thiên nhiên và ánh sáng, nhằm tôn vinh vẻ đẹp của cuộc sống.
Thời sinh viên, sau khi học với họa sĩ Johannes Flintoe, Gude được khuyến khích theo học tại Học Viện Nghệ Thuật ở Düsseldorf, Đức. Tuy nhiên, ông đã bị từ chối khi nộp đơn vào trường vào năm 1841. Không chỉ vậy, ông còn bị họa sĩ kiêm giáo sư Johann Wilhelm Schirmer khuyên bỏ cuộc.
Gude phải theo các lớp học tư nhân. Sau cùng, năm 1842, ông cũng được nhận vào học viện và tham gia lớp học vẽ phong cảnh tương đối mới của danh họa Schirmer. Lúc đầu, Gude được coi là một học sinh trung bình khá. Qua thời gian, ông dần được mô tả là người “rất tài năng,” mặc dù ông thường phải cố gắng hết sức để được gặp trực tiếp thầy Schirmer.
Từng chút một, Gude trở thành một họa sĩ phong cảnh thành công mặc dù ông không thể vẽ tranh chân dung tả thực. Có lẽ vì người xem có xu hướng xem xét kỹ lưỡng hình dạng của họ, và có lẽ bởi vì hình dạng con người quá phức tạp nên vẽ tranh chân dung con người khó làm chủ hơn tranh phong cảnh hoặc bất kỳ chủ đề nào khác.
Khi bắt đầu sự nghiệp, Gude đã phải vật lộn để có thể vẽ người đến mức ông phải hợp tác với một họa sĩ khác, Adolph Tidemand, để vẽ người trong các tác phẩm của mình. Ông đã đưa ra một giải pháp để hoàn thành tác phẩm của mình, và ông không ngừng luyện tập. Gude đã nghiên cứu và làm việc chăm chỉ cho đến khi ông có thể thành thạo cả tranh phong cảnh và tranh vẽ người.
Năm 1854, ở tuổi 29, Gude được thuê làm giáo sư về tranh phong cảnh tại học viện ở Düsseldorf. Một số nghệ sĩ nổi tiếng hơn đã từ chối vị trí này vì mức lương thấp, nhưng Gude luôn biết ơn vì ông có được thu nhập ổn định và trở thành giáo sư trẻ nhất ở đó. Ông cũng thay thế vị trí của người thầy cũ của mình, giáo sư Schirmer.
Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, Gude có xu hướng vẽ nhanh các bản phác thảo về phong cảnh, rồi tô màu và hoàn thiện gần như tại xưởng vẽ. Điều này khác với xu hướng thịnh hành ở Anh là vẽ tranh ngoài trời. Vì vậy, khi Gude trưng bày tác phẩm của mình trước các chuyên gia nghệ thuật của London vào năm 1863 và 1864, chúng đã nhận được những đánh giá không tốt.
Ông không hề phiền muộn về điều này. Một lần nữa, ông chọn cách học hỏi từ thất bại của mình. Ông nói rằng, “Thời gian lưu lại Anh quốc rất hữu ích, vì tôi đã giải phóng bản thân mình khỏi những mô thức phổ biến của các xưởng vẽ, bằng cách ở một mình trong một khung cảnh mới mẻ khiến tôi phải quan sát nhạy bén hơn.”
Sau đó, khi nhận thêm các học vị giáo sư, ông đã được ghi nhận với việc khuyến khích các họa sĩ mới vẽ trực tiếp từ đời thực nhiều hơn. Những bức tranh vẽ ngoài trời trông sống động và chân thực hơn. Gude đã học cách tôn vinh những huy hoàng của tạo hóa. Có vẻ như tầm nhìn của ông đã trở nên rõ ràng hơn khi ông học cách nhìn thế giới với bằng thái độ ngạc nhiên đầy khiêm tốn.
Vượt qua những từ chối, bất lực và thậm chí bị coi là tầm thường, Gude đã trở thành giáo sư tại ba trường đại học khác nhau của Đức trong suốt 45 năm. Gude đã sáng tác nhiều tuyệt tác trong khi vẫn làm việc tám giờ mỗi ngày với tư cách là một giáo sư.
Vì Gude có liên kết chặt chẽ với giới học thuật Đức nên các nhà phê bình và đối thủ đôi khi cho rằng ông không thực sự là một nghệ sĩ Na Uy. Đây là một nhận định đầy xúc phạm với ông.
Trên thực tế, ông rất say mê với di sản của mình và trở thành người cố vấn nổi trội cho nhiều sinh viên Na Uy. Ảnh hưởng của thời gian sinh sống tại Na Uy trong Gude vẫn rất rõ ràng – đặc biệt là trong những bức tranh vẽ biển. Ông cũng bị chỉ trích vì là một họa sĩ hàn lâm vào thời điểm mà trào lưu quay lưng lại với truyền thống đang ở cao trào.
Gude không hối tiếc vì là một người theo chủ nghĩa truyền thống. Ông thường có những thay đổi một cách chậm rãi và những suy xét thấu đáo. Khi người họa sĩ ngoan cường nhận ra con đường tốt đẹp là tiến về trước, những bức tranh của anh ta sẽ trở nên phi thường hơn những tác phẩm vốn chỉ đơn thuần chạy theo xu hướng.
Gude vẫn trung thành với những quan sát về cuộc sống, không lý tưởng hóa hay bóp méo. Ông đối mặt với những khó khăn trong công việc và cuộc sống bằng ý chí kiên cường. Ông chấp nhận sự phát triển chậm rãi nhưng tích cực, từng chút từng chút. Bằng cách này, ông đã để lại một kỷ lục về đức khiêm tốn thường hằng, tôn vinh chân lý và thành tựu đích thực.
Gude đã trở thành người nhận được các huy chương và danh hiệu bao gồm cả Huân Chương Thánh Olav của Hoàng gia Nauy. Ngày nay, ông được nhớ đến như một trong những họa sĩ phong cảnh vĩ đại nhất của Na Uy.
Ngắm nhìn những khung cảnh hùng vĩ trong tranh vẽ của ông nhắc nhở tất cả người xem rằng giữa bình minh và hoàng hôn, giữ núi non và biển cả, giữ thanh xuân và xế chiều, chu kỳ của cuộc sống không chỉ đơn giản là những vòng quay.
Trên thực tế, chúng ta đang trên một hành trình tuyến tính. Có mở đầu và kết thúc. Không một ai có thể nhìn thấy tất cả từ đầu đến cuối, nhưng những gì chúng ta có thể làm là suy ngẫm về cuộc sống và trưởng thành qua mỗi từng nỗ lực. Trong sự cần mẫn và khiêm tốn, vẻ đẹp sâu lắng đó có thể được tìm ra.
Cuộc sống là những chu kỳ mới mẻ. Là quá trình dần trưởng thành và thay đổi, những chuyển động của cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Cuộc sống cũng có chủ định.
Người ta dễ cho rằng chu kỳ hàng ngày của cuộc sống là điều hiển nhiên. Mỗi ngày đều như vậy. Chúng ta ăn, uống, ngủ nghỉ và thức dậy. Tuy nhiên, những điều thông thường lại có ý nghĩa, Đó là quãng thời gian cần thiết cho con người nghỉ ngơi, suy ngẫm và làm mới mình.
Ví dụ như giờ ăn tối. Cùng chia sẻ bữa ăn với lòng biết ơn trong những giờ phút vui vẻ có thể khiến cả thân tâm chúng ta trẻ lại.
Bên bàn ăn nhà tôi có một cửa sổ lớn nhìn ra nhánh sông mát mẻ. Thật cảm động biết bao khi có thể chứng kiến chu kỳ ngày, đêm và các mùa thay đổi qua ô cửa sổ. Nhà tôi còn có một số tranh treo tường: nào là tranh chân dung, tranh tĩnh vật và tranh phong cảnh, những bức tranh khiến tôi phải động não tư duy khi ngắm nhìn.
Chúng tôi thay đổi luân phiên các bức tranh bởi vì các tác phẩm nghệ thuật giúp chúng ta suy ngẫm và trân trọng cuộc sống.
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: