Tranh vẽ ánh sáng siêu việt của họa sĩ Hoa Kỳ McGurl
“Đứng trên bãi đất vắng lặng – tâm trí của tôi đắm mình trong bầu không khí trong xanh, và bay bổng trong một không gian vô tận, tất cả sự vị tư vị kỉ đều tan biến. Tôi phút chốc biến thành một nhãn cầu trong suốt. Tôi không là gì cả nhưng tôi ngắm nhìn được vạn vật,” Ralph Waldo Emerson, nhà văn tiểu luận người Mỹ và cũng là một triết gia duy tâm đã viết trong bài luận năm 1836 mang tên “ Tự nhiên ”.
Họa sĩ hàng đầu người Mỹ theo chủ nghĩa ánh sáng, Joseph McGurl luôn tìm kiếm một trải nghiệm như vậy mỗi khi ông vẽ một bức tranh ngoại cảnh. Những bức tranh ngoài trời của McGurl chính là nền tảng của những tác phẩm phong cảnh từng vinh dự đạt giải thưởng của ông.
Vinh danh chủ nghĩa ánh sáng
Phong cách hội họa ánh sáng, giống như cái tên gợi lên, chính là tất cả chủ đề liên quan tới ánh sáng và ý nghĩa tinh thần của nó. Các họa sĩ người Mỹ, được truyền cảm hứng từ các họa sĩ trường học Hudson River, bắt đầu vẽ tranh theo phong cách chủ nghĩa ánh sáng vào cuối thế kỷ 19, mặc dù thuật ngữ “chủ nghĩa ánh sáng” mới được đặt ra cho đến năm 1954.
Đặc trưng của tranh vẽ theo chủ nghĩa ánh sáng là một bức tranh phong cảnh hoặc biển cả được họa lên bằng gam màu sắc trong trẻo, mát mẻ, với bầu trời bao la rộng lớn và những vật thể được vẽ chi tiết đầy tinh tế được ánh sáng chiếu rọi vào một cách khéo léo. Họa sĩ theo chủ nghĩa ánh sáng đã pha trộn các nét vẽ của mình đến mức không để lại một dấu vết nào, tạo nên một bức hoàn thiện tinh xảo, thu hút hoàn toàn sự chú ý của người xem vào sự kỳ thú của thiên nhiên.
Tình yêu của McGurl dành cho tranh phong cảnh
Mc Gurl chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những bức tranh phong cảnh ở thế kỷ 19 mà ông đã từng xem thời trung học. Lúc đó, ông đã tham gia các lớp học nghệ thuật tại bảo tàng mỹ thuật ở Boston, nhưng ông không hề biết rằng mình đang ngắm nhìn các bức tranh của chủ nghĩa ánh sáng. Ông chỉ đơn giản là bị cuốn hút bởi phong cách vẽ tả thực.
Tình yêu sâu sắc của McGurl dành cho thiên nhiên xuất phát từ việc lớn lên ở ngoại ô Boston tại một thị trấn tên Quincy, nơi có những ngôi nhà nhỏ trong những lô đất nhỏ dọc các con phố, khiến ông cảm thấy sợ hãi sự ngột ngạt. Tuy nhiên sân sau của gia đình ông lại quay ra biển, ở nơi đó ông thoải mái dành thời gian để khám phá các hòn đảo bằng cách bơi lội, lướt ván, và chèo thuyền với các anh chị em của mình. Điều đó mang lại cho ông một cảm giác bao la của tự do.
Cha của ông McGurl là một họa sĩ vẽ tranh tường nổi tiếng, người đã truyền cảm hứng cho Joseph với một đạo đức làm việc nghiêm túc là điều cần thiết để nuôi dạy năm người con của mình. McGurl chưa bao giờ được học vẽ tranh phong cảnh. Ông đã từng được dạy ở một trường cao đẳng nghệ thuật nhưng không học được gì nhiều vì các giáo viên ở đó không có kĩ năng dạy vẽ tranh tả thực. Tuy nhiên, chính những trải nghiệm ban đầu ở Boston đã tác động sâu sắc đến quyết định theo đuổi con đường vẽ tranh phong cảnh của ông.
Tại sao vẽ tranh ngoài trời?
Đối với các nghệ sĩ cuối thế kỷ 18 và 19, vẽ tranh ngoài trời được xem như một nghiên cứu khoa học cũng như sáng tạo để tìm hiểu về thế giới tự nhiên. Chúng không phải là những bức tranh được hoàn thành chỉ để giữ cho riêng họ. Ví dụ, các nghiên cứu về đám mây của John Constable cho thấy sự hình thành đám mây cùng với các ghi chú mô tả phong phú và chi tiết về khí tượng. Thường thì ông mô tả một khối đất bằng cách phác họa những nét vẽ nguệch ngoạc ở cuối bảng phác thảo.
Đối với McGurl, kết nối trực tiếp với thiên nhiên là điều cần thiết khi ông vẽ những bức tranh phong cách chủ nghĩa ánh sáng. Đó là một trong những lý do vì sao ông họa nên những bức tranh ngoại cảnh, và cũng là nguyên nhân ông chưa bao giờ dùng ảnh chụp trong quá trình sáng tác nghệ thuật của mình. Chủ nghĩa ánh sáng là tất cả những gì thuộc về ánh sáng và tinh thần, ông giải thích bằng điện thoại, một bức ảnh chụp không có phẩm chất đó. “Không có ánh sáng trong bức ảnh. Nếu bạn tắt bóng đèn chiếu vào đó, thì sẽ không có ánh sáng phát ra từ trong bức ảnh đó.”
Ông cho biết thêm bởi vì các bức ảnh không chứa ánh sáng, nên việc vẽ từ ảnh chụp có nghĩa là người họa sĩ không vẽ ánh sáng mà là vẽ màu sắc, kết hợp màu này với màu khác. Đối với McGurl, vẽ tranh ngoài trời là điều vô cùng cần thiết để ông có thể diễn giải ánh sáng và cảm thụ giá trị của chúng trong các tác phẩm của mình.
McGurl xem những bức vẽ ngoại cảnh giống như một công cụ nghiên cứu, tương tự như những người cùng nghề với ông đã làm cách đây từ nhiều thế kỷ để liễu giải sâu hơn về tự nhiên. 60% các bức vẽ ngoài trời của ông hoàn toàn đơn thuần là những tác phẩm nghiên cứu khoa học. Ông không có nhã hứng tạo ra một bức tranh hoàn hảo ngoài hiện trường, nhưng nếu có, chúng thường được bán ở xưởng của mình.
Xuyên suốt các bức tranh phong cảnh ngoài trời của mình, McGurl luôn trung thực với khung cảnh trước mặt bằng cách khắc họa thật tỉ mỉ những gì mà ông nhìn thấy. Và hơn thế nữa, vượt xa những trải nghiệm bề mặt, ông muốn truyền tải một vẻ đẹp diệu kỳ. Mỗi bức tranh vẽ không khí ngoài trời của McGurl phản ánh cuộc trò chuyện của ông với thiên nhiên, gợi lên những rung động và tình cảm chân thành tác động đến ông tại thời khắc đó.
Tranh vẽ ngoài trời là một thử thách
“Tranh vẽ ngoài trời là một trong những phong cách khó nhất, bởi vì bạn có sự giới hạn về khoảng thời gian để hoàn thành trước khi ánh sáng thay đổi, và ánh sáng thường là thay đổi liên tục,” Ông nói. McGurl yêu thích các thử thách của vẽ tranh phong cảnh và biển cả dưới điều kiện đặc biệt như vậy.
Ví dụ khi ông đang vẽ đại dương, bên cạnh việc thay đổi ánh mặt trời liên tục còn có thủy triều lên xuống, một cơn gió thoảng qua cũng có thể làm phân tán ngay lập tức những phản chiếu tuyệt đẹp mà ông đang vẽ, chuyển đề tài của ông thành những con sóng hoặc những gợn sóng.
Đôi khi chủ thể thậm chí có thể ra khơi xa. McGurl hồi tưởng lại việc dạy một xưởng vẽ tranh ở gần bến cảng. Một nhóm học sinh đang vẽ một chiếc thuyền nhỏ dễ thương thì khoảng một giờ trong khi vẽ, họ quan sát thấy một người đàn ông xuống thuyền, lái thuyền buồm và ra khơi.
Một thách thức khác của việc vẽ tranh phong cảnh là làm thế nào để thể hiện nhiều chi tiết đa dạng và chất liệu thành màu sơn trong bức tranh – từ hàng nghìn chiếc lá trên một cây, đến hàng triệu cái cây trong một khu rừng xa xôi, cho đến vô số đám mây bồng bềnh bay lượn đan xen trên bầu trời.
Sáng tạo những bức tranh ngoại cảnh
Ông McGur, đã tìm thấy phương pháp sight-size vô cùng hữu ích của Học viện Pháp khi ông học cách vẽ vật thể, và ông đã luyện tập điều chỉnh theo phương pháp này. Trong việc đầu tiên của phương pháp sight-size, các họa sĩ sẽ đặt bảng vẽ hoặc khung tranh của họ ngay bên cạnh chủ thể và đi lùi lại khoảng 10 feet hoặc xa hơn và đánh dấu vị trí trên sàn. Điểm đánh dấu là nơi họ muốn xem toàn cảnh. Sau đó họ đi đến bảng vẽ và tạo một số vết, sau đó quay lại vị trí quan sát và kiểm tra xem các vết đó có tỉ lệ đúng với chủ thể được vẽ hay không.
Bởi vì họa sĩ phối cảnh không thể đặt khung tranh của họ gần bên mặt trời và cạnh một ngọn núi cách xa 10 dặm, vì thế ông McGur đặt một khung lưới kế bên bảng vẽ của mình. Và mọi thứ ông nhìn thấy trong khung có thể chuyển vào bảng vẽ với kích thước chính xác như nhìn qua khung.
Và đây cũng là phương pháp ông sử dụng để vẽ và để dạy học sinh của mình.
Phân tích tự nhiên
Trong suốt quá trình vẽ ngoại cảnh của McGurl, ông luôn cố gắng cẩn trọng để hiểu mọi khía cạnh của cảnh vật. “Khi tôi vẽ tranh ngoại cảnh, tôi phân tích tỉ mỉ thiên nhiên và sau đó tổng hợp lại trên bảng vẽ của mình,” ông chia sẻ.
Mỗi khi McGurl vẽ tranh ngoài trời, ông sẽ phân tích ánh sáng và dự đoán trước sự thay đổi của các yếu tố tự nhiên—thường là thay đổi với tốc độ ánh sáng. Ông ví điều đó giống như vẽ đang vẽ thời gian vậy.
Ví dụ, khi vẽ cảnh hoàng hôn, ông thực sự có cảm giác đang vẽ tương lai, hiện tại và quá khứ. Lúc đầu, khi chuẩn bị vẽ, ông sẽ khảo sát cảnh quang, mặt trời, mây và các yếu tố khác, để xác định điều gì ông đoán là có thể xảy ra. Từ đó ông có thể vẽ ra tương lai. Đó là một quá trình cân chỉnh tinh tế chỉ với một lần liễu giải chính xác vì nếu sự phối màu của bức tranh quá tối hoặc quá sáng, bức tranh sẽ bị hủy hoại.
Sau khi McGurl phác thảo những phán đoán của mình, ông sẽ dành khoảng năm phút để vẽ ra hiện tại, cảnh hoàng hôn thực sự. Khi đó, ông sẽ điều chỉnh bức tranh của mình để thể hiện hoàng hôn khi khung cảnh mở ra trước mắt, vẽ cho đến khi bầu trời tối sầm lại. Sau đó, ông bắt đầu họa lại quá khứ, vẽ cảnh hoàng hôn từ ký ức gần đây của mình.
Việc họa một bức tranh hoàng hôn ngoại cảnh chỉ mất 20 phút, nhưng thường tốn thời gian cho việc diễn giải những thay đổi đa dạng của thời tiết. Lý tưởng nhất để ông hoàn thành một tác phẩm là trong khoảng 3 giờ.
Trong Studio
Ông McGurl tỉ mỉ sao chép cảnh thiên nhiên thực tế, nhưng trong studio ông lại lấy cảm hứng từ chúng hơn là sao chép chúng.
Ví dụ, ông hiện đang vẽ một bức tranh khung cảnh sườn đồi ở Ý trong studio của mình. Ông đang nghiên cứu một bức tranh vẽ ngoại cảnh mà trong đó đỉnh của một ngọn núi phía xa được chiếu rọi bởi ánh mặt trời lặn ở đằng sau. Khi bắt đầu vẽ tranh trong studio, ông đã thay đổi ánh sáng mặt trời để người xem nhìn vào mặt trời và ngọn núi có thể thấy được đường hắt bóng. Vì vậy, đó không phải là một bản sao phác thảo ngoại cảnh; mà bản vẽ này chính là được truyền cảm hứng từ hình ảnh đó, tuy nhiên tất cả các yếu tố tự nhiên trong bức tranh phong cảnh mà ông đang họa lại đều là những điều mà ông từng chứng kiến khi vẽ tranh tại Ý.
Ông McGurl nhiều lần được truyền cảm hứng bất tận từ những bức vẽ ngoại cảnh của mình. Ví dụ, mười năm trước, ông đã vẽ 12 bản phác thảo khác nhau về một ngôi nhà mộc mạc của Ý. Trong studio, mỗi tác phẩm mà ông chế tác từ các bức tranh ngoại cảnh sẽ không giống những gì mà các bức phác thảo đã truyền cảm hứng cho ông. Kiến trúc là giống nhau trong mỗi khung cảnh, nhưng không gian và hướng nhìn thì khác nhau.
Ông nhận xét: “Giống như các nhà triết học duy tâm, tôi tin rằng trong tự nhiên bạn có thể trải nghiệm sự kết nối chặt chẽ giữa bản thân và những điều đẹp đẽ mỹ diệu.” Tương tự như tinh thần vậy, những bức tranh theo chủ nghĩa ánh sáng được chế tác một cách tinh mỹ của McGurl nên đóng vai trò tiên phong cho sự vi diệu của thiên nhiên — hay còn gọi là nhãn cầu trong suốt như Emerson đã nói.
Để tìm hiểu thêm về họa sĩ theo chủ nghĩa ánh sáng Joseph McGurl, hãy truy cập JosephMcGurl.com
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: