Hình ảnh của Hy vọng: Người Chăn Cừu Tốt Bụng
Đến thế kỷ thứ ba sau Công nguyên, đế chế La Mã đã trở thành nơi sinh sống của nhiều dân tộc, với những xung đột diễn ra liên miên, và bất ổn chính trị thì không có hồi kết. Họ cố quên đi nỗi lo lắng hiện hữu của mình bằng những thú vui và sự xa xỉ, tìm hiểu về vô số tôn giáo để cố lấp đầy tâm hồn trống rỗng của mình trong thời đại đó. Bản sắc La Mã đã bị mai một đối với nhiều cư dân sinh sống trên lãnh thổ rộng lớn đó, họ không biết rằng sự sụp đổ của đế chế đang cận kề.
Cộng đồng Cơ Đốc Giáo đã phát triển trong thời kỳ bất định đó mặc cho sự đàn áp tàn ác vẫn diễn ra, cộng đồng này đã đem đến một thông điệp về hy vọng và thắp sáng lên trong bóng tối u ám. Để thể hiện niềm hy vọng này, họ đã sáng tạo ra hình tượng: Người chăn cừu tốt bụng (The Good Shepherd), một hình ảnh được lấy từ những lời dạy trong Kinh Thánh của Chúa Giê-su.
Gánh vác tội lỗi của chúng ta
Kết hợp những lời dạy trong Kinh Thánh với các đề tài đã quá đỗi quen thuộc với những công chúng am tường trong Đế chế La Mã, “Người chăn cừu tốt bụng” là biểu tượng thành công đầu tiên của Cơ Đốc Giáo, với các bản sao được tìm thấy từ Anh, Tây Ban Nha đến Syria. Tuy nhiên, phiên bản nổi tiếng nhất được chế tác ở Rome, và hiện nay được lưu giữ trong Bảo tàng Vatican.
Trong tác phẩm này, những tín hữu Công giáo đã biến đổi một “bảng chữ cái” của Hy Lạp–La Mã, như nó vốn có, thành một từ mới, vui tươi. “Người chăn cừu tốt bụng” mặc trang phục Hy Lạp cổ (loại áo dài đến gối hở một bên vai) và vác một chú cừu trên vai, hình ảnh không xa lạ gì với cộng đồng vốn đã quen thuộc với văn hóa Hy Lạp ở vùng Địa Trung Hải.
Với người Hy Lạp, nhân vật này được nhận biết như là vị thần Hermes, sứ giả yêu quý của các vị Thần, Hermes là vị thần bảo vệ những người chăn cừu và dẫn đường cho các linh hồn đến bên kia thế giới, ông thường được miêu tả là mang theo một con cừu. Người La Mã xem hình ảnh người đàn ông vác cừu là hiện thân của sự nhân từ – sẵn sàng gánh vác gánh nặng của người khác trên vai của mình.
Các tín hữu Cơ Đốc đã tạo nên một thông điệp về lòng nhân từ, hàm ý rằng Người chăn cừu chịu nhận gánh vác tội lỗi để dẫn đường cho linh hồn lên thiên đàng. Để nhấn mạnh sức mạnh thiêng liêng của Người chăn cừu nhân từ, họ đã sử dụng các đặc điểm của vị thần Apollo để tạo nên khuôn mặt trẻ trung của hình tượng.
Apollo, vị thần mặt trời, đã đóng vai trò liên kết để người La Mã hiểu rằng Chúa Giê-su là Ánh sáng của Thế giới. Hình ảnh này cũng đã đi vào trong Kinh Thánh, hàm ý đến những đoạn mô tả quá trình nhập thể lẫn việc bị đóng đinh và phục sinh của Ngài.
Cừu và Dê
Một trong những hình ảnh sớm nhất, được vẽ trong khoảng thời gian từ năm 250 đến 275 tại Hầm mộ Priscilla ở Rome, bổ sung thêm hình tượng đặc trưng của Cơ Đốc Giáo, khi để Người chăn cừu vác một con dê thay vì một con cừu ngoan ngoãn.
Satyrs, trong thần thoại Hy Lạp là nhân vật nửa người nửa dê, hiện thân của tham muốn và dục tính quá độ. Chúa Giê-su đã nhắc đến sự phán xét về sự tách biệt giữa cừu và dê. Sinh vật đầy mùi và đáng ghét này đã tìm thấy sự che chở từ Người chăn cừu tốt bụng – người đến để giúp những kẻ lầm đường lạc lối vì những yếu điểm của mình. Ngài đã đem đến hy vọng cho những người đã đánh mất cũng như cho những ai có đức tin.
Điều tốt, Điều đúng và Vẻ đẹp
Người chăn cừu không bao giờ được xem là biểu tượng của sự buộc tội hoặc tội lỗi, cũng không phải là sự tố cáo các niềm tin và thực hành ngoại giáo, mà là dấu hiệu của hòa bình. Hình ảnh này gợi nhớ đến sự thi vị mục vụ mà người La Mã yêu thích, ca ngợi lối sống mộc mạc và giản dị của đồng quê.
Nhà thơ La Mã nổi tiếng nhất, Virgil, đã khắc họa trí tưởng tượng của một đế chế trong cuốn “Eclogues” được yêu thích của ông, nhờ những trải nghiệm bình dị và thần bí từ những câu chuyện kể bởi người chăn cừu giữa đám đông. Thể loại này phát triển mạnh mẽ và lan rộng sang nghệ thuật thị giác, như được thấy trong các bức phù điêu mục vụ từ thế kỷ thứ nhất trong căn nhà của Livia, vợ của Hoàng đế Augustus, ở La Mã.
“Người chăn cừu tốt bụng” đã biến mất khi Đế chế Byzantine mở rộng quyền lực trên các lãnh thổ của La Mã cũ, nhưng ký ức về hình ảnh đó vẫn tồn tại trong truyền thống Công giáo ngày nay. Mỗi năm, vào ngày 29/06, ngày lễ thánh Peter và Paul ở Rome, các tổng giám mục mới được tặng một chiếc khăn choàng bằng len trắng, quàng qua vai của họ. Chiếc khăn này như lời nhắc nhở về trọng trách của họ trong việc trợ giúp giáo hoàng nâng đỡ các linh hồn đến sự cứu rỗi.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch times