Những giấc mơ viết lại lịch sử khoa học (Phần 1)
Giấc mơ đối với nhiều người vẫn còn rất bí ẩn, có người trong mơ đi đến Thiên Đường và Địa ngục, cũng có người dự đoán được tương lai qua giấc mơ. Ngoài ra, giấc mơ còn có thể truyền cảm hứng cho con người và từ đó thay đổi thế giới. Rất nhiều tri thức trong khoa học ngày nay kỳ thực đều lấy cảm hứng từ những giấc mơ. Dưới đây là 7 khoa học gia được truyền cảm hứng như vậy.
1. Khoa học gia thiên tài Albert Einstein
Einstein từng nói rằng cả cuộc đời ông đều không ngừng suy nghĩ về giấc mơ thời niên thiếu. Nhà trị liệu tâm lý người Mỹ kiêm mục sư John W. Price đã kể lại giấc mơ ít được biết đến này của Einstein trong một chương trình phát thanh: “Ông ấy mơ thấy ông ấy đang trượt xuống một ngọn đồi trên một chiếc xe trượt tuyết, khi ông ấy tiếp cận dần đến tốc độ ánh sáng trong giấc mơ, tất cả các màu sắc đều dung hợp lại làm một.”
“Được truyền cảm hứng từ giấc mơ này, ông ấy đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để suy nghĩ về điều gì sẽ xảy ra khi ông ấy đạt đến tốc độ ánh sáng”, mục sư Price nói.
Suy nghĩ sớm nhất của Einstein về thuyết tương đối bắt đầu ở tuổi 14. Lúc đó ông đã hỏi giáo viên của mình một câu rằng: “Nếu em bay với tốc độ ánh sáng, liệu khuôn mặt của em có tàng hình trong gương không?”
2. Mendeleev và bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học
Nhà hóa học người Nga Mendeleev là người đã phát minh ra bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Trước đó, ông từng muốn tổ chức lại 65 nguyên tố đã biết bằng một phương thức nào đó. Ông biết rằng nhất định là có một phương thức nào đó để các nguyên tố có thể được sắp xếp theo thứ tự, hơn nữa kiểu quy luật này có lẽ liên quan đến khối lượng của các nguyên tử (nguyên tử lượng).
Tuy nhiên, ông lại chưa nắm được mấu chốt. Sau này Mendeleev nhớ lại rằng: “Trong một giấc mơ, tôi đã nhìn thấy một cái bảng với tất cả các nguyên tố ở từng vị trí của chúng. Khi tỉnh dậy, tôi ngay lập tức viết nó ra một tờ giấy.”
Đó là vào tháng 02/1869 lúc Mendeleev 35 tuổi, bảng tuần hoàn đã ra đời như vậy. Giấc mơ của Mendeleev chính xác đến mức nó còn cho biết một số nguyên tố đã bị đo sai. Mỗi nguyên tố đều có một vị trí riêng trong bảng theo trọng lượng nguyên tử của chúng.
Trước đó có rất nhiều nguyên tố còn chưa rõ trọng lượng nguyên tử, trong bảng của Mendeleev cũng để lại một số ô trống dành cho các nguyên tố chưa được khám phá. Trong những năm tiếp theo, 11 nguyên tố mà ông dự đoán đã lần lượt được phát hiện, đặc biệt là các nguyên tố khí trơ như heli, neon, argon, krypton, xenon và radon, đã bổ sung thêm một nhóm mới vào bảng tuần hoàn các nguyên tố. Bảng tuần hoàn của Mendeleev giống như một tấm bản đồ lớn chỉ đường cho những nghiên cứu hóa học sau này.
3. Niels Bohr và mô hình hạt nhân nguyên tử
Nhà vật lý người Đan Mạch Niels Bohr là người phát minh ra mô hình hạt nhân nguyên tử. Trong một luận văn mà ông là đồng tác giả có viết rằng: “Niels Bohr nói rằng ông đã có một giấc mơ, trong đó ông ngồi trên mặt trời và tất cả các hành tinh chuyển động xuôi theo những đường mảnh”. Sau đó, mô hình nguyên tử do Bohr phát minh đã mang lại một cuộc cách mạng trong vật lý học.
Ngoài các nhà vật lý và hóa học, các nhà toán học và sinh học nổi tiếng khác cũng đã được truyền cảm hứng từ những giấc mơ.
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ