Công nghệ AI dùng trong hội họa làm nảy sinh các vấn đề về đạo đức
Với sự phát triển như vũ bão, hiện nay công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) còn xâm nhập vào cả lĩnh vực hội họa, dẫn đến những vấn đề như đạo đức và luân lý nghề nghiệp.
Hiện tại trên thị trường đã có các trình tạo ảnh hoặc vẽ tranh nghệ thuật như Dall-E 2 của Microsoft OpenAI, Novel AI, DreamStudio của Stability AI và Midjourney, v.v. Các công nghệ này có thể nhanh chóng tạo ra một bức ảnh trong vòng chưa đầy một phút mà thông thường sẽ phải mất hàng giờ hoặc vài ngày để vẽ, thậm chí những bức tranh và những hình ảnh này còn có thể được sửa đổi theo ý muốn.
Dall-E 2 và Midjourney có thể nhanh chóng tạo ra các bản vẽ từ các văn bản mô tả đơn giản, đồng thời có thể được sử dụng trong PowerPoint, áp phích (poster), bài đăng trên mạng xã hội, v.v. Còn Novel AI và DreamStudio thì bạn chỉ cần đặt vào một vài hình ảnh đơn giản và nhập văn bản là đã có thể nhanh chóng tạo ra hình ảnh mong muốn.
Dall-E 2 sẽ căn cứ theo yêu cầu về hình ảnh trong phần văn bản mô tả để tạo ra một hình ảnh hoàn toàn “độc nhất”. Ngay cả khi yêu cầu AI vẽ với cùng một văn bản mô tả, bạn sẽ không bao giờ nhận được hình ảnh giống nhau, chỉ có thể nhận được bức ảnh tương tự.
Phòng thí nghiệm AI của Dall-E 2 sẽ tích hợp trực tiếp các mô hình văn bản và hình ảnh vào Shutterstock, một trang web cung cấp tư liệu hình ảnh của Hoa Kỳ. Công ty này đang khởi động một “quỹ đóng góp” để đền bù cho những người sáng tạo, với hy vọng có được nhiều hình ảnh hơn để đào tạo cho AI.
Trước khả năng học tập mạnh mẽ của AI, các lập trình viên đang sử dụng hàng trăm triệu bức ảnh trên Internet để tiến hành đào tạo cho nó, đồng thời thông qua các thuật toán để phân tích và tái cấu trúc lại các bức ảnh, điều này cũng giúp nâng cao khả năng của AI thông qua thực tiễn.
Ông Sam Altman, Giám đốc điều hành OpenAI cho biết trong một thông cáo báo chí vào cuối tháng 10/2022 rằng, “Dữ liệu mà chúng tôi được cấp phép từ Shutterstock là rất quan trọng đối với việc đào tạo Dall-E”.
Hiện tại, một số họa sĩ minh họa và họa sĩ diễn hoạt chuyên nghiệp cũng đang sử dụng những công cụ này để hiện thực hóa ý tưởng của mình, thậm chí còn kết hợp một số tác phẩm của trí tuệ nhân tạo vào tác phẩm cá nhân. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra nhiều tranh cãi.
Vào tháng 09/2022, một người tên là Jason Allen đã dùng phần mềm Midjourney để “vẽ ra” một bức ảnh với tên gọi “Théâtre D’opéra Spatial”. Anh này đã đánh bại 20 nghệ sĩ khác trong cuộc thi mỹ thuật của Hội chợ tiểu bang Colorado tại Hoa Kỳ và đạt giải nhất cùng số tiền thưởng 300 USD.
Mặc dù hạng mục anh Allen tham gia là “nghệ thuật kỹ thuật số” (Nghệ thuật kỹ thuật số đề cập đến các tác phẩm nghệ thuật sử dụng công nghệ kỹ thuật số như một phần của quá trình sáng tạo hoặc trình bày), cách làm không vi phạm các quy tắc của cuộc thi, nhưng rất nhiều người đã chỉ trích anh là “thắng mà không cần đấu”, cho rằng nghệ thuật là nên do chính anh vẽ chứ không phải dùng AI để vẽ, điều này đi ngược lại tinh thần của người nghệ sĩ.
Tác phẩm của một số nghệ sĩ đã bị sao chép và bắt chước bởi các công ty sản xuất trình tạo hình ảnh AI, điều này có thể sẽ tước đi cơ hội việc làm của người sáng tạo hoặc tước đi phong cách độc đáo của họ. Nhiều người đang kêu gọi ban hành luật để quy phạm lĩnh vực mới này.
Mặc dù có sự khác biệt rõ ràng về độ chi tiết và độ tinh tế giữa những bức tranh được vẽ bởi Novel AI và những bức tranh được vẽ bằng tay, nhưng vấn đề bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ vẫn khiến rất nhiều người lo ngại.
Novel AI đã tuyên bố trên Twitter chính thức của mình rằng AI của họ được đào tạo thông qua các hình ảnh ACG (viết tắt của Anime, Comics và Games) trên trang web Danbooru. Tuy nhiên, có rất nhiều bức tranh trên Danbooru chưa được tác giả của bức tranh gốc cho phép, hầu hết đều là tác phẩm gốc và tác phẩm tái bản của các nghệ thuật gia từ pixiv và Twitter. Điều này cũng có nghĩa là hầu hết các tư liệu mà Novel AI sử dụng đều không được các tác giả chấp thuận.
Ngoài ra, công nghệ hợp nhất hình ảnh đang ngày càng trở nên phổ biến, một số người còn lợi dụng công nghệ thay đổi khuôn mặt AI Deepfakes để mô phỏng khuôn mặt của một số người nổi tiếng và đưa vào quảng cáo hoặc video khiêu dâm để thu lợi, nhưng những tác phẩm này không được người nổi tiếng cho phép. Cũng có người đã đặt ra những câu hỏi về vấn đề pháp lý và đạo đức đối với ngành tiếp thị.
Hiện đang ngày càng có nhiều công ty công nghệ lớn đang tìm cách kết hợp công nghệ vào sản phẩm của họ, Meta hiện cũng đã nói về việc sử dụng AI để tạo video.
Phong cách nghệ thuật bị AI bắt chước
Việc xác định và đánh giá một tác phẩm nghệ thuật xuất phát từ phong cách của các nghệ thuật gia, sự tận tâm đối với tác phẩm và yêu cầu của họ về sự tinh tế. Điều này có nghĩa rằng phong cách của các nghệ thuật gia chính là “linh hồn” của tác phẩm nghệ thuật.
Anh Greg Rutkowski, một họa sĩ nghệ thuật kỹ thuật số đến từ Ba Lan, người có hơn 100,000 người theo dõi trên nền tảng nghệ thuật thị giác đồ họa máy tính (CG) ArtStation, đã từng hợp tác với một số hãng game như Sony. Tuy nhiên, trong Stable Diffusion có hơn 100,000 bức ảnh AI được tạo theo phong cách của anh ấy, tỷ lệ sử dụng chúng thậm chí còn cao hơn nhiều so với của tác giả. Khi tìm kiếm cụm từ “Rutkowski” trên Twitter và các nền tảng xã hội khác, bạn có thể thấy không ít tác phẩm liên quan, nhưng không có tác phẩm nào do bản thân anh ấy vẽ.
Vào hồi giữa tháng 10/2022, anh Rutkowski đã bày tỏ sự lo ngại của mình với Business Insider. Anh nói rằng, “Thật sự rất hiếm khi thấy một phong cách tương tự tôi trên Internet, nhưng bây giờ thì khác”. “Tên của tôi và tên của các nghệ sĩ khác đều bị sử dụng để tạo ra hình ảnh AI, có thể người ta muốn giả vờ đó là tôi, nhưng điều đó là phi đạo đức.”
Anh Trương Thiện Lực (bút danh), một kỹ sư máy tính người Nhật Bản nói với Epoch Times rằng AI học hỏi từ các tác phẩm và hình ảnh trong quá khứ, trong quá trình vẽ tranh về cơ bản là không có nội hàm và tinh thần của con người.
Ông Chư Cát Minh Dương (Zhuge Mingyang), một nhà văn độc lập cũng nói với Epoch Times rằng: “Đối với những người cần trau dồi kỹ năng trong nhiều thập niên như các nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia, việc AI vẽ tranh thay thế suy nghĩ, trí tuệ và kỹ thuật của họ sẽ khiến các tác phẩm nghệ thuật trở nên rất rẻ mạt. Hơn nữa, nhân loại từ đó sẽ không cần tu dưỡng nghệ thuật nữa, mọi việc đều chỉ cần giao cho phần mềm máy tính là được, giá trị quan cũng do máy tính quyết định, đây là điều rất đáng sợ.”
Vào cuối tháng 09/2022, Getty Images, một trong những nhà cung cấp hình ảnh với quy mô lớn nhất trên thế giới đã cấm bán ảnh nghệ thuật AI trên nền tảng của mình. Bởi họ lo ngại rằng không cách nào thực hiện quyền tác giả đối với đầu ra của các hệ thống này, và rất nhiều vấn đề sẽ phát sinh.
Tuy nhiên, ông Craig Peters, Giám đốc điều hành của Getty Images nói với trang web công nghệ The Verge rằng khó có thể thực sự loại bỏ hoàn toàn nội dung AI, bởi vì công ty dựa vào các bộ lọc do C2PA (Liên minh xác minh chống thông tin sai lệch) tạo ra, nhưng không có bộ lọc tự động nào là hoàn toàn đáng tin cậy.
Ngô Thụy Xương & Trương Chung Nguyên thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ