Những gì ông Durham đã không kể với chúng ta
Báo cáo của ông Durham vô cùng thiếu sót, không có kết án và cũng không có trách nhiệm giải trình
FBI tham nhũng rất nghiêm trọng. Hệ thống tư pháp hoàn toàn hư hỏng.
Đó là những gì chúng ta có thể kết luận từ Báo cáo Durham. Báo cáo của Biện lý Đặc biệt John Durham nhiều lần nhấn mạnh vào hai điều riêng biệt: FBI đã mở một cuộc điều tra về chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump mà hoàn toàn không có lý do hoặc bất kỳ căn cứ cơ bản nào và FBI đã bảo vệ chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Hillary Clinton trong khi họ ráo riết truy đuổi ông Donald Trump.
Tuy vậy, Báo cáo Durham cũng vô cùng thiếu sót. Không có kết án, hoặc chuyển hồ sơ của những kẻ âm mưu và nhân vật chính trong Russiagate.
Đảng Dân Chủ sẽ có thể bác bỏ báo cáo của ông Durham đơn giản bằng câu nói, “Nếu những phát hiện của ông Durham đáng chê trách như vậy, thì tại sao không ai bị kết tội?”
Và tại sao rất nhiều nhân vật quan trọng như cựu Giám đốc FBI James Comey, cựu đặc vụ FBI Peter Strzok, và người đồng sáng lập Fusion GPS Glenn Simpson không bị buộc phải ngồi phỏng vấn?
Tại sao ông Durham không sử dụng thông tin mật trong phân tích của mình? Tại sao ông ấy giới hạn phạm vi của mình chủ yếu trong các hành động của FBI? Và tại sao ông ấy không xem xét các sự kiện sau đầu năm 2017, khi Crossfire Hurricane chuyển từ một cuộc điều tra khá lặng lẽ trước bầu cử thành một cuộc điều tra công khai toàn diện về tổng thống [Trump]?
Mặc dù báo cáo này cung cấp thêm thông tin chi tiết và củng cố các điểm đã nêu, nhưng có rất ít thông tin mà chúng ta chưa biết hoặc chưa được báo cáo.
Có một cảm giác về việc chứng minh — mọi thứ mà từ lâu chúng ta cho là sự thật thì hiện giờ đã được xác nhận hoặc chứng minh. Tuy vậy, thực tế phũ phàng là có rất ít thông tin mới có trong báo cáo này.
Theo nhiều cách, báo cáo của ông Durham dường như là một bản làm lại mới chi tiết hơn về các bản cáo trạng đã được công bố trước đó của ông Durham liên quan đến luật sư chiến dịch tranh cử của bà Clinton, ông Michael Sussmann và những vướng mắc của ông này với FBI và nhiều liên kết khác của bà Clinton.
Có một điều thậm chí còn quan trọng hơn một cách đáng chú ý nhưng đã bị thiếu trong báo cáo của ông Durham: Hoàn toàn không có bất kỳ vụ chuyển hồ sơ tội phạm nào hoặc bản cáo trạng đang chờ giải quyết nào đối với những người có liên quan đến trò lừa bịp thông đồng với Nga. Không ai có trách nhiệm giải trình. Và vì không có những điều đó nên sẽ chẳng có gì thay đổi.
Tôi xem báo cáo này từ nhiều góc độ khác nhau. Đầu tiên, ông Durham không đề cập đến bất cứ điều gì mà chúng ta chưa có ít nhất một số hiểu biết thực tế. Báo cáo này xác nhận sự hiểu biết trước đây của chúng ta về vụ Russiagate và những nỗ lực của FBI nhằm cản trở chiến dịch tranh cử của ông Trump để giúp đỡ cho bà Hillary Clinton.
Nhưng chúng ta đã mong đợi điều đó diễn ra.
Tuy nhiên, một điểm rất đáng thất vọng trong báo cáo của ông Durham là dường như trọng tâm của báo cáo này quá hạn hẹp. Báo cáo này tập trung vào nhiều sai sót của FBI, như việc thiếu cơ sở xác định cho việc mở cuộc điều tra Crossfire Hurricane và lệnh FISA nhằm giám sát cố vấn Carter Page của ông Trump.
Ông Durham cũng đề cập đến các cáo buộc dành cho Alfa Bank — mà ông đã trình bày chi tiết trong bản cáo trạng truy tố ông Sussmann của mình — cùng với các hành động của ông Christopher Steele và nguồn tin thứ cấp chính của ông Steele là ông Igor Danchenko.
Tuy vậy, điều mà ông Durham không đề cập đến mới là điều rất đáng chú ý nhất. Ông Durham dường như thậm chí không động đến các sự kiện cao cấp đáng chú ý như cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 05/01/2017, với sự tham gia của Tổng thống đương thời Barack Obama – một cuộc họp dường như liên quan trực tiếp đến cả ông Obama và Tổng thống hiện nay là ông Joe Biden trong các cuộc tấn công sau đó vào chính phủ của ông Trump.
Cũng không có nỗ lực nào để chỉ ra vấn đề NSA thu thập dữ liệu và lật tẩy các thành viên trong chiến dịch tranh cử của ông Trump mà Dân biểu đương thời Devin Nunes đã nhấn mạnh hồi đầu năm 2017. Mặc dù chúng ta biết rằng một số hành động do FBI và các cơ quan ba chữ cái khác thực hiện đòi hỏi phải có quyết định từ cấp cao, nhưng ông Durham không những không chỉ ra hành động của những người ở cấp cao này mà thậm chí còn không xác định được họ.
Ông Durham thậm chí còn không đề cập đến vụ được cho là tấn công mạng vào máy chủ của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ. Thông tin bị thiếu này càng trở nên đáng thất vọng hơn, bởi lẽ trên thực tế, nhóm của ông Durham đã thực hiện “hơn 480 cuộc phỏng vấn” và xem xét “hơn sáu triệu trang tài liệu.” Có vẻ như rõ ràng rằng phần lớn câu chuyện này vẫn chưa được hé lộ.
Ngoài ra còn có tình trạng thiếu thông tin một cách phổ biến về bất kỳ điều gì sau tháng 01/2017. Chúng ta không tìm thấy bất kỳ tài liệu nào về Đánh giá của Cộng đồng Tình báo, được sử dụng để thúc đẩy luận điệu rằng cựu Tổng thống Trump đã thỏa hiệp với Nga. Chúng ta cũng không tìm ra bất cứ điều gì liên quan đến việc chính phủ cựu Tổng thống Obama nhắm mục tiêu vào cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, Tướng Michael Flynn.
Ông Durham cũng không đề cập đến cuộc họp của ban lãnh đạo FBI với Bộ Tư pháp (DOJ) và Quốc hội hồi tháng 03/2017. Tại đó, ông James Comey không chỉ trình bày sai sự thật toàn bộ cuộc điều tra của FBI mà còn không tiết lộ thông tin của ông Danchenko và việc ông Danchenko hoàn toàn không phù hợp với tư cách là một người mật báo — điều đã làm mất hiệu lực toàn bộ hồ sơ Steele.
Điều quan trọng là, ông Durham đã hoàn toàn thất bại trong việc đưa ra thước đo về trách nhiệm giải trình. Hầu như không có bất kỳ vụ chuyển hồ sơ tội phạm nào trong báo cáo của ông Durham cũng như không có bất kỳ khuyến nghị cần thiết nào về việc điều tra tội phạm đối với những cá nhân này.
Một lần nữa, không có yêu cầu trách nhiệm giải trình nào đối với những người thực sự có tội — và những người thực sự có đặc quyền.
Song song với những câu hỏi và quan sát này, chúng ta tự thấy băn khoăn về tốc độ chuyển báo cáo của ông Durham tới DOJ và sau đó được công bố ra công chúng.
Ông Durham đã đệ trình báo cáo của mình lên DOJ và Tổng chưởng lý Merrick Garland hôm 12/05. Báo cáo được công bố rộng rãi hôm 15/05. Làm sao có thể như vậy được?
Câu trả lời có thể nằm trong một phần trong bức thư của ông vốn ghi rằng, “việc xem xét kỹ lưỡng và phối hợp đối với thông tin có trong đó” đã được “các cơ quan thích hợp trong Cục Điều tra Liên bang, Cơ quan Tình báo Trung ương, và Cơ quan An ninh Quốc gia thực hiện.” Nói cách khác, ông Durham dường như đã phối hợp công việc của mình trong báo cáo này với các cơ quan đó. Bản báo cáo này đã được chính thức xem xét trước khi ông giao báo cáo cho ông Garland.
Một điều ngay lập tức nổi bật trong báo cáo của ông Durham là FBI gần như biết ngay từ đầu rằng cuộc điều tra Crossfire Hurricane đã được mở ra mà hầu như không có bằng chứng.
Ông Durham nhận thấy rằng “FBI đã xem thường hoặc cố ý bỏ qua thông tin quan trọng vốn không trợ giúp cho câu chuyện mới nhen nhóm của họ về một mối liên hệ thông đồng giữa ông Trump và Nga.” Ông Durham cũng cho rằng Crossfire Hurricane “đã được mở ra như một cuộc điều tra toàn diện ngay cả khi FBI chưa từng nói chuyện với những người đã cung cấp thông tin đó.”
Hơn nữa, ông Durham lưu ý rằng FBI đã làm như vậy mà không có bất kỳ đánh giá đáng kể nào về cơ sở dữ liệu tình báo của chính họ, không thu thập và kiểm tra bất kỳ thông tin tình báo liên quan nào từ các tổ chức tình báo Hoa Kỳ khác, không phỏng vấn các nhân chứng cần thiết để hiểu thông tin thô mà FBI đã nhận được, và không sử dụng bất kỳ công cụ phân tích tiêu chuẩn nào thường được FBI sử dụng để đánh giá thông tin tình báo thô.
“Vào thời điểm bắt đầu cuộc điều tra Crossfire Hurricane,” ông Durham cho biết, “FBI không có bất kỳ thông tin tình báo nào cho thấy bất kỳ ai liên quan đến chiến dịch tranh cử của ông Trump có liên hệ với các sĩ quan tình báo Nga tại bất kỳ thời điểm nào trong chiến dịch tranh cử.” Ông Durham chỉ ra rằng nếu FBI đã thực hiện ngay cả bước sơ đẳng nhất trong quy trình công việc được chuẩn hóa, thì cơ quan chính phủ này sẽ biết được rằng “các nhà phân tích có kinh nghiệm về Nga của họ không có thông tin về việc ông Trump có dính líu đến các quan chức lãnh đạo Nga cũng như những người khác ở các vị trí nhạy cảm tại CIA, NSA (Cơ quan An ninh Quốc gia), và Bộ Ngoại giao không biết về những bằng chứng như vậy liên quan đến ứng cử viên Trump.”
Tệ hơn nữa, các hồ sơ do ông Peter Strzok của FBI biên soạn hồi tháng Hai và tháng Ba năm 2017 cho thấy vào thời điểm bắt đầu cuộc điều tra Crossfire Hurricane, FBI không có thông tin nào cho thấy bất kỳ ai trong chiến dịch tranh cử của ông Trump đã liên hệ với bất kỳ quan chức tình báo nào của Nga.
Tuy nhiên, vụ việc này thậm chí còn thảm hại hơn thế. Hãy nhớ rằng trước ngày 26/07/2016, các cơ quan tình báo của chúng ta đã có được thông tin chi tiết về phân tích tình báo của Nga cáo buộc rằng bà Clinton đã chấp thuận một kế hoạch vận động tranh cử nhằm bôi nhọ ông Trump bằng cách gán ghép ông ấy với ông Putin và việc Nga tấn công các máy chủ của Đảng Dân Chủ (DNC).
Sau đó, vào ngày 28/07/2016, Giám đốc CIA Brennan đã thông báo tóm tắt cho ông Obama và các quan chức an ninh quốc gia cao cấp khác, liên quan đến thông tin tình báo đó, được biết đến trong các báo cáo của ông Durham với tên gọi “Tình báo Kế hoạch Clinton.” Ông Brennan sau đó đã thông báo cho Giám đốc FBI Comey vào ngày hôm sau. Ông Brennan và các quan chức khác của cơ quan chính phủ này sau đó đã thực hiện các bước để bảo đảm rằng việc phổ biến thông tin tình báo về Kế hoạch Clinton sẽ được giới hạn để “bảo vệ thông tin nhạy cảm và ngăn chặn các vụ rò rỉ.” Thông tin này lẽ ra phải kết thúc cuộc điều tra Crossfire Hurricane của FBI trước khi cuộc điều tra này bắt đầu, chỉ vài ngày sau đó, vào ngày 31/07/2016.
Thay vào đó, ông Brennan đã thừa nhận với ông Durham rằng nhóm Fusion Cell liên cơ quan, một nhóm bề ngoài được thành lập để tổng hợp và phân tích thông tin tình báo thích hợp về các hoạt động gây ảnh hưởng xấu của Nga liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống, đã được đưa vào hoạt động sau cuộc gặp của ông với ông Obama vào ngày 28/07. Ông Durham tuyên bố rằng một số nhân viên CIA tin rằng thông tin tình báo về Kế hoạch Clinton đã dẫn đến quyết định thành lập nhóm Fusion Cell.
Nói cách khác, ông Brennan và ông Obama đã cố gắng bảo vệ bà Clinton — và họ làm như vậy để gây tổn hại cho ông Trump.
Tuy nhiên, ông Brennan không chỉ dừng lại ở việc đó. Vào ngày 03/08/2016, ông Brennan đã gặp ông Obama, Phó Tổng thống đương thời Biden, và các quan chức chính phủ cao cấp khác, bao gồm Tổng Chưởng lý Loretta Lynch và ông Comey. Tại cuộc họp đó, ông Brennan đã thông báo tóm tắt cho cả nhóm về Kế hoạch Clinton.
Bất chấp những lời báo cáo tóm tắt về Tình báo Kế hoạch Clinton — bao gồm ít nhất hai báo cáo tóm tắt dành cho ông Obama — ông Durham lưu ý rằng khi được phỏng vấn, ông Brennan “thường nhớ lại rằng mình đã xem xét các tài liệu này” nhưng tuyên bố rằng ông không nhớ đã tập trung cụ thể vào những lời khẳng định của các tài liệu này về kế hoạch có mục đích của chiến dịch của bà Clinton, mặc dù đã thông báo cho ông Obama và viết các ghi chú về thông tin tình báo Clinton.
Thay vào đó, ông Brennan nhớ rằng ông đã tập trung vào vai trò của Nga trong việc đánh cắp dữ liệu của DNC.
Trong khi đó, FBI kiên quyết từ chối điều tra chiến dịch tranh cử của bà Clinton về kế hoạch bôi nhọ ông Trump. Họ từ chối vì bây giờ họ là một phần của Kế hoạch Clinton. Hãy nhớ rằng, FBI đã sử dụng hồ sơ Steele, do Kế hoạch Chiến dịch Clinton trả tiền, làm trụ cột cho cuộc điều tra của mình.
Đó là một cuộc tấn công hoàn toàn được chính trị hóa vào một người từ bên ngoài Hoa Thịnh Đốn bởi các thành viên của cộng đồng tình báo này, những người đã liên kết chính trị với chiến dịch tranh cử của bà Clinton. Sự liên kết đó càng được thể hiện rõ qua cách FBI đối xử với chiến dịch tranh cử của bà Clinton, vốn khác biệt rất nhiều so với cách họ đối xử với ông Trump.
FBI đã phải đối mặt với một số đề nghị điều tra đối với chiến dịch tranh cử của bà Clinton vốn có khả năng ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Như ông Durham lưu ý trong mỗi trường hợp đó, không giống như cuộc điều tra của họ về ông Trump, FBI đã tiến hành hết sức thận trọng trong bất kỳ cuộc điều tra nào, thậm chí cả những cuộc điều tra rất ít liên quan đến chiến dịch của bà Clinton.
Trong một trường hợp, trụ sở FBI đã yêu cầu thông tin có tính bảo vệ phải được cung cấp cho bà Clinton và các quan chức khác, những người dường như là mục tiêu của sự can thiệp từ ngoại quốc. Nói cách khác, FBI đã cảnh báo cho chiến dịch của bà Clinton thay vì mở một cuộc điều tra về chiến dịch này như họ đã làm với ông Trump.
Trong một trường hợp khác, FBI đã quyết định kết thúc một cuộc điều tra sau khi một trong những người mật báo lâu năm và có giá trị của họ thực hiện các hành động vượt quá những gì được phép, đồng thời đóng góp một khoản tiền không phù hợp và có thể là bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton thay mặt cho một tổ chức ngoại quốc — và như một điềm báo trước cho một khoản đóng góp lớn hơn nhiều đang được dự tính.
Bất chấp mọi ồn ào xung quanh mối liên hệ bị cáo buộc của ông Trump với Nga, chính chiến dịch tranh cử của bà Clinton mới là mục tiêu của các hoạt động gây ảnh hưởng của một chính phủ ngoại quốc. Báo cáo của ông Durham lưu ý rằng một người mật báo (CHS) đã cung cấp thông tin cho FBI về các nỗ lực gây ảnh hưởng bầu cử nhắm vào chiến dịch tranh cử của bà Clinton hồi tháng 11/2015.
Ông Durham lưu ý rằng một người trong chính phủ ngoại quốc mà FBI biết là có những mối liên hệ với tội phạm và tình báo ngoại quốc đã yêu cầu người mật báo của FBI tổ chức một cuộc gặp với bà Hillary Clinton, để đề nghị những gì mà người mật báo này hiểu là các khoản đóng góp chiến dịch thay mặt cho chính phủ ngoại quốc ẩn danh này — để đổi lấy sự bảo vệ lợi ích của chính phủ đó nếu bà Clinton trở thành tổng thống.
Mặc dù có vẻ như cuộc gặp với người trong nội bộ của chính phủ ngoại quốc này không thực sự diễn ra, nhưng người mật báo này đã thay mặt họ đóng góp 2,700 USD cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton.
Hơn nữa, người mật báo này đã nói với cả FBI và ông Durham rằng chiến dịch tranh cử của bà Clinton “đồng ý với việc này” và rằng “họ đã biết hết mọi chuyện ngay từ đầu” về những khoản đóng góp được thực hiện.
Nhưng bất chấp việc thừa nhận đó với FBI — cùng với lời đề nghị cung cấp một biên lai thẻ tín dụng — đặc vụ FBI giải quyết vụ việc này đã từ chối ghi lại thông tin này trong hồ sơ vụ án, thậm chí còn đi xa đến mức yêu cầu người mật báo đó “tránh xa tất cả các sự kiện liên quan đến chiến dịch tranh cử của bà Clinton” từ đó loại bỏ thông tin chi tiết duy nhất của FBI về các nỗ lực gây ảnh hưởng bầu cử của chính phủ ngoại quốc trong quá trình này.
Ngoài ra, không giống như việc FBI nhanh chóng và tích cực mở cuộc điều tra Crossfire Hurricane, FBI dường như đã không nỗ lực điều tra về khoản đóng góp bất hợp pháp đó cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton.
Nhưng đó không phải là tất cả. Kể từ tháng 01/2016, các văn phòng hiện trường của FBI ở New York, Hoa Thịnh Đốn, và Little Rock, Arkansas đã mở một cuộc điều tra về hoạt động tội phạm có thể liên quan đến Quỹ Clinton.
Hai trong số các cuộc điều tra này đã được mở “dựa trên nguồn báo cáo rằng các chính phủ ngoại quốc được xác định là đã đóng góp, hoặc đề nghị đóng góp cho Quỹ này để đổi lấy sự đối xử tốt hoặc ưu tiên từ bà Clinton.”
Vào ngày 01/02/2016, một cuộc họp đã được tổ chức để thảo luận về các cuộc điều tra về Quỹ này. Ba tuần sau, vào ngày 22/02/2016, một cuộc họp khác được tổ chức tại trụ sở chính của FBI để thảo luận về các cuộc điều tra đối với Quỹ này. Không giống như những cuộc họp khác, cuộc họp đó do Phó Giám đốc FBI Andrew McCabe chủ trì, người đã đưa ra các chỉ thị rằng phải chấm dứt các cuộc điều tra về Quỹ Clinton.
Mặc dù các yêu cầu của ông McCabe đã vấp phải sự phản đối, nhưng cuộc họp đó đã kết thúc với chỉ thị chính thức rằng bất kỳ bước điều tra nào tiếp theo sẽ cần có sự chấp thuận trực tiếp của ông.
Ông Durham đã lưu ý rằng lệnh hạn chế này đối với hoạt động điều tra công khai về cơ bản vẫn được duy trì cho đến tháng 08/2016. Tuy nhiên, nỗ lực chấm dứt mọi cuộc điều tra về Quỹ Clinton không kết thúc ở đó. Một quan chức cao cấp của FBI thay mặt cho Giám đốc Comey đã thực hiện một cuộc gọi vào khoảng tháng 05/2016 để yêu cầu Văn phòng thực địa New York (NYFO) “chấm dứt và hủy bỏ” cuộc điều tra đối với Quỹ này vì một số lo ngại về hoạt động phản gián không được tiết lộ.
Văn phòng thực địa New York đã không bao giờ có thể xác định được vấn đề hoạt động phản gián do ông Comey nêu ra là gì.
Cả ba cuộc điều tra cuối cùng được quy về Văn phòng New York nhưng các văn phòng Biện lý Liên bang ở các Địa hạt phía Nam và phía Đông của New York đều từ chối đưa ra các trát đòi hầu tòa cho NYFO, mặc dù trước đó đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc điều tra này.
Việc FBI ngăn cản bất kỳ cuộc điều tra nào đối với bà Clinton, kết hợp với sự sốt sắng mà FBI đã thể hiện trong việc theo đuổi ông Trump đã chứng minh một điều. Cơ quan này không tiến hành một cuộc điều tra, mà họ đã thực hiện một chiến dịch.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times