Đằng sau hàng tỷ dollar tài trợ cho Iran là một thập niên thất bại về chính sách của Hoa Kỳ
Các hành động của ông Obama đối với Iran có ảnh hưởng lớn đến chính phủ hiện tại và chiến tranh Israel
Trong những tuần qua, chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã vấp phải rất nhiều chỉ trích vì ban hành quyền miễn trừ cho phép Iran nhận 6 tỷ USD từ các quỹ bị phong tỏa do các ngân hàng Nam Hàn nắm giữ.
Tuy nhiên, khoản tiền 6 tỷ USD cho Iran này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Để hiểu đầy đủ các tác động của việc chính phủ TT Biden nhượng bộ Iran, thì cần phải quay lại thời điểm trước đó — thỏa thuận hạt nhân của chính phủ TT Obama. Từ góc nhìn độc đáo này sẽ thấy rõ ràng rằng những hành động gần đây của TT Joe Biden thực sự là sự tiếp nối chính sách tai hại về Iran của cựu TT Barack Obama.
Theo thỏa thuận gần đây nhất, chính phủ TT Biden và Iran đã đồng ý một cuộc trao đổi tù nhân — những công dân Iran bị kết tội xuất cảng trái phép công nghệ bị kiểm soát cho Iran lấy năm công dân Mỹ bị chính quyền Iran bỏ tù oan. Đây không phải là lần đầu tiên Iran và Hoa Kỳ thực hiện một cuộc trao đổi tù nhân.
Phần quan trọng trong thỏa thuận Iran của TT Biden là việc cung cấp các quyền miễn trừ của Hoa Kỳ đối với Nam Hàn, cho phép chuyển khoản tiền 6 tỷ USD đã bị Hoa Kỳ phong tỏa từ thời chính phủ TT Trump. Dù trực tiếp hay gián tiếp, số tiền này đã được Hamas sử dụng trong các cuộc tấn công kinh hoàng vào Israel.
Số tiền đó vốn có nguồn gốc từ các giao dịch đầu mỏ, đã được chuyển vào một tài khoản do Qatar giám sát. Trong những ngày gần đây, Bộ Ngoại giao đã rất nỗ lực để bảo đảm với công chúng rằng sẽ có những hạn chế đáng kể trong việc sử dụng khoản tiền đó — dường như chỉ giới hạn dùng cho thực phẩm, thuốc men, và các thiết bị y tế.
Hoa Thịnh Đốn cũng cam đoan với chúng ta rằng họ sẽ có “tầm nhìn toàn diện” về việc Tehran dùng khoản tiền này. Tất nhiên, đây một quan điểm thật nực cười vì nhiều lý do. Qatar không chỉ là một quốc gia ủng hộ cho các nhóm Hồi Giáo cực đoan lâu nay, mà nước này còn là nơi ở lâu dài cho các lãnh đạo chính trị của Hamas. Qatar đóng vai trò là trung tâm tài chính trọng yếu của hầu hết các mạng lưới khủng bố Hồi Giáo, và họ còn là nước đồng tình và ủng hộ Iran.
Việc chính phủ TT Biden lựa chọn Qatar làm bên được gọi là “giám sát khoản tiền” rõ ràng có ý nghĩa nào đó. Nếu muốn, Qatar đơn giản là có thể chỉ cần giữ số tiền ký quỹ và thanh toán cho Iran bằng một tài khoản khác.
Nhưng còn có một vấn đề trực diện hơn nữa.
Khác với hàng hóa cụ thể, tiền mặt là có thể chuyển đổi. Ngay cả khi Iran sử dụng 6 tỷ USD theo quy định, thì các khoản tiền mới từ chính phủ Biden này sẽ giải phóng các khoản tiền khác vốn sẽ được sử dụng để mua những mặt hàng tương tự.
Thực tế là kế hoạch của TT Biden đã tăng ngân sách của Iran lên thêm 6 tỷ USD một cách hiệu quả — một số tiền rất lớn so với quy mô nền kinh tế của nước này — số tiền trên đã được phân bổ cho các mục tiêu khác trong ngân sách của họ, và đã được dỡ phong tỏa để duy trì các hoạt động tài trợ khủng bố của chính quyền này.
Trong khi đó, Iran không hề giấu giếm ý đồ của mình. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã nói rằng chính quyền của ông sẽ quyết định cách chi tiêu 6 tỷ USD trong các quỹ bị phong tỏa trước đây, đồng thời nói với ký giả Lester Holt của NBC News rằng số tiền này sẽ được chi tiêu vào “bất cứ việc gì chúng tôi cần”.
Ngoài những lời bào chữa thì chính phủ TT Biden thừa biết rằng bất kỳ số tiền nào chuyển đến Iran sẽ được sử dụng để tiếp tục tài trợ cho hoạt động khủng bố của họ.
Gần đây hôm 25/08, Phó Ban Cơ quan Chính trị của Hamas thông báo trên kênh truyền hình vệ tinh Al Mayadeen của Lebanon ủng hộ Hezbollah trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Chúng tôi đang chuẩn bị cho một cuộc chiến toàn diện, và chúng tôi đang thảo luận chặt chẽ về những triển vọng của cuộc chiến này với tất cả các bên liên quan.”
Ông cho biết thêm: “Cuộc chiến toàn diện này sẽ là một sự thất bại cho Israel, và chúng tôi thấy rằng các cuộc chiến truyền thống đã thay đổi, điều đó được chứng minh qua cuộc xung đột ở Ukraine.”
Tệ hơn nữa, ngay sau cuộc tấn công đầu tiên kinh hoàng vào Israel, Ngoại trưởng Antony Blinken đã thừa nhận rõ ràng trong chương trình “Meet the Press” (Gặp gỡ Báo giới) của NBC News rằng giới chức chính phủ đã biết trước việc Iran sẽ làm gì với số tiền được dỡ phong tỏa đó.
Ông nói: “Thật không may Iran luôn dùng và tập trung tiền của họ vào việc trợ giúp khủng bố”.
Nhưng tình hình thực tế thật sự còn tồi tệ hơn nhiều so với vẻ bề ngoài của nó.
Hoa Kỳ cũng đã cho phép một miễn trừ khác trước đó, lần này là liên quan tới Iraq. Quyết định này đã dỡ phong tỏa khoản tiền lên tới 10 tỷ USD, ngoài số tiền 6 tỷ USD gần đây.
Iraq đã tuyên bố hồi tháng Bảy rằng họ sẽ hoàn trả hàng tỷ dollar tiền nợ khí đốt cho Iran bằng dầu thay vì tiền mặt — một hành động vi phạm các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ nếu không có sự cho phép và cấp quyền miễn trừ từ Hoa Thịnh Đốn.
Giao dịch này không tự dưng diễn ra. Giao dịch diễn ra sau nhiều tuần có các tin tức liên quan tới việc Hoa Kỳ đề nghị dỡ bỏ phong tỏa tiền mặt cho Iran miễn là Tehran đồng ý rằng họ sẽ không sản xuất uranium ở cấp độ vũ khí.
Ngoài ra còn con đường khác, ít được đưa tin hơn đã mang về cho Iran một lượng tiền khổng lồ.
Đó là xuất cảng dầu sang Trung Quốc.
Bất chấp các lệnh trừng phạt đang được áp dụng, Trung Quốc vẫn là khách hàng mua dầu lớn từ Iran — trong khi chính phủ TT Biden cố ý làm ngơ. Tổng cộng, Iran đã xuất cảng tới 2 triệu thùng mỗi ngày — tất cả đều được chính phủ Hoa Kỳ cho phép.
Khoản tài trợ có chủ ý này cho Iran chỉ hợp lý khi nó được nhìn nhận là một sự tiếp diễn cách tiếp cận của TT Obama với Iran.
Đó là một cách tiếp cận chủ đạo khi TT Obama đưa ra những nhượng bộ trong suốt sự kiện thỏa thuận hạt nhân Iran; thỏa thuận này có lợi cho Iran tới mức cựu tổng thống của quốc gia này đã từng tuyên bố rằng “Việc quan trọng nhất của bộ trưởng ngoại giao của chúng ta là ủng hộ Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện” hay JCPOA, như đã được biết đến một cách chính thức.
Khi TT Obama quyết định đảm nhận vai trò lãnh đạo cá nhân trong các cuộc đàm phán hạt nhân Iran, nền kinh tế Iran đang phải chịu một loạt các lệnh trừng phạt kinh tế kéo dài hàng thập niên. Tuy nhiên, thay vì ủng hộ mong muốn của Quốc hội nhằm thắt chặt các lệnh trừng phạt — từ đó duy trì áp lực lên các giáo sĩ cầm quyền — thì ông Obama đã chọn cách nới lỏng các hạn chế kinh tế như khúc dạo đầu cho các cuộc đàm phán của mình.
Nền kinh tế Iran lại bắt đầu tăng trưởng trở lại vào năm 2014 — và năng lực đàm phán của họ cũng vậy. TT Obama đã ký một thỏa thuận với Iran cho phép người Iran giấu đi phần lớn các hoạt động hạt nhân của họ, không có bất kỳ hành động thực thi hoặc trừng phạt thực sự nào, chấm dứt mọi biện pháp trừng phạt kinh tế, chấm dứt lệnh cấm vận đối với các hoả tiễn đạn đạo, và bắt đầu hết hiệu lực trong mười năm.
Chính TT Obama cũng đã thừa nhận rằng Iran sẽ có đầy đủ năng lực hạt nhân gần như ngay lập tức sau khi thỏa thuận trên hết hiệu lực. Trong bối cảnh những sự nhượng bộ lớn này, thì một cách khó hiểu Hoa Kỳ đã cho phép Iran tiếp cận hơn 120 tỷ USD từ các quỹ ở ngoại quốc và với các phi cơ chở đầy tiền mặt.
Và cũng giống TT Biden, TT Obama đã đồng ý phóng thích bảy người Iran như một phần của thỏa thuận. Vào thời điểm diễn ra thoả thuận, ông mô tả họ là “thường dân, doanh nhân, đang chờ xét xử vì vi phạm liên quan đến các lệnh trừng phạt và vi phạm lệnh cấm vận thương mại”. Trên thực tế, những người đàn ông này đã bị Bộ Tư pháp cáo buộc là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Tác động của các lệnh trừng phạt
Trước các cuộc đàm phán của TT Obama với Iran, nước này đã phải chịu áp lực lớn từ các lệnh trừng phạt quốc tế. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Iran đã giảm 9% từ giữa tháng 3/2012 và đến tháng 3/2014 và sau đó ước tính giảm 15-20% so với mức khi không có các lệnh trừng phạt.
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt khiến Iran thiệt hại 160 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015. Iran không thể sử dụng hơn 120 tỷ USD dự trữ được giữ trong các ngân hàng ở ngoại quốc. Kết quả là đồng rial của Iran hoàn toàn sụp đổ. Trong 10 tháng đầu năm 2012, đồng tiền của Iran mất hơn 80% giá trị trao đổi; chỉ trong một ngày, ngày 01/10/2012, nó đã giảm 15% giá trị.
Sự sụp đổ của đồng rial đã khiến lạm phát tăng vọt lên 27.4% vào năm 2012 từ mức vốn đã gây lo ngại là 20.6% năm 2011, trước khi đạt đỉnh điểm 39.3% năm 2013. Iran phải đối mặt với áp lực kinh tế rất lớn.
Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi với Iran khi ông Hassan Rouhani, một cựu nhà đàm phán hạt nhân được bầu làm tổng thống Iran vào năm 2013. Ba ngày sau khi nhậm chức, ông Rouhani đã kêu gọi việc nối lại đàm phán với Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Anh Quốc, và Hoa Kỳ về chương trình hạt nhân của Iran.
Thỏa thuận của TT Obama
Vào ngày 27/09/2013, TT Obama đã đích thân gọi điện cho ông Rouhani, đánh dấu hoạt động liên lạc ở cấp cao nhất giữa Hoa Kỳ và Iran kể từ năm 1979. Các cuộc đàm phán bắt đầu vào hồi tháng 10/2013 tại Geneva.
Trong khi Quốc hội đang thúc đẩy việc thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt trước cuộc đàm phán, thì vào ngày 23/11/2013, TT Obama tuyên bố dỡ bỏ vòng trừng phạt đầu tiên đối với Iran.
Sự nhượng bộ đó có giá trị rất lớn [đối với Iran], gồm 3 tỷ USD tiền mặt, thêm 16 đến 17 tỷ USD vàng, và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt về dầu mỏ và xe hơi — cả gói trị giá 20 tỷ USD đã làm tăng tổng dự trữ ngoại hối của Iran lên mức đáng kinh ngạc là 25%.
Sau tuyên bố của TT Obama, hàng loạt phái đoàn thương mại đã đến Iran — trong đó có 10 nhóm trong hai tuần đầu tiên của tháng 01/2014. Kinh tế Iran bắt đầu khôi phục gần như ngay lập tức. GDP của Iran tăng trưởng 3% năm 2014, và lạm phát giảm xuống mức 17% từ mức 39% trước đó.
Nền kinh tế Iran bắt đầu tăng trưởng, và năng lực đàm phán của họ cũng thế.
Vào ngày 14/07/2015, Hoa Kỳ cùng với Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, và Đức đã đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran. Thỏa thuận này được gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), đã dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt kinh tế và cho phép Iran tiếp cận 120 tỷ USD dự trữ tại các ngân hàng ở ngoại quốc.
JCPOA cũng có một điểm tử huyệt: Điều khoản Hoàng hôn (Sunset Clauses): Những biện pháp đó cho phép bỏ các hạn chế quan trọng về vấn đề hạt nhân, vũ khí và hỏa tiễn đạn đạo trong khoảng thời gian từ 5 đến 15 năm.
Tất cả những gì Tehran phải làm chỉ đơn giản là tuân thủ thỏa thuận này để có thể trỗi dậy thành một cường quốc hạt nhân tiềm năng với chương trình làm giàu uranium ở quy mô công nghiệp.
Thỏa thuận tương tự cũng sẽ cho phép Iran bắt đầu phổ biến vũ khí khắp Trung Đông. Do các điều khoản Hoàng Hôn do Tổng thống Obama đưa ra, nên lệnh cấm vận vũ khí quốc tế áp đặt lên Iran đã hết hiệu lực từ ngày 18/10/ 2020.
Kết quả là, việc cung cấp, bán, hoặc chuyển giao “bất kỳ xe tăng chiến đấu, xe bọc thép chiến đấu, hệ thống pháo cỡ lớn, chiến đấu cơ, trực thăng chiến đấu, tàu chiến, hỏa tiễn hoặc hệ thống hỏa tiễn nào cho Iran sẽ không còn cần đến sự chấp thuận của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc”. Các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc cũng không còn nghĩa vụ ngăn chặn việc cung cấp, bán, và chuyển giao vũ khí hay vật liệu liên quan cho Iran.
“Việc lệnh cấm vẫn vũ khí này hết hiệu lực sẽ gây ra hậu quả tàn khốc tức thì đối với Yemen, Bahrain, Lebanon, Syria, Iraq, và Israel,” Một báo cáo từ năm 2019 đã dự đoán. “Các tổ chức khủng bố như Lực lượng vệ binh Cách mạng Hồi giáo, Hezbollah, và Hamas có thể trở thành những đối tượng hưởng lợi nhất từ điều khoản hoàng hôn này.”
Giờ chúng ta biết chắc chắn rằng dự đoán này hoàn toàn đúng.
Ngoài ra thỏa thuận này còn có một vấn đề khác.
Các yêu cầu trong JCPOA nói rõ rằng các hạn chế đối với hỏa tiễn đạn đạo sẽ được giữ nguyên trong 8 năm. Khẳng định này đã được chính phủ TT Obama đưa ra nhiều lần. Nhưng TT Obama đã âm thầm thực hiện một số thay đổi đáng lưu ý trong phần văn bản về hỏa tiễn đạn đạo.
Nằm sâu trong JCPOA, trên trang 99, Phụ lục B, mục 3, có đoạn như sau: “Iran được đề nghị không thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến hoả tiễn đạn đạo được chế tạo để có thể mang vũ khí hạt nhân, bao gồm cả các vụ phóng hỏa tiễn sử dụng những công nghệ hoả tiễn đạn đạo như vậy.”
Các cụm từ “được đề nghị” và “được chế tạo để có thể” là những thay đổi vô cùng quan trọng đối với ngôn ngữ ban đầu có trong nghị quyết trước đó của Liên Hiệp Quốc, vốn tuyên bố rằng “Iran sẽ không được thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến hoả tiễn đạn đạo có khả năng mang vũ khí hạt nhân, bao gồm cả những cuộc phóng hoả tiễn sử dụng những công nghệ hoả tiễn đạn đạo như vậy.”
Những thay đổi này không phải là được vô ý đưa ra.
Iran bắt đầu xây dựng các cơ sở sản xuất hỏa tiễn ở Syria và Lebanon. Vào ngày 15/08/2017, tờ The Time của Israel đã đưa tin về việc Iran đã xây dựng một cơ sở sản xuất hỏa tiễn của tại Syria, gần thành phố ven biển Baniyas, phía bắc của Tartus.
Sau đó, vào ngày 22/08/2017, người đứng đầu của bộ phận nguyên tử của Iran đã khiến cộng đồng quốc tế kinh ngạc khi tuyên bố rằng Iran chỉ cần 5 ngày để tăng cường làm giàu uranium lên tới mức 20% – mức mà uranium có thể nhanh chóng được làm giàu thêm để sử dụng làm vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận hạt nhân của TT Obama không những vô dụng, mà nó còn giải quyết một cách hiệu quả mọi vấn đề của Iran.
Theo sự thừa nhận của chính Iran, họ đã kiểm soát được toàn bộ khả năng để khởi động lại quá trình làm giàu uranium 20% gần như ngay lập tức. JCPOA đã bảo toàn năng lực hạt nhân của Iran. Năng lực đã không bị đảo ngược một cách đáng kể, mà chỉ bị tạm ngưng. Áp lực quốc tế đã giảm đi. Nền kinh tế của Iran đã ngay lập tức tăng trưởng cùng với việc các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và vốn đầu tư từ ngoại quốc tràn vào.
Thỏa thuận JCPOA cũng nới lỏng các hạn chế đối với sự phát triển hỏa tiễn đạn đạo của Iran, và kết quả là, chương trình hoả tiễn đạn đạo của Iran ngày nay đã tiến xa hơn nhiều. Và, cuối cùng, Iran cũng được phép tiếp cận hơn 120 tỷ USD tiền mặt.
Vào thời điểm ký JCPOA, tờ New York Times đã tóm lược tình hình một cách hoàn hảo: Chính phủ TT Obama “nói rằng năng lực của Iran đã bị vô hiệu hoá; còn người Iran nói rằng năng lực hạt nhân của họ đã được bảo toàn.” Iran đã đàm phán với một đối tác sẵn sàng hợp tác trong chính phủ TT Obama và tiến hành chương trình hạt nhân của họ với tốc độ chậm, nhưng về căn bản vẫn bảo toàn nguyên vẹn.
Đổi lại, Iran được tiếp cận với nguồn tiền lớn ở hải ngoại và dòng vốn đầu tư từ ngoại quốc tràn vào. Iran có thể xây dựng lại nền kinh tế và tiếp tục chương trình hạt nhân của họ. Họ cũng có thể bắt đầu phân phối vũ khí và hoạt động khủng bố khắp Trung Đông.
Nỗi kinh hoàng mà chúng ta đã chứng kiến ở Israel và hậu quả là chiến tranh lan rộng không chỉ do TT Biden mà còn do người khởi xướng ra tất cả những vấn đề này: TT Obama.
Thiên Cầm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times