Người đứng đầu Ngũ Giác Đài lo ngại về những mối đe dọa đối với quân đội Hoa Kỳ ở Trung Đông
Các quan chức hàng đầu bày tỏ lo ngại rằng chiến sự Israel-Hamas có thể leo thang trên khắp Trung Đông.
Nhà ngoại giao và quan chức quốc phòng hàng đầu của Hoa Kỳ cho biết hôm 22/10 rằng họ nhìn thấy viễn cảnh leo thang đáng kể về các cuộc tấn công nhằm vào quân đội Hoa Kỳ ở Trung Đông cũng như về việc Iran đang tìm cách mở rộng cuộc chiến Israel–Hamas.
Hôm 22/10, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết Hoa Kỳ không muốn thấy xung đột lan rộng và việc khai triển gần đây của Hoa Kỳ tới khu vực này là nhằm ngăn chặn điều đó xảy ra.
Ông Blinken nói với NBC News rằng ông hy vọng Hamas sẽ trả tự do cho nhiều con tin hơn nữa. Hamas là một nhóm khủng bố được Bộ Ngoại giao chỉ định đã tấn công Israel vào ngày 07/10 và sát hại khoảng 1,400 người, trong đó có nhiều thường dân. Israel đã đáp trả bằng các cuộc không kích nhằm vào Dải Gaza, nơi Hamas nắm quyền kiểm soát.
Ông Austin nói với chương trình “This Week” của ABC: “Chúng tôi lo ngại về khả năng leo thang chiến tranh. Trên thực tế, những gì chúng tôi đang thấy … là nguy cơ gia tăng đáng kể các cuộc tấn công nhằm vào quân đội và người dân của chúng tôi trên khắp khu vực. Nếu bất kỳ tổ chức hoặc quốc gia nào đang muốn mở rộng cuộc xung đột này … thì lời khuyên của chúng tôi là: đừng làm như vậy.”
Hôm 22/10, ông Blinken nói rằng phải có cách bảo đảm rằng Hamas không thể thực hiện một cuộc tấn công tương tự trong tương lai, mặc dù ông nói rằng Israel không muốn giám sát Gaza.
Ông nói với chương trình “Meet the Press” của NBC: “Những gì tôi nghe được từ người Israel là [họ] hoàn toàn không có ý định, không có mong muốn tự mình điều hành Gaza. Nhưng họ không thể ở trong tình thế nơi mà họ thường xuyên phải đối mặt với mối đe dọa của các cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng nhất đến từ Gaza. Vì vậy, cần phải tìm ra điều gì đó để bảo đảm rằng Hamas không thể tái diễn điều này.”
Israel đã tập hợp xe tăng và quân đội ở gần biên giới có hàng rào xung quanh Gaza để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược trên bộ nhằm tiêu diệt Hamas, sau nhiều cuộc chiến bất phân thắng bại kể từ khi nhóm này thâu đoạt quyền lực ở khu vực đó hồi năm 2007 sau khi Israel chấm dứt cuộc chiếm đóng kéo dài 38 năm. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ đâu là kết cục mà Israel dành cho Gaza.
“[Có] những ý tưởng khác nhau về những gì có thể xảy ra sau đó. Nhưng trên tất cả … thì đó là điều cần được giải quyết ngay cả khi Israel đang đối phó với mối đe dọa hiện tại,” ông Blinken nói, lưu ý rằng Israel “không thể quay trở về hiện trạng.”
Kể từ khi xung đột nổ ra, Ngũ Giác Đài đã khai triển một số lượng lớn khí tài quân sự tới Trung Đông và Đông Địa Trung Hải, bao gồm hai nhóm hàng không mẫu hạm, 2,000 lính thủy đánh bộ, và các thiết bị quân sự khác. Vài ngày trước đó, một khu trục hạm của Hải quân Hoa Kỳ đã bắn hạ các hỏa tiễn được cho là do các nhóm dân quân Houthi đóng tại Yemen bắn, mặc dù Ngũ Giác Đài nói rằng con tàu này không phải là mục tiêu dự định.
Hôm 21/10, Ngũ Giác Đài cho biết Hoa Kỳ sẽ gửi một hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) và nhiều hệ thống hỏa tiễn phòng không Patriot hơn tới khu vực này.
Trong một tuyên bố, ông Austin cho biết: “Sau các cuộc thảo luận chi tiết với Tổng thống Biden về những leo thang gần đây của Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này trên khắp Khu vực Trung Đông, hôm nay tôi đã chỉ thị một loạt các bước bổ sung để củng cố hơn nữa vị thế của Bộ Quốc phòng trong khu vực. Những bước đi này sẽ tăng cường các nỗ lực răn đe trong khu vực, tăng cường bảo vệ lực lượng cho các lực lượng Hoa Kỳ trong khu vực, và trợ giúp cho nỗ lực phòng thủ của Israel.”
Tuyên bố viết rằng nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Dwight D. Eisenhower đã được cử đến “khu vực chịu trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Trung ương” và “sẽ củng cố hơn nữa vị thế lực lượng của chúng ta, đồng thời tăng cường năng lực quân sự và khả năng ứng phó của chúng ta với một loạt những tình huống bất ngờ.”
Theo ông Austin, hệ thống THAAD đã được khai triển “đến các địa điểm trên khắp khu vực này để tăng cường khả năng bảo vệ lực lượng của [quân đội].”
Ông nói: “Cuối cùng, tôi đã bố trí thêm một số lực lượng theo lệnh sẵn sàng khai triển như một phần của kế hoạch dự phòng thận trọng, để tăng cường sự sẵn sàng và khả năng phản ứng nhanh chóng theo yêu cầu.”
Hoa Kỳ có 2,500 binh sĩ ở Iraq và thêm 900 binh sĩ ở nước láng giềng Syria với sứ mệnh là cố vấn và trợ giúp các lực lượng địa phương chống lại nhóm khủng bố ISIS, nhóm mà năm 2014 đã chiếm giữ nhiều khu vực ở cả hai nước này.
Tại Syria, nơi Iran, quốc gia hậu thuẫn chính cho Hamas trong khu vực có sự hiện diện quân sự, hỏa tiễn của Israel đã tấn công phi trường quốc tế Damascus và Aleppo vào sáng sớm hôm 22/10, khiến cả hai phi trường này ngừng hoạt động và hai nhân viên thiệt mạng, truyền thông nhà nước Syria cho biết.