‘Những chiến binh ôn hòa’: Cuộc biểu tình đánh dấu động lực chống lại Trung Quốc cộng sản đang gia tăng
‘Cho dù là Trung Quốc, Hoa Kỳ, hay các quốc gia khác trên thế giới, thì hoạt động kỷ niệm phản đối sự chuyên chế và áp bức luôn có cơ sở và nên làm.’
NEW YORK—Trong những năm trước khi rời Trung Quốc, anh Trần Vĩ Kiệt (Chen Weijie) thích viết một thông điệp hơn bất kỳ dòng chữ nào khác.
Anh để lại dấu bút của mình trên đá, trên cây, và trên ghế, và ở khắp mọi nơi.
“Pháp Luân Đại Pháp hảo. Chân – Thiện – Nhẫn hảo.”
Anh Trần không tu luyện Pháp Luân Công, đức tin có ba giá trị nói trên mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đặt thành ưu tiên hàng đầu để xóa sổ trong 25 năm qua.
Nhưng anh nhận thấy đây là “điều đúng đắn nên làm—và vô cùng khẩn thiết.”
“Tôi biết Pháp Luân Công là điều mà ĐCSTQ sợ nhất,” người đàn ông 35 tuổi này nói tại một cuộc mít-tinh hôm 21/04, đánh dấu 25 năm các học viên tổ chức cuộc thỉnh nguyện ôn hòa tại Bắc Kinh, vốn diễn ra vài tháng trước khi chính quyền cộng sản phát động một cuộc đàn áp toàn diện mà đến nay đã sát hại hàng ngàn người, theo những ước tính dè dặt.
“Bất cứ điều gì ĐCSTQ sợ nhất thì đó là điều mà tôi muốn làm.”
Anh viết bằng tay trái và thường đeo khẩu trang. Anh cũng tránh xa máy ghi hình. Anh cho biết đó là cách anh thể hiện sự kháng cự trước một chế độ ở một đất nước mà việc thốt ra chính những lời đó sẽ khiến người ta có nguy cơ bị bắt giữ và tra tấn.
“ĐCSTQ là tổ chức tội phạm lớn nhất thế giới,” anh nói với The Epoch Times, đồng thời cho biết thêm rằng anh đã khóc khi xem các video vạch trần kế hoạch sát nhân để lấy nội tạng do nhà nước bảo trợ, được gọi là nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Anh nói rằng chính quyền vô thần này “không chấp nhận được đức tin,” thứ mà họ xem là sự cạnh tranh về tinh thần, bởi vì chính quyền này muốn hoàn toàn chi phối trái tim và tâm trí của người dân.
Anh Trần là một trong hơn chục diễn giả tại một cuộc mít-tinh cũng tôn vinh phong trào Thoái Đảng (Tuidang). Thoái Đảng là những nỗ lực cấp cơ sở của cộng đồng người Hoa nhằm vạch ra ranh giới giữa họ và chế độ này bằng cách rút khỏi các tổ chức trực thuộc của ĐCSTQ như Đoàn Thanh niên Cộng sản và Đội Thiếu niên Cộng sản mà mọi người bị ép buộc phải tham gia trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, thường dưới áp lực đồng trang lứa hoặc với hy vọng thăng tiến trong sự nghiệp.
Theo Trung tâm Thoái Đảng có trụ sở tại New York, nơi tổ chức cuộc mít-tinh cũng như một cuộc diễn hành trước đó tại khu phố có chủ yếu người gốc Á này, số người đã tham gia phong trào, sử dụng tên thật hoặc bí danh, hiện đã lên tới 430 triệu người.
Các học viên Pháp Luân Công đã và đang thúc đẩy các nỗ lực ở Trung Quốc, phân phát tờ tài liệu và một cuốn sách có tên “Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản Trung Quốc,” một loạt bài xã luận của The Epoch Times phân tích bản chất của ĐCSTQ và liệt kê các tội ác của đảng này.
“Chính sự tồn tại của ĐCSTQ là mối đe dọa đối với toàn thế giới,” học viên Pháp Luân Công Trần Kính Vũ (Chen Jingyu) nói. Chị gái 55 tuổi của bà, bà Trần Kính Huy (Chen Jinghui), một người gốc Trường Xuân — nơi Pháp Luân Công lần đầu tiên được truyền ra công chúng — đã bị bắt hồi tháng Ba, khiến không có ai chăm sóc cha mẹ đã ngoài 80 tuổi của họ.
Các nhà hoạt động và những người ủng hộ tự do đã lên tiếng ủng hộ phong trào này.
Bà Martha Flores-Vazquez, một lãnh đạo địa hạt Quốc hội của Đảng Dân Chủ ở Queens, nói rằng bà rất xúc động mỗi khi tham dự một cuộc mít-tinh của học viên Pháp Luân Công.
“Tôi không khóc vì vui mừng. Tôi khóc vì chúng ta cần chấm dứt cuộc đàn áp này. Cuộc đàn áp cần phải dừng lại — những gia đình tan nát, nội tạng bị thu hoạch trong khi người ta vẫn còn sống,” bà nói trong một bài diễn văn, đồng thời cảm ơn hàng trăm học viên Pháp Luân Công trong đám đông vì sự kiên trì và mạnh mẽ của họ.
“Trong đời tôi chưa bao giờ gặp những người mạnh mẽ và can đảm như quý vị.”
Bà Cecilia Crowley, giám đốc điều hành tại công ty đầu tư Newcomb and Associates, đã mô tả những người thoái xuất khỏi ĐCSTQ là “những chiến binh.”
Bà nói với The Epoch Times: “Việc này gần giống như cá bơi ngược dòng. Nhưng họ là những chiến binh ôn hòa.”
Bà nói tại cuộc mít-tinh: “Thế lực áp bức tìm cách xóa bỏ sự thật chỉ mới tồn tại được 75 năm.”
Chồng bà, ông Fred Newcomb, một chủ ngân hàng đầu tư và là chủ tịch danh dự của Tổ chức Trách nhiệm Con người Thế giới của Liên Hiệp Quốc, cũng đồng tình với bà.
Ông nói trong một diễn văn: “Cho dù là Trung Quốc, Hoa Kỳ, hay các quốc gia khác trên thế giới, thì hoạt động kỷ niệm để phản đối sự chuyên chế và áp bức luôn rất có cơ sở và nên làm.”
Ông nói rằng những gì họ đang làm là phù hợp với tinh thần của nước Mỹ, một đất nước được thành lập bởi những người khao khát tự do.
Ông nói với The Epoch Times: “Tôi là công dân của một quốc gia đi khắp thế giới chiến đấu vì những quốc gia khác, đặt cược mạng sống của những người lính của chúng ta, những người đã hy sinh vì chúng ta và những quốc gia đó. Tôi nghĩ tôi cảm nhận được điều đó khá mạnh mẽ.”
Anh Cung Khải (Gong Kai), người sống sót trong gang tấc sau Chính sách Một Con hiện đã được loại bỏ vì anh là người con thứ ba, đã công nhận rằng phần mềm mà các học viên Pháp Luân Công phát triển cho người dân Trung Quốc để vượt qua “Vạn lý Tường lửa” (Great Firewall) của chính quyền này, được gọi là Freegate, đã giúp anh mở rộng tầm mắt nhìn ra thế giới tự do. Anh cho biết bằng cách sử dụng công cụ này để vượt qua sự kiểm duyệt Internet ở trường đại học, anh phát hiện ra mình đã “đang sống trong một thế giới giả tạo” trong 20 năm.
Khi anh đang xem phiên bản video của Cửu Bình trong ký túc xá đại học, anh nói rằng tám người bạn cùng phòng khác của anh đã bỏ trò chơi điện tử và tham gia cùng anh. Theo anh Gong, sau khi xem xong, họ đã ngừng tham gia các hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản và các lớp tư tưởng Đảng.
Trong một bài diễn văn viết sẵn, ông Cai Yuanxing, một công chức đã về hưu từng làm việc tại một công ty nhà nước Trung Quốc, chính thức tuyên bố thoái Đảng sau 21 năm gắn bó.
“Người Trung Quốc có câu nói rằng ‘mỗi người đều giúp sức xô bức tường đang đổ (Tường đảo chúng nhân thôi),’” ông nói. “Tôi cũng muốn tham dự vào để xô ngã ĐCSTQ.”
Người ta nói rằng trong những năm gần đây, nhà lãnh đạo cộng sản Tập Cận Bình đã đề cập đến việc phá vỡ “bản chất chu kỳ của lịch sử”: sự nổi lên và sụp đổ của những người cai trị, ông nói.
Nhà lãnh đạo của chính quyền này đã thấy “đảng cộng sản đang sụp đổ,” ông nói. “Họ [ĐCSTQ] đang hoảng loạn.”
“Đảng Cộng sản hiện nay rất yếu,” ông nói. “Tất cả chỉ chờ [một] giọt nước làm tràn ly.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times