Những bức tranh gốm sứ đạt Huy Chương Vàng của một nghệ sĩ Hồng Kông
Bà Betty khuyến khích thế hệ trẻ tuổi kế thừa loại hình thủ công nghệ thuật này.
Những chú bướm sặc sỡ đang bay lượn khắp bầu trời, tô điểm thêm sắc màu cho muôn ngàn bông hoa. Bố cục chặt chẽ và sắc vàng rực rỡ tạo thêm sức sống cho tác phẩm. Đây là những mô tả về Dancing Butterflies [Đàn Bướm Nhảy Múa], một bức tranh nghệ thuật vẽ trên gốm sứ, đã đạt giải huy chương vàng trong buổi Triển lãm Văn hóa & Nghệ thuật Tranh Gốm Sứ quốc tế tại Hồng Kông năm 2022. Vẻ đẹp quý báu này được sáng tạo bởi bà Betty Liêu Ỷ Linh, nữ chủ tịch của Hiệp Hội Nghiên cứu Gốm Sứ Hồng Kông.
Kể từ khi trở thành một thành viên của Hiệp hội Nghiên cứu Gốm Sứ Hồng Kông vào năm 2016, bà Betty, khi đó đã là một nghệ sĩ có nhiều năm kinh nghiệm, cảm nhận rằng bà vừa mở ra được một cánh cửa mới. Bà được tiếp xúc với rất nhiều chuyên gia và học hỏi được từ rất nhiều bậc thầy trong lĩnh vực vẽ tranh trên gốm sứ này. Những kiến thức và cơ hội này cũng giúp cho bà phát triển thêm kỹ pháp của riêng mình.
Tác phẩm nghệ thuật tranh gốm sứ “Dancing Butterflies –Vũ điệu bươm bướm” của bà Betty đã chiến thắng giải Huy Chương Vàng tại buổi Triển lãm Văn hóa & Nghệ thuật Tranh Gốm Sứ quốc tế tại Hồng Kông năm 2022. (Ảnh: Đăng dưới sự cho phép của bà Betty)
Bà Betty đã tốt nghiệp khoa Mỹ thuật tại trường đại học Trung Quốc của Hồng Kông. Bà đã hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghệ thuật trong hơn 30 năm, và hội họa chính là một phần thiết yếu trong cuộc sống của bà.
Tranh Gốm Sứ của Hồng Kông thường được gọi là “Cảng Thải” (Gangcai) [“Thải” tiếng Hán có nghĩa là rực rỡ, nhiều màu] được kết hợp bởi nhiều yếu tố nghệ thuật của cả Trung Quốc lẫn Tây Phương đồng thời cũng thể hiện được những sắc màu địa phương đặc trưng của Hồng Kông. Gangcai có nguồn gốc từ gốm sứ Quảng Châu, phong cách đặc trưng của đồ gốm được trang trí ở Quảng Đông. Đồ gốm sứ Quảng Châu là một trong bốn loại nổi tiếng nhất ở Trung Quốc.
Trước đây, nhận thức của bà Betty đối với Tranh Gốm Sứ của Hồng Kông là khá nông cạn. Tuy nhiên kể từ khi có dự án tìm hiểu về sự phát triển của tranh gốm sứ ở Hồng Kông sau khi bà tham gia vào Hiệp hội Nghiên cứu Gốm Sứ Hồng Kông. Là người chịu trách nhiệm về vấn đề giáo dục và khuyến học, nên bà cần phải tham khảo tư vấn từ nhiều vị chuyên gia lâu năm và từ đó đã thấu hiểu được về rất nhiều thể loại khác nhau của di sản văn hóa gốm sứ Quảng Châu.
Từ khi bà Betty hiểu rõ về lịch sử phát triển từ đồ gốm Quảng Châu cho đến Tranh sứ của Hồng Kông, bà đã hình thành nên một mối quan tâm mạnh mẽ đối với ngành công nghiệp này cũng như đã gia nhập vào đó.
Bà đã từng sáng tác nhiều tác phẩm hội họa Tây phương như tranh sơn dầu và tranh in ấn. Những kỹ năng này đã đặt một nền móng vững chắc cho bà khi bắt đầu sáng tạo Tranh Sứ Hồng Kông, từ đó bà có thể vẽ trên sứ một cách dễ dàng và đạt được tiến bộ nhanh chóng trong một thời gian ngắn. “Chỉ một mẫu vật gốm sứ Quảng Châu nhỏ bé cũng chứa đựng tất cả lịch sử, văn hóa, kiến thức khoa học, sự khéo léo, tinh thần dân tộc và cả trí tuệ dân gian của chúng ta ở bên trong đó.” Bà Betty chia sẻ.
Tình yêu đối với Tranh Gốm Sứ
Gốm Sứ Quảng Châu được biết đến với tên gọi “Quảng Thải”, có bề dày lịch sử gần một thế kỷ. Loại gốm sứ này rất phổ biến ở Hồng Kông, có rất nhiều thương gia nước ngoài đã đến và mua đồ gốm sứ Quảng Châu ở tại Hồng Kông. Một số lượng lớn những nghệ nhân gốm sứ Quảng Châu tài năng đã đến Hồng Kông vào những năm 1920, truyền bá kỹ năng của họ một cách rộng rãi, và thậm chí đã tích hợp cả những nền văn hóa của Tây phương lẫn Đông phương cũng như phát triển cao siêu hơn nữa trở thành Tranh Gốm Sứ của Hồng Kông.
Sau khi bà Betty tiếp xúc với tranh gốm sứ, bà đã bị hấp dẫn sâu sắc bởi loại hình nghệ thuật này. “Tôi nghĩ rằng tranh gốm sứ cho phép thể hiện rất đa dạng các phương pháp biểu đạt nghệ thuật. Bao gồm cả các kỹ pháp của sơn dầu, màu nước, mực in, tranh in, và thậm chí là cả điêu khắc cũng có thể được áp dụng vào trong tranh gốm sứ. Bà Betty nói, bất kỳ khi nào tác phẩm vừa được hoàn thành, mọi người đều có thể chạm vào và thưởng thức nội hàm của nó. Độ sáng và độ bóng của bức tranh sứ là có thể duy trì vĩnh cửu mà không cần áp dụng bất kỳ biện pháp bảo vệ đặc thù nào.” Bà tin rằng đồ gốm sứ Quảng Châu có tính chất nghệ thuật độc đáo nhất trong lĩnh vực tranh gốm sứ là do sở hữu các yếu tố như vật liệu tráng men, kỹ thuật, hoa văn và màu sắc của riêng mình.
Bà giải thích thêm, “Tôi nghĩ rằng mỗi món đồ gốm sứ Quảng Châu đều là một tác phẩm nghệ thuật và thủ công vô cùng mỹ diệu. Chính vẻ đẹp “phong phú” đó đã hấp dẫn tôi. Đồ gốm sứ Quảng Châu có màu sắc tươi sáng, nhiều hình dạng, đa chủ đề, nhiều loại hoa văn đan xen cũng như kỹ thuật tráng men độc đáo.” Bà nói rằng chỉ riêng về vấn đề kỹ thuật, thì đã là bao gồm tất cả mọi loại thủ pháp từ cổ chí kim, cả Trung Hoa và Tây phương, cả Bắc và Nam, và đó chính là một loại nghệ thuật tích hợp vô cùng đa dạng.
Đối với khía cạnh sáng tác, bà tin rằng quá trình sáng tác tranh gốm sứ cho bà rất nhiều cơ hội và không gian để có thể phát huy toàn bộ năng lực của mình, và bà cũng đã nhận thức được tinh thần theo đuổi sự hoàn hảo của người nghệ sĩ cũng như là thưởng thức các tác phẩm của họ.
Học tập từ các chuyên gia
Vào ban đầu, bà Betty muốn theo học ở Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, là quê hương của loại hình tranh gốm sứ này. Trước khi bà có thể chuyển đến đây, bà đã gặp ông Lý Tiểu Văn, một bậc thầy lão luyện của loại hình nghệ thuật tranh gốm sứ, bà đã vô cùng may mắn khi được ông tận tình hướng dẫn.
Sau chuyến ghé thăm đến một nhà xưởng lâu đời địa phương là Việt Đông Từ Hán, bà cảm nhận rằng nhà máy này cũng tương tự như là một viện bảo tàng về tranh gốm sứ vậy. Bà đã bị hoa mắt bởi sự đa dạng của vô số các chủng loại tranh gốm sứ ở đây.
Bà đã có một ấn tượng sâu sắc từ phần giới thiệu cặn kẽ của ông Tào Chí Hùng, chủ nhà máy, về bức tranh vẽ tay của bậc thầy Đàm Chí Hùng, tranh xả vải của vị thầy Trần Tinh Tiêu, và tranh chuyển nước/nhiệt của bà Tào
Kể từ đó, công xưởng của Việt Đông Từ Hán là nơi mà bà thường xuyên ghé thăm.
Rồi sau đó bà lại được tiếp xúc với nhiều chuyên gia khác nhau trong lĩnh vực này hơn, như là các vị Trương Cẩm Bình, Lý Vinh Siêu, Hứa Ân Phúc, Triệu Nghệ Minh, Lý Dật Pha, và Trần Văn. May mắn thay, bà đã được họ dạy cho nhiều điều, từ đó mang đến cho bà một nhận thức sâu sắc về các loại vật liệu cũng như các loại kỹ thuật được áp dụng trong tranh gốm sứ Quảng Châu.
Bà đã nói thêm về ông Diêu Khai Kỳ, chuyên gia cố vấn của Hiệp hội Nghiên cứu Gốm sứ, ông là một pho từ điển sống trong lĩnh vực tranh gốm sứ này. Ông thành thạo quá trình chuẩn bị vật liệu tráng men cũng như các loại nguyên sản xuất gốm sứ. Bà đã học được vô số kiến thức về tranh gốm sứ từ ông Diêu cũng như đã được ông truyền dạy nhiều kỹ năng để phục chế và làm ra các bức tranh sứ giả cổ.
Sau này bà Betty học hỏi thêm từ ông Lý Dật Pha, một
bậc thầy gốm sứ Quảng Châu ở Macau, công xưởng tranh gốm sứ của ông đặt tại Tam Hương Trấn, thuộc thành phố Trung Sơn của Trung Quốc. Bà đã chuyển đến thành phố Trung Sơn để học tập. “Khi tôi được học tập cùng với một vị thầy lão luyện, tôi đã tiếp thu rất nhiều kinh nghiệm dân gian và cả những ý thức về việc bảo vệ môi trường từ người thầy của mình. Đó là những tri thức cũng như đạo đức mà những người học nghề được thừa hưởng từ các bậc thầy.
“Các vị sư phụ họ không cần sử dụng bất kỳ thiết bị đo lường, com-pa, hoặc là những chiếc bàn xoay, mà họ chỉ sử dụng mỗi cọ và kỹ thuật ‘xa tuyến’ để vẽ một cách chính xác những vòng tròn trên tất cả mẫu gốm sứ dù là lớn hay nhỏ, bất kể là trong hai hay ba chiều không gian. Hầu hết các dụng cụ của họ đều được làm từ nguyên liệu có sẵn tại địa phương kết hợp với tư duy vô cùng linh hoạt. Ví dụ như, những chiếc đũa đã qua sử dụng được tận dụng để định vị mực in, chiếc lõi bằng giấy của cuộn băng keo thì được sử dụng để làm bệ đỡ cho chén đựng men, những cây bút bi đã hết mực được dùng để làm thành cọ hoặc bút mực, nước dùng để rửa bút được dùng lại để ngâm màu, khung xương tre của chiếc quạt thì được dùng làm đồ để cào, và chiếc áo sơ mi cũ dùng thành tấm in. Có vô số những ví dụ như thế.” Bà Betty nói.
Bà chỉ ra rằng mỗi người nghệ sĩ đều rất nhạy cảm về màu sắc, và cũng phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm. “Lấy việc tô màu để làm ví dụ, mọi người có thể cảm thấy sự khéo léo độc đáo khi bạn muốn tô màu bên trong một đường viền và những người nghệ sĩ sẽ tô một lớp dầu lọ nồi lên trên đường viền đã vẽ, bởi vì nó có tác dụng rút nước.
Bởi vì tro nồi có nhiều dầu, vật liệu tráng men sẽ không che được đường viền trong quá trình tô màu. Kỹ thuật này được gọi là “đường thoát nước.” Thêm nữa, bằng cách sử dụng loại màu tráng men gốc nước và gốc dầu, mực dầu khô nhanh và khô chậm, người nghệ sĩ có thể phủ nhiều lớp màu khác nhau lên gốm sứ, và tạo thành hiệu ứng tông màu cũng như màu sắc rất phong phú trong một lần nung”.
Bà xúc động nói rằng quá trình tìm hiểu về gốm sứ Quảng Châu là cả một hành trình đầy trí tuệ. Từ công đoạn vẽ, bắt đầu bằng việc mài bột màu, xa tuyến, vẽ phác thảo, sắp xếp bố cục, và tô màu rồi đem đi nung, mỗi từng chi tiết trong đó đều chứa đựng vô vàn tri thức và trí tuệ.
Tinh hoa của nghệ thuật Trung Quốc và phương Tây
Tác phẩm nghệ thuật tranh gốm sứ mới nhất của bà Betty “Vũ điệu bươm bướm” nổi bật nhất trong số hơn 100 tác phẩm tham gia buổi triển lãm và đã đạt được giải huy chương vàng. Bà nói rằng tác phẩm được trao giải thưởng này sử dụng đặc điểm “kết hợp của cả Tây phương và Trung Hoa” trong gốm sứ Quảng Châu.
Với phần đường viền của tác phẩm, bà đã lựa chọn kỹ thuật kết hợp màu sắc giữa màu pastel và các loại màu của Tây phương để mô tả. Điều đó làm tăng số lượng các lớp màu, đồng thời cũng làm phong phú thêm chất liệu của bức tranh; đối với chủ đề trang trí ở trung tâm, bà đã sử dụng kỹ thuật Guancai truyền thống để diễn tả về đàn bướm, và để đạt được hiệu ứng bầu trời bừng sáng và các đám mây biến đổi, bà đã sử dụng loại vật liệu sắc màu của Tây phương là Xà Cừ để thực hiện điều này, và đồng thời làm cho không gian trung tâm nơi những con bướm bay lượn có vẽ rộng hơn và có chiều sâu hơn.
Do đó, đàn bướm trong tác phẩm thoát khỏi cái cảm giác hoa văn Cảng Thải truyền thống bởi hàng ngàn bông hoa và hàng trăm con bướm, áp dụng nhiều chi tiết và phương pháp thực tế để tạo nên hình dạng, hoa văn và màu sắc cho mỗi chú bướm. Tất cả mọi thủ pháp nghệ thuật khéo léo của cả Đông và Tây phương đều có thể được nhìn thấy chỉ trong một tác phẩm này.
“Tôi đã lớn lên ở một miền quê, vì vậy tôi vô cùng yêu thế giới tự nhiên. Những bông hoa, các cây trồng, côn trùng, cá, và những cảnh quan thiên nhiên thường trao cho tôi những nguồn cảm hứng không giới hạn. Những đám mây trên bầu trời, những chú cá bơi lội trong đại dương, những chú bướm đầy màu sắc đang dập dờn giữa những bông hoa xinh đẹp rực rỡ, và cảnh sắc của bốn mùa chính là những chủ đề mà tôi yêu thích.” Bà Betty chia sẻ về các tác phẩm của mình và các câu chuyện đằng sau đó.
Lời nhắn nhủ đối với những người mới vào nghề
Bà Betty được vinh dự là người hướng dẫn của Chương Trình Giáo Dục Di Sản Đổi Mới 2020 Jockey Club ICH+. Sự kiện đã thu hút gần 100 sinh viên đăng ký hạng mục tranh gốm sứ. Tuy nhiên, do nguồn tài trợ giới hạn, chỉ có năm sinh viên có thể tham gia khóa học.
Bà Betty chia sẻ, “Mỗi sinh viên đều có phong cách và khả năng biểu đạt khác nhau. Các tác phẩm của các em đều rất thú vị. Ngoài ra, cùng với sự nỗ lực và quyết tâm của các em trong quá trình học tập, các em đã thành thạo rất nhiều kỹ năng chỉ trong thời gian một năm. Các em cũng có thể thêm vào sự sáng tạo của riêng mình để đưa ra các ý tưởng và diện mạo mới cho Gốm Sứ Quảng Châu.”
“Nhiều người nghĩ rằng họ đã có nền tảng trong hội họa và thư pháp, và họ có thể áp dụng những kỹ năng đó vào tranh gốm sứ. Thực tế, để vận dụng tốt hơn các loại hình nghệ thuật khác với gốm sứ, điều quan trọng nhất là thấu hiểu rõ ràng về những đặc tính và kỹ thuật của nghề gốm sứ thủ công này,” bà Betty nói. Ví dụ như, quá trình nung là một trong những điều cơ bản cần phải học. Nếu không thì vật liệu tráng men đó sẽ không chuyển thành những mục đích mà người họa sĩ nhắm tới. Nghệ thuật được tiếp nối bởi tay nghề khéo léo.”
Bà Betty tin rằng quá trình học tập không thể hoàn thành chỉ trong một ngày, sự nhẫn nại và kiên trì chính là chìa khóa. Thời nay, công nghệ đã thay đổi nhịp điệu sống của mỗi người chúng ta. Rất khó để thu hút những người trẻ tuổi tham gia vào bất kỳ điều gì mà đòi hỏi một sự cam kết lâu dài. Thêm nữa, tranh gốm sứ lại không phải là một công việc được trả lương tốt. Do đó, việc kế thừa loại hình nghệ thuật này mới là một thử thách to lớn.
Bà Betty khuyến khích thế hệ trẻ tuổi kế thừa loại hình thủ công nghệ thuật này. “Gốm sứ Quảng Châu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kế thừa ở Hồng Kông. Thật sự cần một dòng máu mới. Tôi hy vọng rằng những nghệ nhân trẻ tuổi sẵn sàng để gánh vác ủy thác này, đồng thời tiếp thêm vào đó các nhân tố nghệ thuật địa phương và những điều mới mẻ của riêng họ vào trong tác phẩm, từ đó, Gốm Sứ Quảng Châu có thể phát triển theo thời gian, và Tranh Gốm Sứ của Hồng Kông, biến đổi từ Gốm Sứ Quảng Châu, sẽ có một khái niệm tươi mới, để tạo nên một nghệ thuật hiện đại tỏa sáng rực rỡ. “
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times