Một nhà giả kim bị giam cầm đã tìm ra bí mật của ‘Vàng trắng’ như thế nào?
Cuộc triển lãm “Sự lộng lẫy của đất sét: Quá khứ và Hiện tại của Gốm sứ” đang diễn ra tại viện Bảo tàng Nghệ thuật Hillwood Estate, Museum & Gardens, thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ.
Những nghệ nhân Trung Quốc đã sáng tạo ra gốm sứ từ cách đây hàng ngàn năm trước khi vị thương gia Marco Polo của vùng đất Veneto, nước Ý lần đầu tiên mua loại gốm sứ này đem về Âu Châu trong thế kỷ 14. Khám phá của ông Polo đã khởi nguồn cho tinh yêu lâu dài của Âu Châu đối với chất liệu gốm sứ.
Gốm sứ Âu Châu có cả một câu chuyện vô cùng hấp dẫn để chia sẻ. “Từ những đồ vật hữu dụng và những vật phẩm trang trí, cho đến các loại đồ dùng mỹ nghệ và bộ đồ dùng trên bàn ăn, gốm sứ được sáng tạo liên tục và đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử,” cô Rebecca Tilles nói trong một ấn phẩm. Cô là một nhà giám tuyển phụ trách bộ sưu tập Mỹ thuật và Nghệ thuật trang trí của Pháp quốc và Tây Âu thế kỷ 18 tại viện Bảo tàng Nghệ thuật Hillwood Estate, Museum & Gardens, thủ đô Hoa Thịnh Đốn của Hoa Kỳ.
Người Âu Châu ca ngợi sự tinh tế nhưng không kém phần chắc cứng của gốm sứ, là một vật liệu cứng rắn, có sắc trắng mờ tự nhiên, họ gọi gốm sứ là “vàng trắng” bởi vì màu sắc trắng tinh khiết cũng như chi phí nhập khẩu cao. Họ đã bắt đầu nhập gốm sứ từ Trung Quốc và cũng tự mình sản xuất đồ sứ cho riêng mình. Tuy nhiên, gốm sứ Trung Quốc rất khó để có thể bắt chước theo.
Tại Trung Quốc, những nghệ nhân đã tạo ra sứ cứng hoặc sứ thật từ những loại đá mica* (đá có chứa thành phần mica) pha trộn với đất sét cao lanh (đất sét trắng của Trung Quốc.) Quá trình nung nóng hỗn hợp này đã làm cho đá mica bị thủy tinh hóa, hoặc trở nên trông giống với thủy tinh, còn cao lanh thì được làm cho cứng rắn trở thành dạng gốm sứ. Chất liệu cao lanh chính là chìa khóa cho độ trắng của gốm sứ Trung Quốc, và đó cũng là bí mật mà người Âu Châu không thể nào khám phá ra cho đến tận thế kỷ 18.
Vào cuối thế kỷ 16, vị Công tước của Cộng hòa Florence, ngài Francis I, đã xây dựng một công xưởng để sao chép gốm sứ của Trung Quốc. Những nghệ nhân của ông đã mất đến hơn 10 năm để tạo ra Gốm Sứ Medici, tuy nhiên loại gốm sứ này lại không thể tồn tại lâu dài vì quá đắt đỏ và rất khó để sản xuất, các mẫu vật rất dễ bị nứt bởi công thức tạo sự mềm dẻo của loại gốm này. Sứ dẻo hoặc sứ nhân tạo có thành phần chứa đất sét và thủy tinh mài, được nung với nhiệt độ thấp hơn nhiều so với sứ cứng hay sứ thật, kết quả là thành phẩm của loại sứ dẻo này sẽ mềm hơn nhiều. Bên cạnh thành phần cơ bản là đất sét, Sứ Medici được cho là có chứa thêm thủy tinh, cát và tinh thể đá bột. Chỉ có khoản 60 mẫu vật bằng Sứ Medici còn tồn tại cho đến hiện nay.
Vào đầu thế kỷ 18, Vua Ba Lan và Tuyển hầu quốc Sachsen, ngài Augustus The Strong đã quyết tâm tạo ra sứ thật. Ông giao nhiệm vụ này cho nhà vật lý học Ehrenfried Walther von Tschirnhaus, cùng với nhà giả kim Johann Friedrich Böttger để tìm ra thành phần bí mật bên trong vật liệu sứ cứng của đất nước Trung Hoa. Vua Augustus đã vô cùng quyết tâm hiện thực hóa điều này đến mức ông đã cho giam giữ ông Böttger đến khi ông ấy tìm ra được công thức chính xác.
Ông Von Tschirnhaus đã qua đời trước khi công thức được công bố, do đó ông Böttger thường được ghi nhận là người đã khám phá ra thành phần bí mật của sứ cứng là cao lanh vào năm 1709. Vua Augustus đã thành lập công xưởng đầu tiên sản xuất ra sứ cứng ở Âu Châu, hiện nay là hãng Meisen Manufactory nổi tiếng toàn cầu tại thành phố Dresden, tiểu bang Saxony, Đức. Khi Vua Augustus băng hà vào năm 1733, ông đã tích lũy được 29,000 mẫu vật gốm sứ Trung Hoa và Nhật Bản, và khoản 8,000 mẫu vật trong bộ sưu tập của ông vẫn đang được lưu giữ tại thành phố Dresden.
Du khách đến tham quan buổi triển lãm “Sự lộng lẫy của đất sét: Quá khứ và Hiện tại của Gốm sứ” tại viện Bảo tàng Nghệ thuật Hillwood Estate, Museum & Gardens ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn của Hoa Kỳ, có thể tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử của gốm sứ, và sự phát triển rộng rãi của loại vật liệu này ở Âu Châu, cũng như những di sản của nó.
Được chính tay cô Tilles tuyển chọn, buổi triển lãm có hơn 140 mẫu vật gốm sứ, phần lớn đều đến từ bộ sưu tập của nhà sáng lập bảo tàng nghệ thuật Hillwood, [một nữ doanh nhân, nhà từ thiện và là một trong những người phụ nữ giàu có nhất thế giới ở thế kỷ 20], bà Marjorie Merriweather Post quá cố, cũng là một nhà sưu tập đồ gốm sứ sáng suốt. Lần đầu tiên kể từ những năm 1960s, những món đồ sứ Meissen và Du Paquier quý hiếm sẽ được trưng bày từ bộ sưu tập của ông Hans Syz và Alfred Duane Pell, được bảo tồn tại Bảo Tàng Lịch Sử Quốc Gia Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn. Đồng thời tại đây cũng trưng bày những mẫu vật của bà Post từ vùng Sèvres của nước Pháp, gốm sứ Hoàng Gia Nga, những món quà ngoại giao giữa nước Nga và những nước Tây Âu, và một vài tác phẩm khác.
Một vật phẩm nổi bật tại buổi triển lãm là chiếc long kỵ binh bình gốm sứ có từ thế kỷ 18 đến từ Trung Quốc, (chỉ có một chiếc trong bộ bình này có mặt tại buổi triển lãm,) được sơn màu “hoa hồng famille” (tráng men màu hồng mờ). Một cây hoa mẫu đơn nở rộ thành từng đóa hoa chạy uốn lượn xung quanh và vươn lên đến phần cổ của chiếc bình, bên cạnh là những cây hoa càng cua, hoa cúc, và những dải hoa dền đuôi chồn, cho đến một số loại hoa phổ biến khác. Hầu hết các loại hoa đều mang ý nghĩa nào đó. Ví dụ, hoa mẫu đơn đại diện cho sự giàu có và sang trọng, hoa cúc là biểu tượng của một cuộc sống mạnh mẽ tràn đầy năng lượng tích cực. Một búp sen nổi bật ngay ở trên nắp của chiếc bình. Người Trung Quốc tin rằng những bông hoa sen, mọc lên từ trong bùn đất trước khi nở thành những đóa hoa tinh khiết, là biểu tượng của sự thuần khiết và ngay chính.
“Sự lộng lẫy của đất sét: Quá khứ và Hiện tại của Gốm sứ” triển lãm tại viện Bảo tàng Nghệ thuật Hillwood Estate, Museum & Gardens, tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn của quốc gia Hoa Kỳ, diễn ra cho đến ngày 26/6. Để tìm hiểu thêm thông tin, hãy truy cập vào trang HillwoodMuseum.org
Chú thích của dịch giả:
* Sứ dẻo là một loại chất liệu trong gốm sứ, cũng được chấp nhận là một loại sứ. Nó yếu hơn sứ cứng, “sứ thật”, và không yêu cầu nhiệt độ nung cao hoặc các thành phần khoáng chất đặc biệt cần thiết cho việc đó.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times