Nhóm Thượng nghị sỹ lưỡng đảng yêu cầu báo cáo về các hành động của DOJ trước hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của ĐCSTQ
Hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của ĐCSTQ khiến người Mỹ thiệt hại tới 600 tỷ USD mỗi năm.
Hôm 06/06, một nhóm thượng nghị sỹ lưỡng đảng đã công bố dự luật mà họ nói sẽ thông báo đầy đủ cho công chúng về cách Bộ Tư pháp đang ứng phó với các mối đe dọa an ninh quốc gia do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đặt ra.
Dự luật này, do các Thượng nghị sỹ Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee) và Gary Peters (Dân Chủ-Michigan) giới thiệu, là nỗ lực mới nhất của Quốc hội nhằm thúc đẩy chính phủ liên bang giải quyết những nỗ lực dai dẳng của ĐCSTQ nhằm thu thập bí quyết công nghệ—sử dụng các chiến thuật như như trộm cắp tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc—để thúc đẩy nền kinh tế và phát triển quân đội của mình.
“Năm ngoái, có thông tin cho rằng có bảy trung tâm giám sát bí mật do Đảng Cộng sản Trung Quốc điều hành tại một số thành phố lớn nhất nước Mỹ,” bà Blackburn cho biết trong một tuyên bố công bố dự luật, được gọi là Đạo luật Báo cáo Chống Gián điệp Trung Quốc.
“Việc xâm nhập vào đất nước chúng ta như thế này là không được phép tiếp diễn,” bà nói, và nói thêm rằng dự luật mới sẽ “bảo đảm rằng Bộ Tư pháp sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để bảo vệ an ninh quốc gia của chúng ta.”
Dự luật mới sẽ yêu cầu tổng chưởng lý hàng năm phải chuẩn bị một báo cáo toàn diện, nêu rõ các biện pháp cụ thể mà Bộ Tư pháp tiến hành để ngăn chặn nỗ lực của ĐCSTQ nhằm đánh cắp bí mật thương mại của Hoa Kỳ và các hình thức sở hữu trí tuệ khác. Báo cáo cũng phải có một phân tích thống kê các hoạt động có mục tiêu chống lại “các mối đe dọa từ các nhà thu tập [thông tin] phi truyền thống,” chẳng hạn như các nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, các trường đại học, và những cơ sở nền tảng công nghiệp quốc phòng.
Trong báo cáo năm 2018, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho biết hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của ĐCSTQ khiến người Mỹ thiệt hại từ 225 tỷ đến 600 tỷ USD mỗi năm.
Các quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần chỉ trích ĐCSTQ về vấn đề này. Năm 2022, Giám đốc FBI Christopher Wray tiết lộ rằng cứ 12 giờ cơ quan này lại mở một vụ phản gián mới đối với chính quyền Trung Quốc và đang tiến hành hơn 2,000 cuộc điều tra về việc chế độ này nỗ lực đánh cắp thông tin và công nghệ.
Vào thời điểm đó, ông Wray nói: “Không hề có quốc gia nào gây ra một mối đe dọa đối với các ý tưởng, sự đổi mới, và an ninh kinh tế của chúng ta lớn hơn Trung Quốc.”
Trong một hành động hiếm hoi hồi tháng 10/2023, ông Wray và các giám đốc tình báo khác của Liên minh Ngũ nhãn (Five Eyes) đã cùng nhau đưa ra một cảnh báo công khai về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của chính quyền Trung Quốc. ĐCSTQ đã để mắt đến một loạt các công nghệ tân tiến, trong đó có trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, và công nghệ sinh học. Giám đốc Tổ chức Tình báo An ninh Úc Mike Burgess mô tả rằng chiến dịch gián điệp của Bắc Kinh có quy mô “chưa từng có trong lịch sử nhân loại.”
Tháng 09/2023, Dân biểu Scott Fitzgerald (Cộng Hòa-Wisconsin) đã giới thiệu dự luật tương tự tại Hạ viện.
Đó là dự luật do bà Blackburn và ông Peters giới thiệu hôm 06/06 và sẽ đi xa hơn. Ngoài việc yêu cầu báo cáo thường xuyên các nguồn lực được phân bổ để giải quyết vấn đề an ninh quốc gia do ĐCSTQ gây ra, dự luật này còn yêu cầu Bộ Tư pháp nêu chi tiết những biện pháp cụ thể mà bộ này tiến hành để bảo vệ các quyền dân sự, quyền tự do dân sự, và quyền riêng tư của người Mỹ.
Trong một tuyên bố, ông Peters, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện, cho biết: “Điều vô cùng quan trọng đối với cả an ninh quốc gia và khả năng cạnh tranh kinh tế của chúng ta là việc chúng ta bảo vệ tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ—chẳng hạn như nghiên cứu học thuật và đổi mới công nghệ—để không bị các địch thù của chúng ta đánh cắp và sử dụng.”
“Tôi tự hào được giúp dẫn đầu dự luật lưỡng đảng này để bảo đảm việc Bộ Tư pháp đang bảo vệ các ý tưởng và sự đổi mới của Mỹ khỏi các mối đe dọa do chính phủ Trung Quốc gây ra, trong khi tôn trọng quyền riêng tư, quyền dân sự, và quyền tự do dân sự của người Mỹ. Đây là điều mà tôi đã tập trung từ lâu tại Thượng viện và tôi mong muốn được tiếp tục làm việc để dự luật này được thông qua thành luật.”
Các dự luật này cũng quy định rằng báo cáo phải được công bố công khai trên trang web của Bộ Tư pháp. Có thể có một bảng liệt kê mật được đưa vào để đệ trình lên Ủy ban Tư pháp Thượng viện và Hạ viện.
Việc giới thiệu dự luật này diễn ra trong bối cảnh ngày càng nhiều lo ngại về các chiến dịch gián điệp của ĐCSTQ tại Hoa Kỳ và các nước dân chủ khác.
Bà Blackburn nhấn mạnh rằng hồi tháng 04/2023, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã buộc tội hai người với cáo buộc đang điều hành một đồn công an chìm của ĐCSTQ ở thành phố New York.
Theo Safeguard Defenders, một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Tây Ban Nha, đồn công an ở Khu Phố Tàu ở Manhattan này là một trong hơn 100 đồn công an ở hải ngoại do chính quyền Trung Quốc điều hành tại 53 quốc gia.
Các tiền đồn công an này được liên kết với Ban Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ, một cơ quan hoạt động nhằm thúc đẩy lợi ích của chính quyền này ở ngoại quốc, trong đó có cả việc đàn áp các phong trào bất đồng chính kiến, thu thập thông tin tình báo, và tạo thuận tiện để chuyển giao công nghệ sang Trung Quốc.
Ngoài đồn công an nói trên, Ban Mặt trận Thống nhất còn điều hành các tiền đồn khác trên đất Hoa Kỳ, được gọi là Trung tâm Dịch vụ Hoa kiều. Điều này đã khiến các Thượng nghị sỹ gióng lên hồi chuông cảnh báo vào mùa hè năm ngoái.
Châu Âu cũng đã trải qua một đợt bắt giữ gián điệp của ĐCSTQ. Hồi tháng Tư, các quan chức Anh đưa ra cáo buộc đối với một nhà nghiên cứu của nghị viện và một người đàn ông khác vì “cung cấp cho một quốc gia ngoại quốc, [cụ thể là] Trung Quốc, các thông tin gây thiệt hại.”
Cũng trong tháng Tư, các công tố viên Đức đã cáo buộc một phụ tá lâu năm của một thành viên Nghị viện Âu Châu đã chuyển các cuộc thảo luận và các quyết định trong cơ quan lập pháp này cho cơ quan tình báo của ĐCSTQ. Người phụ tá này cũng bị cáo buộc làm việc cho cơ quan mật vụ của Bắc Kinh và do thám các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc ở Đức.