Nhiệm kỳ thứ 3 của ông Tập: ĐCSTQ sẽ có thêm nhiều thất bại về chính sách
Bắc Kinh vụng dại biến New Delhi thành đối thủ kinh tế và địa chính trị đáng gờm, đe dọa giấc mơ bá chủ toàn cầu của Trung Quốc
Tại Trung Quốc, kỷ nguyên Tập Cận Bình tiếp tục kéo dài với một nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ của ông Tập, hẳn nhiên là ĐCSTQ sẽ vinh danh những thành tựu vĩ đại của ông trong thập niên qua.
Danh sách đó cũng ngắn thôi.
Những thắng lợi của ĐCSTQ trong kỷ nguyên ông Tập
Các thắng lợi này bao gồm hủy hoại nền dân chủ của Hồng Kông, thanh trừng đối thủ thông qua các chiến dịch chống tham nhũng, bóp nghẹt ngôn luận, trấn áp ngành công nghệ và doanh nghiệp trong khi mở rộng quy mô cưỡng bức lao động đối với hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ. Ngoài ra còn có thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân chính trị, đàn áp tôn giáo, và dĩ nhiên là đăng cai Thế vận hội Olympic 2022. Tuy nhiên, thành công khó quên nhất là “Tư tưởng Tập Cận Bình” trở thành một phần trong hiến pháp của Đảng như tư tưởng Mao Trạch Đông.
Và trong tương lai rất gần, uy hiếp buộc Đài Loan phải khuất phục cũng nằm trong nghị trình của ĐCSTQ.
Các thất bại gấp nhiều lần của ĐCSTQ
Nhưng ở Trung Quốc, không phải toàn bộ mọi việc đều như các trò đùa và cuộc vui, đặc biệt là gần đây. Đại dịch COVID-19 mà rất nhiều người tin là bắt nguồn từ phòng thí nghiệm Vũ Hán hồi năm 2019, đã cướp đi sinh mệnh của hàng triệu người, làm lỡ dở bao nhiêu công việc và chuyện làm ăn trên toàn cầu. Chính sách phong tỏa “zero COVID” của ĐCSTQ tiếp tục kìm hãm tăng trưởng kinh tế và hoạt động xã hội của hàng triệu người đồng thời các nhà sản xuất ngoại quốc cũng đua nhau rời khỏi nước này. Do đó, GDP của Trung Quốc tiếp tục sụt giảm, khó nhìn thấy triển vọng phục hồi trong tương lai gần.
Các thiệt hại về kinh tế bao gồm sự sụp đổ của ngành phát triển địa ốc. Khoản nợ leo thang của Evergrande, sự tháo dỡ quy mô lớn các tháp căn hộ mà người dân không ai muốn ở, là biểu tượng của một ngành công nghiệp phá sản khi mà hàng chục triệu nhà đầu tư đối mặt với khoản lỗ 130 tỷ dollar.
Sự sụp đổ của ngành bất động sản cũng đe dọa những gì còn lại trong lĩnh vực tài chính của Trung Quốc. Hơn nữa, sự thu hẹp nhân khẩu học không có khả năng đáp ứng đang dần xuất hiện, trong khi phần lớn thanh niên mù mờ về cuộc sống chẳng thiết đến làm việc, lập kế hoạch, hay duy trì nòi giống cho tương lai.
Xa lánh phần còn lại của thế giới
Nhưng danh mục rộng lớn các thất bại của ĐCSTQ không chỉ dừng lại tại biên giới quốc gia. Bắc Kinh đã thành công trong việc xa lánh hầu hết các nước phát triển, bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Liên minh Âu Châu, Úc, Nhật Bản, Nam Hàn, và Philippines.
Quan điểm tiêu cực rông khắp của Trung Quốc là kết quả của đại dịch và lịch sử dài thực hiện các hành vi thương mại mang tính đối đầu—trái ngược trực tiếp với những quan điểm nhìn chung là tích cực chỉ một vài năm trước đó. Hành động của Bắc Kinh đối với Hồng Kông và người Duy Ngô Nhĩ làm tăng thêm tinh thần bài Trung tại Âu Châu, làm trầm trọng thêm cái nhìn tiêu cực của họ về Bắc Kinh.
Biến Ấn Độ thành địch thủ
Nhưng thất bại chính sách địa chính trị lớn nhất của ĐCSTQ chính là họ đã không thể duy trì mối bang giao hữu hảo với Ấn Độ, một quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân với dân số hơn 1.4 tỷ người và tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 7%. Cái giá phải trả về chiến lược của hành động này có thể rất đắt. Trên thực tế, cuộc chiến biên giới đẫm máu do Trung Quốc khơi mào đã biến nước láng giềng lớn nhất của mình thành kẻ thù và trở nên thân cận hơn với phương Tây về mặt chiến lược và kinh tế.
Điều đó không có nghĩa là các nhà lãnh đạo của Ấn Độ có thể phớt lờ thực tế địa lý của khu vực. Trung Quốc và Nga là hai nước láng giềng lâu dài. New Delhi biết rằng họ phải đóng vai cân bằng giữa hai siêu cường quốc nhằm duy trì ý thức độc lập về mặt chiến lược của riêng mình và mối bang giao tương đối ổn định với Nga và Trung Quốc. Ấn Độ cũng biết rằng việc tạo ra hai đối thủ tích cực trong khu vực thay vì chỉ một, khi xét đến Trung Quốc là mối đe dọa an ninh lớn nhất của họ, là không hề có lợi ích gì.
New Delhi hầu như không thu được gì từ việc chống lại Moscow khi nước này đang chiến đấu–và có thể thất bại–trong cuộc chiến ở Ukraine. Bên cạnh đó, New Delhi đang có các hợp đồng mua bán vũ khí và nhập cảng dầu giá rẻ với Moscow, cũng như các khoản đầu tư chiến lược vào miền đông nước Nga. Mặc dù vậy, việc hợp tác an ninh của Ấn Độ với Hoa Kỳ đã phát triển nhanh chóng trong 15 năm qua.
Vì những lý do đó, Ấn Độ tham gia cuộc tập trận quân sự đa phương Vostok 2022 với Nga, Trung Quốc, và các nước khác. Tuy nhiên, đáng chú ý là Ấn Độ từ chối tham gia các cuộc tập trận hàng hải chiều theo sự phản đối của Nhật Bản đối với những cuộc tập trận được tổ chức gần các đảo phía nam của Nhật Bản.
Ấn Độ đã thành công trong việc từ chối Trung Quốc mà vẫn giữ được thiện cảm của Nga, đồng thời họ (Ấn Độ) hướng về phía Hoa Kỳ, động chạm đến nỗi sợ hãi lớn nhất của Bắc Kinh.
Tự phá hủy các chiến lược của mình
Một tài liệu chính sách gần đây từ tổ chức tư vấn Stimson Center kết luận rằng tác động từ việc hợp tác kinh tế giữa Hoa Kỳ-Ấn Độ đồng nghĩa với “rắc rối lớn” cho Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và quân sự chiến lược. Nhiều chiến lược gia của Trung Quốc cũng đồng tình với quan điểm này.
ĐCSTQ đã thu được gì khi tấn công biên giới [Ấn Độ] và đảo ngược 45 năm tiến trình bang giao song phương?
Không gì cả ngoài việc làm thất bại ít nhất hai chiến lược của Bắc Kinh trong mối bang giao với New Delhi. Đầu tiên là chiến lược Ngoại giao Quyền lực Chính (the Major Power Diplomacy), trong đó Bắc Kinh đưa ra các ưu đãi và nhượng bộ kinh tế không cốt lõi để thu hút Ấn Độ vào quỹ đạo địa chính trị của Trung Quốc. Chiến lược này cũng có khả năng biến Ấn Độ thành đối tác quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh (viết tắt là BRI, còn được gọi là “Một vành đai, Một con đường”).
Ý tưởng đằng sau chiến lược thứ hai, Chiến lược Láng giềng của Bắc Kinh (Beijing’s Neighborhood Strategy), là nhằm buộc New Delhi phải chấp nhận vị thế bá quyền của Trung Quốc trong khu vực và công nhận “ưu thế quốc gia vượt trội” của Trung Quốc. Cảm giác về ưu thế đó là sự xúc phạm đối với Ấn Độ và xuất phát từ một câu chuyện ngụ ngôn miêu tả Trung Quốc là bá chủ toàn cầu trong một thời quá khứ xa xôi, vai trò mà Trung Quốc cho rằng chính đáng thuộc về họ. Cùng lúc đó, Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược chống lại Trung Quốc của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nhưng cả hai chiến lược đối với Ấn Độ của ĐCSTQ đều tan biến khi Trung Quốc lợi dụng đại dịch để đưa quân đội vào các vùng lãnh thổ biên giới đang tranh chấp trên dãy Himalaya. Trên thực tế, hành động của Trung Quốc chỉ khiến Ấn Độ chuyển hướng chiến lược sang phương Tây.
Điều này không hề khôn ngoan.
Ấn Độ muốn tách khỏi Trung Quốc
Tại sao Ấn Độ phải xem Trung Quốc là một đất nước “có ưu thế hơn” khi mọi phát triển về kinh tế và công nghệ quan trọng đều đến từ bên ngoài Trung Quốc? Bên cạnh đó, có khả năng trong một thập niên nữa hoặc gần hơn, Ấn Độ sẽ sẽ vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trên con đường trở thành một siêu cường quốc.
Trong bối cảnh đó, chúng ta thấy sự tái xuất của Bộ Tứ, một liên minh bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ sáng lập hồi năm 2007 và được đẩy mạnh hơn vào năm 2017 khi đối mặt với tham vọng thống trị cả khu vực Á Châu – Thái Bình Dương và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Trung Quốc.
Cuộc tấn công hồi năm 2020 càng làm củng cố cam kết của Ấn Độ đối với liên minh quân sự Bộ Tứ nhằm chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc đến Ấn Độ và cả khu vực. Ấn Độ biết rằng “Trung Quốc muốn thấy Ấn Độ đóng vai trò cấp dưới ở một Á Châu do chính họ thống trị,” theo thời báo Financial Times.
Rõ ràng là, Ấn Độ sẽ chống lại một trật tự như vậy ở Á Châu và cản trở giấc mơ bá quyền không thể thách thức của Trung Quốc.
Sự cai trị độc tài sẽ dẫn đến bất ổn
Thất bại chính sách vô cùng lớn này đặt ra câu hỏi làm thế nào mà giới lãnh đạo ĐCSTQ lại có thể mắc một sai lầm rõ ràng nhưng nghiêm trọng như vậy.
Đáp án cho câu hỏi này nằm ở thực tế là ĐCSTQ và toàn bộ đất nước bị đặt dưới quyền cai trị của một người duy nhất, vốn thường dẫn đến các thảm họa chính sách vì chúng được đưa ra dựa trên một góc nhìn thực tế duy nhất và méo mó. Việc thanh trừng các đối thủ cạnh tranh chính trị thúc đẩy tinh thần chia bè kết phái, nơi chỉ những người đồng ý với lãnh đạo mới được phép tham gia vào quá trình hoạch định chính sách.
Hơn nữa, các mô thức tư duy chính trị trong chế độ độc tài khiến cho giới lãnh đạo không thể dung nạp các quan điểm đối lập, cả trong và ngoài nước. Cảm giác bị đe dọa đó thường được biểu lộ bằng sự coi thường và đàn áp người dân. Nói ngắn gọn, ĐCSTQ bị thúc đẩy bởi sự ngạo mạn lập dị của người dẫn dắt một guồng máy chính trị luôn cho rằng họ có thể đối xử với các nước láng giềng giống cách họ đối xử với chính người dân của mình.
Lịch sử đã chứng minh: những loại tư tưởng như vậy thường dẫn đến rắc rối lớn cho tất cả mọi người.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times