‘Mục tiêu là sự toàn trị’: Các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa phản ứng với bài diễn văn của ông Tập
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã đưa ra những lời chỉ trích nhắm vào nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình sau một bài diễn văn hôm 16/10, trong đó ông tuyên bố rằng Đài Loan sẽ thống nhất với đại lục bằng mọi cách cần thiết.
Ông Tập đã có bài diễn văn kéo dài hai giờ tại Đại hội Đảng lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vốn diễn ra 5 năm một lần. Ông Tập đã hạ thấp nỗi đau khổ và suy thoái kinh tế lan rộng của cái gọi là các chính sách Zero COVID của ông và tuyên bố sẽ buộc Đài Loan thống nhất với Trung Quốc.
Nhiều người ở phương Tây, trong đó có các nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Cộng Hòa, xem bài diễn văn này như một tín hiệu công khai rằng ông Tập đang chuẩn bị mở rộng các âm mưu đàn áp xuyên quốc gia của Trung Quốc.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố họ có ‘quyền’ sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan,” Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee) cho biết trong một tweet hôm 16/10.
“Đài Loan không bận tâm đến việc thống nhất – đây là một mối đe dọa – và đó là lý do tại sao chúng ta không bao giờ được lùi bước trước chế độ độc tài, độc ác này,” bà nói thêm.
Trong kỳ hội nghị Đảng kéo dài một tuần này, ông Tập đã sẵn sàng nhận một nhiệm kỳ thứ ba phá vỡ tiền lệ với tư cách là tổng bí thư ĐCSTQ, trở thành nhân vật quan trọng thứ hai chỉ sau nhà độc tài Mao Trạch Đông trong lịch sử ĐCSTQ.
Trong bài diễn văn của mình, ông Tập nói rằng chủ nghĩa cộng sản Marxist là “hệ tư tưởng chỉ thị căn bản” của giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc, và thề không bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan.
ĐCSTQ tuyên bố rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ vốn phải được cưỡng bách chấp nhận quyền lực của Đảng. Nhưng Đài Loan đã tự quản kể từ năm 1949, tự hào có nền dân chủ và kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, và chưa bao giờ nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ.
Ông Tập nói thêm rằng Đài Loan, giống như Hồng Kông, phải được đặt dưới sự kiểm soát hoàn toàn của ĐCSTQ. Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã áp dụng một loạt các biện pháp hà khắc nhắm vào Hồng Kông, tước đi các quyền tự do và tự chủ tại thành phố này một cách nghiêm trọng. Theo đó, nhiều người đã ví một Hồng Kông dân chủ một thời chỉ là một thành phố khác của Trung Quốc.
Ông Tập kiên quyết vào ‘Sự toàn trị’
Bà Blackburn nói rằng tuyên bố công khai của ông Tập trong việc chấm dứt lối sống dân chủ mà Đài Loan đang thụ hưởng, và sự đắc chí ra mặt của ông khi đã làm được điều đó ở Hồng Kông, là bằng chứng cho thấy một phong cách cai trị độc tài ngày càng công khai.
“Như đã được thể hiện rõ ràng trong bài diễn văn khai mạc của mình, hơn bao giờ hết, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đang chuẩn bị để thách thức Hoa Kỳ và các đối tác yêu tự do của chúng ta trên toàn thế giới,” bà Blackburn cho biết trong một tuyên bố hôm 17/10.
“Khi ông Tập chuẩn bị được phục chức nhiệm kỳ thứ ba, Hoa Kỳ phải kiên quyết chống lại nhà độc tài tàn bạo này và củng cố khả năng phòng thủ quốc gia của chúng ta để bảo đảm ông ấy không thể thành công.”
Bà Blackburn nói rằng mục tiêu của ông Tập không gì khác ngoài “sự toàn trị” và các cuộc leo thang của ĐCSTQ chống lại Đài Loan là một mối đe dọa trực tiếp đối với sự ổn định quốc tế.
Hôm Chủ nhật (16/10), cam kết của ông Tập trong việc mở rộng nhà nước giám sát của ĐCSTQ và sức mạnh quân sự đã trở thành vấn đề trọng tâm, trong đó nhà lãnh đạo này đề cập đến “an ninh” gần 90 lần trong bài diễn văn của mình. Một thực tế rõ ràng đối với các quan chức phương Tây, những người đã cảnh báo rằng ông Tập có khả năng đang chuẩn bị tăng cường cuộc đàn áp của chính quyền nhắm vào các nhóm thiểu số và những người bất đồng chính kiến.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) cho biết trong một tuyên bố về Đại hội Đảng này: “Nhiệm kỳ Tổng Bí thư ĐCSTQ của ông Tập Cận Bình tiêu biểu cho chủ nghĩa toàn trị, chế độ diệt chủng, tăng trưởng kinh tế bị kìm hãm, và sự hung hăng chưa từng có đối với Hoa Kỳ và các đồng minh.”
“[Chúng ta] nên tiên lượng một ĐCSTQ do một người cai trị sẽ sẵn sàng gây chiến với Đài Loan hơn, đàn áp ở trong và ngoài nước hơn, thống trị về kinh doanh hơn, và kiên quyết hơn trong việc đảo lộn trật tự thế giới dựa trên luật lệ do Hoa Kỳ lãnh đạo.”
Những người khác nói rằng bài diễn văn của ông Tập là một nỗ lực nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi những tác động thảm hại dưới sự lãnh đạo của ông ấy đối với nền kinh tế Trung Quốc bằng cách tạo ra kẻ thù ở phương Tây — và sử dụng mối đe dọa có chủ đích này để tập hợp sự ủng hộ sau lưng ông ấy.
“Rõ ràng, an ninh là mối quan tâm lớn nhất của ông Tập,” ông Alfred Wu, giáo sư phụ tá tại Đại học Quốc gia Singapore, nói với hãng thông tấn Reuters. “Luận điệu của ông ấy là [rằng] Trung Quốc đối mặt với nhiều nguy hiểm, đất nước đang trong tình trạng chiến tranh, theo nghĩa bóng, và ông ấy là vị cứu tinh. Với luận điệu này, ông ấy có thể khiến mọi người đoàn kết lại xung quanh ông ấy.”
“Trong quá khứ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đặt tính hợp pháp của họ dựa trên khả năng tạo ra tăng trưởng kinh tế. Giờ đây, với nền kinh tế đang chậm lại, ông Tập cố gắng chuyển nền tảng của tính hợp pháp từ tăng trưởng kinh tế sang an ninh, [để] ông ấy có thể là người cứu lấy và bảo vệ Trung Quốc.”
Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) tin rằng sự thôi thúc đóng vai vị cứu tinh có thể dẫn ông Tập vào một cuộc xung đột trực tiếp với Hoa Kỳ, đặc biệt là nếu Hoa Thịnh Đốn không chủ động ngăn chặn ĐCSTQ phát động một cuộc xâm lược Đài Loan. Để đạt được mục tiêu đó, ông Gallagher kêu gọi Hoa Kỳ chuyển tiếp các khí tài quân sự của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong một tuyên bố hôm 16/10, ông Gallagher cho biết: “Chúng tôi rất cần một cảm giác cấp bách để dùng quyền lực cứng rắn can thiệp vào đường hướng của ông Tập trước khi quá muộn.”
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times