Quân đội Ấn Độ, Trung Quốc hỗn chiến gần biên giới tranh chấp sau cuộc tập trận chung Ấn Độ-Hoa Kỳ
Hôm thứ Ba (13/12), Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cho biết quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã hỗn chiến dọc biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya hôm 09/12 khi Trung Quốc cố gắng xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ, dẫn đến thương tích nhẹ cho cả hai bên.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh nói rằng quân đội Trung Quốc đã nỗ lực “đơn phương thay đổi hiện trạng” bằng cách vượt qua ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) tại Khu vực Tawang ở lãnh thổ Arunachal Pradesh phía đông bắc của Ấn Độ, giáp với miền nam Trung Quốc.
LAC là một đường ranh giới ảo giữa lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát và khu vực do Trung Quốc kiểm soát.
“Cuộc đối đầu sau đó đã dẫn đến một cuộc hỗn chiến, trong đó Quân đội Ấn Độ đã dũng cảm ngăn cản [Quân Giải phóng Nhân dân] xâm phạm lãnh thổ của chúng tôi và buộc họ phải quay trở lại đồn căn cứ của mình,” ông Singh nói trước quốc hội.
Về phía Ấn Độ, không có trường hợp tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng nào được báo cáo. Bộ trưởng không nói rõ có bao nhiêu binh lính bị thương trong cuộc đụng độ này.
Ông Singh nói rằng chỉ huy của Ấn Độ đã gặp người đồng cấp Trung Quốc hôm 11/12 và yêu cầu quân đội Trung Quốc “kiềm chế các hành động như vậy đồng thời duy trì hòa bình và trật tự dọc biên giới này.”
Ông nói thêm rằng vấn đề này cũng đã được thông báo qua các kênh ngoại giao.
Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) đưa tin rằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nói với các phóng viên rằng tình hình ở biên giới “nhìn chung là ổn định” và kêu gọi Ấn Độ tuân thủ “các thỏa thuận liên quan” giữa hai quốc gia này.
Đây là vụ hỗn chiến đầu tiên giữa hai quốc gia này kể từ cuộc đụng độ gây nhiều thiệt mạng hồi tháng 06/2020 khi quân đội Ấn Độ và Trung Quốc giao tranh tay đôi ở Ladakh, làm 20 binh lính Ấn Độ và 4 binh lính Trung Quốc thiệt mạng.
Tập trận chung Hoa Kỳ-Ấn Độ
Cuộc đụng độ biên giới đó xảy ra chỉ vài ngày sau khi chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ trích cuộc tập trận quân sự chung của Ấn Độ với Hoa Kỳ ở Uttarakhand, cách biên giới LAC khoảng 62 dặm (gần 100 km).
ĐCSTQ cho biết các cuộc tập trận chung Hoa Kỳ-Ấn Độ “vi phạm tinh thần của các thỏa thuận liên quan được Trung Quốc và Ấn Độ ký kết hồi năm 1993 và 1996” và không đóng góp phần nào vào sự phát triển lòng tin song phương giữa hai quốc gia.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói với các phóng viên hôm 30/11: “Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại với phía Ấn Độ về cuộc tập trận quân sự này.”
Cuộc tập trận quân sự giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ, được gọi là Yudh Abhyas, bắt đầu hôm 19/11 và nhằm tăng cường khả năng tương tác và chia sẻ kiến thức chuyên môn giữa quân đội của cả hai bên trong các hoạt động gìn giữ hòa bình và cứu trợ thiên tai.
The 18th Edition of India-US Joint Exercise #YudhAbhyas commenced today at Foreign Training Node, Auli. The aim of Joint Exercise is to enhance interoperability & share expertise between both the Armies in Peace Keeping & Disaster Relief Operations.#IndianArmy#IndiaUSFriendship pic.twitter.com/LFQbnsPbP1
— ADG PI – INDIAN ARMY (@adgpi) November 19, 2022
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi đáp trả và nói rằng các cuộc tập trận chung không liên quan gì đến các thỏa thuận mà Bắc Kinh đã đề cập. Thay vào đó, ông kêu gọi ĐCSTQ phải tự ngẫm nghĩ về những vi phạm thỏa thuận của mình.
Các bản tin địa phương dẫn lời ông Bagchi nói tại một cuộc họp báo hôm 01/12 rằng, “Ấn Độ tập trận với bất kỳ ai mà họ chọn và Ấn Độ không trao quyền phủ quyết cho các quốc gia thứ ba về những vấn đề này.”
Tranh chấp Biên giới
Tawang, thuộc biên giới Bhutan và Trung Quốc, không phải là khu vực mới đối với sự xâm nhập của Trung Quốc. Một nhà Hán học nói với The Epoch Times rằng mối quan tâm của Trung Quốc đối với các vùng Himalaya của Ấn Độ có liên quan đến chiến dịch Hán hóa rộng lớn hơn nhắm vào Phật giáo Tây Tạng và đặc biệt là “chính trị luân hồi” nhằm kiểm soát các cơ sở của Phật giáo Tây Tạng ở biên giới, ở những địa điểm có thể là nơi tái sinh của vị Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo.
Tawang là quê hương của tu viện Tawang 340 tuổi và là nơi sinh của vị Đạt Lai Lạt Ma Đệ lục, ngài Tsangyang Gyatso (1680–1706).
Ông Frank Lehberger, một thành viên cao cấp của tổ chức tư vấn Usanas Foundation có trụ sở tại Ấn Độ, nói rằng người Tây Tạng ngày nay tin rằng nếu không bị ĐCSTQ can thiệp, thì nơi này một lần nữa có thể là nơi sinh của một vị Đạt Lai Lạt Ma trong tương lai; do đó, ĐCSTQ muốn kiểm soát và thậm chí xóa sổ tu viện này.
Ông Lehberger viết trong một bài báo được phát hành trên trang web Usanas năm ngoái (2021): “Một mục tiêu khả dĩ của Trung Quốc trong một ‘cuộc chiến luân hồi’ có khả năng xảy ra như vậy có thể là phá hủy hoặc thâu tóm tu viện quan trọng này ở Tawang, nhằm ngăn chặn việc một Đạt Lai Lạt Ma trong tương lai vốn sẽ được nhận diện hoặc giáo dục tại thánh địa này.”
“Cái gọi là địa chính trị luân hồi thực sự là lý do chính khiến CHND Trung Hoa dần dần tăng cường yêu sách đầy tranh cãi đối với thị trấn này và tu viện cổ Tawang kể từ năm 2008.”
Ông nói rằng Cơ quan Quản lý Nhà nước về các vấn đề Tôn giáo và Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của chính quyền Trung Quốc có các kế hoạch dài hạn nhằm phá vỡ mọi quá trình tìm kiếm và nhận dạng vị Đạt Lai Lạt Ma tái sinh trong tương lai.
“Để chặn trước hành động như vậy của Trung Quốc, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Mười Bốn đã có lúc tiên tri rằng ‘sự tái sinh của ngài sẽ xuất hiện ở một quốc gia tự do.’ Điều này có thể có nghĩa là vào một thời điểm trong tương lai, một vị Đạt Lai Lạt Ma thứ Mười Lăm trong tương lai rất có thể cũng được tìm thấy trong các cộng đồng dân tộc Tây Tạng của Ấn Độ ở Ladakh, Himachal Pradesh, Sikkim, và Arunachal Pradesh ở dãy Himalaya,” ông Lehberger nói, đồng thời lưu ý rằng các bang của Ấn Độ này là nơi sinh sống của các cộng đồng nói tiếng Tây Tạng bản địa.
Bản tin có sự đóng góp của Venus Upadhayaya và Reuters
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times