Chuyên gia: Cuộc chiến gây mất ổn định của Trung Quốc ở Nam Á là để làm suy yếu Ấn Độ
Theo các chiến lược gia, cuộc chiến gây mất ổn định của Trung Quốc tại các quốc gia Nam Á như Nepal, Sri Lanka và Maldives đang ở giai đoạn phát triển tăng cường. Họ nói rằng các hoạt động chiến tranh không hạn chế này là để bảo đảm quyền bá chủ của Trung Quốc ở sân sau của họ, nơi họ muốn thúc đẩy các nghị trình của mình và chống lại các đối thủ như Ấn Độ, một đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Quan niệm về chiến tranh gây mất ổn định (đưa một đất nước từ trạng thái trật tự đến vô trật tự) đã có từ hai thiên niên kỷ trước trong thời Chiến Quốc của Trung Quốc, theo Chuẩn tướng David R. Stilwell (đã về hưu), cựu phó giám đốc Ngũ Giác Đài phụ trách các vấn đề chính trị-quân sự ở Á Châu và trợ lý ngoại trưởng phụ trách văn phòng Sự vụ Đông Á và Thái Bình Dương, hiện là thành viên hội đồng cố vấn của Viện Ngoại giao Công nghệ Krach tại Đại học Purdue.
“Tôn Tử đưa tư tưởng này vào cuốn sách ‘Nghệ thuật Chiến tranh’ (hay Binh pháp Tôn Tử) của ông bằng cụm từ ‘Không Đánh mà Thắng (Giành chiến thắng mà không cần Xung đột Vũ trang).’ CHND Trung Hoa sử dụng quan niệm này cho cả nước lớn lẫn nước nhỏ nhưng kỹ thuật thì khác nhau,” ông Stilwell nói, sử dụng từ viết tắt tên chính thức của chính quyền Trung Quốc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ông Mark Herman thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chống Phổ biến Hạt nhân tại Đại học Quốc phòng đã định nghĩa mất ổn định hay hỗn loạn (entropy) là “sự xuống cấp ngày càng trầm trọng của một hệ thống” trong một bài báo cách đây hai thập niên (pdf). Về mặt quân sự, ông cho biết đây là một thước đo đo lường “sự mất tổ chức và kém hiệu quả của kẻ thù”.
Ông Stilwell cho biết để hiểu chiến tranh chính trị của Trung Quốc, vốn đồng nghĩa với chiến tranh gây mất ổn định, tại các quốc gia nhỏ ở Nam Á này, thì quan trọng là phải hiểu được vị trí địa lý của những quốc gia này đối với Trung Quốc.
“Nepal là quê hương của ít nhất là một số người trong Cộng đồng Kiều bào Tây Tạng, mà Bắc Kinh rất muốn đưa về đại lục (nơi họ có thể bị bịt miệng). Sri Lanka và Maldives đều có thể được sử dụng để đe dọa an ninh của Ấn Độ và họ điều phối các tuyến đường biển chở năng lượng đến Trung Quốc từ Phi Châu và Trung Đông,” ông nói.
Bà Cleo Paskal, một thành viên cao cấp của Tổ chức Bảo vệ các Nền dân chủ, cho biết cuộc chiến gây mất ổn định của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong một khu vực thường tập trung vào một kẻ thù lớn hơn mà chế độ này tìm cách kiểm soát thông qua các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực láng giềng.
Bà Paskal nói với The Epoch Times trong một thư điện tử, “Để Trung Quốc có thể chiếm và nắm giữ Đài Loan — một mục tiêu chính đã được tuyên bố của ĐCSTQ — thì Trung Quốc phải có ‘sự an toàn’ trong một vành đai rộng xung quanh Đài Loan. Khu vực đó bao gồm rất nhiều Quốc Đảo Thái Bình Dương. Nếu không thể kiểm soát những quốc gia đó, thì Trung Quốc cần có khả năng kiềm chế họ hoặc làm họ mất ổn định đến mức họ không còn là một mối lo ngại nữa.”
“Tương tự như vậy, nếu Trung Quốc muốn kiểm soát những khu vực cao trên dãy Himalaya — một ưu tiên kể từ thời Mao Trạch Đông — cũng như Ấn Độ Dương (nơi mà nhiều nguồn cung cấp then chốt của Trung Quốc đi qua), thì họ phải có thể kiểm soát, hạn chế hoặc gây bất ổn cho Ấn Độ,” bà nói thêm đề cập đến nhà lãnh đạo đầu tiên của ĐCSTQ, ông Mao Trạch Đông.
Trong vài năm qua, Ấn Độ và Trung Quốc đã có nhiều cuộc đối đầu dọc biên giới tranh chấp, trong đó có một vài vụ đụng độ bạo lực, một cuộc tranh cãi kéo dài nhiều thập niên kể từ khi ĐCSTQ chiếm Tây Tạng vào những năm 1950 dưới thời ông Mao Trạch Đông.
Bà Pascal nói rằng giấc mộng kiểm soát dãy Himalaya và Ấn Độ Dương của ông Mao đã đưa hai quốc gia này vào thế đối đầu trực tiếp và những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiềm chế Ấn Độ đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều vấn đề cho các nước láng giềng xung quanh Ấn Độ, cùng nhiều thứ khác.
“Trung Quốc đã có một ‘Người anh em Keo sơn’’ ở Pakistan, nhưng các mục tiêu khác là Nepal, Sri Lanka và Maldives,” bà cho biết.
Chính vì những lý do tương tự mà khi chính phủ Tổng thống Trump định hình chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của họ, thì họ đưa vào việc “củng cố Ấn Độ và bảo đảm thương mại không bị trở ngại ở Ấn Độ Dương’ là những mục tiêu chính. Đó cũng là lý do tại sao chính phủ Tổng thống Trump trực tiếp nêu bật mối đe dọa của Trung Quốc trong những cam kết của họ với các nước láng giềng của Ấn Độ, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tổ chức nghiên cứu này lưu ý rằng chính phủ Tổng thống Biden đã duy trì chính sách này nhưng với một vài thay đổi.
Sức mạnh toàn diện của quốc gia
Theo các nhà phân tích, các chuyên gia cho biết cuộc chiến tranh không giới hạn hoặc cuộc chiến gây mất ổn định của Trung Quốc được xác định bởi điểm số “sức mạnh toàn diện của quốc gia” (CNP), đây là một giá trị mà ĐCSTQ đo lường theo kinh nghiệm đối với mỗi quốc gia để xác định những gì họ cần để bắt kịp nước đó và đạt được nghị trình của mình.
“Bắc Kinh tuân theo một hệ thống CNP vốn bao gồm ảnh hưởng chính trị, định hướng và uy thế ngoại giao, sự thống trị và kiểm soát kinh tế và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là uy thế về quân sự để bảo đảm các quốc gia trên toàn thế giới đi theo con đường mà ĐCSTQ vạch ra,” Thượng tá Vinayak Bhat (đã về hưu), một chuyên gia về hình ảnh vệ tinh và là một cựu chiến binh tình báo quân đội Ấn Độ, cho biết.
Theo ông Bhat, ĐCSTQ sử dụng nhiều cách thức khác nhau để đạt được mục tiêu của mình, bao gồm gieo rắc sự bất bình trong công chúng thông qua internet và các hãng truyền thông, tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng bằng các khoản vay mềm, cưỡng bách ngoại giao, và gây ảnh hưởng đến giới tinh hoa và chính trị gia thông qua các chiêu thức bí mật và công khai.
Ông Stilwell mô tả chiêu thức sau cùng là “thu nạp giới tinh hoa” và nói rằng ở các quốc gia nhỏ hơn như ở Nepal, Sri Lanka, và Maldives, thì biện pháp này là một phần lớn trong cuộc chiến gây mất ổn định của họ. “Hành động của Bắc Kinh đối với gia tộc Rajapaksa ở Sri Lanka đã được ghi chép rõ ràng,” ông cho biết.
Hai cựu Tổng thống Sri Lanka, ông Mahinda Rajapaksa và ông Gotabaya Rajapaksa đã bị chính phủ Canada trừng phạt trong tháng này vì “những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống” trong suốt nhiệm kỳ của họ trong cuộc nội chiến giữa chính phủ Sri Lanka và tổ chức Những con hổ Giải phóng Tamil Eelam (LTTE), một nhóm ly khai từ năm 1983 đến năm 2009.
Tổng thống Sri Lanka hiện thời, ông Ranil Wickremesinghe, đã tiếp quản quyền lực từ ông Mahinda Rajapaksa, người giữ chức thủ tướng cho đến tháng Năm trong khi anh trai của ông này, ông Gotabaya Rajapaksa là tổng thống cho đến tháng Bảy. Năm ngoái, gia tộc Rajapaksa đã buộc phải từ chức trong bối cảnh các cuộc biểu tình bạo lực phản đối họ mà khi đó ông Mahinda đã phải nhờ quân đội đưa ông ra khỏi tư dinh chính thức của mình. Ông Ranil Wickremesinghe, một thủ lĩnh phe đối lập ban đầu tiếp quản quyền lực từ ông Mahindra với tư cách là thủ tướng và sau đó được nâng lên làm tổng thống sau khi ông Gotabaya đào thoát.
Ông Rajapaksas công khai ủng hộ các chính sách của ĐCSTQ trên các diễn đàn quốc tế và đầu tư kinh tế của họ vào Sri Lanka và bị cho là chịu ảnh hưởng của chế độ cộng sản. Bà Sulochana R. Mohan, phó tổng biên tập của Ceylon Today, một hãng truyền thông hàng đầu của Sri Lanka, nói rằng Trung Quốc đã thành công trong việc đạt được các nghị trình của họ ở nước này vì “sự thống trị giới tinh hoa” của họ trong nền chính trị Sri Lanka. Bà nói thêm rằng quyền lực ở nước này tập trung vào một số gia tộc chính trị như là gia tộc Rajapaksa, và tiền của Trung Quốc đã giúp họ duy trì quyền cai trị của mình.
“Không có chỗ cho những người còn lại phần lớn vì trong khu vực này thì có tiền đồng nghĩa với có quyền. Bà Mohan nói với The Epoch Times rằng quyền lực, sự giàu có, và địa vị là những yếu tố bảo đảm cho sự cách biệt của giới tinh hoa” trong khi những điều này cũng làm suy yếu nền dân chủ và sự cai trị đất nước, còn người Trung Quốc đã lợi dụng lòng tham này của giới tinh hoa chính trị để thu nạp họ vì lợi ích của mình.
Bà Paskal mô tả Sri Lanka là trường hợp điển hình của việc ĐCSTQ sử dụng tham nhũng và các hợp đồng không rõ ràng để giành quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng chiến lược, nổi tiếng nhất là cảng Hambantota. Cảng này đã được cho Trung Quốc thuê trong 99 năm vào năm 2017 sau khi Sri Lanka không trả được khoản vay 1.4 tỷ USD. Cảng này nằm cách một trong những tuyến thương mại đường biển nhộn nhịp nhất thế giới 10 hải lý.
“Sự bất ổn ở Sri Lanka phần lớn là do các yếu tố mà ở những mức độ khác nhau có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Trung Quốc: tham nhũng, dịch COVID (vốn làm sụp đổ nền kinh tế), và mất mùa (đã trở nên trầm trọng hơn do phân bón kém chất lượng từ Trung Quốc),” bà Paskal cho biết.
Chính phủ Sri Lanka đã nói với cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc chỉ là một “đối tác thương mại”, tuy nhiên, trong khi hoạt động ở Sri Lanka, thì Bắc Kinh hiện đã bắt đầu thách thức Ấn Độ, Nhật Bản, Liên minh Âu Châu, và cả Hoa Kỳ, theo bà Mohan.
Chính quyền ĐCSTQ đã thâm nhập một cách tinh vi vào chính trị địa phương của Sri Lanka trong khi tự cho mình là một “đối tác phát triển lấy người dân làm trung tâm”. Bà Mohan cho biết họ đã thành lập một vài hiệp hội truyền thông, tổ chức, và các dự án [trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp] một cách chiến lược để giành được sự ủng hộ của người dân địa phương, những người đã đánh giá cao “những đóng góp về vật chất và tiền bạc” của họ cho ngành trồng trọt, cộng đồng ngư nghiệp phía bắc, và các lĩnh vực khác trong khi để chính bản thân mình bị “thuộc địa hóa”.
“Ngoại trừ dự án điện mặt trời hỗn hợp ở khu vực phía bắc (vốn không được thông qua một cách nghiêm túc), thì chính phủ Sri Lanka đã không thu hồi bất kỳ dự án nào của Trung Quốc nhưng lại rút lui và gác lại các dự án đã nhận được sự đồng thuận chính thức của Ấn Độ, Nhật Bản, và Mỹ. Rõ ràng là Trung Quốc đã gài bẫy Sri Lanka, vì không có quan chức chính phủ, [nghị sĩ], hay thậm chí phe đối lập nào lên tiếng phản đối sự can dự của Trung Quốc vào Sri Lanka, ngoại trừ một vài chính trị gia và nhà hoạt động người Tamil được chọn,” ông Mohan nói.
Nepal và Maldives
Các chuyên gia cho biết những hoạt động của Trung Quốc ở Nepal và Maldives cuối cùng cũng đang nhằm vào Ấn Độ và an ninh của nước này. Vị trí chiến lược của Maldives ở Ấn Độ Dương cũng tạo ra các mối đe dọa đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn.
“Không có gì về người Trung Quốc mà chúng ta không thể đoán được cả; có nhiều khả năng là những điều tương tự sẽ xảy ra ở Maldives và Nepal,” ông Stilwell nói.
Trong một diễn biến chưa từng có vào năm 2020, Nepal đã chấp nhận đề xướng của Bắc Kinh về việc bắt buộc sử dụng tiếng Quan thoại ở một số trường học để đổi lấy việc chính quyền Trung Quốc cung cấp miễn phí giáo viên dạy tiếng Quan thoại do ĐCSTQ tuyển chọn.
“Quyền lực sắc bén thường kết hợp các chiến thuật gây áp lực và cưỡng bách như một phương tiện để can thiệp, kiểm soát và gây ảnh hưởng đến các quyết định của những quốc gia khác,” các nhà phân tích Mansheetal Singh và Shreya Behal cho biết trong một bài bình luận đăng trên trang web của tổ chức Observer’s Research Foundation vào thời điểm đó.
Hai nhà phân tích này nói, “Về mặt này, sự hợp tác mới giữa hai nước sẽ không chỉ thúc đẩy việc giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, mà còn được dùng để thúc đẩy các chính sách và lợi ích của Trung Quốc để vận động quan điểm của người dân thông qua sự kết hợp của văn học, các vấn đề văn hóa và triển lãm.”
Theo hai nhà phân tích, các chương trình Hoa ngữ này ở Nepal đang trở thành một chủ đề gây tranh cãi vì hoạt động này có liên quan trực tiếp đến chính quyền Trung Quốc, và do đó được thể chế hóa để hỗ trợ các mục tiêu chính trị của Bắc Kinh, một số có khả năng chống lại Ấn Độ.
Bà Paskal cho biết Nepal là một quốc gia nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc và bằng cách sử dụng nước này như một đại diện ủy nhiệm, Trung Quốc vừa có thể tấn công Ấn Độ bằng chủ nghĩa khủng bố, buôn lậu, buôn người, và thâm nhập xuyên biên giới, vừa có thể che giấu được nguồn gốc và ý định [của mình].
“Điều đó cũng có nghĩa là sự trả đũa từ phía Ấn Độ có thể bị báo chí Nepal thêu dệt để làm cho mọi người thấy Ấn Độ thuộc về bên phản diện, càng làm chia rẽ hai quốc gia lẽ ra vốn dĩ là bằng hữu,” bà nói.
Ông Bhat nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc có liên hệ mật thiết với Đảng Cộng sản Nepal (NCP) và họ đã bảo đảm rằng đảng ở NePal này vẫn nắm quyền. Tháng 06/2020, NCP cũng tổ chức một cuộc họp trực tuyến với ĐCSTQ để thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm của họ về việc điều hành đảng và chính phủ. Hai nhà phân tích Singh và Behal cho biết những cuộc gặp như vậy giữa hai đảng cộng sản có thể sẽ mở đường cho việc giới thiệu “Tư tưởng Tập Cận Bình” ở Nepal, ý nói đến giáo lý cá nhân của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình.
Cuộc họp này có sự tham gia của các nhà lãnh đạo cộng sản Nepal từ tất cả các tỉnh của nước này trong khi các nhà lãnh đạo ĐCSTQ từ Khu Tự trị Tây Tạng láng giềng cũng tham gia, theo Kathmandu Post.
Năm ngoái (2022), chế độ cộng sản Nepal tiếp tục quyết định từ bỏ Chương trình Đối tác Nhà nước với Hoa Kỳ trong bối cảnh có nhiều tranh luận trong nước về chủ đề này. Đây là một chương trình song phương tập trung vào giảm thiểu thiên tai cho quốc gia thường xuyên bị động đất ở dãy Himalaya này. Tuy nhiên, các nhà phê bình địa phương cáo buộc liên kết đối tác này là một chương trình quân sự bí mật, bất chấp nhiều nỗ lực làm sáng tỏ sự tình của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Kathmandu.
Truyền thông Nepal mô tả đây là sự hợp tác quân sự giữa Quân đội Nepal và Lực lượng Vệ binh Quốc gia Utah của Hoa Kỳ.
Chỉ hai ngày sau quyết định này, ông Lưu Kiến Siêu (Liu Jianchao), người đứng đầu Ban Liên lạc Quốc tế của ĐCSTQ, đã tổ chức cuộc hội đàm với các quan chức cộng sản ở Nepal, ông Pushpa Kamal Dahal và ông K.P. Oli. Chính quyền Trung Quốc đã phản đối dự án của Hoa Kỳ ngay từ đầu và khen ngợi quyết định của Nepal sau khi họ hủy bỏ dự án này.
Ông Bhat cho biết Trung Quốc cũng đã “bảo đảm nguồn cung ổn định đội ngũ nhân viên kỹ thuật lành nghề và thành phẩm cũng như dòng xuất nguyên liệu thô từ Nepal thông qua các dự án cơ sở hạ tầng mới, đặc biệt là đường bộ, đường sắt, đập nước, v.v.” Đầu tư của Trung Quốc vào Nepal chiếm 76.47% tổng đầu tư trực tiếp ngoại quốc trong nửa đầu năm tài khóa 2021-2022, theo hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Nhật báo (China Daily).
Maldives điển hình cho một câu chuyện tương tự về đầu tư và các khoản nợ Trung Quốc, đồng thời cũng đang ngày càng trở thành một chiến địa cạnh tranh ảnh hưởng giữa Ấn Độ và Trung Quốc — nhiều đến mức mà trong một bài phân tích được đăng trên Tạp chí các Vấn đề Quốc tế của Georgetown, chuyên gia Michael Kugelman đã mô tả đây là một trong những “những câu chuyện lớn nhất về địa chính trị Á Châu trong những năm gần đây.”
Ông Kugelman viết rằng Ấn Độ có ảnh hưởng lớn nhất ở Maldives trong 40 năm cho đến năm 2013 khi quốc đảo này bị rung chuyển bởi bất ổn chính trị mà trong thời điểm đó ông Abdulla Yameen, một nhà độc tài với sự hậu thuẫn của Trung Quốc lên nắm quyền. Điều này dẫn đến hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Maldives và việc quốc đảo này tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá hàng ngàn tỷ dollar nhằm củng cố ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Bắc Kinh trên toàn thế giới.
“Maldives cũng là một phần quan trọng của bất động sản chiến lược. Ở Maldives, Trung Quốc đã có thể hợp tác với các phần tử Wahhabi để cố gắng tạo ra rạn nứt với Ấn Độ và đưa ra sự lãnh đạo độc đoán hơn,” bà Paskal nói, đồng thời nói thêm rằng “Bắc Kinh thích những người độc tài vì những lý do rõ ràng”.
Có nhiều người Maldives xa xứ ở Sri Lanka, và bà Paskal cho rằng Trung Quốc đã trả tiền cho họ để bỏ phiếu cho ứng cử viên thân Bắc Kinh. Có hơn 177,000 người Maldives xa xứ ở Sri Lanka, theo một báo cáo năm 2021 của tờ báo Avas của quốc đảo này.
Bà Paskal cho biết: “Trong tình trạng hỗn loạn chính trị, nhóm lợi ích của Trung Quốc đã tìm cách thuê hơn một chục hòn đảo của Maldives, tạo ra một lỗ hổng an ninh lớn cho Ấn Độ.”
Giảm hiệu quả
Ông Stilwell nói rằng về lâu dài, cuộc chiến gây mất ổn định này sẽ kém hiệu quả hơn khi cân nhắc đến lượng thời gian và công sức mà Trung Quốc đã đầu tư vào nỗ lực này.
Đây là do vấn đề này đã và đang ngày càng thu hút nhiều sự chú ý hơn ở các khu vực mà chế độ này nhắm đến, ông cho biết.
“Truyền thông, các tổ chức phi chính phủ, các nhóm nhân quyền, v.v., đang tìm kiếm ảnh hưởng tiêu cực của CHND Trung Hoa và đang phơi bày những tin tức xấu về các nhà lãnh đạo bị bắt quả tang đang đánh đổi lợi ích quốc gia để trục lợi,” ông nói và cho biết thêm rằng ông thường chỉ ra vụ lật đổ Thủ tướng Malaysia Najib Razak do vụ bê bối tài chính 1Malaysia Development Berhad (1MDB), trong đó ông bị cáo buộc bao che khi còn nắm quyền.
Vụ bê bối 1MDB liên quan đến biển thủ quỹ chủ quyền quốc gia và được Bộ Tư pháp Hoa Kỳ mô tả là “vụ ăn cắp tài sản lớn nhất tính đến nay” trong năm 2016. Trung Quốc là bên đóng vai trò quan trọng trong quỹ này, vốn liên quan đến nhà tài chính người Malaysia gốc Trung Quốc Low Taek Jho hiện đang một kẻ chạy trốn bị truy nã bởi các điều tra viên toàn cầu. Người ta suy đoán rằng ông Low đang trốn ở Trung Quốc, mặc dù chế độ này đã phủ nhận việc chứa chấp ông này.
Ông Stilwell cho biết cuộc chiến tranh phá hoại của Trung Quốc có thể được chống lại thông qua chiến tranh thông tin và khi ông còn ở Bộ Ngoại giao, chính phủ Hoa Kỳ đã bắt đầu một số chương trình nhằm mang lại sự minh bạch cho các hoạt động chiến tranh chính trị của CHND Trung Hoa.
“Ông John Garnaut ở Úc đã có câu nói nổi tiếng rằng các chiến thuật chiến tranh chính trị của CHND Trung Hoa là tham nhũng, che đậy, và ép buộc. Giải pháp mà ông ấy nói rất đơn giản: Ánh sáng/sự minh bạch — làm sáng tỏ những giao dịch mà Bắc Kinh không muốn công khai,” ông cho biết.
Theo ông, một giải pháp hiệu quả khác là phơi bày hành vi của ĐCSTQ cho người dân Trung Quốc và cả thế giới nhìn nhận về chính phủ họ như thế nào.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times