Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp đưa ra sáng kiến phối hợp với các chủ nợ của Sri Lanka
Vẫn chưa rõ liệu chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka là Trung Quốc có tham gia nỗ lực này hay không
Hôm 13/04, Nhật Bản, Ấn Độ, và Pháp đã tiết lộ một kế hoạch bắt đầu quá trình đàm phán với các chủ nợ của Sri Lanka để phối hợp trong việc tái cơ cấu nợ của Sri Lanka khi nước này tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế.
Kế hoạch này được công bố sau một cuộc gặp cấp cao giữa các quan chức ba nước bên lề các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới tại Hoa Thịnh Đốn. Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cũng tham gia trực tuyến.
Bộ tài chính Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố: “Các bộ trưởng đã công bố bắt đầu quá trình đàm phán tái cơ cấu nợ ở Sri Lanka dưới sự đồng chủ trì của ba chủ tịch: Ấn Độ, Nhật Bản, và Pháp, để lãnh đạo việc phối hợp về tái cơ cấu nợ của Sri Lanka.”
Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman tái khẳng định cam kết của Ấn Độ trong việc trợ giúp Sri Lanka giải quyết khủng hoảng kinh tế của nước này, đồng thời nhấn mạnh sự hợp tác giữa các chủ nợ nhằm bảo đảm “sự minh bạch và bình đẳng” trong các cuộc đàm phán này.
Trao đổi với các phóng viên, ông Emmanuel Moulin, Cục trưởng Tổng cục Ngân khố, cho biết họ tìm cách tổ chức vòng thảo luận ban đầu với các chủ nợ vào ngày sớm nhất có thể.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết nền tảng này dành cho tất cả các chủ nợ và bày tỏ hy vọng rằng Trung Quốc, chủ nợ song phương lớn nhất của Sri Lanka, cũng sẽ tham gia nỗ lực này.
“Việc có thể bắt đầu quá trình đàm phán này với một nhóm toàn bộ các chủ nợ như vậy được tập hợp lại là một kết quả mang tính lịch sử,” ông Suzuki cho biết, đồng thời hy vọng nền tảng này sẽ là “một trường hợp mẫu” của việc tái cơ cấu nợ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết Bắc Kinh sẽ “tiếp tục trợ giúp các tổ chức tài chính Trung Quốc tích cực tìm ra biện pháp giải quyết vấn đề về nợ.” Tuy nhiên, ông không xác nhận liệu Trung Quốc có tham gia sáng kiến này hay không.
Theo dữ liệu chính thức từ chính phủ nước này, Sri Lanka nợ các chủ nợ song phương 7.1 tỷ USD, với 3 tỷ USD nợ Trung Quốc, tiếp theo là 2.4 tỷ USD nợ tổ chức Paris Club và 1.6 tỷ USD nợ Ấn Độ.
Chính phủ này cũng cần đàm phán lại khoản nợ hơn 12 tỷ USD trái phiếu Âu Châu với các chủ nợ tư nhân hải ngoại và 2.7 tỷ USD cho các khoản vay thương mại khác.
IMF thông qua gói cứu trợ 3 tỷ USD
Theo tuyên bố của IMF, trước đó, IMF đã thông qua gói cứu trợ trị giá 3 tỷ USD cho Sri Lanka trong vòng 4 năm theo Quỹ EFF (Extended Fund Facility, quỹ được sử dụng để trợ giúp các nước gặp vấn đề về cán cân thanh toán trong trung hạn), trong đó 333 triệu USD sẽ được giải ngân ngay lập tức.
IMF đặt mục tiêu khôi phục “sự ổn định kinh tế vĩ mô và tính bền vững về nợ của Sri Lanka, giảm thiểu tác động kinh tế đối với người nghèo và người dễ bị tổn thương, bảo vệ sự ổn định của khu vực tài chính, đồng thời tăng cường quản lý và tiềm năng tăng trưởng.”
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết: “Sri Lanka đang phải đối mặt với những thách thức to lớn về kinh tế và xã hội với suy thoái kinh tế nghiêm trọng trong bối cảnh lạm phát cao, dự trữ cạn kiệt, nợ công không bền vững và mức độ dễ bị tổn thương của khu vực tài chính tăng cao.”
Bà nói thêm: “Để Sri Lanka vượt qua cuộc khủng hoảng này, việc khai triển nhanh chóng và kịp thời chương trình do EFF tài trợ với quyền sở hữu mạnh mẽ đối với các cải cách là rất trọng yếu.”
Very pleased our Executive Board today approved about $3 bn of IMF support for Sri Lanka’s economic policies & reforms. Important milestone w/ int’l creditors coming together to help to restore debt sustainability. Crucial to unlock 🇱🇰 growth potential. https://t.co/8zKJqlMQ7s
— Kristalina Georgieva (@KGeorgieva) March 20, 2023
Bà Georgieva nhấn mạnh sự cần thiết phải “củng cố tài khóa dựa trên doanh thu đầy tham vọng” để khôi phục tính bền vững về tài khóa và nợ trong khi bảo vệ người nghèo và người dễ bị tổn thương.
Bà nói: “Để điều chỉnh tài khóa thành công, các cải cách thể chế tài khóa bền vững về quản lý thuế, quản lý chi tiêu và tài chính công cũng như định giá năng lượng là rất quan trọng.”
Trên Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka Ali Sabry bày tỏ lòng biết ơn đối với sự chấp thuận của IMF, nói rằng: “Đó là một chặng đường dài nhưng nhờ sự làm việc cần cù và cống hiến của mọi người, chúng ta đang trên lộ trình hướng tới những ngày tốt đẹp hơn.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times